Nhậu

Thứ Sáu, 08/01/2016, 19:16
Trong thăm thẳm tư duy của người Việt, rượu là đỉnh cao của tri kỷ. Ngẫu nhiên mà phảng phất dáng dấp của các bậc thần tửu, tiên tửu luận bàn huynh đệ, kiểu như “Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu”, nghĩa là gặp bạn tâm giao uống nghìn chén cũng thấy ít.


Kéo dài mấy trăm năm nay, dần dà dân chơi rút ngắn câu nói ấy thành ngắn gọn hơn, “Không say không về”. Lại còn châm chế, “Say cũng không về”.

1. Có tám nghìn chín trăm bài thơ tán tụng rượu, cũng chừng chừng đó thi nhân văn nhân suốt ngày đắm chìm trong rượu. Thiên hạ ca thán, dìm đời mình trong hũ rượu.

Thi thoảng, vài điển tích giai thoại văn chương miêu tả cảnh thi nhân văn nhân uống rượu say rồi chấp chới qua đời vô cùng diễm lệ. Đến chết vẫn làm con ma phong lưu.

Năm xưa, ngày Ngô còn trẻ, Ngô dại khờ biên mấy chữ luận chuyện rượu, “Mấy trăm triệu người uống rượu, tựu lại chỉ có vài người đáng gọi là biết rượu. Loại Lý Bạch say rượu vấp chân ngã hồ chết đuối, không gọi là biết uống rượu. Thi ca Lý Bạch chỉ có mỗi bài về Dương Quý Phi là thú vị, còn lại thì chỉ đáng là đệ của Đỗ Phủ. Ai tin chuyện Lý Bạch nhảy hồ vớt trăng mà mất thì chẳng khác nào tin chuyện hoa hậu hot girl gìn giữ tiết hạnh cho đến lúc lấy chồng.

Loại Thuần Vu Khôn, uống rượu phải lựa người lựa cảnh để tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu hay chém gió về rượu với Tề Uy Vương còn xoàng. Uống rượu mà dụng lời thì khác nào bảo yêu mà chỉ nói suông. Loại Lưu Linh, đại đại cao thủ thì lại mắc tính xấu. Kè kè một đứa tiểu đồng, dặn “Bố mày say chết, đào hố chôn luôn tại đây”, tưởng là dân chơi. Hóa ra, cứ say lên là cởi truồng nằm ngủ, mà người thì thậm xấu. Uống rượu lại phiền đến mỹ cảm của người khác thì cũng như bình dân học vụ luận chuyện chế tạo đĩa bay. Loại như Hoàng Chương, uống say ôm bàn khóc “Đời vắng em rồi”, hay “Tố của Hoàng nay Tố của ai”. Uống vậy phí cả rượu. Loại như thi sĩ N.B uống say mang con ra ngã tư cho khách lạ thì chán lắm rồi, không muốn nhắc nữa. Loại như văn sĩ T.D uống rượu suông, uống xong khóc cho phận mình lạc thời thì không khác nào người mẫu kể lể chuyện bị chồng bạo hành.

Điểm lại biết uống rượu, có được mấy tay.

Lệnh Hồ Xung trong Tiếu ngạo giang hồ biết uống rượu. Lưng đang bị chém, vẫn cứ uống mà tìm cách cứu người. Nguyễn Công Trứ tiên sinh, từ quan cực phẩm cho đến lính đày chưa khi nào thôi rượu. Khoái hoạt thập phần.

Nhưng đại ca của đại ca phải là Cổ Long văn nhân. Uống đến cháy gan, trước khi chết, viết di chúc “Không nhận tiền phúng điếu, mang rượu đến là được”. Uống đến độ thành hồn ma bóng quế vẫn muốn bằng hữu cạn chén thì đích xác bẩm sinh dân chơi rồi. Còn thể loại mượn rượu đánh người với hoa danh, “Túy quyền”, thì phàm phu hẳn”.

Thật ra, “Mở miệng là đã sai rồi, huống hồ phóng bút ghi chép”, nên bạn đọc đừng cáu gắt hay tranh cãi với Ngô làm gì. Bởi Ngô đã mấy mươi lần tự thừa nhận, bản thân là loại nệ cổ, hủ lậu, kiến văn kém cỏi chỉ được cái mạnh dạn mà khoe khoang sự kém hiểu biết của chính mình.

