Người hiền của sông Hiền
Từ lâu, Tân Linh đã tự nguyện gắn bó đời mình với đời nghệ sĩ và trân trọng những giá trị của đời nghệ sĩ. Bởi thế, anh đã cho xuất bản tập ký chân dung Những tài năng những số phận viết về Nguyễn Du, Tản Đà, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân, Hoài Thanh, Tố Hữu, Thế Lữ, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Văn Cao, Tô Ngọc Vân, Hoàng Việt, Nguyễn Tài Cẩn, Nguyễn Tài Tuệ, Trần Hoàn, Mịch Quang, Hoàng Cầm, Phạm Tiến Duật, Trịnh Công Sơn, Trần Hòa Bình…
Trong lời giới thiệu, nhà văn Đỗ Kim Cuông viết: “Lối viết nhiều cảm xúc và những nhận định khá tinh tế về văn, thơ, cũng như các lĩnh vực nghệ thuật, chứng tỏ tác giả có vốn sống, vốn tri thức phong phú và tư liệu về nhân vật dồi dào. Mỗi nhân vật của Tân Linh xuất hiện trước người đọc như một bức ký họa chân dung nhiều màu. Ở đó có những vinh quang, những giờ phút huy hoàng, đồng thời có cả những bi kịch, những nỗi đau riêng số phận con người. Anh có cái nhìn nhân hậu, khách quan, rất “thấu tình đạt lý” về những nhân vật đang có những nhìn nhận khác nhau”.
Đấy là những thu hoạch một đời của một người trên cánh đồng chữ nghĩa.
Nhưng Tân Linh không chỉ có báo, có văn.
Từ năm 2002, với tư cách nhà thơ, anh đã cho trình làng tập thơ Tha hương với những câu thơ thật thân phận: “Ga đời ngơ ngác muôn bờ bến/ Bơ vơ ta giữa vạn nẻo người” (Viết ở sân ga); “Đất người chẳng thành quê/ Rượu người đâu cũng nhạt/ Chén tha hương ngất ngưởng uống bên trời” (Tha hương). Đọc những câu thơ này, tôi càng trân trọng Tân Linh hơn và chợt nhớ đến hai câu thơ của một thi sĩ nước ngoài: “Không nơi đâu thánh thiện/ Bằng chính quê hương mình”.
Quê hương với Tân Linh, cụ thể là một miền đất thuộc Quảng Trị (quê Tân Linh ở bờ bắc cầu Hiền Lương). Chính điều này đã trở thành cơn cớ để anh gửi gắm vào bài viết về ca sĩ Tân Nhân - người hát về nỗi đau chia cắt: “Thuở đương là cậu bé chân trần, tôi đã từng lang thang từ nhà đến chân cầu Hiền Lương để xem đồng bào đôi bờ về bến sông Hiền lưu luyến nhìn sang nhau. Cây cầu Hiền Lương bảy nhịp với 186 tấm ván lim lát mặt cầu thôi, nhưng không ai được đặt chân lên từ sau ngày ký Hiệp định Geneva. Chiếc cầu sơn hai màu khác nhau bởi kẻ thù muốn chia cắt lâu dài đất nước…”.
Trong tập thơ Có lẽ mùa xuân có lý riêng (Nhà xuất bản Hội Nhà văn quý 3 năm 2013), Tân Linh đã trở lại với con sông của đời anh qua Sông Hiền thật da diết và máu thịt: “Sông Hiền, ấy là dòng sông đau đớn nhất/ Chảy hai mươi mốt năm không một chuyến đò ngang”. Rồi ông liên hệ với Tế Hanh - một thi sĩ người miền Nam tập kết - tác giả bài thơ nổi tiếng Nhớ con sông quê hương được viết vào thời kỳ đấu tranh thống nhất nước nhà để lấy cảm hứng, viết: “Hồn ông đi đò dọc/ Qua vạn dòng sông Mê”.
