Người đạp xích lô tại Boston

Thứ Năm, 11/06/2015, 16:44
Ở Boston có một phần ký ức Hồ Chí Minh được gìn giữ bằng nhiều thế hệ. Ít ai biết rằng thời kỳ đầu bôn ba cứu nước, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã làm việc tại một khách sạn ở thành phố này mang tên Omni Parker.

Một cựu binh Mỹ rất quen thuộc với người Việt là Kevin Bowen - nhà thơ, Giáo sư văn học tại Đại học Massachusetts đã tìm cách thuyết phục  đưa chiếc bàn này về Việt Nam nhưng khách sạn kiên quyết giữ lại. Chiếc bàn làm việc của người ái quốc trẻ tuổi hiện vẫn còn được giữa gìn như một tài sản vô giá.

Trong số những người Boston lưu giữ hình ảnh Hồ Chí Minh còn có Giáo sư, họa sĩ David Thomas. Thời trong quân ngũ 1969 - 1970, David từng có mặt tại chiến trường Pleiku. Chỉ ở Việt Nam đúng 1 năm, nhưng ký ức Việt Nam đi theo ông suốt phần đời còn lại. Ông đã vẽ hơn 50 bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, viết sách về Hồ Chí Minh,  về nghệ sĩ Việt Nam, và hiện nay đang hoàn tất cuốn sách về chất độc da cam.

Căn nhà của David bên ngoài là ngôi biệt thự gỗ truyền thống vùng New England, nhưng bên trong bày biện, treo mắc, nâng niu toàn đồ vật của Việt Nam. Chum sành ngoài vườn, đàn bầu cửa phòng khách, đôi hạc đứng cầu thang, rồng rối nước trên bàn trà, tượng phật nghìn mắt nghìn tay trên tủ, tranh Đào Minh Tri, Lê Quốc Việt, Phan Cẩm Thượng cùng tranh Hàng Trống chim múa hoa cười trên tường. Không chỉ thế, ông còn có một cậu con nuôi là Nguyễn Long Hưng, vốn là một nhà thiết kế, sản xuất phim 3D có tiếng ở Hà Nội.

Chuyện 2 bố con nhà này gặp nhau rất tình cờ. Khi David Thomas mới trở lại Hà Nội cách đây hơn chục năm. David cần một họa sĩ công nghệ số chuyên nghiệp làm  trợ giảng cho dự án Fulbright về phổ cập đồ họa ứng dụng cho giảng viên Đại học Mỹ thuật tạo hình. Khi Long Hưng được giới thiệu với vị giáo sư này, anh băn khoăn rằng chỉ quen tiếng Anh trên văn bản, phần phát âm còn yếu.

Họa sĩ David Thomas chiêu đãi con nuôi Nguyễn Long Hưng một cuốc xích lô tại sân nhà.

David động viên: “Đừng lo con trai. Đâu sẽ vào đó khi ta nói chuyện hàng ngày với nhau. Thế là thành một cặp bài trùng ngộ nghĩnh. Bố thì gầy, con thì bự, nói tiếng Anh bằng tay và dần dần thì cất tay đi. Chưa hết kế hoạch 6 tháng thì Long Hưng đã giật mình khi phát hiện ra mình bỗng dưng  nói tiếng Anh khá lưu loát và có ngữ điệu tự nhiên. Thậm chí, Hưng có vốn từ đường phố và tiếng lóng nhiều đến mức bạn bè ghen tị. Vốn tiếng Anh 6 tháng này chẳng khác nào cái giấy thông hành để Hưng phát triển được công việc với các đối tác Âu, Mỹ.

Những lần trước đi làm việc tại bờ tây Mỹ, Hưng chưa có dịp tới nhà bố nuôi bên bờ đông vì quá xa. Lần này thì dứt khoát phải tới. Bố David đang ngày đêm mong đợi. Từ bờ tây tới bờ đông hết khoảng 7 giờ bay, xa hơn Việt Nam tới Nhật. Khoảng 2 giờ sáng, trong giá rét căm căm 7 độ, ông già David rạng rỡ ôm chầm lấy con nuôi ở sân bay. Đã 68 tuổi, bước đi không còn nhanh nhẹn nữa, đôi mắt dường như sâu hơn nhưng ánh sáng tươi vui vẫn như mười mấy năm trước.

Căn nhà gỗ trong đêm thì thật ấm áp nhưng phải đến sáng thì mới thấy hết được sự dễ thương của nó bên cạnh dòng suối Spring Cold trong rừng phong khẽ nhú lá đầu xuân. David bảo, xung quanh nhà lẽ ra có thể thấy nhiều hoa, nhưng vừa rồi, hươu vào chén hết cả. Với hươu thì hoa cũng như cỏ.

