Người mẹ đơn thân vượt khổ đau lặng lẽ

Thứ Tư, 17/04/2013, 09:58

Tôi vẫn nghĩ rằng, tốt nhất là chúng ta được lớn lên trong một gia đình bình thường theo nghĩa truyền thống, có cha có mẹ, có anh có em… Tuy nhiên, có lẽ tôi cũng không phải người cổ hủ nên tôi hoàn toàn không có định kiến gì với những biến đổi trong quan niệm gia đình ở đầu thế kỷ XXI này. Và những cuộc tranh luận gần đây xung quanh một bà mẹ ca sĩ đơn thân khiến tôi nhớ tới một bài thơ của nhà thơ Nga Xôviết lừng danh Konstantin Simonov (1917-1979). Bài thơ có nhan đề là “Đứa con trai”.

Là tác giả của những bộ tiểu thuyết đồ sộ về Chiến tranh thế giới thứ hai nhưng Simonov ở Việt Nam được biết tới trước hết nhờ bài thơ Đợi anh về mà nhà thơ Tố Hữu đã dịch rất thành công từ bản dịch tiếng Pháp. Đó đã là khúc tụng ca với niềm hứng khởi bất tận về lòng chung thủy thời chiến…

Từng đích thân xông pha nơi hòn tên mũi đạn trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (1941-1945), Simonov còn viết nhiều dòng thơ thấm thía khác về những biến thiên trong tình yêu thời chiến. Ông từng lên án rất gay gắt những phụ nữ ở hậu phương nỡ đang tâm phụ tình khi chồng mình đang phải đối mặt với chết chóc ngoài tiền tuyến… Và ông đặc biệt cảm thông và xót xa với những người phụ nữ bạc phận vì những tình huống trớ trêu thời chiến. Nhân vật chính trong bài thơ Đứa con trai chính là một phụ nữ như vậy. Trong bài thơ này, Simonov đã lên tiếng diễn giải hoàn cảnh của người mẹ đơn thân cựu chiến binh vì những khúc mắc chiến tranh đã bắt buộc phải chịu những thiệt thòi không dễ gì bày tỏ.

Bài thơ Đứa con trai như sau:

Anh không trẻ nhưng hiên ngang táo tợn,
Giữa mưa bom bão đạn chẳng nao lòng.
Lính công binh, cùng những người đồng đội,
Bao nhịp cầu anh đã bắc qua sông;
Nhưng ở ngay lối vào Berlin,
Anh đã hy sinh trên bãi mìn sau cuối,
Không kịp trối trăng với người bạn gái,
Không biết mình sắp có con trai.

Người vợ ở Tambov thành góa bụa.
Ở trung đoàn, cô ý tá công binh -
Tình yêu của anh từ năm bốn mốt
Đầy đau thương - cũng còn lại một mình. 

Ôi cô gái đã không suy tính
Số phận mình những tháng ngày sau,
Suốt chiến tranh luôn cùng anh chiến đấu,
Mọi hiểm nghèo chết chóc coi khinh.

Ôi cô gái đã không hề đòi hỏi,
Không cầu xin anh một chút gì,
Nhưng đã lấy thân đỡ anh khỏi đạn,
Anh bị thương - bò cõng anh đi,
Những đêm dài săn sóc anh không ngủ,
Không bắt anh hứa hẹn mai này
Sẽ cưới cô, sẽ ly dị vợ
Hay chia cho một nửa gia tài.

Cô chưa chắc đã xinh đẹp lắm,
Trông thân hình chưa chắc đã giai nhân,
Nhưng có lẽ sức mạnh không ở đó!
Anh nào được thấy cô mặc váy bao giờ.
Cô chủ yếu chỉ mang quân phục,
Mũ ca nô gọn ghẽ trên đầu
Suốt con đường chiến tranh lửa khói
Ầm ầm vang tiếng đạn bom gào. 

Anh thấy cô đẹp nết nào thế nhỉ?
Phải vì cô dũng cảm can trường?
Hay vì cô luôn xót xa người khác?
Hay là vì cô biết yêu thương?

Đúng, cô đã yêu anh vô hạn,
Trao cho anh tất cả cuộc đời.
Đúng thế đấy! Chắc chắn là đúng thế!...|
Dẫu biết anh đã có vợ con rồi. 

Vợ góa của đại tá giờ được lĩnh
Món tiền lương chồng để lại cho mình.
Cậu cả đã có nghề tử tế,
Cô út hơn năm nay đã lập gia đình.

Nhưng đâu đó còn một người phụ nữ,
Chị mang danh người vợ chiến trường.
Chỉ mình chị, chỉ riêng mình chị
Đến bây giờ tay trắng vẫn hoàn không.
Chỉ mình chị và đứa con trai nhỏ
Mới vừa cầm những quyển sách đầu tiên
Vất vả lắm mới đủ quần áo vá
Y tá thời nay, lương mẹ được bao tiền

Mẹ thỉnh thoảng kể chú nghe về cha,
Rằng cha hiền, dũng cảm và bướng bỉnh.
Nhưng chú trên bìa vở của mẹ mua cho chẳng được
Ghi họ cha ở cạnh tên mình.

Dù chú có anh trai và chị gái
Nhưng điều này giúp chú được gì đâu?
Xin thiên hạ đừng nên tàn nhẫn,
Đừng eo xèo làm mẹ chú buồn đau!

Ngay cả nếu mẹ chẳng may lầm lỗi
Trước ai người, nơi nào đó, ngày xưa,
Xin thiên hạ đừng nên tàn nhẫn
Làm vấy bùn tâm trí trẻ thơ!

