Nhà văn quá nhiều, độc giả quá ít

Thứ Bảy, 22/08/2009, 08:55
Nữ văn sĩ Susan Sontag (16/1/1933 – 28/12/2004) là một trong những đại diện xuất sắc nhất của nền văn học Mỹ đương đại. Sinh thời, bà đã thực hiện một bài phỏng vấn kỳ thú với gương mặt gạo cội của nền văn học Argentina, Jorge Luis Borges (24/8/1899 – 14/6/1986), trong đó đề cập tới những vấn đề rất quan trọng của sứ mệnh nhà văn.

Nhân dịp kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của Borges, xin giới thiệu nội dung bài phỏng vấn đó nhằm cung cấp thêm một tư liệu tham khảo cho những ai quan tâm tới "chuyện bếp núc" của làng văn.

Susan Sontag: Tôi thật muốn nghe Borges giải thích, có ý nghĩa thế nào đối với chính ông sự ảnh hưởng mà ông đã tạo nên đối với biết bao nhiêu nhà văn khác, dẫu tôi cũng không rõ, liệu ông có hình dung ra được một cách thực tế sự ảnh hưởng đó không. Bởi lẽ Borges luôn luôn nói về các tác phẩm của mình một cách khiêm nhường đến vậy...

Jorge Luis Borges: Đó không phải là khiêm nhường, đơn giản là tôi tư duy một cách tỉnh táo. Tôi rất ngạc nhiên với việc tôi nổi tiếng. Tôi chưa từng ngờ tới một chuyện gì tương tự như vậy. Việc này tới với tôi khi tôi đã ngoài 50 tuổi xa rồi. Bất ngờ mọi người phát hiện ra tôi và tôi thôi là một người xoàng xĩnh như tôi đã từng trước đó.

Nhà văn Jorge Luis Borges.

Giờ tôi đã quen với việc nổi tiếng và điều đó buộc tôi phải cố gắng quá sức. Tôi rất ngạc nhiên bởi sự rộng lòng chung ấy; đôi khi tôi có cảm giác như tôi đang đại diện cho một dạng mê tín nào đó khá là phổ biến hiện nay. Và bất cứ lúc nào cũng có thể tòi ra rằng tôi là kẻ mạo danh. Nhưng dù trong bất cứ trường hợp nào cũng chỉ là kẻ mạo danh không cố ý.

Susan Sontag: Ông rất hay trầm trồ về những nhà văn khác, đặc biệt là những nhà văn của quá khứ...

Jorge Luis Borges: Và đặc biệt là những nhà văn của nước Mỹ trong quá khứ mà tôi phải hàm ơn đến vậy. Khi tôi nghĩ về New England và về số lượng nhiều đến thế những người tuyệt vời mà New England đã dâng tặng cho thế giới (có lẽ chỉ có những thầy chiêm tinh mới có thể lý giải được hiện tượng này), tôi lại bắt đầu hồi nhớ tới họ: Emerson, Melville, Thoreau, Henry James, Emily Dickinson và nhiều người khác nữa... Nếu không có họ hẳn cũng đã không có chúng ta... Bởi lẽ chúng ta ở một mức độ nào đó cũng là sự phản chiếu của chùm tinh tú ấy của New England.

Susan Sontag: Nhưng thoạt đầu ông đã quan tâm tới văn học Anh hơn?

Jorge Luis Borges: Phải, nhưng cuốn tiểu thuyết đầu tiên mà tôi được biết trong đời là "Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn" của Mark Twain, rồi tôi mới đọc "Cuộc chinh phục Mexico và Peru" của Prescott. Cho tới bây giờ tôi vẫn biết ơn họ...

Tôi có cảm giác là ảnh hưởng tới nhà văn là tất cả quá khứ của nhân loại nói chung. Chứ không chỉ là nền văn hóa của riêng một đất nước nào, không chỉ ngôn ngữ riêng lẻ nào và thậm chí cả những tác giả mà họ chưa hề đọc nhưng vẫn tới cùng họ thông qua tiếng nói, vì tiếng nói là một sự vật mang tính mỹ học và nó chính là tác phẩm của hàng nghìn người.

Susan Sontag: Nền văn học nào, ngoài của Anh và Mỹ, khiến ông quan tâm?

Jorge Luis Borges: Đó trước hết là toàn bộ nền văn học của vùng Scadinavia, các tráng ca, các tác phẩm văn học cổ Island... Hãy nhớ rằng tất cả các nền văn học đều tuyệt vời. Thật buồn chán nếu hình dung thế giới lại thiếu Verlaine hay Hugo. Mà tại sao chúng ta lại tước bỏ của mình một cái gì đó?

