Người thơ, nhìn từ những mắt thơ

Chủ Nhật, 10/01/2010, 16:07
Trong văn chương Việt Nam trung cận đại - một nền văn chương về cơ bản là vận động theo những nguyên tắc mỹ học của Nho giáo - đã có khá nhiều tác giả bàn đến những khái niệm "thơ", "nhà thơ", "bài thơ", "cảm xúc thơ", "chức năng của thơ" v.v... (Chỉ cần lật tập sách "Từ trong di sản" là ta sẽ có trong tay một lượng tương đối lớn những ý kiến loại này).

Lẽ dĩ nhiên, đó là biểu hiện cho sự tự ý thức của văn chương cổ Việt Nam, một yếu tố rất quan trọng để đo mức độ trưởng thành của một nền sáng tác đặt trọng tâm vào các thể loại trữ tình.

Bước sang thời hiện đại, văn chương Việt Nam chuyển từ hệ hình phương Đông sang hệ hình phương Tây, thay cho các thể loại văn thơ phú lục truyền thống là các thể loại mới: thơ, kịch, tiểu thuyết. Trong đó, có thể khẳng định rằng thơ là thể loại đạt được nhiều thành tựu quan trọng hơn cả: cuộc cách mạng thơ ca có tên Thơ Mới đủ là sự chứng thực hùng hồn nhất! Khỏi cần phải diễn giải dài dòng: trên nhiều phương diện, Thơ Mới đã rất khác so với thơ của thời trung cận đại. Trong bài viết này, tôi muốn đề cập tới chỉ một cái khác mà thôi: cái khác khi các nhà thơ của Thơ Mới tự nhìn chính mình như một thi sỹ nhìn một thi sỹ, mượn cách diễn đạt của nhà nghiên cứu văn học Đỗ Lai Thuý, cái khác khi họ nhìn "người thơ" từ những "con mắt thơ".

Có lẽ, không ai nói hay hơn tác giả của "Thi nhân Việt Nam" về một khía cạnh của sự khác biệt này: "Thi nhân ta cơ hồ đã mất hết cái cốt cách hiên ngang ngày trước. Chữ ta với họ to rộng quá. Tâm hồn họ chỉ vừa thu trong khuôn khổ chữ tôi. Đừng có tìm ở họ cái khí phách ngang tàng của một thi hào đời xưa như Lý Thái Bạch, trong trời đất chỉ biết có thơ. Đến chút lòng tự trọng cần để khinh cảnh cơ hàn, họ cũng không có nữa: "Nỗi đời cay cực đang giơ vuốt/ Cơm áo không đùa với khách thơ". Không biết trong khi rên rỉ như thế Xuân Diệu có nghĩ đến Nguyễn Công Trứ, một người đồng quận, chẳng những đã đùa cảnh nghèo mà còn lấy cảnh nghèo làm vui".

Quả có vậy. Thuở trước, nhà thơ, về cơ bản là nhà Nho. Đã là nhà Nho, họ thấm nhuần bốn chữ "an bần lạc đạo". Đã là nhà Nho, họ coi thơ- và văn chương nói chung - là phương tiện để giáo hóa, để chở đạo, để tỏ chí. Rất ít người xem việc làm thơ như một hành động giải trí, mang tính "văn nghệ". Coi làm thơ là một nghề và có thể sống bằng nghề ấy thì tuyệt nhiên không có ai. Nhưng sang đến những thập niên đầu thế kỷ XX thì sự thể đã khác. Nghề in, báo chí và xuất bản phát triển đã làm hình thành một tầng lớp người sống và làm việc châu tuần quanh các tòa soạn báo và các nhà xuất bản, để, theo cách nói của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu: "Buôn văn bán chữ kiếm tiền tiêu". Hóa ra làm thơ cũng có thể có thu nhập.

