Nghĩ về an dân

Thứ Sáu, 20/05/2016, 19:43
Ngô ngoài tam thập, kiến văn kém cỏi, góc nhìn thiển cận. Mỗi lần đọc sách, đến câu "Quốc gia hưng phong, thất phu hữu trách" là xấu hổ đỏ mặt đều len lén lật qua cho thật nhanh.


Thế nhưng, cũng mạo muội mạn phép xin thưa vài điều, dẫu đúng dẫu sai thì cũng là tấm lòng trinh bạch, hoàn toàn không dám có ý gì khác.

1. Nước mấy nghìn năm, tao loạn đã từng, đàng trong đàng ngoài đã từng, nam bắc phân tranh đã từng, giặc xâm chiếm đã từng, đô hộ đã từng, vùng lên đấu tranh đã từng… Vậy mà, người dân bao giờ cũng hiền như ngói đất, vứt bỏ giáo gươm, tàn cơn khói lửa lại về củ mỉ cù mì với đồng ruộng, với con trâu, với ban sáng uống chén chè xanh, đêm khuya nhìn vầng trăng sáng. Đất nước của những anh hùng áo vải, nghĩ đến thôi đã thương đến đau lòng.

Người Việt có nhiều ưu điểm, cũng có nhiều khiếm khuyết, đó là điều chắc chắn rồi, không cần bàn cãi nữa. Sâu xa từ nền nông nghiệp phụ thuộc vào mưa nắng, dư năng lượng và thừa thời gian, nảy sinh nhiều vấn đề, thôi thì không nhắc lại. 

Người Việt cũng hay tiểu tiết, khôn lỏi, nhất là trong kinh doanh, buôn bán. Luôn thích thu lợi về mình, gạt cái thiệt cho người. Làm việc tập thể thì lười nhác, chỉ muốn đùn đẩy việc cho người khác, đến lúc chia phần thì hăng hái. Thậm chí, ngồi yên trông người khác làm chỉ cầu mong người kia làm không thành công để có cớ miệt thị, móc nhiếc… 

Ngô đồng ý, mọi người không cần phải chỉ ra thêm đặc tính yếu kém của người Việt. Có điều này thú vị hơn, người Việt làm quan và người Việt làm dân có nhiều tính rất khác nhau, đại loại như câu "Con nhà lính, tính nhà quan" vậy. Thế nhưng, đó là điều Ngô không bàn chi tiết, Ngô muốn nói điều khác.

Dân mình lành, lành đến mức ơn quan mưa móc đến đâu thì biết đến đấy. Lấy dẫn chứng gần nhất là thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, vua Lê quyền hành còn trong tay đâu mà vẫn cố làm thao tác an dân được ông Alexandre de Rhodes chép lại rất cẩn trọng.

Trong những phong tục người Đàng Ngoài kính cẩn theo, thì có một phong tục chính yếu họ giữ vào đầu năm mới, đó là lễ tịch điền, nghĩa là mở đất và cày ruộng. 

Đầu năm nơi xứ này cũng như nơi nước Tàu, thường vào giữa đông chí và xuân phân, đúng ngày tuần trăng mới tương đương với ngày mồng 05 tháng 02 theo cách tính của chúng ta; vào ngày mồng 03, do các nhà toán học hay ma thuật chỉ định (vì ở các nước này có nhiều dị đoan), mọi người có trọng trách, chức vụ hay cấp bậc trong ngành quan võ hay quan văn đều phải đến đền vua với những phù hiệu và y phục chức vụ mình để theo vua trong đám rước long trọng qua khắp thành cho tới một thửa ruộng, theo thể thức và thủ tục tôi sẽ tả sau đây. 

Minh họa: Lê Phương.

Mở đầu là binh sĩ tập hợp từ khắp nước về đây, nghiêm chỉnh hàng lối và rất đông, có tới mấy nghìn, tất cả đều mang khí giới, kẻ đem cung tên, người mang gươm giáo và súng ống. Sau đó là sĩ quan và hàng quý tộc một phần đi ngựa cảnh, một phần cưỡi voi, chừng ba trăm tất cả, có trải thảm quý, đã được huấn luyện dừng bước và tuân lệnh. Vị tướng lãnh cai trị nước như phó vương gọi là chúa thành đô vương11 đi sau hàng quý tộc, ngự trong chiếc xe kéo thấp thiếp vàng.