Để trở thành một kẻ kham khổ về thư viện thì để làm gì? Các thư viện cho chúng ta niềm hạnh phúc thường trực, trong tầm tay. Còn nếu như tôi trở thành Robinson Crusoe, thì cuốn sách mà tôi mang theo lên hoang đảo sẽ là "Lịch sử triết học phương Tây" của Bertrand Russell và có lẽ với tôi như thế đã là đủ. Dẫu rằng tốt hơn nhiều nếu tôi được mang theo một cuốn bách khoa toàn thư nào đó.

Bởi lẽ, đối với một người tò mò và nhàn cư như tôi, sự đọc hay nhất là đọc bách khoa toàn thư. Dù đó là bộ bách khoa toàn thư cổ kính như của Plinius hay một trong những bộ mới như Bách khoa Toàn thư Anh hay Bách khoa Toàn thư châu Âu, đó toàn là những bộ sách vô giá.

Susan Sontag: Thể loại văn học nào mà ông muốn sáng tác hiện nay?

Jorge Luis Borges: Đó là thể loại mà tôi đang viết. Tôi đang viết những bài thơ ngắn và các truyện ngắn. Tôi thích chúng lắm và tôi cảm thấy một nhu cầu nội tâm là phải dâng hiến mình cho chính các thể loại này chứ khác đi, chúng sẽ truy đuổi tôi. Và chỉ khi đã làm xong công việc, tôi mới có thể chuyển sang một thứ gì khác. Sắp tới tôi sẽ in tập "Bảo lãnh" với khoảng 30-40 tác phẩm ngắn. Tôi không rõ chúng có được hay không, liệu có quá kiểu cách hay không.

Susan Sontag: Ông luôn luôn thích những thể loại ngắn...

Jorge Luis Borges: Edgar Poe có lần đã bảo, nói chung trong tự nhiên không hề tồn tại một bài thơ dài nào cả.

Susan Sontag: Nhưng cũng vẫn có cái gì đó như một câu chuyện dài. Cái mà chúng ta gọi là tiểu thuyết.

Jorge Luis Borges: Thông thường là tôi không thể chịu đựng được việc chinh phục thể loại này. Ngoại lệ đối với tôi chỉ là "Don Kihote", Conrad và Dickens. Còn nói chung, ngay cả những tiểu thuyết lừng danh nhất như tiểu thuyết của Thackeray hay Flauber tôi đều không chịu đựng nổi. Thật tiếc...

Susan Sontag: Một trong những hiện tượng lạ lùng nhất của thời chúng ta, đó là sự thích thú chung đối với văn học Nhật Bản.

Jorge Luis Borges: Đúng, tôi bây giờ cũng đang học tiếng Nhật, nhưng nó quả thực phức tạp quá... Những ngôn ngữ Tây phương của chúng ta cách nó quá xa, như tiếng Tây Ban Nha cách xa tiếng thổ dân da đỏ Guarani.

Tiếng Nhật rất giàu có sắc thái, vì thế có thể đọc vài ba bản dịch của một bài Haiku và tất cả chúng cùng một lúc đều hoàn toàn khác nhau và đều chuẩn xác. Đó chính là vì nguyên bản không đơn giản một cách anh minh (như văn xuôi của Henry James vậy).--PageBreak--

Susan Sontag: Điều thú vị nhất trong văn học Nhật, theo cảm nhận của tôi, là xu hướng "tiểu hóa".

Jorge Luis Borges: Và sự thấu hiểu giá trị của khoảnh khắc - điều này đập vào mắt ngay trong thơ Haiku. Như thể mục đích của chúng là làm dừng lại khoảnh khắc. Và tôi còn chú ý tới sự thiếu vắng các ẩn dụ. Xuất hiện cảm giác như đối với người Nhật, mỗi một hiện tượng, mỗi một sự vật đều là độc nhất vô nhị; không thể so sánh cái gì với nhau được. Thế còn sự tương phản thì thực nhiều.

Susan Sontag: Ông muốn nói rằng, nhiệm vụ của ẩn dụ là kéo dài khoảnh khắc?

Jorge Luis Borges: Tất nhiên là thế. Và có cảm giác là, trái ngược với ham muốn của nền văn học Nhật muốn làm ngưng lại khoảnh khắc.

Susan Sontag: Đại đa số các nhà văn thường xuyên kêu ca rằng họ viết nhọc nhằn quá.

Jorge Luis Borges: Đâu phải thế. Không viết mới là sự nhọc nhằn. Đối với tôi đó là sự hoàn toàn không thể chịu nổi.

Susan Sontag: Hiển nhiên Borges là ngoại lệ rồi. Tôi vẫn thường hay nghĩ: trở thành nhà văn - đó là một thiên chức rất hiếm hoi và rất lạ lùng. Gần như tất cả những nhà văn mà tôi biết một thứ gì đó về họ (kể cả chính tôi) đều từ ngay nhỏ đã biết họ muốn trở thành ai.