Về bi kịch muôn thuở: “Người ta có thể làm điều mình muốn nhưng không thể muốn điều mình muốn” và bi kịch “con người ta sinh ra đã mang trong mình sự chấp nhận”, Tân Linh vẫn có những câu thơ tâm đắc của riêng mình: “Làm sao níu được gió xuân thì” (Bữa ấy người đi đem xuân đi), “Làm sao giữ được xuân” (Chat với mùa xuân), “Ngả nghiêng đêm phiên chợ/ Mai lại về tay không” (Đêm cố nhân), “À ơi… thế thái nhân tình/ Ru con, em tự ru mình đấy thôi” (Nửa đêm nghe hát ru con)… Bên cạnh đó là những câu thơ mang nét triết lý: “Nhân loại sẽ chết dần chết mòn vì không biết buồn đau” (Nghe tin có thuốc chữa buồn đau), “Nước mắt là câu không thốt nên lời” (Sao anh hôn em nước mắt em lại chảy); mang chất phát hiện: “Chữ nhân mang hình ngọn núi cao Phú Sĩ” (Không chỉ gứi cho người Nhật). Riêng hai câu lục bát dưới đây trích từ Người đi rỗng cả giêng hai thật tài tình:
Người đi rỗng cả giêng hai
Trả ta nỗi nhớ ra ngoài thiên thu
Cái sự “đi” mà “rỗng cả giêng hai”, cái “nỗi nhớ” mà ra cả “ngoài thiên thu”, chắc hẳn phải là người có nhiều tâm sự, tâm trạng vượt thoát, mới viết nổi.
Cũng có lúc, Tân Linh “ngoái lại” để thương mình, thương đồng đội mình và thương cho cả kiếp người nữa với sự đồng cảm, sẻ chia rất chân tình, nặng lòng và xa xót:
Thương những đứa không về ngay im súng
Bỏ chúng tôi, nằm lại tuổi hai mươi
Thôi đành vậy mỗi người riêng số phận
Được mất gì cũng một kiếp người thôi(Bạn cũ)
Và cả sự tri âm, tri kỷ sâu sắc nữa:
Ngỡ cay đắng sẻ được vào cay đắng
Cuộc rượu tàn sao vẫn vắng tri âm
Buồn nhân thế chợt một hôm bỏ uống
Thấy đời như là cái ly không(Tri âm)
Tân Linh hiện cố làm cho xong những việc mà lúc nào ông cũng cảm thấy “đang có lửa cháy sau lưng” (nói theo cách nói của nhà thơ Chế Lan Viên), bởi vì ông đang bị bạo bệnh. Một tập trường ca viết về Hiền Lương của Tân Linh với sự quan tâm đặc biệt của nhà thơ Hữu Thỉnh sẽ được xuất bản nay mai.
Đấy là tâm sự và cũng là lời xác quyết của Tân Linh đầu năm 2013. Sau đó không lâu, trong cơn thăng hoa vừa đúng một tuần lễ, Tân Linh đã trải lòng (và cả dằn lòng nữa) để cho sinh hạ trường ca Hiền Lương bảy nhịp với 700 - 800 câu thơ. 700 - 800 câu thơ gan ruột này được Tân Linh viết trên giường bệnh vào tháng 9/2013.
Cũng ngay lập tức, Hiền Lương bảy nhịp được ông vua trường ca Thanh Thảo đón nhận nhiệt tình và đầy sẻ chia. Và cũng không phải vô cớ mà trong lời giới thiệu, nhà thơ Thanh Thảo viết: “Tân Linh là nhà thơ quê Vĩnh Linh (Quảng Trị). Quê của bảy nhịp Hiền Lương. Quê của nỗi đau chia cắt. Đó là tiền đề cho thơ khởi phát. Có lẽ vì sinh ở miền quê quá đỗi đặc biết ấy, mà Tân Linh, vốn là một nhà báo, đã mải mê làm thơ. Và Hiền Lương bảy nhịp là bản trường ca, có thể là đầu tiên của anh, viết dài hơi về cầu Hiền Lương, về nỗi đau 21 năm cắt chia đất nước… Đã có nhiều bài thơ về cầu Hiền Lương, sông Bến Hải của Tế Hanh, Chế Lan Viên, Hoàng Trung Thông, Trinh Đường… rồi bút ký của Nguyễn Tuân cũng được viết ra trong thời kỳ ấy, tất cả là những tác phẩm nổi tiếng, những tác phẩm “đi cùng năm tháng” từ hơn nửa thế kỷ trước…
Năm nay, kỷ niệm 60 năm cầu Hiền Lương, sông Bến Hải trở thành vĩ tuyến tạm thời chia cắt nước Việt Nam, một cuộc chia cắt “tạm thời” kéo dài tới 21 năm, mà nếu không có ngày 30 - 4 - 1975, thì chưa biết sẽ “tạm thời” tới bao giờ?