Theo sau là một cỗ voi phủ áo sang trọng, có người dắt, chúa tuỳ tiền có khi cưỡi voi, tuỳ tính khí mỗi khi muốn làm đẹp lòng dân đứng nghinh tiếp và ca ngợi. Sau đó là một đám rất đông các ông nghè, ông cử, ông tú mặc áo dài bằng lụa và thứ hàng quý màu tím sẫm, mỗi người với phù hiệu chức vụ hay cấp bậc mình. Cuối cùng là vua ngự trên ngai vàng lộng lẫy của nhiều người khiêng trên vai, ngai phủ một tấm thảm thêu vàng và xanh, màu sắc dành riêng cho một mình ngài. 

Với đoàn thể quân ngũ, vua ra khỏi nhà gọi là đền rộng chừng bằng một thành phố lớn, rồi qua những phố chính trong kinh thành gọi là Kẻ Chợ, rồi tới một cánh đồng rộng xa kinh thành chừng một dặm, nơi đây tất cả đoàn thể đến trước đang chờ ngài với rất đông dân chúng. Ngài bước xuống ngai, rồi sau khi đọc lời khấn và long trọng bái Trời, ngài cầm cán cày được trang hoàng nhiều màu sắc và chạm trổ kỳ công, cày mấy phút và mở một luống trong thửa ruộng, để dạy cho dân biết cách làm việc, không nghỉ và chăm sóc đất ruộng. 

Rồi tới lượt chúa là vị cai trị cả nước, vị có quyền thế đầy đủ và thế giá cao cả trên tất cả thần dân, ông là người đầu tiên tiến đến bái kính đức vua, sấp mình trên đất. Sau ông là hoàng tử, tướng lãnh và toàn thể hoàng tộc, sau cùng là quân sĩ và toàn dân bái phục đức vua và hoan hô chúc mừng . Đó là cách cung kính vĩ đại nhất và sự nhìn nhận long trọng nhất đối với vua, một lần vào dịp đầu mỗi năm".

Đất quyền mang tiếng là của vua, nhưng đều trong tay chúa Trịnh, đúng như Trạng Trình dạy "giữ chùa ăn oản" mà người ta cũng phải lập lờ tỏ vẻ vì dân. Huống chi nay hết thời vua chúa rồi, mà không thể an dân tốt hơn sao.

Dân có lành thì ở thời đại này rồi, mà quan chức tốt mất vẫn khóc sụt sùi, đó là chưa kể đến chuyện lập đền đài miếu mạo, khói hương lòng lành thành kính quanh năm. Nhưng dân lành không có nghĩa là dân không biết căm phẫn, không biết đọc câu "Bao giờ nổi can qua".

Mấy vạn trang sách Ngô đọc, tựu trung dễ nhận thấy nhất chính là trong loạn ly thì chính sách an dân, đoàn kết dân được thực hiện tốt nhất. Đến khi thái bình thịnh trị, không hiểu vì lý do gì, quan lại bắt đầu xao nhãng chuyện vỗ về dân, khoan sức dân.

2. Con cá chết không nguyên cớ ven biển dọc mấy tỉnh miền Trung, vừa buồn vừa hoang mang. Nhưng cái buồn và hoang mang nhất phải là buồn lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh. Tỉnh Hà Tĩnh vừa có ông chủ tịch trẻ nhất nước, sinh năm 1976, Tiến sĩ.

Ông chủ tịch năm nay mới bốn mươi tuổi, Khổng Phu Tử luận, "Tứ thập nhi bất hoặc", phương Tây thì kết luận, "Đây là độ tuổi sung mãn nhất cho cả nam và nữ. Thân thể đã phát triển hoàn thiện và ổn định. Não bộ đã đạt đến năng lực tối đa". Ấy vậy mà, ông chủ tịch tỉnh cứ cà rề cà rà như ngồi vào chiếu rượu. Nếu mà Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng không về thị sát xem dân sống chết ra sao, cũng không biết ông chủ tịch tỉnh có chịu cất bước rời khỏi phủ lâu để ra đến biển nhìn dân lấy một tẹo không.

