Ngày Tết của những nghệ sĩ già

Thứ Ba, 24/01/2012, 09:30
Không hiểu sao dù đã mấy lần đến khu dưỡng lão nghệ sĩ này nhưng cứ mỗi lần tới, rồi ra về vẫn để lại trong tôi nhiều suy tư, cuộc sống con người khi về già với tuổi tác, bệnh tật, khó khăn nhiều mối. Đa số những nghệ sĩ già trong khu dưỡng lão đều coi nơi đây là tổ ấm không thể rời xa lâu ngày được, nhưng qua những chia sẻ của họ vẫn ẩn chứa điều gì đó chạnh lòng…

1. Những ngày đầu năm 2012 khi mà đã rất gần Tết âm lịch Nhâm Thìn, tiết trời se lạnh, tôi đến thăm các nghệ sĩ ở đây đúng lúc có hai nhà hảo tâm đã tới từ trước đang tặng 20 triệu đồng cho Ban Quản lý Khu dưỡng lão nghệ sĩ (314/65  Âu Dương Lân, P.3, Q.8) để phụ vào tiền ăn hàng ngày cho các nghệ sĩ, đồng thời còn tặng mỗi nghệ sĩ 100 ngàn đồng tiêu vặt.

Gần như theo thông lệ, mỗi khi có “Mạnh Thường Quân” nào đến với khu dưỡng lão, các nghệ sĩ đều xuống ngồi quây quần cùng nhau ngay chiếc bàn tiếp khách trước sân. Để đáp lại tấm thịnh tình của các nhà hảo tâm, một số nghệ sĩ đã hát tặng những bài ca, những câu vọng cổ mà khi nghe họ hát nhiều người vẫn cảm nhận được ánh hào quang sân khấu có lẽ vẫn chưa rời bỏ họ.

Không khó để nhận ra những gương mặt nghệ sĩ quen thuộc nổi tiếng một thời, họ từng là những ông bầu, bà bầu, đào kép chánh trong các đoàn hát lớn như nghệ sĩ Lệ Thẩm, Thiên Kim, Thanh An, Kiều Thu, Ngọc Đáng, họa sĩ Hoài Nam, kép độc Hoàng Nô, biên đạo múa Thu Cúc,… Mỗi người một hoàn cảnh, người thì không gia đình, không vợ con như họa sĩ Hoài Nam hay nhiều nghệ sĩ khác như NS Lệ Thẩm, NS Thiên Kim, NS Trường Sơn… có con cái nhưng đa số chúng đều nghèo khó nên không nuôi nổi cha mẹ.

Điều khiến cho những người khi đến với khu dưỡng lão thời gian này chú ý chính là ngôi nhà hai tầng cũ kỹ trước đây - nơi ở của 21 nghệ sĩ từng vang bóng một thời trên các sân khấu cải lương, tuồng, điện ảnh… - giờ đã được sơn màu xanh dịu mắt, cùng một dãy nhà mới đang được xây dựng chờ đến ngày hoàn thành để đón thêm những nghệ sĩ khó khăn khác vào ở.

Ông Tần Nguyên (67 tuổi), Trưởng ban Quản lý khu dưỡng lão, cho biết, các nhà hảo tâm đến với khu dưỡng lão này đều cảm thương cho hoàn cảnh của các nghệ sĩ nghèo, neo đơn vì những thiếu thốn cả về vật chất và tinh thần. Họ là những người lúc trẻ đam mê ca hát, hết lòng với nghề, quen cuộc sống nay đây mai đó, khi về già, họ trở về với đời thường. Nhưng cuộc đời nghệ sĩ quen sống phóng khoáng, cùng với tâm lý dễ làm ra tiền, họ quên mất sự dành dụm để tích góp khi về già, nên khi không còn làm nghề thì họ trắng tay trở về,… Trong khi đó, con cái của họ trước đây do họ đi biền biệt không chăm sóc được phần lớn đều phải gửi về cho người thân nuôi dưỡng, vì vậy mà tình cảm giữa cha mẹ và con cái cũng không mấy sâu đậm.

