Người tôi ngưỡng mộ

Thứ Ba, 10/03/2015, 14:24
Đắn đo mãi, cuối cùng tôi vẫn chọn cái tít cho bài viết này như thế. Bởi cách đây dăm năm, tôi đã có bài báo trùng tên. Ngẫm lại, cuộc đời trên 40 năm công tác và chiến đấu, tôi đã gặp bao người, trên nhiều lĩnh vực, không ít người đã để lại trong tôi bao ấn tượng sâu sắc, có những người trở thành thần tượng của tôi trên một lĩnh vực nào đó. Bởi thế, thêm một bài viết trùng tên, đâu đã phải là nhiều.

Nhân vật trong bài viết trước của tôi là một chính khách; còn nhân vật trong bài này lại là một nhà tình báo lỗi lạc trong chiến tranh chống Mỹ ở miền Nam.

Ông là Nguyễn Hữu Trí (tên thường gọi là Tư Bốn), Đoàn trưởng Đoàn Tình báo J22, được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang năm 1971 (Anh hùng tình báo thứ 2, sau Anh hùng Đinh Thị Vân).

Thời gian tôi được sống gần ông không nhiều, nhưng biết ông lại từ rất lâu, dễ đến hơn 5 năm (từ giữa năm 1969 tới cuối năm 1974). Biết, là thông qua những bản tin tình báo của ông từ Sài Gòn gửi về căn cứ. Tôi thầm coi ông là thần tượng trong “bình phong chức nghiệp” để bám trụ trong sào huyệt đối phương; trong công tác tuyển chọn, xây dựng mạng lưới điệp viên hoạt động tại nội thành Sài Gòn, với hàng chục đầu mối, trong đó có nhiều người chui sâu, leo cao vào những vị trí quan trọng của chính quyền Sài Gòn và quân lực “Việt Nam Cộng hòa”.

Theo nhận biết của tôi, những năm cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, mạng lưới điệp viên do ông xây dựng và trực tiếp chỉ đạo, số lượng và chất lượng tin tức vào loại nhất, nhì trong các cụm tình báo chiến lược tại chiến trường miền Nam (cả tin chiến lược và chiến thuật).

Những chuyến “hàng khủng”

Đó là từ lóng mà anh em bộ phận nghiệp vụ ở căn cứ chúng tôi thường dùng để chỉ những chuyến giao liên từ Sài Gòn về có nhiều tài liệu. Đã là thông tin tình báo thì không có định lượng cụ thể. Có khi chỉ mấy dòng ngắn ngủi, một vài trang, thậm chí có khi vài trăm trang được chụp thành phim với số lượng hàng chục cuốn.

Sau Tết Mậu Thân 1968, cụm tình báo chiến lược B48 chúng tôi hoạt động tại Bình Dương (Đông Bắc Sài Gòn) được sáp nhập vào B49, bám trụ tại chiến trường Tây Bắc Sài Gòn. Tôi được bổ sung vào bộ phận nghiên cứu, tập hợp tin tình báo của cụm, thông qua các biện pháp kỹ thuật bí mật để chuyển về trung tâm, do ông Võ Hoàng Vân (Ba Vân) phụ trách. Đó là những ngày căng thẳng về công việc, bởi cả bộ phận có 3 người thì một đồng chí hy sinh. Mỗi tuần nhận mấy chuyến “hàng” mà tuần nào cũng có “hàng khủng”, với hàng chục cuộn phim, toàn là phim chưa tráng. Thế là chúng tôi phải tập trung tráng và sấy phim.

Cũng may là đã được đào tạo cơ bản về kỹ thuật ảnh tại Hà Nội, nếu không chỉ cần sơ suất nhỏ để lọt sáng là phim vứt đi, tài liệu quan trọng đến mấy cũng thành vô nghĩa. Phim khô rồi mới dùng kính lúp để đọc, rồi viết ra giấy. Tất cả các công đoạn trên đều thực hiện dưới hầm, trong ánh sáng leo lét của chiếc đèn dầu tự tạo.

Ông Ba Vân cho biết, đây là tài liệu của một lưới điệp báo rất quan trọng. Tất cả tài liệu đều phải ghi chế độ tối khẩn để bằng mọi giá bộ phận vô tuyến điện phải chuyển gấp về trung tâm. Vậy mà phải tới hơn 5 năm sau (cuối 1974) khi từ Bến Tre về căn cứ Lộc Ninh, gặp lại ông Ba Vân, tôi mới biết “lưới điệp báo rất quan trọng” mà ông nói hồi đó là do ông Tư Bốn chỉ huy.

Và phải tới 3 năm sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhân chuyến công tác vào phía Nam, gặp một số đồng đội cũ ở  Đoàn J22, tôi mới hiểu thân thế, sự nghiệp của người mình hằng ngưỡng mộ.

Đoàn trưởng Đoàn Tình báo J22 Nguyễn Hữu Trí.