Tất nhiên, đó là một cái thu nhập còm cõi, còn lâu mới là đủ để nhà thơ trang trải những nhu cầu đời sống tối thiểu của mình và gia đình. Vì thế mà những tiếng kêu ai oán mới cất lên. Không chỉ Xuân Diệu kêu. Nguyễn Vỹ cũng kêu: "Thời thế bây giờ vẫn thấy khó/ Nhà văn An Nam khổ như chó/ Mỗi lần cầm bút nói văn chương/ Nhìn đàn chó đói gặm trơ xương/ Và nhìn chúng mình hì hục viết/ Suốt mấy năm giời kiết vẫn kiết/ Mà thương cho tôi thương cho anh/ Đã rụng bao nhiêu mớ tóc xanh" (Gửi Trương Tửu). Trần Huyền Trân cũng kêu: "Đã có lần khói bếp không lên/ Vợ ngược con xuôi túi hết tiền/ Chồng gục cả lòng trên giấy mực/ Đen ngòm mặt đất tối như đêm/ Trang lại trang máu lẫn mồ hôi/ Từng dòng tay bút đã buông xuôi/ Giữa khi ông chủ buôn văn ấy/ Tiệc rượu lầu cao ngả ngốn cười" (Đời một nhà văn). Và Nguyễn Bính thì cảnh báo con gái: "Nhất kiêng đừng lấy chồng thi sỹ/ Nghèo lắm con ơi, bạc lắm con!" (Oan nghiệt).

Cũng nói về cảnh nghèo, nhưng rõ ràng trong tâm thế của người làm thơ thuở trước không có cái nét chì chiết đau đớn đến như vậy. Họ cao ngạo và khủng khỉnh hơn nhiều, như Nguyễn Công Trứ từng viết trong "Hàn nho phong vị phú": "Ngày ba bữa vỗ bụng rau bình bịch, người quân tử ăn chẳng cần no/ Đêm năm canh an giấc ngáy khò khò, đời thái bình cửa thường bỏ ngỏ". (Xin được thêm một chút cho rõ hơn: trong các trích đoạn thơ Nguyễn Vỹ và Trần Huyền Trân ở trên, các tác giả nói "nhà văn" mà không nói "nhà thơ". Nhưng sự thể không có gì khác: Nguyễn Vỹ và Trần Huyền Trân đều là những bút danh thơ. Vả lại thời ấy có lẽ người ta không thấy cần phải phân biệt rạch ròi nhà văn và nhà thơ, một bộ "Nhà văn hiện đại" của Vũ Ngọc Phan, gọi là "nhà văn" nhưng gồm đủ các "nhà" như ngày nay ta quan niệm: nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà sử học, nhà nghiên cứu văn học v.v..., cứ làm việc với và bằng chữ nghĩa là đủ để gọi là nhà văn).

Nhưng đó chỉ là khía cạnh xã hội học của vấn đề. Xét trên phương diện mỹ cảm, quan niệm về "người thơ" của các nhà Thơ Mới cũng rất khác với thơ trung cận đại. Về đại thể, đó là con người trực tiếp đối diện với thế giới và đối diện với chính mình, đó là con người đã rũ bỏ gánh nặng phải làm một nhà luân lý với thơ và bằng thơ. Hoặc ít ra, đó là con người hoàn toàn tồn tại với tư cách là một cái tôi mang cảm xúc cá thể, chứ không phải một cái tôi đạo lý như trước.

Diễn đạt cách khác, "người thơ" ở đây là người kiếm tìm những trải nghiệm cái đẹp thuần tuý. Anh ta, như Thế Lữ tự bạch trong bài "Cây đàn muôn điệu", sẵn lòng cộng hưởng với tất thảy những tiếng gõ cửa của ngoại giới để được thỏa mãn tận độ các cảm giác của mình, và không cần quan tâm rằng nó có ích hay không có ích: "Tôi là người bộ hành phiêu lãng/ Đường trần gian xuôi ngược để vui chơi/ Tìm cảm giác hay trong tiếng khóc câu cười/ Trong lúc gian lao, trong giờ sung sướng/ Khi phấn đấu cũng như hồi mơ tưởng/ Tôi yêu đời cùng với cảnh lầm than/ Cảnh thương tâm, ghê gớm, hay dịu dàng/ Cảnh rực rỡ, ái ân hay dữ dội... Tôi chỉ là một khách tình si/ Ham vẻ đẹp có muôn hình muôn thể".

