Nhớ Andersen

Thứ Tư, 20/04/2011, 14:11
Năm nào cũng thế, cứ vào đầu tháng Tư là tôi lại nhớ tới Hans Christian Andersen, người được mệnh danh là "nhà cổ tích vào hàng số 1 của nhân loại". 

Ông sinh ngày 2/4/1805 và mất ngày 4/8/1875. Ông là tác giả của những truyện cổ tích đã trở nên quen thuộc với chúng ta từ ngày thơ bé: "Nàng công chúa và hạt đậu", "Ba hạt dẻ dành cho Lọ Lem"... Không những thế, ông còn là niềm cảm hứng để nhiều đồng nghiệp hậu sinh viết nên những tác phẩm rất thấm thía về tình người, tình đời.

Cũng lấy làm lạ, càng ở trong thời hiện đại, con người càng quan tâm hơn tới những câu chuyện cổ tích, như những tác phẩm của Andersen. Có lẽ vì chúng ta đang phải đối mặt với quá nhiều xu thế mới nên các bậc trí giả mới càng thấy rõ nhu cầu tạo dựng cuộc sống dựa trên những yếu tố nhân bản cổ truyền, không chỉ của riêng dân tộc mình mà của cả chung nhân loại.

Thực sự, một nền văn minh hiện đại chỉ có thể trở nên bền chắc nếu biết dựa trên một nền móng cơ sở là những yếu tố cổ điển. Andersen với những luân lý quen thuộc của mình trong thiên niên kỷ thứ ba càng trở nên quan trọng vì chỉ ông và những trí tuệ như ông mới có thể giúp lớp người hôm nay sống một cách vô tư và tân tiến nhưng không bị vong bản.

Không giữ những gốc gác cổ tích ấy, con người hiện đại khó có thể bảo toàn được phẩm hạnh của mình trong một thế giới đang bị vật vã bởi quá nhiều những trào lưu tư tưởng và văn hóa đôi khi kỳ dị như hiện nay. Rất nhiều những trích dẫn từ các tác phẩm của Andersen cho tới hôm nay vẫn hôi hổi nóng tính thời đàm.

Thí dụ: "Nhưng vua đang cởi truồng mà!", "Vì cái đẹp thì khổ cũng không sao", "Nơi nào thiếu lời thì âm nhạc lên tiếng", "Du lịch ít khi mở rộng được ý thức", "Những giọt lệ, đó là phần thưởng quý nhất đối với trái tim ca sĩ", "Cuộc sống tự bản thân nó đã là câu chuyện cổ tích tuyệt vời nhất", "Cuộc sống như một giai điệu đẹp, chỉ có các bài ca mới lầm lạc", "Mang lại ích lợi cho thế giới, đó là cách duy nhất để trở nên hạnh phúc", "Tình yêu, đó là ham muốn nồng nàn, nhưng ham muốn đã được thỏa mãn thì sẽ qua đi", "Tôi muốn điều hay cho bạn nên tôi trách bạn - những người bạn chân chính đều đối xử với nhau như thế"...

Nhân vật chú lính chì trong truyện của Andersen từ hàng trăm năm nay đã là niềm hy vọng và tưởng vọng của rất nhiều trái tim. Và càng trong cảnh khốn cùng, chú lính chì của Andersen lại càng giống như một cõi đi về để cho những tâm hồn mơ mộng tu luyện một bản lĩnh làm người. Nhà thơ Hồng Thanh Quang trong một tác phẩm viết dành tặng cho một mỹ nhân đã dựng lại hình tượng chú lính chì như một chỗ dựa cuối cùng cho những ai còn muốn sống không theo các quy luật lầm bụi của cơ chế thị trường:

 "Tôi về lại cùng em từ cổ tích
Những mơ mòng cha mẹ ủ nùi rơm
Thuở ấy chiến tranh mịt mù khói lửa
Giấc ngủ nào cũng dội tiếng bom

Khôn lớn sau những lần săn chuột
Trên cánh đồng vừa gặt những buồn đau
Tôi đã mất bao công tìm chẳng thấy
Chú lính chì để bầu bạn cùng nhau

Tôi đã vẽ trong những đêm cô độc
Đôi môi em mấp máy khúc ca thầm
Gió bấc thổi rỗng trời tháng chạp
Phương tình nào câu hát vẫn căm căm

Nâu sồng lắm những khát khao chậm lớn
Con chuồn chuồn đã mỏi cánh bay cao
Em bé thế vẫn làm tôi nhận thấy
Một dáng hình công chúa mãi xanh xao

Tôi khản gọi lính chì sao chẳng đến
Tứ bề toàn núi thẳm rừng sâu
Chút nữa thôi có thể đà quá muộn
Chẳng ai còn tin Andersen đâu..."

Đúng, nếu những người tử tế không kịp thời tới cùng nhau thì chẳng ai còn tin ở Andersen nữa. Nghĩ về điều này, tôi lại liên tưởng tới một tài năng nghệ thuật khác, nhà thơ từng được phong làm "thi hoàng" nước Bỉ, Maurice Carême. Ông được biết tới như một người chuyên viết thơ cho thiếu nhi với những luân lý cũng có nhiều nét tương đồng như Andersen. Nhưng trong sáng tác của ông, phần tôi quan tâm nhất lại là những bài thơ giản dị viết về những niềm vui trần thế không quá cao xa. Có một bài thơ của Maurice Carême mà tôi đặc biệt thích (bản dịch của nhà thơ Hồng Thanh Quang):

"Chàng đôi khi chẳng biết nói gì,
Nàng tất nhiên lại càng không biết.
Nhưng họ vẫn hiểu nhau được hết,
Nào có cần lời lẽ làm chi!

