Nhất thiết phải chấn hưng

Thứ Ba, 28/02/2017, 12:16
Trong câu chuyện buồn mang tên đạo đức diễn ra tại Trường Tiểu học Nam Trung Yên, Ngô tôi nghĩ đó là một cơ hội để ngành giáo dục phát động một cuộc chấn hưng.

Chấn hưng để ổn định, chấn hưng để khôi phục niềm tin, chấn hưng để phát triển, chấn hưng để tạo dấu ấn cho người đương nhiệm, để tạo xương sống cho người kế nhiệm.

Chấn hưng điều gì?

1. Ngô tôi điểm lại câu chuyện ở Trường Tiểu học Nam Trung Yên. Một cháu bé học sinh trong giờ ra chơi bị taxi đâm gẫy chân. Theo nội quy của trường, xe ôtô không được lưu thông trong khuôn viên trường, nhưng hôm đó xe taxi đã được sự cho phép lưu thông vào trường bởi vì chở cô hiệu trưởng.

Trần thuật của cô hiệu trưởng, cô hiệu trưởng đi khám bệnh, cô hiệu phó tháp tùng. Do cô hiệu trưởng mệt nên đã đồng ý cho taxi lưu thông vào khuôn viên trường và gây tai nạn cho cháu học sinh.

Sự cố đáng tiếc ấy lẽ ra sẽ được giải quyết êm đẹp nếu như sau đó cô hiệu trưởng thay vì trò chuyện, xin lỗi phụ huynh thì đã tổ chức phát phiếu khảo sát để minh chứng không có chiếc taxi nào vào trường hôm cháu bé gặp nạn. Cô hiệu trưởng muốn mọi thứ quy về hướng, cháu bé mê chơi và ngã gãy chân. Bất chấp, các bác sĩ khẳng định không thể có chuyện cháu bé chạy chơi rồi ngã dẫn đến gãy xương đùi.

Điều đau đớn là 100% kết quả của phiếu khảo sát thừa nhận không thấy có xe taxi vào trường, thừa nhận cháu bé tự ngã gãy chân.

Khi Ngô đọc đến tình tiết này, đột nhiên nhớ đến điển tích Triệu Cao chỉ hươu. Tần Thủy Hoàng băng hà, Nhị Thế tổ nối ngôi, tin dùng Triệu Cao, phong chức Thừa tướng. Triệu Cao uy quyền lấn át Hoàng đế vẫn chưa thỏa, quyết tâm đi canh bạc tất tay.

“Một hôm, Triệu Cao dắt một con hươu vào triều. Trước mặt rất nhiều đại thần, hắn chỉ vào con hươu, nói với Nhị Thế Hoàng đế:

- Thần tìm được một con ngựa hay, dắt tới đây dâng bệ hạ.

Nhị Thế Hoàng đế nhìn, thấy đó chỉ là một con hươu, liền cười, nói với Triệu Cao:

- Thừa tướng thật giỏi pha trò. Đây rõ ràng là một con hươu, làm sao lại nói là con ngựa?

Triệu Cao làm ra bộ không vui, nói:

- Đây là con ngựa hay mà thần tốn rất nhiều công sức mới tìm được, làm sao lại là con hươu? Các vị đại thần đều ở đây, bệ hạ bảo họ nói, đây là con hươu hay con ngựa?

Các đại thần nghe, trong lòng nghĩ không biết Triệu Cao lại giở trò quái quỷ gì. Một số người nhát gan, sợ mang tội với Triệu Cao, tranh nhau trả lời:

- Là ngựa! Là ngựa!

Một số người không muốn nói lời trái lương tâm, nhưng sợ chết, giả câm giả điếc, không nói một lời; một số ít bạo gan, thành thực nói:

- Đây là con hươu, không phải con ngựa.

Triệu Cao kín đáo ghi lại tên những người nói là hươu. Mấy ngày sau, họ đều bị gán vào một tội nào đó, đem giết cả. Từ đó, Triệu Cao thành vua không ngai”.

