Nhất thiết phải bình tâm

Chủ Nhật, 13/09/2015, 11:58
Suốt mấy tuần nay, Bộ học luôn để lại nhiều tranh luận. Đa phần là những phản ứng của các bậc làm cha làm mẹ đang có sĩ tử ứng thí vào kỳ thi đổi mới của Bộ học.
Là chuyện gió sớm mưa chiều, những khi rỗi rãi, những lúc nhàn hạ. Thích, thì đọc cho biết. Không thích, thì đọc cho vui. Bởi, đời sống là mấy chốc đâu. Vui được lúc nào thì vui, cười được khi nào thì cười. Bạn có đồng ý với quan điểm của tác giả hay không, là chuyện của cá nhân bạn. Văn minh là gì? Văn minh là biết cách tôn trọng: mỗi cá nhân khác nhau, luôn có những tư duy khác nhau.

Ngô biết, có bậc cha mẹ nào lại không sốt ruột khi chứng kiến cảnh con mình thắc thỏm trước cánh cổng trường đại học, lại có cả cảnh chân ngoài chân trong rồi vẫn phải quáng quàng chạy tiếp.

Ngô biết, có kẻ sĩ tử nào lại không hoang mang khi hết ngày này đến ngày kia phải chực chờ mong ngóng.

Không phải gần hai mươi năm về trước, Ngô cũng là sĩ tử sao?

Không phải gần hai mươi năm về trước, cha mẹ Ngô không phải sốt ruột sao?

Có điều, Ngô nghĩ rằng bất cứ sự đổi mới nào cũng cần phải có thời gian để mọi thứ trở nên trơn tru, nhuần nhuyễn.

1. Ngô tôi luôn tâm niệm, một quốc gia muốn thịnh cường, một xã hội muốn phát triển, một cộng đồng muốn văn minh thì giáo dục phải luôn được đặt là trọng tâm. Vạn sự phải xoay quanh, lấy giáo dục làm trung tâm, đó là điều chắc chắn.

Không phải ngẫu nhiên mà tự bao đời nay, giáo dục vẫn được xem là bước khởi đầu của con đường quan lộ cho những cá nhân kiệt xuất. Tất nhiên bây giờ thì có nhiều cách để làm quan, không nhất thiết phải từ khoa cử. Ý Ngô tôi chỉ nhắc nhớ nền móng cốt yếu mà thôi.

Cũng không phải ngẫu nhiên mà nhân sĩ Thân Nhân Trung đã viết trong ký đề danh Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất, “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc Đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết”.

Cũng không phải ngẫu nhiên mà những tiến sĩ được vinh danh trong tông miếu, trên lưng rùa đá trăm kiếp nghìn năm được xưng tụng.

Cũng không phải ngẫu nhiên mà bất cứ bậc làm cha làm mẹ nào, dẫu cực khổ tận cùng, dẫu nghèo khó tận cùng, vẫn luôn ao ước con cái được trọn vẹn theo con đường học thức.

Mặc cho, theo con số thống kê mới nhất thì quốc gia có đến gần 18 vạn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Cử nhân, thạc sĩ có thể được xem là một tầng lớp trí thức mới hội đủ năng lực, điều kiện, sức khỏe nhằm cống hiến. Đáng tiếc, vô thanh vô ảnh, gần 18 vạn cá nhân có năng lực ấy biến thành gánh nặng vì không tìm được việc là để có thể cống hiến chuyên môn đã được đào tạo.  Bất chấp điều đó, vẫn có hàng triệu tử sĩ lao vào cánh cổng đại học một cách hăm hở, nhiệt thành, không cần suy nghĩ hay toan tính. Ai cũng nghĩ rằng, đó thật sự là một cuộc vượt vũ môn mà nếu trót lọt thì sẽ hóa rồng.