Minh họa: Lê Phương.

2. Song song với rượu, người ta chế thêm ra bia. Ông Nguyễn Việt Hà lẩm cẩm luận bàn, rượu như người tình cũ, còn bia tươi mới như giai nhân.

Thiệt văn nhân nói gì cũng ngả ngớn như thiếu phụ quạt mồ chồng chóng khô, chứ bia hay rượu gì uống mà không cầu say. Mấy mươi năm trước, Ngô có người bạn đập bàn hào hứng, “Ta uống rượu một đời không mềm môi, uống bia một kiếp không chếnh choáng”. Dứt câu, sang năm đã lên bàn thờ ngắm gà khỏa thân tròn mười mùa rồi. Chai gan mà mất ạ.

Báo giới nước mình năm ngoái loan tin, “Theo báo cáo Hiệp hội Bia rượu nước giải khát VN (VBA) cho thấy, người Việt đã tiêu thụ khoảng 3,1 tỉ lít bia, nếu quy ra tiền là độ 3,1 tỉ USD”.  Một con số thật khủng khiếp. Tuy nhiên, đây chỉ là con số được quy theo dạng văn bản báo cáo về mặt hàng bia, còn nếu tính thêm cả rượu thì không biết số tiền mà nguời Việt đã chi ra nhằm phục vụ cho nhu cầu say xỉn là bao nhiêu?.

Ngô học kém nhất là môn Toán, lại thêm mỗi lần nhắc về tiền là thường tim đập nhanh chân tay run lẩy bẩy, tư duy bị đóng băng luôn, nên tuyệt đối không thể nào biết 3,1 tỉ USD quy ra tiền Việt viết làm sao nữa. Mặc cho mấy lần đọc báo, thấy tòa xét xử những vụ đại án toàn mấy trăm tỉ, mấy nghìn tỉ.

Hồi lâu lâu, Ngô từng tự vấn, người ta nhậu để làm gì, xin trích dẫn lại hầu bạn đọc. “Hẳn, nhậu để tìm say. Mấy gã nhậu mà phải uống thuốc chống say hay sử dụng xảo thuật để trốn vòng thì không đáng gọi là hảo hán. Vậy mới có thơ rằng, “Sợi nào bạc bởi thời gian/ Sợi nào bạc bởi lo toan cửa nhà/ Sợi nào bạc bởi đàn bà/ Sợi nào bạc bởi nhậu mà ăn gian?”. Sợi là sợi tóc ấy, nghĩa là tóc tai trên đầu ấy, không phải là sợi dây thừng đâu. Rượu hay bia gì uống vào cũng say cả. Cơn say đằng đẵng dịu êm. 

Một kẻ ốm yếu say vào phút chốc nhầm mình là Lý Đức ngay, bét nhất cũng thuộc dạng Phạm Văn Mách.

Một kẻ xấu trai say vào nhanh chóng trở thành tài tử Hollywood ngay, bét nhất cũng hóa thân thành nam diễn viên Hàn Quốc đã qua phẫu thuật thẩm mỹ.

Một kẻ thất tình say vào, cười nói rôm rả, tự tin chẳng khác nào lũ Nhị Thế tổ đang tán gái tơ ngay, bét nhất cũng khoái chí như họ Mã nhìn thấy em Thúy Kiều.

Một kẻ vô công rồi nghề say vào khí khái không khác nào đang là đương kim chủ tịch hội đồng quản trị một ngân hàng lớn, bét nhất cũng là tổng giám đốc một tập đoàn to.

Một kẻ nhát như thỏ đế say vào tự cho mình dũng mãnh khác nào Quan – Trương ngay, bét nhất cũng thành Võ Tòng trên đồi Cảnh Dương tiện tay đá một cái, đấm một cái chết lăn quay con cọp dữ.

Khi say, người ta không còn sợ gì cả. Khi say, người ta không còn lo lắng gì cả. Cái lo lắng nhất là phải trả tiền thì thằng bạn chưa say tự biết phải lo, rất không đáng quan tâm.