Thậm chí, đẩy tới mức cực đoan, có thể nói rằng chính sự vô tư, tính phi mục đích mới làm nên chân dung trọn vẹn của một "người thơ" đích thực, như một số nhà Thơ Mới quan niệm. Xuân Diệu mở đầu tập "Gửi hương cho gió" bằng những câu: "Tôi là con chim đến từ núi lạ/ Ngứa cổ hót chơi... Tiếng to nhỏ chẳng xui chùm trái chín/ Khúc huy hoàng không giúp nở bông hoa/ Hát vô ích thế mà chim vỡ cổ/ Héo tim xanh cho quá độ tài tình/ Ca ánh sáng bao lần dây máu đỏ/ Rồi một ngày sa rụng giữa bình minh/ Tôi réo rắt, chẳng qua trời bắt vậy/ Chiếc thuyền lòng, nước đẩy phải trôi theo/ Gió đã thổi, cho nên buồn phải dậy/ Hồn vu vơ, tội ấy ở mây đèo" (Lời thơ vào tập Gửi hương).

Một quan điểm mang đậm màu sắc duy tâm chủ nghĩa: trở thành nhà thơ, đó là câu chuyện của số mệnh, không thể cưỡng lại được, cũng không thể cố mà được. Và khi đã mang trên mình cái danh phận thi sỹ, không còn cách nào khác, tựa như là con tằm thì phải nhả tơ, là con chim thì phải hót, tự nhiên nhi nhiên, nhà thơ phải trải lòng mình với tất thảy những niềm vui nỗi buồn bằng thơ, cho dẫu mỗi lời thơ ấy buộc phải đánh đổi bằng một phần nào đó của sự sống.

Như nhiều nhà nghiên cứu đã bàn tới, Thế Lữ, Xuân Diệu là những nhà thơ đại diện cho nhánh lãng mạn trên cây Thơ Mới. Vì thế, trong con mắt thơ của họ, "người thơ" hiện diện với tư cách một cái tôi lãng mạn cũng là điều không có gì khó hiểu. Nhưng Thơ Mới không chỉ là lãng mạn. Kể từ nửa cuối những năm 30, khuynh hướng thơ tượng trưng - siêu thực đã xuất hiện, kéo theo nó là những cái nhìn khác, những quan niệm khác về "người thơ".

Trong lời Tựa cho tập "Thơ điên", Hàn Mặc Tử viết: "Ai nói vườn trăng là nói vườn mơ. Ai nói bến mộng là nói bến tình. Người thơ là khách lạ đi giữa Nguồn Trong Trẻo. Trên đầu Người là cao cả, vô biên và vô lượng; xung quanh Người là mơn trớn với yêu đương vây phủ bởi trăm giây quyến luyến - làm bằng êm dịu, làm bằng thanh bai. Gió phương mô đẩy đưa Người đến bến bờ xa lạ, đầy trinh tiết và đầy thanh sắc... Tôi làm thơ? Nghĩa là tôi nhấn một cung đàn, bấm một đường tơ, rung rinh một làn ánh sáng... Tôi làm thơ? Nghĩa là tôi yếu đuối quá! Tôi bị cám dỗ. Tôi phản lại tất cả những gì mà lòng tôi, máu tôi, hồn tôi đều hết sức giữ bí mật".