Dường như cũng chính vì vậy nên họ khó thích nghi với cuộc sống của người bình thường, mà họ muốn được cùng sống chung với những người bạn diễn, với đồng nghiệp. Khu dưỡng lão nghệ sĩ này được thành lập chính là nhằm đáp ứng nhu cầu đó của các nghệ sĩ đã dành cả cuộc đời mình cho lao động nghệ thuật.

Một số tiết mục của các lão nghệ sĩ để đáp lại tấm thịnh tình của hai nhà hảo tâm.

“Mặc dù đây là khu dưỡng lão dành cho nghệ sĩ duy nhất ở Việt Nam và lúc đầu Nhà nước đã cấp tiền ăn, kinh phí một phần, theo chế độ 4 ngàn đồng/người/ngày. Ngoài ra, Ban Ái hữu nghệ sĩ và Hội Sân khấu TP. HCM vận động thêm các “Mạnh Thường Quân” mới lo được bữa ăn cho các nghệ sĩ. Nhưng từ ngày 1/1/2010 cho tới hôm nay (22/12/2011), Nhà nước đã cắt khoản trợ cấp đó, vì thế Hội Sân khấu TP. HCM, Ban Ái hữu nghệ sĩ và Ban Quản lý khu dưỡng lão chúng tôi phải chạy vạy, vận động khắp nơi để làm sao lo được bữa ăn cho các nghệ sĩ. Hiện chi phí mỗi tháng cũng trên 20 triệu đồng, trong đó hơn 12 triệu đồng lo tiền ăn (hiện tiền ăn cho nghệ sĩ 1 ngày là 20 ngàn đồng nhưng hết tháng này qua năm mới sẽ tăng lên 21 ngàn đồng), rồi tiền lương cho 4 nhân công (1 người/1 triệu/tháng), ngoài ra còn tiền điện, tiền nước, tiền đổ rác…”, ông Tần Nguyên giãi bày.

Có thể thấy, từ khi thành lập cho tới nay, các nghệ sĩ ở đây luôn được đảm bảo cuộc sống dù vẫn còn không ít khó khăn, thiếu thốn, trong đó phải kể đến công sức của Ban Quản lý khu dưỡng lão nghệ sĩ đã luôn cố gắng duy trì tốt sự hoạt động của khu, dù họ phải vận động, chạy vạy nhiều nơi đầy gian nan, vất vả.

2. Nhắc đến việc chuẩn bị Tết cho các nghệ sĩ, ông Tần Nguyên vui vẻ bộc bạch: “Từ lâu nay rồi, cứ vào dịp Tết là Ban Ái hữu nghệ sĩ đã lo vận động tiền để phát quà Tết cho khoảng 400-500 nghệ sĩ nghèo trong thành phố, trong đó bao gồm cả những nghệ sĩ ở đây. Tuy nhiên do nghệ sĩ nơi này dù gì cũng đã có chỗ ăn chỗ ở ổn định rồi, nên chúng tôi ưu tiên cho số nghệ sĩ nghèo khó bên ngoài không có điều kiện. Chúng tôi thường vận động mỗi Tết khoảng 100 triệu đồng, vì mỗi phần quà là 200 ngàn đồng (400 người là khoảng 80 triệu đồng) và 10kg gạo nữa.