Ông tuổi Bính Dần (1926), quê ở Gò Công, Mỹ Tho (nay là Tiền Giang)… Tham gia cách mạng năm 1945. Có điều kỳ lạ ở ông là, ngay từ khi tham gia kháng chiến (kể cả chống Pháp và Mỹ), ông luôn gắn bó với những nhiệm vụ bí mật và mạo hiểm. Bôn ba khắp chiến trường Nam Bộ, từ trinh sát viên Khu 7, tới tổ trưởng trinh sát, thuộc phòng tham mưu Khu 8, rồi Trung đội trưởng trinh sát thuộc Phòng tham mưu Khu 9.

Rồi nữa, năm 1949, được đơn vị giao nhiệm vụ vào Sài Gòn “nằm vùng” để xây dựng cơ sở bí mật mua sắm phương tiện, thuốc men như: Điện đài, hóa chất, thuốc nổ, thuốc Tây… chuyển về căn cứ bằng đường dây bí mật. Đồng thời đảm nhận cả nhiệm vụ chuyển nhiều thư từ, tài liệu phục vụ công tác vận động, cảm hóa nhiều trí thức của chế độ Sài Gòn hướng về Cách mạng.

Năm 1953, được rút về làm Trưởng ban Hành chính - Quản trị của Bộ Tư lệnh phân liên khu miền Tây Nam Bộ. Năm 1954, tập kết ra Bắc rồi được cử đi đào tạo tại Trường Sỹ quan lục quân. Năm 1959, tốt nghiệp, được điều về Cục nghiên cứu Bộ Tổng tham mưu (Cục 2, nay là Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng). Sau 2 năm huấn luyện cơ bản nghiệp vụ tình báo, đầu năm 1963, ông được phái vào Sài Gòn hoạt động hợp pháp với nhiệm vụ Tổ trưởng điệp báo.

Nhờ có kinh nghiệm hoạt động bí mật tại Sài Gòn từ kháng chiến chống Pháp, ông nhanh chóng chắp nối với các cơ sở cũ và những người thân của mình. Từ người em ruột Nguyễn Hữu Nghĩa, người vợ chưa cưới của ông là Trịnh Thị Ngọc Sương và em ruột của bà Sương là Trịnh Hoàn Châu. Ba người đã trở thành chỗ dựa, cộng sự đắc lực trong lưới điệp báo của ông, giúp ông tạo bình phong chức nghiệp vững chắc cũng như trong công tác phát triển cơ sở bí mật.

Nhờ vậy mà chỉ trong một thời gian ngắn, ông đã xây dựng được hàng loạt cơ sở bí mật tin cậy, phục vụ cho công tác nắm tình hình, phát triển lực lượng và xây dựng cơ sở đặt điện đài bí mật phục vụ công tác liên lạc. Do vậy cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm tháng 11/1963, chỉ trong 2 ngày đầu, ông đã có 3 báo cáo về trung tâm. Có lẽ đó là mạng lưới có báo cáo nhanh và sớm nhất diễn biến tình hình đảo chính.

Khi đã tạo được vỏ bọc vững chắc, ông mở rộng quan hệ tiếp xúc, tuyên truyền, cảm hóa hàng chục sĩ quan, công chức trong chính quyền Sài Gòn thành điệp viên của ta. Có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao nhận thức chính trị, trình độ nghiệp vụ giúp họ có điều kiện chui sâu, leo cao vào những mục tiêu chiến lược quan trọng, đặc biệt là trong Bộ Tổng tham mưu quân lực Sài Gòn.

Một số điệp viên của ông sau này đã trở thành thân cận với nhiều tướng lĩnh như: Trung tướng Trần Văn Minh, tướng Vĩnh Lộc, Trần Ngọc Tám, Đặng Văn Quang; có người sau này đã leo lên tới sĩ quan chủ sự phòng hành chính - quản trị phủ Tổng thống, thuộc diện thân cận với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, tướng Nguyễn Văn Vỹ, Chung Tấn Cang…

Ngoài ra, ông còn chủ động mở rộng quan hệ khai thác thông tin trên nhiều lĩnh vực khác như: Nha quân Pháp, lực lượng không quân, lĩnh vực công giáo, Phật giáo, trí thức, văn nghệ sĩ… Nhờ vậy mà lượng báo cáo của ông rất phong phú, đa dạng, trở thành lưới điệp báo mà số lượng và chất lượng tin tức vào loại nhất, nhì của lực lượng tình báo quân sự giai đoạn cuối thập niên 60 mà thời đó chúng tôi gọi đây là “mỏ tin” trữ lượng lớn.

Biệt tài xóa lộ

Gần 10 năm nằm trong sào huyệt đối phương, xây dựng, chỉ huy mạng lưới điệp viên và cơ sở bí mật với số lượng có thể gọi là dày đặc mà ông Tư Bốn vẫn giữ được bí mật, an toàn cho mình và cả mạng lưới, thật là tuyệt diệu. Ông trở thành thần tượng của tôi là vậy. Quả là nghề đã chọn ông – một năng khiếu bẩm sinh – của nghề bí mật với bao nguyên tắc khắt khe mà nhiều người không dễ gì thực hiện. Đặc biệt là nguyên tắc “cự li đơn tuyến”.

