Nhìn vào sự thật

Thứ Sáu, 29/07/2016, 23:41
Và trong bối cảnh hiện nay, sau mấy mươi năm đắm chìm mê mải với bi tráng hào hùng, theo thiển ý của Ngô, là lúc chúng ta phải hết sức dũng cảm nhìn vào sự thật... 


Sinh thời, bậc tài hoa Phùng Quán có bài thơ “Lời mẹ dặn” rất hay, khổ thơ được Ngô trích dẫn lại phổ biến hơn cả, "…Có lần tôi nói dối mẹ/ Hôm sau tưởng phải ăn đòn/ Nhưng không, mẹ tôi chỉ buồn/ Ôm tôi hôn lên mái tóc/ - Con ơi/ trước khi nhắm mắt/ Cha con dặn con suốt đời/ Phải làm một người chân thật/ - Mẹ ơi, chân thật là gì?/ Mẹ tôi hôn lên đôi mắt/ Con ơi một người chân thật/ Thấy vui muốn cười cứ cười/ Thấy buồn muốn khóc là khóc/ Yêu ai cứ bảo là yêu/ Ghét ai cứ bảo là ghét/ Dù ai ngon ngọt nuông chiều/ Cũng không nói yêu thành ghét/ Dù ai cầm dao dọa giết/ Cũng không nói ghét thành yêu/ Từ đấy người lớn hỏi tôi: - Bé ơi, Bé yêu ai nhất?/ Nhớ lời mẹ tôi trả lời/ - Bé yêu những người chân thật…".

Và trong bối cảnh hiện nay, sau mấy mươi năm đắm chìm mê mải với bi tráng hào hùng, theo thiển ý của Ngô, là lúc chúng ta phải hết sức dũng cảm nhìn vào sự thật. Bởi nếu không đủ dũng khí nhìn vào bức tranh hiện thực này, chúng ta sẽ lại tìm cách nói giảm nói tránh và rồi lại luẩn quẩn một vòng bế tắc tuần hoàn.

1. Trong quyển sách mỏng tang có tựa Ba phút sự thật, văn nhân Phùng Quán viết nhiều điều hay về bè bạn, về ký ức, về những đêm mưa câu cá trộm Hồ Tây. Nhưng trang đầu tiên của cuốn sách này, là trang có giá trị tư liệu lẫn tuyên ngôn hơn cả.

Phùng Quán tự thuật, "Trong cuộc đời làm văn của tôi, tôi mắc phải một khuyết điểm trầm trọng là "Diễn đạt dài dòng". Người đầu tiên dạy cho tôi sự hàm súc, cô đọng trong nghệ thuật ngôn từ là một thanh niên Cuba. Anh tên là Angtôniô Ếchxêvania (người anh hùng của Cuba, José Antonio Echevarria) , biệt danh là Măngđana (Mansana, tức Quả táo theo tiếng Tây Ban Nha). Anh mới 22 tuổi, sinh viên khoa Ngữ văn.

Ngày đó đất nước Cuba còn sống dưới chế độ độc tài Batitsta. Thói dối trá, đạo đức giả, lừa bịp được bọn Batítsta chọn làm quốc sách cai trị dân. Quốc sách này được lũ khuyển ưng văn hóa, văn nghệ tô vẽ, dệt gấm thêu hoa, nên ngày càng trở nên độc hại, ru ngủ không ít người Cuba vốn hào hiệp, cả tin, nhiệt tâm và lương thiện.

Măngdana tham gia tổ chức bí mật nhằm lật đổ chế độ Batítsta. Anh cùng với mấy người bạn thân tín trong tổ chức hoạch định một kế hoạch xé toạc bức màn quốc sách lừa mị của bọn độc tài và nói rõ sự thật với nhân dân. Kế hoạch khá mạo hiểm: Đánh chiếm đài phát thanh quốc gia vào giờ phát thanh ca nhạc, giờ mà không một người dân Cuba nào không ngồi bên máy thu thanh. 

Sau khi đã dự liệu tính toán kỹ lưỡng đến cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất trong kế hoạch đánh chiếm, Măngdana cùng với bạn anh biết chắc rằng chỉ chiếm nổi đài phát thanh trong vòng 3 phút, có nghĩa là 180 giây đồng hồ, sau đó bọn bảo vệ dài sẽ tiêu diệt anh…Vậy là bài nói chuyện của anh sẽ phải chấm hết ở giây đồng hồ thứ 181. Anh đặt tên cho kế hoạch mạo hiểm này là "Ba phút sự thật".

