Nghiệt phụ

Thứ Năm, 28/01/2016, 14:39
Gớm thay nghiệt phụ,
Đáng ghét thay mà cũng đáng sợ thay!

Thi răn: “Nghiêng thành”#(1),

Dịch rằng: “Chớ lấy”(2)#.

Lời nói người xưa

Hẳn có cớ vậy.

Thử nhìn con người:

Khô khẳng chân cò,

Gầm gừ miệng sói

Da như đất trát, thợ lương công khéo đục trong lò;

Môi khác màu son, chàng sứ giả đốt thông hun khói#(3).

Đầy vẻ mặt vết sương lạnh ngắt, dưa của Cao Dao#(4);

Hai con ngươi giọt móc ướt đầm (mắt trắng dã), Kinh Công giả dối#(5),

Xét kỹ trong tâm,

Là thú là cầm.

Bình phong treo kiếm,

Miệng cười dấu kim.

Thấy bóng trong gương, không thương mái tóc#(6);

Ghé tai cạnh vách, mê tít cung cầm(7)#.

Hợp Chu Bao, Thương Đát làm một người, vừa gan lại nhẫn(8)#;

Cùng Hán Lã, Đường Vi chung tính ngược; đã khắc còn thâm(9)#.

Thờ cha mẹ thì:

Sáng không khăn áo,

Tối chẳng buồng the;

Con mắt thường khi trợn ngược,

Hai môi chỉ những bĩu dề.

Thói người Tần bạc miệng gớm ghê, nghiệm khi giằng chổi#(10);

Vợ Tăng Tử đem lòng khi mạn, thấy lúc nấu lê(11)#.

Đối với chồng thì:

Hiển vinh thì hợp,

Bần tiện xa ngay.

Chẳng nghĩ ba sinh nghĩa trọng,

Chỉ chăm đầy túi riêng tây.

Bánh xe khi thoát trục rồi, nửa như trở mặt;

Mặt án lúc nâng phía trước, cất chẳng ngang mày(12)#.

Đối với người nhà thì:

Coi tựa Sâm Thương,

Xem như thù địch.

Quá tham lam suy tính hào ly,

Nghe nịnh hót gây nên hiềm khích.

Quen đường ở bạc, tàn lại tàn quá lũ sói lang,

Không quý mà kiêu, độc còn độc hơn loài rắn rết.

Kìa như:

Lời ca kính giới#(13),

Thơ vịnh tần phồn#(14).

Đoan trang tĩnh nhất,

Dung, hạnh, công, ngôn.

Ấy trăm đời làm khuôn phụ đạo

Mà muốn việc từ đó bắt nguồn.

Huống chi:

Đôi bên cha mẹ,

Ơn cả nghĩa dày.

Chồng là người trọn đời trông cậy,

Nhà là nơi yêu mến sum vầy.

Cớ sao lãng quên thế ấy,

Mê muội dường này?

Than ôi:

Thờ cha mẹ như thế, thì đối với người ngang hàng cha mẹ có kể chi?

Ở với chồng như thế, đối với những người kém chồng còn ra gì?

Xử với người nhà như thế, thì ngoài từ làng mạc, dưới đến nô tỳ,

Bảo là không nghiệt, hẳn cũng ít khi!

1. Kinh Thi, Đại Nhã: “Triết phụ khuynh thành” (đàn bà sắc sảo làm nghiêng thành). 

2. Kinh Dịch, quẻ Cấn: “nữ tráng, vật thú” (gái khỏe chớ lấy). Ngụ ý: đàn bà phải mềm mỏng. Cứng rắn (khỏe) không phải đạo đàn bà, không  nên lấy.

3. Mực đen, có biệt danh là “Tùng sứ giả”, “tùng” là cây thông, vì mực làm từ khói cây thông.

4. Cao Dao, hình quan đời Ngu Thuấn, mặt như dưa bổ (dưa bổ để lâu màu xám).

5. Kinh Công tức là Vương An Thạch đời Tống, mắt trắng, biểu hiện cho tính giả dối.

6. Vợ Hoàn Ôn đời Tấn có tính ghen. Ôn ở mặt trận về đem theo một mỹ nữ để riêng một nơi. Vợ Ôn nghe biết, cầm kiếm muốn đến giết. Khi đến nơi, thấy nàng đang soi gương, mái tóc vừa dài vừa óng ánh, mềm mại rất đẹp. Vợ Ôn thương tiếc, bỏ kiếm không giết nữa. Người nghiệt phụ ở đây không thương tiếc mái tóc, là ghen đến cao độ.

7. Tư Mã Tương Như đời Hán đến chơi nhà họ Trác. Con gái họ Trác là Văn Quân mới góa chồng, đứng trong vách nghe trộm đàn Tương Như, say mê quá, đêm đi theo Tương Như.

8. Nàng Bao Tự đời Chu, nàng Đát Kỷ đời Thương là những người đàn bà dâm dật và cay nghiệt.

9. Lã Hậu đời Hán, Vi Hậu đời Đường cũng là những người đàn bà dâm dật, cay nghiệt.

10. Trị an thư của Giả Nghị (đời Hán Văn Đế) nêu phong tục kiêu bạc của nhà Tần còn rớt lại như: mẹ chồng cầm chổi, con dâu giằng lại chổi và nói những câu chua ngoa.

11. Tăng Sâm thấy người vợ nấu canh rau lê còn sống, lập tức bỏ ngay, cho là có sự khinh mạn.

12. Nàng Mạnh Quang vợ Lương Hồng đời Hán đối với chồng rất kính cẩn. Khi bưng cơm cho chồng thì dâng cao ngang lông mày.

13. Kinh Lễ, thiên Nữ Tắc khuyên người con gái về nhà chồng có câu: “vãng chi nhữ gia, tất kính tất giới, vô vi phu tử “ (Đi về nhà chồng, phải kính phải răn, không được trái ý chồng).

14. Thơ Thái tần và thơ Thái phồn trong Kinh Thi khen người đàn bà chăm nom công việc nội trợ, hái rau tần để cung việc tế tự, hái rau phồn để nuôi tằm lấy tơ.

Lê Thánh Tông
.
.