Ưu thế cực kỳ đặc biệt của người say là không nhớ những chuyện xảy ra xung quanh, như là một người đạt đạo sắp lấy gió rửa tay, lấy mây làm siêu xe vậy. Thập phần khoái hoạt.

Đến độ này, thì xã hội bất ổn hay xã hội thị trịnh có khác gì nhau đâu? Người yêu đang ngồi kế bên hay người yêu vừa mới lấy chồng có khác gì nhau đâu? Giàu sướng hay nghèo khổ thì có khác gì nhau đâu?

Không gọi đó là một công cụ hữu ích để đối phó thì gọi là cái gì cho hợp lý hơn.

Vậy thôi, không nhậu thì biết làm cái gì khác đây.

3. Mấy hôm nay, dư luận lùm xùm ầm ĩ vì câu nói “Giá bảo hiểm y tế dù tăng cũng chỉ bằng 2-3 bữa nhậu” của Tiến sĩ Nguyễn Văn Tiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội khi đề cập về việc tăng giá dịch vụ y tế cũng như bảo hiểm y tế trong năm 2016.

Ngô xin trích nguyên văn, “Nếu chúng ta có thể tiến hành tăng viện phí sớm hơn, trước quý I năm 2016 cũng sẽ tốt vì việc này đã được chuẩn bị suốt 1 năm qua. Việc điều chỉnh diễn ra chậm ngày nào, người bệnh bị thiệt thêm ngày đó, đồng thời chính sách bảo hiểm y tế của chúng ta yếu đi theo. Bởi điều này thuộc về quyền lợi của người bệnh, nếu cứ giữ quyền lợi của họ thì thiệt nhất vẫn là những người có bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, quá trình tiến hành chậm sẽ không khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm y tế, họ trở nên chủ quan với vấn đề chăm lo sức khỏe. Tôi nghĩ rằng, bảo hiểm y tế dù tăng cũng chỉ bằng 2-3 bữa nhậu của người Việt Nam. Nếu chúng ta tiết kiệm hơn, tập trung cho vấn đề sức khỏe cũng sẽ không phải lo cuống cuồng chữa bệnh khi cần”.

Chúng ta đang có quá nhiều nỗi lo từ ngân sách công. Những cơ quan công quyền hết sạch tiền, những bệnh viện công thiếu nợ lương cán bộ bác sĩ… là thứ Ngô đọc được trên báo hằng ngày. Quan trọng hơn, không thể nào đòi hỏi một chất lượng dịch vụ y tế thỏa lòng nếu không chấp nhận chi thêm tiền mua bảo hiểm.

Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra liên quan đến bảo hiểm y tế, Ngô nghĩ, người mua bảo hiểm có quyền nghi ngờ vào chuyện, liệu tăng tiền mua bảo hiểm thì chất lượng dịch vụ đi kèm có tăng theo hay không? Hơn nữa, thay vì thuyết phục người dân chi tiền thêm để mua bảo hiểm bằng những hình ảnh tương lai tương thích, thì Nguyễn tiến sĩ lại để thần khẩu nhập xác phàm, mơ ước hóa thực tế, cuối cùng bột phát ra chữ “nhậu”; lại còn quan ngại “Chi phí bằng 1-2 bữa nhậu”.

Vấn đề định giá cho một bữa nhậu thì vô cùng lắm, thưa Nguyễn Tiến sĩ! Có người nghìn vàng mua một bữa nhậu, cũng có người cóc ổi rượu đế quê hương. Có người ngồi phòng VIP giai nhân rót rượu, có người ngồi vỉa hè tự rót tự nâng ly. Có người nhậu sơn hào hải vị kỳ trân bị bảo, có người cơm nguội cá khô… Cốt yếu, cầu vui thôi.

Có điều, Chính phủ áp dụng mọi biện pháp để ngăn chặn thực trạng nhậu trong cán bộ công nhân viên chức Nhà nước, mà ngài Tiến sĩ lại hồn nhiên ví von kiểu này thì e không tiện lắm. Ngô nói thiệt à.

Xem trọng dân hay coi thường dân, đôi lúc cũng chỉ từ vài nhận định thế này.  Ngô đọc lời Tiến sĩ nói, Ngô buồn quá chắc cũng phải gầy độ nhậu để giải sầu thôi.

Ngô Nguyệt Hữu
.
.