Còn ở khu dưỡng lão nghệ sĩ này, chúng tôi phối hợp với Hội Chữ thập đỏ TP. HCM và một số nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên có tấm lòng đến khu dưỡng lão tổ chức ăn Tết trước, ca hát rồi tặng quà cho các nghệ sĩ. Như các năm trước diễn viên Việt Trinh thường vào tổ chức nấu bánh tét, tặng quà trước Tết, sau đó cho một chuyến xe chở các nghệ sĩ trong khu này đi xem chợ hoa, rồi ghé vào một nhà hàng nào đó đãi các nghệ sĩ ăn uống thịnh soạn… Hay ca sĩ Nguyễn Phi Hùng và nhiều nghệ sĩ khác nữa cũng vào đây tổ chức ăn Tết với các nghệ sĩ. Thực sự không khí những buổi tổ chức này rất vui, mang không khí Tết và tình cảm đến cho các nghệ sĩ trong khu.

Ông bầu Tám Lang; nghệ sĩ Ngọc Đáng; nghệ sĩ Thanh An; ông Tần Nguyên, Trưởng ban Quản lý khu dưỡng lão nghệ sĩ.

Ngoài ra, trong các ngày Tết thì một số nghệ sĩ cũng về thăm gia đình, con cháu, bạn bè, hay đi chơi đâu đó. Trong khi đó, ở khu dưỡng lão các nghệ sĩ vẫn tổ chức bàn thờ cúng Tết với các loại trái cây ngày Tết, tiếp đón khách, các “Mạnh Thường Quân” đến chúc Tết, đồng thời khẩu phần ăn của các nghệ sĩ sẽ theo tiêu chuẩn của ngày Tết…”.

Vừa qua số tiền 300 triệu đồng được các nhà hảo tâm, “Mạnh Thường Quân” tặng (trong chương trình “Bóng cả cuộc đời” tổ chức đêm 28-10-2011) để xây thêm nơi ở dành cho nghệ sĩ ngày càng đông xin vào khu dưỡng lão này, nhưng có một số ít người trong khu dưỡng lão không hiểu lại nghĩ rằng với số tiền đó họ sẽ đón một cái Tết sung túc hơn nhiều năm trước. Việc này đã được người của Ban Quản lý khu dưỡng lão giải thích rất rõ ràng với các nghệ sĩ. Và đương nhiên các vị “Mạnh Thường Quân” và các nhà hảo tâm hiểu rất rõ chuyện này, không có chuyện hiểu lầm về mục đích của số tiền 300 triệu đồng đó và họ vẫn luôn quan tâm đến cuộc sống của các nghệ sĩ trong khu nói chung và ngày Tết nói riêng. Bằng chứng là hôm nay vẫn có các nhà hảo tâm mang tới 20 triệu đồng cùng quà tặng để tặng cho khu dưỡng lão lo tiền ăn cho các nghệ sĩ.

Ngồi quây quần xung quanh trên các ghế đá trước sân, các nghệ sĩ đa số còn khá khỏe mạnh, họ vẫn cười rất tươi chào khách và sẵn sàng ca những bài ca, những trích đoạn mà họ tâm đắc. Nhắc tới chuyện ăn Tết, ai cũng có tâm sự của riêng mình, nhưng có một điểm chung là có thể trong ba ngày Tết họ sẽ ghé qua nhà thắp nhang cho ông bà tổ tiên nhưng họ không ở nhà hay ở lại với con cái mà sẽ nhanh chóng trở vào khu dưỡng lão, vì với họ chẳng nơi nào thoải mái và vui vẻ hơn nơi đây.

Nghệ sĩ Tám Lang - ông bầu cải lương một thời (Trưởng đoàn Phước Chung) - năm nay 91 tuổi, mái tóc và hàm râu đã bạc trắng, nhưng ông vẫn rất minh mẫn, nhanh nhẹn. “Những ngày Tết, tôi chỉ ở đây với mọi người trong khu dưỡng lão, vì tôi không có nhà cửa riêng và con cái tôi đứa nào cũng có hoàn cảnh khó khăn cả, nhưng nguyên do chủ yếu là vì ở đây đông vui hơn. Nói chung thì Tết cũng giống ngày thường thôi, chỉ có thêm vài món ăn, bánh trái ngày Tết người ta mang đến cho. Vậy là tốt lắm rồi”, ông cười sảng khoái chia sẻ.