Minh họa: Lê Phương.

Xét trên thực tế, câu chuyện 100% phiếu khảo sát đều sai sự thật có thể hiểu được, gánh nặng áo cơm, tâm thế thấy cái đúng không dám bảo vệ, thấy cái sai không dám lên tiếng đang là điều diễn ra hằng ngày.

Dẫu vậy, Ngô tôi vẫn thấy vô cùng xót xa, nhất là khi những cháu bé vừa bước chân vào con đường khoa cử đã chứng kiến trọn vẹn một màn nói dối, rồi bị ép làm diễn viên trong màn nói dối ấy để phục vụ cho mưu đồ của người lớn.

Song song với câu chuyện ở Trường Tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội), thì ở Trường Trung học Phổ thông Tầm Vu (Hậu Giang) lại xảy ra vụ ẩu đã giữa thầy giáo và nữ sinh ngay trong giờ học.

Đoạn clip được tung lên mạng internet thật sự khiến đám đông choáng váng, khi chứng kiến thầy giáo và nữ sinh liên tục dùng vở tát vào mặt nhau kèm theo lời nói gay gắt.

Dĩ nhiên đây là hành động bộc phát, cũng dĩ nhiên đây là điều rất đáng tiếc và sẽ bị xử lý nghiêm. Tuy vậy, nếu nhìn tổng thể bức tranh giáo dục trong thời điểm hiện tại thì đang có nhiều điều đáng lo ngại, đang có nhiều vấn đề tồn tại.

Không chỉ là nam sinh đánh nhau quay clip, không chỉ là nữ sinh túm tóc lột áo quần, không chỉ là thấy xâm hại cô giáo nói dối. Còn đó nhiều nhiều câu chuyện ẩn phía sau không gọi thành tên.

2. Giáo dục là rường cột của quốc gia, ai cũng biết điều đó. Một quốc gia muốn văn minh, công bằng, bác ái, thượng tôn pháp luật hay gì gì đấy đều phải khởi nguồn từ con người. Và nếu con người ấy không thụ hưởng một nền giáo dục tiên tiến thì không còn nhiều hy vọng. Không phải vạn sự đều do giáo dục mà nên hay sao. Vì vậy, chấn hưng giáo dục là điều vô cùng cấp thiết.

Chấn hưng bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, đấy chính là dạy cho các cháu sự chân thành. Vạn thứ trên đời này muốn vẹn toàn không thể thoát khỏi cái nghĩa này, theo thiển ý của Ngô.

Phải chân thành trong học tập, phải chân thành trong cuộc sống. Căn nguyên của thành hay bại, của thật thà hay dối trá, của lương thiện hay bất lương đều từ đây mà ra.

Thầy phải chân thành với trò, trò phải chân thành với thầy, con cái phải chân thành với cha mẹ, cha mẹ phải chân thành với con cái. Suy ra rộng hơn ngoài xã hội, công dân phải chân thành với thể chế, thể chế phải chân thành với nhân dân. Từ sự chân thành, mới có thể thấu hiểu, mới có thể đối thoại cùng nhau. Dạy cho nhau tiếng nói thật thà, chỉ là một nội hàm nhỏ thôi trong tổng thể sự chân thành ấy.

Người trong một nước có yêu thương nhau hay không, lá lành có đùm lá rách hay không, trẻ có kính già, già có nhường trẻ hay không cũng không nằm ngoài sự chân thành. Có chân thành thì mới có tin yêu, có chân thành thì mới không có cảnh chạy trường chạy điểm, chạy chức chạy vụ. Có chân thành thì ngay cả trong công tác cán bộ cũng chỉ đề bạt người được việc chứ không đề bạt từ vây cánh, huyết thống, đệ tử, môn đồ.

