Nghĩ về đạo vợ chồng

Thứ Ba, 17/12/2019, 21:36
Người ta đang ầm ĩ về cuộc ly hôn của cặp vợ chồng đại gia, tiếng bấc tiếng chì ném qua ném lại, những tranh cãi, những chiến thuật truyền thông, những kế hoạch rêu rao hay hạ bệ... Và tôi nghĩ có lẽ mình nên viết gì đó về vợ chồng, gọi là tình nghĩa cũng được mà gọi là đạo cũng được. Đã nghĩa ba sinh thì không nên câu nệ một cụm từ làm gì.

Tôi thường đặc biệt thích nhận được những tấm thiệp cưới của bạn bè người theo đạo Công Giáo. Điều này không có nghĩa là những tấm thiệp cưới khác tôi không thích, bởi bất kỳ tấm thiệp báo hỷ sự nào cũng đều đẹp đẽ, thiêng liêng, ý nghĩa và lan tỏa hạnh phúc rồi. 

Nhưng dường như là đa số các thiếp mời của đôi uyên ương Công Giáo luôn có in dòng chữ "Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly". Câu này trích từ Kinh Thánh của người theo đạo, nó mang đến cho tôi cảm giác gì đó rất khó diễn tả, vừa vững chắc, vừa được chở che và niềm tin không có gì chia cắt được.

Từ nhỏ tôi cũng đã chứng kiến Má tôi sống trọn đạo vợ chồng như thế nào, những câu chuyện dài. Nhưng càng lớn, càng nhìn xung quanh, nhìn cái cách mà sau một cuộc ly hôn người ta phơi bày hết mọi thứ về nhau, xúc phạm nhau, tổn thương nhau. Tôi tự hỏi, liệu có đáng không? Đạo vợ chồng không giữ được cho nhau, thì ngày sau sẽ giữ được những gì?

1. Tôi có cô bạn học ở Sài Gòn nhưng quê ở cuối trời Cà Mau. Ngày đám cưới con gái, gia đình và dòng họ cô gái đưa dâu từ mờ sáng đến xế chiều mới đến nhà trai ở Tây Nguyên. 

Trước quan viên, hai họ, cha cô dâu chỉ nói mấy câu rất mộc mạc "Mong hai con sống trọn đạo vợ chồng, lúc nào có xảy ra cơm không lành canh không ngọt thì hai con hãy nhớ tới ông bà cha mẹ, thương anh chị em, nghèo khó mà bỏ công bỏ việc ngồi xe hàng trăm cây số để đến dự đám cưới mà xử sự với nhau là đủ". Xem ra lời khuyên ấy quê mùa, giản dị nhưng chân thành và thực tiễn trong cuộc sống, rất đáng để chúng ta suy ngẫm. Người dân quê hay là thành thị, họ vẫn lấy đạo vợ chồng đặt lên hàng đầu để gìn giữ.

Ngày còn ở cạnh Toà án Nhân Dân quận Bình Thạnh, tôi thường bắt gặp những cặp đôi cùng đến toà giải quyết ly hôn. Trông thấy cảnh ấy, buồn lắm! Kiểu như hai con người ấy, một nam một nữ đã từng sớm tối cùng nhau, giờ là lạnh nhạt. Từng là quấn quýt lấy nhau, bây giờ thì mặc kệ. Từng là tất cả của nhau, bây giờ thì chỉ mong đường ai nấy được sớm đi… 

Nhiều cặp đôi vợ chồng trẻ tan vỡ vì lý do rất đơn giản, mà lẽ ra hai bên chẳng khó khăn gì để cùng nhau khắc phục. Và cũng không ít đôi vợ chồng tóc đã ngả màu bạc, thậm chí tuổi đã xế chiều cũng đưa nhau ra tòa ly hôn. Trường hợp nào cũng có vô vàn lý do, muôn ngàn lý lẽ để biện bạch, phân trần. Con cái buồn đau mà vẫn phải đành chấp nhận sự ly hôn của cha mẹ.