Điều làm Măngdana lo lắng nhất không phải là việc đánh chiếm Đài phát thanh, cũng không phải là cái chết. Cái khó là anh phải nói được sự thật với nhân dân chỉ trong vòng ba phút!

Kết quả, Măngdana cùng các bạn anh, với lòng dũng cảm siêu phàm và trí thông minh tuyệt vời của tuổi trẻ, đã thực hiện chiến công thần kỳ này một cách toàn vẹn đúng như kế hoạch đã định: Bài nói của anh chấm hết đúng vào lúc những loạt đạn tiểu liên bắn thẳng vào ngực anh, vào tim anh ở giây thứ 181.

Sau ngày Cách mạng Cuba thành công, Ăngtôniô Ếchxêvania được Nhà nước xã hội chủ nghĩa Cuba truy tặng danh hiệu Anh hùng dân tộc. Chiến công của anh được nhà thơ Nga Xôviết Éptusenkô viết thành bản tráng ca nổi tiếng "Ba phút sự thật". 

Câu chuyện về Măngdana dạy tôi một bài học lớn về nghệ thuật ngôn từ. Cả những đề tài lớn lao nhất như sự thật, như chân lý, đều có thể diễn đạt nó trong vòng 180 giây đồng hồ với điều kiện tác giả phải sẵn sàng đem mạng sống trả giá cho những giây đồng hồ quý báu đó".

Khi đọc lại bài viết này của văn nhân Phùng Quán, Ngô không thể kiềm được sự xúc động. Ngẫu nhiên mà nhớ đến chi tiết về nhân sĩ Trần Quý Cáp thông qua miêu tả của cụ Phan Bội Châu trong cuốn Việt Nam nghĩa liệt sử, viết năm 1918.

"Ông Trần Quý Cáp là Giáp khoa Tiến sĩ người Quảng Nam. Trong thế giới gà lợn mà sinh ra phượng lân, thiệt là một sự lạ! Ông thuở bé cha chết sớm, thờ mẹ rất hiếu. Sở dĩ thi đỗ Tiến sĩ là để chiều lòng mẹ…

… Trước ông là bạn thân của hai ông Phan. Từ khi Phan Chu Trinh đi Nhật về luôn mồm khen ngợi dân trí Nhật-bản và bài khuyến du học văn của Phan Bội Châu lại truyền bá khắp nước; ông phấn khởi nói: "Người ta chỉ sợ không có chí độc lập, nếu có hà tất phải đi Đông". Thế rồi, đi khắp thôn quê thành thị, mưa nắng không nài, để nói chuyện với dân chúng. 

Lúc nói thì kể chuyện từ Đông sang Tây, từ nhỏ đến lớn, vạch rõ các tập tục hủ lậu của nước ta, ngu hèn yếu đuối của dân ta và tỏ ra đau xót. Ông nói như hát như khóc, như cười như mắng. Xét về kết luận là công kích cựu học, khuyến khích dân tộc, khai thông dân trí, đề xướng nhân quyền, chỉ mấy việc ấy thôi.

Minh họa: Lê Phương.

Lúc đầu ông diễn giải, nhân dân ta ít vui lòng nghe, có lúc họ cho ông Bất-nhị đã phát điên, Bất-nhị là tên làng ông. Nhưng ông là một ngôi sao trong học giới có danh vọng lúc bấy giờ, một người quân tử thành thực thuần túy, nên càng được quần chúng tín ngưỡng. Ông đã chuyên làm việc diễn giải nên nhân dân ta cũng hoan nghênh ông. 

Vì thế các cuộc nói chuyện càng lâu càng đông người nghe. Ông lại càng nỗ lực làm việc. Có lúc đang giữa mưa chân không lút bùn, có lúc dưới trời nắng họp người nói chuyện, miệng nói thao thao bất kiệt mồ hôi đầm đìa mà vẫn không dùng quạt nữa".

2. Nhân sĩ nước ta thời nào cũng có, Ngô tin như vậy. Hiền tài nước ta thuở nào cũng có, Ngô đoan chắc như vậy. Trong thuật trị quốc, Ngô nghĩ không thoát khỏi bốn chữ, "Cầu hiền, cầu ngôn". Cầu hiền là khẩn khoản, thuyết phục người đủ tài đức ra dựng xây đất nước. Cầu ngôn, là cầu lời nói thật, lời phản biện để cảnh tỉnh.