Và đây, một đoạn trong lời Tựa cho tập "Điêu tàn" của Chế Lan Viên: "Hàn Mặc Tử nói: Làm thơ tức là điên. Tôi thêm: Làm thơ là làm sự phi thường. Thi sỹ không phải là Người. Nó là Người Mơ, Người Say, Người Điên. Nó là Tiên, là Ma, là Quỷ, là Tinh, là Yêu. Nó thoát Hiện Tại. Nó xối trộn Dĩ Vãng. Nó ôm trùm Tương Lai. Người ta không hiểu được nó vì nó nói những cái vô nghĩa, tuy rằng những cái vô nghĩa hợp lý. Nhưng thường thường nó không nói: Nó gào, nó thét, nó khóc, nó cười. Cái gì của nó cũng tột cùng. Nó gào vỡ sọ, nó thét đứt hầu, nó khóc trào máu mắt, nó cười tràn cả tuỷ là tuỷ...".

"Người thơ" của Hàn Mặc Tử là người lạc trong cõi huyền diệu, "người thơ" của Chế Lan Viên là kẻ vẫy vùng trên trời kinh dị. Và cả hai đều thuộc một kiểu nhân cách khác hẳn "người thơ" của những nhà lãng mạn Thế Lữ, Xuân Diệu v.v... Cái khác ở đây thể hiện ở việc nhà thơ vượt thoát khỏi giới hạn của chủ nghĩa lãng mạn duy lý để đặt chân lên bờ cõi siêu thực tại. Họ xem trọng những gì như bất giác đến từ trực giác, từ vô thức, họ đối thoại với người của cõi sống và người của cõi chết. Họ không phản đối xúc cảm trong thơ, nhưng với họ, xúc cảm của những "người thơ" lãng mạn chỉ là thứ "tâm tình thế tục, nông gần", thứ "cảm giác đơn nghèo" và "nỗi lòng nhạt nhẽo". Họ cần một cái gì hơn thế.

Và điều này đã được nói tới trong Bản tuyên ngôn tượng trưng của nhóm "Dạ đài", qua đó hiện lên khá rõ chân dung của một kiểu "người thơ": "Chúng tôi, một đoàn thất thổ, đã đầu thai nhằm lúc sao mờ. Cho nên buổi chúng tôi xuất hiện, chúng tôi để cho tàn suy giấc mơ của những người thuở trước... Chúng tôi sẽ vén cao bức màn nhân ảnh, viết lên: quỹ đạo của trăng sao, đường về trên cõi chết... Chúng ta muốn những cảm giác thâm u mà chúng ta mới chỉ có những thi sỹ của lòng.

Đã đến lúc chúng ta đợi những thi sỹ của linh hồn, những thi sỹ của cái tôi thầm kín. Thế cho nên, chúng tôi - thi sỹ của Tượng trưng, chúng tôi cố đánh thức cái thế giới im lìm đương nằm ngủ ở trong lòng nhân loại. Chúng tôi cố thực hiện một cuộc trở về; chúng tôi cố trở lại cái chúng tôi với tấm lòng khi đất trời khai mở...". Riêng trường hợp này thiết nghĩ cần phải có một ghi chú: "Dạ đài" chỉ ra được một số, và những bài thơ lẻ tẻ trong đó của Trần Dần, Trần Mai Châu, Vũ Hoàng Địch thì chưa thể xem là những minh chứng đáng kể cho những gì họ nói trong Bản tuyên ngôn tượng trưng. Nghĩa là, ở đây có một khoảng cách giữa "người thơ" trong quan niệm và "người thơ" trong thực tế sáng tác.

Mỗi trường phái, mỗi khuynh hướng trong thơ ca dường như đều kéo theo một cái nhìn riêng, xác định về con người thi sỹ, về chức năng xã hội, về diện mạo thẩm mỹ và sứ mệnh nghệ thuật của anh ta. Những gì đã trình bày trong bài viết này có thể xem là một lược đồ sơ sài về "người thơ" nhìn từ những "mắt thơ" của phong trào Thơ Mới được chăng? Sau cách mạng tháng Tám 1945, với những biến động lớn của lịch sử - xã hội Việt Nam, thơ đã vận động theo một hướng khác, quan niệm về người làm thơ của chính những nhà thơ cũng đã rất khác. Tuy nhiên, đó là vấn đề mà người viết không định bàn tới trong bài này

Hoài Nam
.
.