Tiếp chuyện với tôi, nghệ sĩ Ngọc Đáng vẫn với dáng vẻ khỏe mạnh, tươi vui, dù bà đã bước sang tuổi 85. Bà vui vẻ cho biết: “Tết năm nay tôi sẽ thêm một tuổi nữa, 85 tuổi mà vẫn mạnh khỏe thế này là tôi vui mừng lắm. Nhưng chính vì vậy mà tôi luôn mong mình được khỏe mạnh đến lúc chết chứ phải ăn dầm nằm dề bệnh tật thì khổ lắm, giống như cây đèn đang cháy mà tắt cái bụp thì sẽ… khỏe hơn. Song cũng tùy người mới được như vậy, tùy cách họ sống như thế nào, có đạo đức, lương tâm hay không…

Tôi có bốn đứa con, chúng đều có gia đình riêng, nhưng tôi vào đây cũng đã 4 năm rồi, ba ngày Tết tôi thường chỉ bắt xe buýt đi về ngày mùng 1 thắp nhang cho ông bà tổ tiên rồi lại đón xe trở về khu dưỡng lão. Các con tôi đều đi làm công nhân viên nên ngày Tết vẫn phải trực cơ quan, tôi mà ở nhà một mình thì buồn lắm. Chính vì thế, tôi không ở lại nhà các con, mà trở vào ngay với bạn bè, đồng nghiệp trong khu dưỡng lão này sẽ vui hơn và cũng do tôi đã quen với cuộc sống ở đây rồi”.

Lão nghệ sĩ Thanh An (78 tuổi) vào khu dưỡng lão đã 6, 7 năm nay. Đặc điểm dễ nhận biết ông là mái tóc dài được búi cột cao đơn giản và chất giọng sang sảng. Ông tâm sự: “Nhờ khán giả, nhà hảo tâm biết hoàn cảnh nghệ sĩ ở đây nên họ cũng thương lắm. Chúng tôi ở cùng nhau thường hay nhắc lại chuyện hồi xưa làm nghề, được tâm sự với nhau, động viên nhau, chứ ở nhà với con cái đâu có hợp vì chúng đi làm suốt, chẳng có mấy thời gian ở nhà. Con tôi cũng nghèo, hồi đó chúng nó theo nghề hát nhưng khi buông nghề ra rồi thì chẳng biết làm gì để kiếm tiền cả. Ngày Tết tôi cũng ghé thăm nhà một chút rồi lại quay trở vào đây. Bà con hàng xóm gần khu dưỡng lão này thương tụi tôi lắm, ngày Tết họ còn mang bánh trái này kia qua cho chúng tôi. Nói chung ba ngày Tết đầy đủ hết, không thiếu thốn gì cả”.

Chuyên viên ánh sáng sân khấu Chín Đèn có hoàn cảnh gần giống với nghệ sĩ Thanh An, ông bảo: “Tôi có hai đứa con nhưng đứa nào cũng nghèo, thành ra ngày Tết tôi chỉ ở đây thôi, chỉ khi nào bệnh hoạn nặng tôi mới cho gọi chúng nó đến. Ba ngày Tết mọi người được tự do, muốn đi đâu thì đi, ai có con cái về nhà đôi chút rồi lại vào...”.

Nghe những tâm sự của những lão nghệ sĩ một thời vang bóng, nhiều người sẽ không khỏi xúc động, có lẽ với nghiệp cầm ca đã gắn liền với số phận của họ thì tâm lý chung của những người nghệ sĩ khi về già là không quen với cuộc sống của người bình thường, nên điều họ luôn mong muốn là được cùng sống chung với bạn diễn, với đồng nghiệp, để chia sẻ chuyện nghề, chuyện đời với nhau.

Và ngày Tết với họ có lẽ cũng như bao ngày khác mà thôi!

Phạm Phú Lữ
.
.