Jorge Luis Borges: Phải, ít ra thì Conrad và De Quincey đã biết như thế; và cả tôi (không phải để so sánh) cũng đã luôn biết rằng, văn học sẽ là số phận của tôi. Tôi đã biết trước là tôi sẽ gắn bó với văn học: hoặc như một nhà văn, hoặc như một độc giả.

Susan Sontag: Thế ông có khi nào nghĩ trước về những cuốn sách mà ông sẽ in không?

Jorge Luis Borges: Không, không bao giờ tôi nghĩ trước về chuyện đó cả. Tôi chỉ nghĩ về khoái cảm được đọc sách và khoái cảm được viết, nhưng in thì không. Không, không bao giờ.

Susan Sontag: Ông có nghĩ rằng ông đã có thể trở thành một nhà văn như Emily Dickinson mà không cần phải in gì khi còn sống cả?

Jorge Luis Borges: Có, nhưng đã làm một bước không mấy hay ho rồi. Có lần tôi hỏi Alfonso Reyes rằng, tại sao chúng ta lại cứ phải in nhỉ, thì Reyes đã trả lời tôi rằng: "Chúng ta in các tác phẩm của mình để khỏi phí đời vào việc sửa đi sửa lại các bản thảo".

Tôi nghĩ rằng ông ấy đã nói đúng. Mỗi lần có sách của tôi được xuất bản, tôi không hề để tâm tới việc chuyện gì xảy ra với nó, tôi tuyệt đối không đọc bất cứ thứ gì được viết về nó, tôi không biết nó có được đón nhận hay không. Tôi chỉ đơn giản là cố gắng mơ ước tới chuyện khác và viết một cuốn sách mới, hoàn toàn khác. Nhưng thường là cuốn sách sau lại trở nên rất giống cuốn sách trước.

Susan Sontag: Có lần người ta đã hỏi Paul Valery rằng, khi nào thì ông biết bài thơ đã được viết xong hay chưa thì ông trả lời: "Đó là khi ông nhà xuất bản tới và mang nó đi".

Jorge Luis Borges: Tôi luôn luôn thấy ngạc nhiên khi người ta nói về việc biên tập lần cuối. Chẳng lẽ có thể giả định rằng tác giả một khi nào đó lại không cho rằng một dấu chấm hay một tính ngữ nào đó là không hợp chỗ ư?Thực phi lý.

Susan Sontag: Tôi cũng cảm thấy là tôi muốn viết lại gần như tất cả các tác phẩm mà tôi đã viết.

Jorge Luis Borges: Còn tôi lại muốn tiêu huỷ đi tất cả những gì tôi đã viết. Có lẽ tôi chỉ thích thú khi cứu lại một cuốn sách - đó là cuốn "Sách của cát" và có lẽ là thêm cuốn "Bí tự". Còn tất cả những tác phẩm khác thì đến lúc quên được rồi và cần phải bị quên lãng.

Susan Sontag: Ông Borges nghĩ thế nào về sự khác nhau giữa văn xuôi và thi ca?    

Jorge Luis Borges: Tôi nghĩ rằng cái chính yếu trong sự khác nhau đó xuất phát từ độc giả chứ không phải từ văn bản tác phẩm. Từ một trang văn xuôi độc giả có thể chờ đợi tin tức, thông tin, luận giải; người đọc thơ về phần mình đã biết rằng thơ phải tác động tới tình cảm của anh ta.

Trong bản thân văn bản thì không có gì khác nhau cả, cái khác là ở trong người đọc, ở tâm thế khác nhau của độc giả. Tôi nghĩ, sách cổ điển, đó không phải là sách được viết theo một kiểu đặc biệt mà là sách được đọc theo một kiểu đặc biệt.

Susan Sontag: Tức là ông thực sự tin rằng, chỉ có những dạng người đọc khác nhau?

Jorge Luis Borges: Có trên đời bao nhiêu độc giả khác nhau thì có bấy nhiêu dạng người đọc khác nhau. Tôi cũng tin rằng, mỗi một trang thơ hay một trang văn xuôi đều độc nhất vô nhị.

Susan Sontag: Vậy thì chúng ta hãy cùng nhau hỗ trợ cho việc mở rộng cộng đồng độc giả.

Jorge Luis Borges: Đúng thế, vì lớp người này đang có nguy cơ bị biến mất. Nhà văn thì bây giờ đang có nhiều nhưng người đọc thì gần như chẳng còn ai. Chúng ta hãy cùng hỗ trợ!

Huyền Linh
.
.