Một điều thú vị mà tác giả bài viết này biết về ông, đó là biệt tài xóa lộ. Năm ấy, một sự cố xảy ra đe dọa an toàn lưới điệp báo của Tư Bốn, đó là giao thông viên cửa ngõ bị bắt trong chuyến hàng từ Sài Gòn về căn cứ với chứng cứ là bản báo cáo của “Minh” (mật danh của Tư Bốn) về tình hình ở Bộ Tổng tham mưu. Với tài liệu này, cơ quan chức năng dễ truy ra nguồn gốc.

Vậy mà mấy tháng sau tất cả vẫn bình chân như vại. Cái tài của Tư Bốn là khi tập hợp báo cáo về trung tâm, ông đã làm “biến dạng” tài liệu để không còn dấu tích gì của nơi xuất xứ và nguồn cung cấp. Có thể từ Bộ Tổng tham mưu; phủ đặc ủy Trung ương Tình báo; cũng có thể từ Phủ Tổng thống, phủ Thủ tướng… Nguồn tin của một người nhưng ông lại gắn cho tới bốn, năm người ở những địa chỉ khác nhau nên đối phương không dễ lần ra tung tích.

Trong bản báo cáo ấy có một đoạn ông ghi như sau: “… Qua “Phan” ở Trung tâm “Z” nói với “Vàng” ở “Tổng hành dinh K”, “Vàng” nói lại với “Minh” ở “Phủ P”… về kế hoạch của Bộ Tổng tham mưu…”. Hồi đó vì mới về B49, tôi tò mò hỏi ông Ba Vân về mấy cái tên mới này. Ông Ba Vân khẽ cười – “Thì vẫn ổng cả chứ ai”. Tôi thốt lên - “Tài! Tài thiệt! Quả là ổng đánh đố tụi nó”.

Có thể nói, đó là một vụ hy hữu trong nghề tình báo – giao thông viên bị bắt có đầy đủ chứng cứ mà cả mạng lưới không ai bị lộ”.

Cuộc tiếp kiến bất ngờ

Cuối năm 1974, sau hơn 8 năm bám trụ hoạt động từ chiến trường Đông và Tây Bắc Sài Gòn rồi tới địa bàn sông nước Bến Tre, tôi được cấp trên điều về Trung tâm của Đoàn J22. “Tổng hành dinh” tại khu vực Lộc Ninh. Gặp gỡ nhiều đồng đội cũ, đặc biệt là ông Ba Vân. Lúc đó ông giữ cương vị trưởng một ban nghiệp vụ của Đoàn. Tôi hỏi thăm về nhân vật chỉ huy điệp báo huyền thoại, mới biết ông đã là thủ trưởng đoàn. Căn cứ chỉ huy chỉ cách chúng tôi chừng một cây số. Vậy mà cả mấy tháng trời tôi vẫn không có cơ hội gặp mặt.

Một buổi sáng đầu tháng 1/1975, ông Ba Vân thông báo cho tôi: “Trực ban A10 (Văn phòng Đoàn J22) nói đầu giờ chiều anh sang gặp anh Tư Bốn có việc gấp”. Thế là mấy tiếng đồng hồ tôi sống trong tâm trạng thắc thỏm đợi chờ một cuộc tiếp kiến bất ngờ với một nhân vật đặc biệt mà tôi hằng mong ước.

Sau khi thăm hỏi tình hình chiến trường Bến Tre, gia đình, quê quán, sức khỏe,… ông đi vào nội dung chính ngay: “Tôi kêu đồng chí sang vì có một việc quan trọng và quyết định giao việc này cho đồng chí. Có một cán bộ nội thành cần ra Hà Nội gấp theo yêu cầu của Trung ương. Đồng chí này sức khỏe yếu, chưa từng đi bộ trong rừng, vì lý do đặc biệt không thể đi theo đường hàng không. Tới Hà Nội an toàn với thời gian sớm nhất, đòi hỏi trách nhiệm của đồng chí rất nặng nề…”.

Vị cán bộ nội thành ấy chính là ông Đặng Trần Đức (thường gọi là Ba Quốc). Nhờ chuyến đi đặc biệt ấy mà sau này tôi đã có một bài viết về ông - Những điều chưa biết về anh hùng Đặng Trần Đức - Vị tướng tình báo hai vợ.

Cám ơn cuộc đời đã tạo cho tôi sự may mắn để cái buổi chiều từ 40 năm trước, cùng một lúc tôi được gặp gỡ hai nhà tình báo lỗi lạc - những người tôi vô cùng ngưỡng mộ. Cuộc gặp gỡ trở thành kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời binh nghiệp của tôi.

Lộc Ninh, tháng 01/1975

Hà Nội, tháng 01/ 2015

Khổng Minh Dụ
.
.