Hôm ấy, cả đại gia đình David gồm ông bà, các con cháu tụ về ăn tối. Gia đình ông rất vui khi có những vị khách từ nửa vòng trái đất tới. Con trai ông làm truyền thông cho ngành thể thao nên rất quan tâm đến các sản phẩm phim 3D của họa sĩ Việt. Họ bắt tay hợp tác. Bà Thomas thỉnh thoảng lại chêm một vài câu tiếng Việt như: “Nước mắm không?” khiến bữa ăn luôn bất ngờ. Bà đã từng cùng chồng làm việc 2 năm tại Việt Nam nên khá am hiểu văn hóa Việt.

Hiện bà làm sếp của một tổ chức đào tạo của Đại học Harvard nên rất bận rộn. Nhưng dù rỗi thì việc của bà vẫn là đọc báo và đánh tenis. Việc nội trợ theo truyền thống của gia đình Mỹ thì thuộc về ông chồng. Chỉ có một mình ông già David đi chợ rồi bếp núc đãi khách. Ông nấu món cơm rang thập cẩm kiểu Việt khá rôm rả. Vợ con ông gật gù có vẻ hợp khẩu vị nhưng David thoáng lo lắng khi cậu con nuôi háu ăn chưa thực sự hài lòng. David hỏi thế nào thì Long Hưng cười: Quá ngon nhưng quá ít. Bố già ngẩn người tuyên bố: OK. Mai bố đền cho một bữa “thả phanh”. Hôm sau, David trổ tài món bít tết kiểu Mỹ ngon chưa từng thấy. Tôi ăn hết một suất đã no không mở được mắt. Long Hưng ăn hết gần 3 suất. Lúc ấy mới ngẩng lên: Thế này mới là bố của con chứ!

Căn phòng dành cho chúng tôi được David chuẩn bị đẹp bất ngờ. Trên tường treo tranh sen và tranh dân gian Hàng Trống. Đặc biệt là quá nhiều ổ cắm phục vụ cho các tay chơi công nghệ số, tha hồ sạc pin đủ loại máy tính, máy ảnh và điện thoại. Thỉnh thoảng, David hỏi xem có phàn nàn gì về nơi ăn chốn ở không? Long Hưng thốt lên: Tuyệt vời! 6 star hotel…

Quả thực là 6 sao khi David chăm sóc chúng tôi như một ông bố già hiền hậu, một nhà văn hóa mẫn tiệp, một phục vụ phòng tận tụy, một bếp trưởng sáng tạo, một tài xế chăm chỉ, một tour guide tâm lý… Căn nhà 6 sao đó chính là ngôi nhà chung của các văn nghệ sĩ Việt Nam sang thăm và làm việc tại Boston.

Một góc xưởng vẽ của họa sĩ David Thomas. Ảnh: Long Hưng.

Đến Boston đúng dịp kỷ niệm Ngày yêu nước, David đưa chúng tôi tới thành phố Concord  bé nhỏ đẹp nhưng mang ý nghĩa khởi đầu của nước Mỹ. Ông đưa chúng tôi đến một cây cầu gỗ bắc qua dòng sông nhỏ rồi nói: Đây là nơi phát súng đầu tiên của cuộc khởi nghĩa chống lại đến quốc Anh đã nổ. Cuộc khởi nghĩa thành công và từ đó đã khai sinh ra Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.

Biết chúng tôi bay từ bờ tây của Thái Bình Dương, David nói sẽ dẫn chúng tôi đến bờ đông để ngắm Đại Tây Dương. Bờ biển này không bao giờ có bão. Đại Tây Dương đang ấm lên thu hút ngỗng trời Canada về đây bơi lội rất yên bình.

Hai bố con David thả bộ trên bãi biển với nhiều câu chuyện không đầu không cuối. David giới thiệu cho chúng tôi một ngôi nhà ven biển là nhà lưu niệm cố Tổng thống J.F. Kennedy, người con ưu tú của Boston. Không có gì có thể phai nhạt ở đây. Boston giữ lại tất cả kỷ niệm của Kennedy, nhà văn Dickens và Bác Hồ.