Sở dĩ, suốt nhiều số báo gần đây Ngô chỉ quanh đi quẩn lại những câu chuyện này là bởi theo ngu ý của Ngô thì đã đến lúc quan nhân nước ta cần nhìn thẳng vào sự thật. Chỉ có nhìn thẳng vào sự thật thì mới có thể biết được nhược suy ra sao, lòng dân ra sao, để từ đó nếu còn thương giang sơn, nếu còn yêu giống nòi thì nhất tâm sửa đổi. Có đau đớn cũng phải sửa đổi, có tình riêng cũng phải gạt bỏ để sửa đổi.

Các chỉ đạo của Tổng Bí thư vừa qua khấp khởi rất nhiều tín hiệu cho hy vọng. Ngô hiểu là cũng như Ngô, mọi người đều biết vì sao nước ta phải đối diện với nhiều khó khăn như vậy.

Theo báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán trong năm 2015 cho thấy bức tranh về khối doanh nghiệp Nhà nước tiếp tục có nhiều mảng tối bởi tình trạng thua lỗ, mất vốn lên đến nhiều nghìn tỷ đồng. 

Kiểm toán Nhà nước cho biết, nhiều tập đoàn, tổng công ty quản lý nợ chưa chặt, dẫn đến thất thu, quá hạn, nợ khó đòi... Một số đơn vị xóa nợ chưa đủ điều kiện, trích lập dự phòng chưa đúng quy định, nợ tạm ứng tồn đọng nhiều năm với số tiền lớn chưa được thu hồi...

Đó là thông tin đang được loan truyền ở thời điểm này. Có quá nhiều thất thoát ngân sách, mà thất thoát vì lý do gì, vì nguyên cớ gì. Hẳn nhiên, tiền không tự sinh ra và mất đi, chỉ chuyển từ thất thoát ở nơi này sang vinh thân phì gia ở nơi khác. Đây chính là sự triệt tiêu sinh khí của đất nước chỉ vì những mưu toan, kiếm chác cá nhân. 

Điều thật sự bất bình chính là có quá nhiều tiền thuộc ngân sách biến mất, bốc hơi hoặc bị hóa vàng trong lúc lại quá ít người phải chịu trách nhiệm. Tiền mà làm như lá rụng trên rừng, cứ gom lại rồi tha hồ cùng nhau hun khói. Đó là sức khỏe của nền kinh tế mà cứ làm như cha chung không ai khóc, bất cứ cá nhân nào cũng đều có thể thoải mái gây thất thoát, bất kỳ cá nhân nào cũng có thể vô tư gây thua lỗ. 

Miễn sao cố luồn sâu leo cao để nắm vai trò lãnh đạo là mặc nhiên tự cho mình cái quyền sử dụng tiền ngân sách theo ý chí cá nhân. Thậm chí, có cá nhân gây thua lỗ trăm tỷ, nghìn tỷ còn được đề bạt lên vị trí cao hơn.

Là cớ làm sao lại có điều vô lý đến như vậy, là cớ làm sao lại có thể chấp nhận điều vô lý đến như vậy? Bằng mọi cách phải chấp nhận sự thật là thói vô trách nhiệm, tham nhũng đang khiến đất nước trì trệ, thâm hụt, kém phát triển. Và khi nhận thấy sự thật này thì phải cương quyết đấu tranh đến cùng để thanh lọc rồi hướng đến phát triển.

3. Phát súng lệnh của Tổng Bí thư đã được bắn đi, và thái độ hồ hởi của nhân dân như thế nào thì hẳn ai cũng đã rõ. Vấn đề chính là một bàn tay vỗ không kêu, một tiếng trống không vang rền.

Ngô tha thiết mong những quan nhân khác có trách nhiệm hãy lấy đại cục làm trọng, vì bỏ qua cơ hội trên dưới một lòng này thì không biết đến bao giờ chúng ta mới tìm lại được một tương lai tươi mới cho đất nước.

Quan trọng hơn, "Hổ chết để da, người chết để tiếng", lịch sử khi nào cũng khách quan, cũng như nhân dân luôn luôn công bằng.

Ngô Nguyệt Hữu
.
.