Biết là bất cứ chuyện gì xảy ra cũng phải bình tĩnh, đặc biệt là những chuyện hệ trọng, nhất định phải chờ kết luận cuối cùng của các nhà khoa học, các nhà chuyên môn. Thế nhưng, thân làm lãnh đạo cũng phải xuất hiện để ủy lạo, để trấn an với dân, chứ ai lại như lão huyện già mất nết trong Sống chết mặc bay của cụ Phạm Duy Tốn đến vậy.

Dân khổ thì quan có sướng không? Chắc chắn là không sướng rồi, mặc dù dân khổ thì không chắc quan nghèo. Dân khổ thì dân không yên mà dân không yên thì đã là câu chuyện khác.

Mấy hôm người ta ầm ĩ làm sao bộ trưởng lại ăn cá, làm sao lãnh đạo lại tắm biển. Ngô thì Ngô thấy rằng chịu động tay động chân là đều đáng hoan nghênh lắm lắm rồi. Như hồi đọc thông tin Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kiểm tra lại vụ quán cà phê "Xin chào" ở huyện Bình Chánh (TP HCM), Ngô thật sự rất xúc động.

Làm lãnh đạo, làm quan, phẩm hàm có thể khác nhau, cấp bậc có thể khác nhau, nhưng điều tiên quyết nhất chính là ai vì dân thì phải được khen ngợi. Có điều, Thủ tướng Chính phủ nhiều việc, các phó thủ tướng hay bộ trưởng cũng nhiều việc, phân định chức năng quyền hạn vốn dĩ rất rõ ràng. Thế nên, quan lại địa phương cũng nên vì dân mà phụng sự. 

Trước là vì mình, sau là vì người. Vì sao lại nói trước là vì mình, ấy bởi sinh ký tử quy, làm người biết đủ là đủ. Sau biết đủ cũng phải cố xây dựng lấy một cái danh vị để còn được nhắc nhớ bằng sự kính trọng. Chứ nhẽ đâu vài mươi năm nhọc nhằn sinh sống, mặc sức phóng đãng rồi để lại tiếng xấu truyền đời hay sao? Nhất là khi, thân là chủ tịch tỉnh, bố lại là nguyên bí thư, không nghĩ đến mình cũng nghĩ đến gốc gác danh gia mà cố gắng. 

Ấy là Ngô nói vậy, chứ chắc chắn họ không nghe rồi. Có điều, không nói cảm thấy có lỗi với chính mình nên đành cam chịu điều tiếng mà nói vậy.

Vụ cá chưa yên, vụ biển chưa lặng, vụ hạn hán nhiễm mặn chưa xong, thì lại nảy sinh vụ cầm tù sông Hồng để kinh doanh sinh lợi. Đời thuở nào mà lại có chuyện kỳ cục đến vậy hả trời?

Ai cũng biết con sông Hồng là một trong những biểu tượng của một nền văn minh dân tộc, đó là thứ biểu trưng không thể thất truyền của một vùng đồng bằng oai hùng dấu tích. Ấy vậy mà, sau khi san phẳng các núi đá vôi, sau khi bê tông hóa các danh lam thắng cảnh, sau khi nổ mìn khai khoáng, họ lại nhìn đến thứ tài nguyên tinh thần này.

Kinh doanh nào dễ sinh lợi nhất, chắc hẳn là kinh doanh tài nguyên rồi, sẵn ra đấy cứ băm vào làm rồi kiếm tiền thôi. Tuy nhiên, chuyện gì cũng phải có biên độ của nó chứ, phải có giới hạn của nó chứ. Nỡ lòng nào vì kim tài mà phỉ báng tất cả sao, mà tính nuốt trọn cả con sông đỏ oạch phù sa vì nền văn minh lúa nước cưu mang bao đời sao.

Công đạo ở đâu, ý quan lòng dân ở đâu, mà để hỗn mang như thế này!

Cao xanh ơi có thấu chăng nỗi buồn của ta.

Ngô Nguyệt Hữu
.
.