Vợ chồng không thể trọn đạo cùng nhau đến hết đời, hệ lụy đến bản thân mình một, thì hệ lụy đến con cái đến mười. Bởi xã hội hiện đại có quá nhiều điều cám dỗ, dễ sa ngã và nhiều tai họa không lường trước được. Hay nói cách khác, hiểm họa luôn rình rập những đứa trẻ vắng chăm sóc của mẹ hoặc thiếu dạy dỗ của cha. Khi cha mẹ giải thoát nhau trước toà, ấy cũng là khi đã vô tình hay cố ý buộc con cái vào sợi dây thương tổn, thương tổn vẫn ẩn mình bằng cách này cách khác, cả thể xác lẫn tâm hồn những đứa trẻ. 

Thực tế ấy vẫn diễn ra trong xã hội hằng ngày, có khi đến nhức nhối. Mấy lúc hay đi ghi chép các trung tâm giáo dục trẻ em vị thành niên, biết những đứa trẻ chơi bời, lang thang, bỏ học, phạm tội… đa số khi nghe các em kể về số phận thì đều là nạn nhân của những gia đình tan vỡ.

2. Tôi đọc sách Phật thấy dạy rằng, hai người nên nghĩa vợ chồng vốn là do duyên số, có mang nghiệp, mang nợ với nhau từ mấy kiếp, chứ không hề tự nhiên mà lấy nhau được. Cái duyên số từ mấy kiếp ấy giúp cho con người ta biết trân trọng nhau, yêu thương nhau, chung thuỷ với nhau đến hết cuộc đời. 

Cũng bởi cuộc đời thì luôn có vui có buồn, có mừng có giận, có đắng cay có ngọt bùi, ai chẳng phải trải qua, nếu như một người không có lý trí và đạo đức vững chắc làm nền tảng, thì sẽ rất khó để giữ được đạo nghĩa vợ chồng. Và đạo nghĩa vợ chồng cũng phải được đặt trên nền tảng luân lý đạo đức ấy thì mới trọn vẹn ý nghĩa và được bền lâu.

Trong cuốn "Trung Dung" Tứ thư ngũ kinh thì cho rằng, "làm người quân tử phải bắt đầu từ đạo vợ chồng. Hiểu hết đạo vợ chồng thì phát triển đến cảnh giới cao thâm, có thể quan sát, hiểu rõ ràng, tường tận cái đạo của tất cả mọi vật trong trời đất" (Quân tử chi đạo, tạo đoan hồ phu phụ/ Cập kỳ chí dã, sát hồ thiên địa). Cổ nhân xem thiên địa, âm dương là nền tảng nguyên thuỷ nhất của tự nhiên và đạo vợ chồng là nền tảng nguyên thuỷ nhất của xã hội.

Vợ chồng đến được với nhau chính là nhân duyên, nhưng có thể ở với nhau đến trọn đời hay không lại dựa phần lớn vào cách hành xử của mỗi người. Mà dẫu có không may mắn đường ai nấy đi thì mỗi người cũng nên giữ gìn cho tròn đạo, chẳng phải có câu "vợ chồng một ngày, nghìn năm ân nghĩa" hay sao. Chiết tự chữ "Ân" này tức là "Ơn", được ghép bởi chữ "Tâm" ở dưới và chữ "Nhân" ở trên mà tạo thành. Loài người cũng bởi cái ân ấy mà nâng đỡ, gắn kết, không bỏ nhau lúc hoạn nạn, không vì hoàn cảnh mà bội bạc nhau.

Nhắc đến "Ơn", tôi nhớ câu chuyện của người anh tôi quý mến. Thi thoảng khi anh em tôi ngồi tán gẫu, tâm sự, anh tôi vẫn thường hay nhắc về cái Tết 5, 6 năm trước khi vợ anh chuyển dạ, anh một mình loay hoay dọn dẹp nhà cửa đón Tết, cúng Giao thừa và chăm con trai lớn đến mệt nhừ không còn sức vào bệnh viện cùng vợ. Con trai nhỏ anh bây giờ đã 6 tuổi, anh vẫn canh cánh cảm thấy có lỗi vì để vợ một mình vượt cạn, nỗi canh cánh có lỗi và cả sự mang ơn người vợ cận kề cửa mả để sinh cho anh những đứa con như tạc. Anh chẳng bao giờ giấu giếm nỗi niềm ấy cả.