David tới nam Việt Nam khi mới 21 tuổi nhưng chỉ thực sự đọc nghiên cứu sâu về Hồ Chí Minh năm ông 41 tuổi khi trở lại Việt Nam lần đầu tiên sau cuộc chiến. Ông kể rằng thời quân ngũ của ông thì được tuyên truyền  về vị lãnh tụ của đối phương với nhiều thông tin không đáng tin cậy. Hồ Chí Minh với ông là một dấu hỏi lớn, và được giải đáp dần dần khi ông nghiên cứu sau này. Ông đọc tác giả W. Duker với cuốn nghiên cứu khá công phu về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mở đầu tác phẩm của mình. W, Duker nhận xét rằng một người lính Việt cộng có chất lượng kỷ luật và sức mạnh tinh thần gấp bội đối thủ của họ.

Duker đã dành nhiều năm để lý giải điều đó và sáng tỏ câu trả lời rằng, sức mạnh nằm sâu trong tinh thần của mỗi giải phóng quân là một nhân vật lớn mang tên Hồ Chí Minh. David nghiên cứu bằng lý trí nhưng vẽ bằng trái tim. Hồ Chí Minh trong tranh của ông gần gũi như một người cha trong gia đình. Nhìn tranh ông tôi lại nhớ đến cảm giác của cựu phi công William Shaw bị Nhật bắn rơi tại Cao Bằng, được du kích Việt Minh của Cụ Hồ và được đích thân Cụ Hồ đưa về Côn Minh. Shaw kể rằng: “Ông cụ có giọng nói tiếng Anh ấm áp như cha của tôi vậy”.

David bộc bạch rằng về Việt Nam thì người Mỹ hiểu quá ít và quên quá nhiều nên sách của ông chủ yếu viết để người Mỹ đọc. Ông muốn người Mỹ hiểu về cựu đối thủ của họ là những con người đáng trân trọng; ông muốn người Mỹ không thể quên trách nhiệm của họ trong việc dùng chất diệt cỏ dioxin tại Việt Nam.

Với hơn 50 lần về Việt Nam, kỷ niệm về xứ sở này của ông đủ cung bậc.  Lần đầu trở lại là năm 1987, khi ấy Việt Nam thiếu thốn vô cùng, hiếm người có được chiếc ve máy, nay thì dân sinh đã thay đổi, nhiều người đã sử dụng ôtô. David nhận xét: Ngày xưa không có tài sản gì, chúng ta chỉ có bạn bè. Bây giờ, tài sản đã có nhiều hơn, đôi khi phần bạn bè lại bị những thứ khác chiếm chỗ. Đó là cái giá phải trả của phát triển kinh tế. Hiểu sâu quá. David thực sự là người Việt rồi.

Ở Mỹ, người đi bộ cũng không bao giờ vượt đèn đỏ. Thế mà đôi khi bố già David cũng đi trái luật khiến con nuôi phải kéo lại nhắc. Ông già David cười tinh quái: Bố sống ở Hà Nội lâu rồi mà.

David bảo chúng tôi tập trung quần áo để giặt. Chúng tôi không muốn phiền ông già nhưng ông gạt đi. Chiều hôm đó, giáo sư già ôm một núi quần áo thơm phức đứng giữa cầu thang chờ đợi. Biết chúng tôi áy náy, ông cười: Khách sạn 6 sao mà. Ngày cuối cùng, trước khi tạm biệt gia đình David, chúng tôi khệ nệ tập trung vali lại để chuyển lên ôtô thì thấy tiếng gọi ngoài sân: Hưng, Tâm!... Hãy xem cái gì đây!

Chúng tôi ngó ra cửa và thật bất ngờ. Bố già David đang đạp một chiếc xích lô kẽo kẹt ngoài sân. Long Hưng chạy ra nhảy tót lên xe. Ông bố gầy còng lưng đạp mấy vòng chở con nuôi mập ú thật như phim hoạt hình. Vừa đạp ông  vừa đánh chuông reng reng. Tiếng chuông ngân giữa rừng phong thật lạ lùng. Sức đâu mà ông già tha lôi được thứ này về Mỹ chứ. Không chắc đây là chiếc xích lô duy nhất tại Boston nhưng ít nhất David chưa từng gặp một chiếc tương tự. Nhưng người lái nó mới thật sự đặc biệt. Ông đã dành cảm xúc bất ngờ này cho tới phút cuối để chia tay.

Chúng tôi rời căn nhà của ông và tiếp tục hành trình. Hình ảnh ông già David đạp xích lô tại Boston xa xôi cứ luôn ẩn hiện một nụ cười. David đã vẽ Bác Hồ và lưu giữ cả một Việt Nam ở đó. Một Việt Nam đã tình cờ thay đổi đời ông. Căn nhà gỗ đó với tôi như trong một giấc mơ vậy.

Lê Tâm
.
.