Ngô tôi chỉ nghĩ, giả như Bộ học làm tốt công tác tư vấn tuyển sinh trước mỗi kỳ thi, biết đâu sẽ góp phần giảm bớt số lượng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Nhiều tinh hoa bị bỏ rơi. Thật phí công đào tạo, thời gian ăn học, tiền của mẹ cha, kỳ vọng của người thân. Thế nhưng, đây không phải là lỗi của Bộ học. Đây là lỗi do quan điểm trọng chữ hơn trọng chân tay của người Á Đông để lại.

Bao năm trôi qua rồi, Bộ học vẫn chưa có đổi mới gì gọi là khởi sắc theo hướng tích cực. Bất chấp điều đó, Ngô tôi vẫn một lòng một dạ ủng hộ giáo dục. Bởi Ngô tôi vẫn cho rằng, cái mới không phải lúc nào cũng dễ dàng được chấp nhận, cái mới cần phải có thời gian. Nhất là cái mới trong giáo dục, không phải ngày một ngày hai mà có được thành tựu.

Khi Ngô tôi nghe chuyện từ các bậc làm giáo dục lão thành, từ các cây đại thụ trong ngành trồng người than thở về những bất cập xung quanh cơ chế tuyển biên chế, điều chuyển giáo viên, mức lương, thưởng Tết… Ngô tôi rất ái ngại thay lãnh đạo Bộ học, vì Ngô tôi hiểu có những thứ thuộc về cơ chế liên bộ, mà chính lãnh đạo của Bộ học cũng loay hoay không biết phải làm sao.

Minh họa: Lê Phương.

2. Theo thiển ý của Ngô tôi, phải thừa nhận ra những nhà làm giáo dục trực thuộc Bộ học chưa bao giờ ngơi nghỉ về mục tiêu làm sao để nâng cao sự học, chấn hưng dân trí. Xem đây là tiền đề cho sự phát triển của xã hội.

Đáng tiếc, không phải công cuộc đổi mới nào cũng thu được những thành tựu nhất định. Đa phần, các công cuộc đổi mới của Bộ học đều bị rào cản rất lớn từ dư luận, từ đám đông. Đám đông luôn muốn cái trước mắt, đám đông nghĩ rằng giáo dục cũng như trồng ngô vậy. Cứ xới đất, gieo hạt, đợi mưa xuống, nhổ cỏ, chờ vài kỳ trăng là đến hạn thu hoạch.

Như những lần đổi mới khác, kỳ thi tuyển sinh năm nay có thể nói chính là cuộc đại cách mạng của ngành giáo dục. Thay vì tốn nhiều thời gian, tổ chức ít nhất bốn lần thi cho thí sinh, thì những lần thi ấy đã được gộp vào một kỳ thi duy nhất. Điểm số từ kỳ thi này, được xem như là tiêu chí để các trường đại học, cao đẳng xét duyệt sĩ tử có hội đủ năng lực để vào trường hay không?. Sĩ tử cũng có cơ hội để đăng ký nguyện vọng vào trường hợp sức hợp trí. Như đúng cách đây đúng hai năm, vào tháng 9/2013, Thượng thư Bộ học từng tuyên bố, “Bước vào trận đánh, từ tướng lĩnh đến binh lính phải quyết tâm, tin vào chiến thắng, sẵn sàng trả giá. Tôi coi thực hiện đề án đổi mới giáo dục lần này là một trận đánh lớn”.

Đáng tiếc là, khi mọi thứ tưởng chừng như rất thuận lợi thì bất thần như đất trời chuyển cơn giông bão, khi mọi thứ tưởng chừng như rất an yên thì hốt nhiên như bị một cú hồi mã thương. Từ truyền thông cho đến đám đông nháo nhào phản đối, chung quy là cũng bởi sự nôn nóng của sĩ tử, của phụ huynh sĩ tử.

Chứng kiến những tấm ảnh sĩ tử, phụ huynh sĩ tử nộp hồ sơ, rút hồ sơ Ngô tôi rùng mình nghĩ đến những hình ảnh của các cuộc đại di cư  rời khỏi Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc Đại lục để về quê đón Tết của những người nhập cư. Những tấm ảnh mà Ngô được xem, được nhìn trên mặt báo như một điều ám ảnh vậy.