Chàng không biết mình yêu thực nàng không,
Nàng tất nhiên lại càng không biết.
Nhưng điều đó đã không đủ sức
Gây khó khăn cho họ trên đường.

Chàng không biết phải sống sao đây,
Nàng tất nhiên lại càng không biết,
Nhưng đời họ vẫn đều nhịp bước
Với buồn vui, sướng  khổ của đêm ngày.

Chàng không biết nàng cần chàng đến đâu,
Nàng tất nhiên lại càng không biết.
Chẳng sao cả! Số phận cho đến chết
Đã gắn hai người bền chặt cùng nhau..."

Đã có lần tôi bình bài thơ này như sau:

"Chỉ giản dị thế thôi nhưng đã vẽ nên được một bức tranh về một dạng hôn nhân tưởng như phổ biến nhất nhưng thực ra không dễ gặp. Thông thường, cảnh này ít được ca ngợi trong thơ. Các thi sĩ vì sao đấy thường thiên vị cho những mối tình kiểu Romeo và Juliet, đắm đuối, bạo liệt, lúc nào cũng sôi lên sùng sục, bất chấp kết cục. (Nói của đáng tội, xưa nay người ta mấy ai lưu danh thiên sử  bằng hạnh phúc?!).

Riêng "thi hoàng nước Bỉ" lại chọn nhân vật chính cho bài thơ là một cặp vợ chồng rất đỗi bình thường. Bình thường đến độ không có chút hào quang lãng mạn nào cả. Chàng và nàng ở đây thực giống ai đó quanh chúng ta, thật giống chúng ta trong những phút tĩnh lặng của hôn nhân đời thực. Hai người này còn lành đến độ không rõ có tồn tại tình yêu mà họ dành cho nhau không. Mà nói chung, họ cũng không bao giờ đặt cho mình câu hỏi thuộc dạng "Tồn tại hay không tồn tại?" như Hamlet.

Cái sự không biết đó hoá ra chẳng làm sao cả!  Hồn nhiên như cây cỏ, cặp vợ chồng kia sống vô tư lự như họ có thể, như dòng đời trôi. Họ thậm chí không bao giờ tự hỏi hay hỏi nhau về sự cần thiết của người này đối với người khác. Đơn giản là vấn đề xác định quan hệ không bao giờ nảy sinh trước họ. Chắc là họ phải luôn hài lòng với nhau lắm, luôn "cơm lành, canh ngọt" lắm nên mới có thể gắn bó cuộc đời  "bền chặt cùng nhau" như vậy.

Bạn đọc có thể đặt câu hỏi: Sống vậy có thú vị không? Tôi biết, có những người đàn bà cứ thích hành hạ người đàn ông yêu mình để được thấy nhỡn tiền cái tấm tình nồng nhiệt mà gã trai si dành cho họ thì mới thoả. Họ cứ suốt ngày léo nhéo: "Anh có yêu em không? Yêu nhiều không? Vì sao yêu?". Tôi biết có người quan niệm rằng, yêu nhau lắm phải cắn nhau đau cơ, khác đi thì chán chết(!). Tôi biết, nếu cứ sống bình lặng quá bên nhau thì cuối cùng may mắn lắm chỉ còn hình thức hôn nhân thôi, chứ tình yêu đúng như nghĩa ta hiểu hồi thanh xuân sẽ lặng lẽ "vỗ cánh tung bay" mất hút...

 Tôi biết không ít điều. Nhưng tôi cứ tự hỏi: Nói cho cùng, chúng ta cần gì? Chắc chắn khi tóc đã ngả màu, ai cũng cần hôn nhân, cần giữ bền vững cuộc hôn nhân của mình. Còn lúc trẻ, thôi thì mỗi người mỗi khác... Nếu cho tôi chọn, tôi khao khát được như người đàn ông trong bài thơ. Cho đỡ nhọc lòng!

Thế nhưng tôi biết, tôi khó được như thế lắm. Hơn nữa, Maurice Carême chỉ viết được bài thơ trên khi đã trải nghiệm đường đời rồi, đã mệt mỏi rồi. Có lẽ, bài thơ cũng chỉ là mơ ước của ông thôi? Có lẽ, cặp vợ chồng may mắn đó chỉ có trong mơ của ông thôi?".

Đã gần chục năm trôi qua rồi, vậy mà tôi vẫn có cảm giác như tôi mới dịch và viết bài bình thơ trên. Và tôi muốn nói thêm rằng, nhân loại chưa mệt mỏi, chúng ta chưa mệt mỏi, nhưng nhiều lúc vẫn cần những Andersen hoặc Maurice Carême. Hãy cùng nhau học cách tìm ra niềm vui trong những sự bình thường và yên ả... Và được như thế, chúng ta sẽ càng nhớ Andersen hơn...

Bảo Ngọc
.
.