Cội nguồn sâu xa của hạnh phúc cũng từ chân thành mà hiện hữu, một mối quan hệ phu thê, một mối quan hệ bằng hữu, một mối quan hệ thủ trưởng nhân viên, cán bộ công dân cũng đều phải xây dựng trên sự chân thành này. Ấy chính là lời của tiền nhân, một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ. Nếu không chân thành thì làm sao có thể biết phụng sự, biết gìn giữ tính chính danh, biết sống không chỉ cho ngày hôm nay mà còn cho cả danh tiếng về sau.

Chúng ta không thể dạy cho các cháu sự chân thành nếu như vẫn còn đó nhiều bất cập trong công tác giáo dục, trong các mối quan hệ dích dắc dây mơ rễ má chằng chịt. Chúng ta không thể dạy cho các cháu sự chân thành khi mà cái xấu, cái chưa đúng, cái bao che cho điều gian dối vẫn hiển nhiên tồn tại trong một môi trường nhẽ ra phải vô nhiễm đó là giáo dục. Trong môi trường giáo dục, không có chỗ cho môi trường thương trường, không có chỗ cho môi trường hoạn lộ.

Muốn có được điều này, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo phải chấn hưng sự chân thành ngay trong đội ngũ quản lý và giáo viên, giảng viên. Phải chân thành từ khâu đề bạt, bổ nhiệm, khâu luân chuyển cán bộ.

Người lớn phải học cách chân thành trước khi dạy dỗ các cháu điều chân thành, niềm tin vào sự chân thành.

Khi mà cái sai như điển hình ở Trường Tiểu học Nam Trung Yên còn được bảo vệ thì rõ ràng chúng ta không có quá nhiều hy vọng. Trẻ em như búp trên cành, như trang giấy trắng, búp ấy sẽ ở ra hoa ra sao, trang giấy trắng ấy sẽ được viết lên những gì nếu những người lớn trong môi trường giáo dục còn hành xử thiếu chân thành đến vậy.

Có khó khăn gì đâu một lời xin lỗi thực tâm, có nan giải gì đâu những lần thăm hỏi động viên, có mỏi mệt gì đâu việc cắt cử giúp đỡ cho cháu bé gặp tai nạn có thêm điều kiện để không bị hổng kiến thức nhằm theo kịp bạn bè.

Vấn đề là không có sự chân thành dành cho nhau thì không có gì cả, không có sự chân thành thì làm sao biết đặt mình trong vị trí của người để từ đó xót xa, để từ đó cảm thông, để từ đó khoan dung, để từ đó yêu thương. 

Chính vì không có sự chân thành, nên cá nhân mới nghiễm nhiên cho mình được cái quyền đứng trên người khác, mà đã đứng trên cao thì làm sao còn có thể khom lưng chìa tay để minh chứng tấm lòng của mình.

3. Việc quan trọng nữa là phải lấy lại hình ảnh tôn nghiêm của nhà giáo. Ngô không biết ở Tây ở  Âu như thế nào, nhưng bầu thì tròn ống thì dài, nhập gia tùy tục, nhập giang tùy khúc. Nhất định nhà giáo phải có sự tôn nghiêm, tôn nghiêm ngay chính bản thân mình, tôn nghiêm trong nhà trường, tôn nghiêm trong các mối quan hệ.

Đáng tiếc thay, làm sao nhà giáo có thể gìn giữ sự tôn nghiêm khi mà lẽ đúng sai nhiều lúc lại dựa trên một công việc, một thu nhập.  ËẤy là chưa kể đến đời thuở nào lại có chuyện loan tin giáo viên dạy thêm ngang với loan tin bắt tội phạm, đối tượng xã hội thế này.

Ngô tôi tin rằng những điều mình viết không sáo rỗng, Ngô tôi cũng tin nếu những ai đang làm công tác quản lý giáo dục, công tác giáo dục hiểu rằng họ đang làm một sứ mệnh cao cả, đó là sứ mệnh xây dựng nền móng vững chắc cho hậu sinh để kiến tạo xã hội thì họ sẽ làm được điều ấy.

Điều đơn giản thôi, chấn hưng giáo dục bằng cách dạy nhau một sự chân thành.

Ngô Nguyệt Hữu
.
.