Bây giờ, có thêm trường ca Hiền Lương bảy nhịp của Tân Linh… Bản trường ca cứ dẫn dắt người đọc đi từ nỗi đau này tới niềm yêu khác, từ mất mát tới khát khao, từ chia lìa đến đoàn tụ… 21 năm, đâu phải là khoảng thời gian ngắn ngủi. Biết bao cuộc đời đã kết thúc ở hai bên cầu Hiền Lương, hai bên bờ Hiền Lương. Những mái đầu trắng khăn tang và những mái đầu bạc vì đợi chờ khắc khoải…
Trong trường ca có những đoạn thơ nghẹn ngào. Đây là một trường ca đầy cảm xúc, nó không cho ta sự bình thản khi đọc, nếu ta là người Việt Nam… Với tôi, những câu thơ dưới đây trong Hiền Lương bảy nhịp là hai điểm nhấn tạo ấn tượng và sự ám ảnh cần thiết.
Đây là hai câu được trích từ Nhịp bốn:
Cầu đi một nửa
Thuyền xuôi nửa dòng…
Đây là 5 câu thơ được trích từ Niệm khúc:
Nếu có một dòng sông chảy suốt đời tôi
Đấy là sông Hiền thao thiết
Sông Hiền
Dòng sông đau đớn nhất
Chảy hai mươi mốt năm không một chuyến đò ngang…
Những chi tiết “Cầu đi một nửa/ Thuyền xuôi nửa dòng”, “Chảy hai mươi mốt năm không một chuyến đò ngang” gợi về sự chia cắt đớn đau, dai dẳng và thường trực nhất.
Chi tiết “một nửa’ (tức bảy nhịp, trong khi cầu Hiền Lương có 14 nhịp) ám chỉ sự chia cắt đất nước qua 21 năm đã từng khiến thi sĩ Trần Vàng Sao phải thốt lên trong một bài thơ tạm coi là bất hủ có tên Bài thơ của một người yêu nước mình được viết cách nay 47 năm:
Đất nước này còn chua xót
Nên trông ngày thống nhất
Cho người bên kia không gọi người bên này là người miền Nam
Cho người bên này không gọi người bên kia là người miền Bắc.
Đến Tân Linh, cái sự chia cắt ấy được viết lại thật cảm động, thành kính và có giá trị như những lời cảnh báo, nhắc nhở dài lâu:
Thời gian phai phôi
Ai nhớ Hiền Lương lưỡi dao chia cắt
Hai mươi mốt năm
Đừng quên một thời đau
Tổ quốc
Đừng quên
Những máu xương cho một ngày Độc lập
Xin đừng quên
Giá của hòa bình…”.
Bằng những trang viết, đặc biệt là những trang viết trong Hiền Lương bảy nhịp đầy trải nghiệm, Tân Linh đã biến phương tiện thành nơi chứng tỏ nhiệt huyết, tâm thế và bản lĩnh của mình. Vô tình, anh trở thành một “tấm gương sống” từ một “nghị lực sống” khác thường và anh trở thành người đã làm được “cái đơn giản, khó làm” như cách nói của Bertolt Brecht - nhà thơ lớn người Đức nửa đầu thế kỷ 20 trong bài thơ Ca ngợi chủ nghĩa cộng sản.
Tôi nghe cái tên Tân Linh từ rất lâu, nhưng gặp anh thì rất muộn. Mãi đến mùa thu năm ngoái, tôi mới gặp anh. Dù chỉ ở lần sơ kiến đầu tiên, tôi đã thấy Tân Linh nói nhiều đến thơ, nói nhiều đến cuộc đời, nói nhiều đến giai đoạn cuối của đời anh. Tôi thấy hiếm có người nào quý từng hơi thở, quý từng những khoảnh khắc sống như anh. Có vẻ như sau nhiều năm “trèo lên cây thời gian, sau khi vin cành bất khả kháng, bám thân bất khả tri, hái quả vui quả buồn, hái quả thua quả thắng”, Tân Linh vẫn thấy mình chưa hẳn “già nua, tàn lụi, phù du”… Có cảm giác rất rõ là dường như anh vẫn như đang “xốc lại đời mình” để làm thêm những việc có ý nghĩa. Tôi cảm thấy gặp Tân Linh lúc nào cũng không muộn.
Và tôi cố tin có một Tân Linh vẫn đang tiếp tục thai nghén những câu thơ đau đáu về “sông Hiền” trong nhiều năm tới với một cách khác, theo cách của anh. Và tin anh mãi là người của sông Hiền.
Mà tại sao không, Tân Linh nhỉ?