Thế nên không có gì là khó hiểu khi trong phút chốc, Bộ học vô hình trung bị biến thành tấm bia để dư luận, để báo giới thực hiện những cú ném phi tiêu với tần suất ngày càng dày đặc. Không ít thì nhiều, Ngô tôi nhớ đến trận Xích Bích. Khi mà họ Tào tưởng nắm chắc phần thắng thì bất thần bị Tôn - Lưu đánh bại.  Dư luận bị kích động đến độ có một tờ báo được gọi là Giáo dục còn giật title rất kích động, “”Đánh đề” với Bộ Giáo dục, hàng triệu người cầm lấy phần thua”.

Điều này minh chứng cho sự không lường trước đại cục của Bộ học, lại càng minh chứng rõ nét hơn cho sự bất tin tưởng của đám đông vào công cuộc đổi mới mà Bộ học dày công kiến tạo nên.

Ngô tôi nghĩ rằng, có lẽ Bộ học đã thiếu một kênh phản biện vàng thật đúng giá trước khi triển khai sự đổi mới trong kỳ thi quan trọng nhất của sĩ tử này. Bởi, nếu có một kênh phản biện đúng người, đúng chất lượng thì Bộ học đã tránh được những sự xốn xáo đang diễn ra.

Theo chỗ Ngô tôi được biết, muốn kiến tạo một công cuộc đổi mới việc đầu tiên là phải bình tĩnh, phải có tầm nhìn xa, phải mở một con đường thẳng tắp, phải có tính phản biện cho công cuộc này.

Nên khi vừa ra trận, ban đầu càng hào hứng thì về sau càng hụt hẫng.

3. Bộ học cần có thêm thời gian để hoàn thiện sự đổi mới này, đó là điều chắc chắn. Và để Bộ học có thêm thời gian, thì bắt buộc từ sĩ tử cho đến phụ huynh của sĩ tử, cả dư luận và truyền thông phải cho Bộ học một thiện chí.

Một Bộ học cho dù có vạn người siêu việt nhưng nếu không nhận được sự thiện chí của những cá nhân thụ hưởng thành quả của sự đổi mới (nếu có) thì Bộ học vẫn không thể nào thực hiện cho đến đích công cuộc đổi mới được.

Cũng như họ Tào, sau trận đại bại Xích Bích, đã phải xốc lại tinh thần, dưỡng quân tích lương cho những cuộc thảo phạt về sau. Bộ học sau lần ầm ĩ này, nhất thiết phải rút kinh nghiệm sâu sắc, phác thảo những kế hoạch cụ thể, có tầm nhìn xa lẫn những rủi ro thực tiễn để dần hoàn thiện sự đổi mới. Có như vậy, Bộ học mới vượt qua những rào cản để hướng đến mục tiêu tốt đẹp mà Bộ học đang muốn đạt đến.

Ngô tôi trước sau vẫn vậy, vẫn tiên quyết kiên định với quan điểm giáo dục là cốt yếu của quốc gia. Và việc đổi mới giáo dục để tri thức nước ta ngày càng tiệm cận, ngày càng thu ngắn dần với khoảng cách tri thức của các nước tiên tiến, là vô cùng cần thiết.

Nhưng việc đổi mới như Ngô tôi đã trình bày là một công việc cần nhiều thời gian, không phải ngày một hay ngày hai mà thành. Vì thế, cần phải bình tĩnh, suy trước xét sau, tránh những thay đổi đột ngột. Quyết tâm là cần, nhưng quyết tâm phải phù hợp với thực tế.

Như một giai nhân vậy, đã đẹp người cũng phải đẹp nết thì mới đáng với danh xưng là mỹ nhân tự cổ.
Ngô Nguyệt Hữu
.
.