Đừng đặt điều làm tối đen hồn chú!
Cậu con trai phải được biết rằng
Cha chú đã hy sinh trong chiến đấu
Và trái tim mẹ vỡ hai lần.

Không quên lãng điều chi, không có chồng chính thức,
Không được ai cần đến bây giờ,
Mọi khổ đau mẹ vượt qua lặng lẽ...
Hãy cúi xuống hôn tay, khi các bạn gặp bà
!”.

Theo các nhà nghiên cứu văn học Nga, nguyên mẫu đã gợi cảm hứng cho Simonov viết nên bài Đứa con trai chính là nữ y tá Lidia Zakharova, “người vợ chiến trường” của Nguyên soái huyền thoại Georgi Zhukov.

Phải nói một cách thẳng thắn rằng, là một võ tướng kiệt xuất, Zhukov trong cuộc đời của mình từng gắn bó với khá nhiều phụ nữ. Ông đã lớn tuổi khi lần đầu gặp Lidia vào mùa thu năm 1941, ở thời điểm Cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô đang phải đối mặt với vô vàn hiểm nguy, gần như ở thế nghìn cân treo sợi tóc. Lúc này Zhukov đang mang quân hàm Đại tướng, là Tư lệnh chiến trường. Người tài xế gắn bó cả đời với ông, Aleksandr Buchin, về sau nhớ lại: “Cô gái này xuất hiện trong nhóm công vụ của Tư lệnh trong những ngày chiến đấu phòng thủ Moskva. Với tư cách một nữ y tá quân y, Thiếu úy Lidia Zakharova được phân công phụ trách riêng Đại tướng Zhukov. Nhiều cán bộ trong nhóm của chúng tôi đã bị thay đổi vị trí công tác nhưng Lidia vẫn được ở lại và còn được thăng quân hàm trung úy. Gầy gò, thanh mảnh, cô đã như tia nắng mặt trời sưởi ấm chúng tôi. Và Georgi Zhukov cũng rất gắn bó với cô. Mặc dầu tính cách ông rất nóng nảy nhưng ông lại đối xử với cô vô cùng gượng nhẹ, nâng niu. Và cô cũng không rời ông nửa bước trong bất cứ một tình huống nào. Ngay cả khi ông ra sát tiền tuyến, bỏ chúng tôi ở lại đằng sau thì cô cũng vẫn đi theo sát ông. Bản tính rút rè, bẽn lẽn, Lidia vốn không thể chịu được những sự thô bạo và đôi khi Zhukov đã khiến cô phải trào nước mắt vì những câu nói lính tráng trần trụi của mình, dù ông không giấu giếm là ông yêu cô và rất muốn nâng niu cô…”.

Lidia đã yêu Zhukov bằng một tình yêu vô tư tràn đầy sự ngưỡng vọng và đức hy sinh. Đúng như những câu thơ mà Simonov đã viết:

Ôi cô gái đã không suy tính
Số phận mình những tháng ngày sau,
Suốt chiến tranh luôn cùng anh chiến đấu,
Mọi hiểm nghèo chết chóc coi khinh

Ôi cô gái đã không hề đòi hỏi,
Không cầu xin anh một chút gì,
Nhưng đã lấy thân đỡ anh khỏi đạn,
Anh bị thương - bò cõng anh đi,
Những đêm dài săn sóc anh không ngủ,
Không bắt anh hứa hẹn mai này
Sẽ cưới cô, sẽ ly dị vợ
Hay chia cho một nửa gia tài...”.

Tuy nhiên, khác với nhân vật trong bài thơ của Simonov, Lidia Zakharova sau khi chiến tranh kết thúc vẫn ở lại bên cạnh Nguyên soái Zhukov. Ngay cả khi ông bị huyền chức vì những mâu thuẫn nội bộ trong Điện Kremli và phải xuống Odessa làm Tư lệnh Quân khu, Lidia vẫn đi cùng ông… Vì mối quan hệ với cô mà Nguyên soái Zhukov đã sẵn sàng chịu kỷ luật  trước cấp trên… Năm 1948, trong bản tự kiểm điểm đảng viên để giải trình những lời buộc tội từ một cựu bảo vệ về việc dường như ông đã có quan hệ không đứng đắn với nhiều phụ nữ rồi trao huân chương, huy chương chiến công cho họ, Nguyên soái Zhukov viết: “Tôi chỉ công nhận một sự việc là tôi có mối quan hệ gần gụi với Lidia Zakharova. Nhưng cô ấy đã nhận được huân huy chương không phải từ đích thân tôi mà từ Bộ Tư lệnh chiến trường cùng với các thành viên khác trong Đội Công vụ từng phục vụ tôi trong thời gian chiến tranh… Tôi hoàn toàn ý thức được rằng, tôi đã có lỗi vì đã quan hệ với cô ấy và để cô ấy sống với tôi…”.

Sau khi viết bản kiểm điểm này, Zhukov còn ở với Lidia hơn một năm rưỡi nữa. Hai người chỉ chia tay nhau khi Nguyên soái gặp tình yêu mới của ông, nữ bác sĩ Galina Semenova, về sau đã trở thành người vợ chính thức cuối cùng của ông và sống cùng ông cho tới khi ông qua đời…

* Bản dịch thơ trong bài do nhà thơ Hồng Thanh Quang thực hiện từ nguyên bản tiếng Nga

Linh Vân
.
.