Phải yêu nhau thì mới thành vợ thành chồng, và phải yêu nhau thì mới thành cha thành mẹ, mới có những đứa con, mới cùng dựng xây một tổ ấm. Nhưng có đôi khi, yêu đương cũng như chiêm bao vậy, mà đã là chiêm bao thì sẽ đến lúc tỉnh tàn. Tỉnh một giấc mộng vợ chồng còn gì, còn thương, còn tình nghĩa. 

Đã cùng nhau đi qua tháng ngày vất vả, đã thấy cả thanh xuân song hành cùng nhau, thấy khó khăn nhọc nhằn đắng cay cùng nhau, thấy khẩn hoang gieo hạt cùng nhau... đến vinh quang, đến thành quả, đến ngọt bùi lại phút chốc thành người xa lạ, một tay níu lại một tay gạt ngang. Tỉnh một giấc mộng như thế, thì thật là đớn đau.

Tôi vốn không thích xen vào chuyện đời tư của người khác, nhất là những người không liên quan đến mình, càng không có hứng thú khi nghe kể những chuyện ly hôn ly dị. Tôi cho đấy không có gì làm vui, không có gì thu hút được tôi ngoài cảm giác có gì đó vừa tan tác, vừa mất mát vô hồn. Nhưng rồi truyền thông quanh tôi không nghĩ như tôi, truyền thông càng cần mẫn nhắc thì số đông lại càng chịu khó nghe, nghe đến thuộc làu, nên cuộc ly hôn của cặp đôi vợ chồng doanh nhân giàu có kinh doanh cà phê trở thành tiêu điểm bình luận của bao người.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

Dẫu có nhiều ý kiến khác nhau, tôi cũng không bàn luận đến đúng sai của người trong cuộc. Chỉ là sau một cuộc ly hôn, rất khó nói được ai rồi sẽ thanh thản hơn ai, ai rồi sẽ hạnh phúc hơn ai, ai rồi sẽ thành công hơn ai, ai rồi sẽ thấm đạo hiểu đời hơn ai... 

Cũng nào biết ai sẽ buồn hơn ai. Chúng ta không ai biết trước được bất kỳ điều gì ở tương lai của họ. Nhưng sẽ thật đau đớn cho người phụ nữ đã cùng kết tóc se duyên, sinh con đẻ cái cho chồng, mỗi lần vượt cạn là một lần thập tử nhất sinh để rồi kết cục nhận lại là sự phụ rẫy. Và sẽ càng đau đớn hơn, khi người phụ nữ ấy cùng chồng tạo nên một mùa màng sai quả và kết cục là bị gạt ra khỏi mùa thu hoạch.

Có lẽ phần đông trong xã hội vẫn tin rằng thước đo giá trị của một người đàn ông, ít nhất là về mặt đạo đức, chính là cái cách mà người đàn ông đó đối xử với người vợ vừa ly hôn, tức vợ cũ của mình. 

Người giữ đạo hay theo tôn giáo nào cũng sẽ không bao giờ có thể hắt hủi người phụ nữ cùng mình đi suốt một chặng đường dài kiến nghiệp, người giữ được đạo sẽ không bao giờ tranh tới tranh lui những thứ phù phiếm, mà nếu không là mình giữ thì cũng là dành cho con. Chẳng phải chữ "Nhân" và chữ "Tâm" ghép lại sẽ thành một chữ "Ơn" mà người học đạo ai ai cũng nhớ hay sao?

3. Có câu "duyên kiếp ba sinh mới thành chồng thành vợ", đường đời trót lỡ phôi phai thì cũng đâu thể nhanh như vậy mà quên đi thời tóc xanh má phấn người phụ nữ ấy đã vì mình từ bỏ cả thanh xuân, cùng mình đắp xây cơ nghiệp.

Mộng tàn rồi, đàn ông tính toán chia gia nghiệp sao cho mình có lợi nhất, mặc xót xa, mặc nước mắt. Nhưng chia làm sao mới công bằng với người vợ từng vào ra cửa mả sinh con cho mình? Chia làm sao để những đứa con được như bao đứa trẻ bình thường khác, một bữa cơm đủ mặt người thân.

Chia bao nhiêu tài sản, có bao nhiêu danh vọng, điều mất mát lớn nhất sau ly hôn, đó là một tổ ấm đã không còn nữa. 

Bùi Kiều Trang
.
.