Muôn sự tại rảnh

Chủ Nhật, 20/12/2015, 15:49
Vạn sự nhảm nhí và vô bổ trên đời này nẩy sinh đều có khởi thủy từ một chữ: rảnh. Rảnh là phương ngữ Nam bộ thông dụng, miền Bắc thường gọi là rỗi. Ghép chung thì là rảnh rỗi. Mà việc Ngô giải thích lẩm cẩm thế này thì cũng minh chứng cho chuyện Ngô rảnh rồi. Rảnh, nghĩa là thừa thời gian, không phải làm gì.

1. Cổ nhân luận, “Nhàn cư vi bất thiện”. Bước qua lời nguyền hung hiểm của thời gian, hậu sinh chép miệng “Rảnh rỗi sinh nông nổi”.

Phải có rảnh rỗi sinh nông nổi, thì mới hiện hữu chuyện lạ trên dưới chân núi Hải Vân, trong khu rừng đặc dụng sừng sững một biệt phủ lại thêm lộng lẫy một biệt thự.

Mấy tháng trước, cả nước ồn ào vì căn biệt phủ lẫn ngôi biệt thự ấy. Chính quyền Đà Nẵng nhanh chóng một đòn đập tan sự hồ nghi của đám đông bằng cách kiên quyết chỉ đạo chủ nhân của biệt phủ và biệt thự phải tháo dỡ. Thậm chí, Hội đồng nhân dân thành phố đưa hẳn cả Nghị quyết chỉ đạo nhưng vẫn lâm vào cảnh nhất bên trọng nhất bên khinh.

Biệt thự vội vàng tháo dỡ theo yêu cầu, còn biệt phủ vẫn can trường bước qua miệng đời hiểm ác.

Chính quyền Đà Nẵng lúng túng trước dũng khí ấy của biệt phủ, nhân dân cả nước trót lỡ mê đắm vào sự vụ ấy thì hoang mang. Nhẽ nào, một thành phố luôn được trọng thị như Đà Nẵng mà có chuyện cỏn con ấy lại không thể giải quyết.

Ngô tin, nhiều người thừa sức hiểu rằng không phải ngẫu nhiên mà biệt thự lẫn biệt phủ có thể thiện hữu trái phép ở khu vực rừng đặc dụng. Chắc chắn, biệt thự lẫn biệt phủ muốn mọc lên phải đủ tiêu chuẩn trọn vẹn không thừa không thiếu của bốn chữ “Tiền tệ - quan hệ”.

Đáng tiếc, đáng hận nhất là nhiều lúc đã đủ bốn chữ này vẫn không làm chủ được mình trước sức ép vô hình tạm gọi chung là “bia miệng”. Loại “bia miệng” ấy hoàn toàn không liên quan đến loại bia mà chính quyền tỉnh Hà Tĩnh đang khuyến khích người dân Hà Tĩnh sử dụng.

Thế nhưng, đáng tiếc đáng hận nhất vẫn là “bia miệng” chỉ đủ sức tháo dỡ được biệt thự trái phép, còn biệt phủ vẫn mặc nhiên trường tồn cùng nhật nguyệt. Điều đáng tiếc đáng hận hơn cả là thành phố Đà Nẵng có vị lãnh đạo luôn tỏ ra rất dứt khoát, kiên quyết và đầy tâm huyết với việc chung, từng vi hành chỉ đạo xử lý bãi rác, từng xem xét chỉ đạo vụ tranh chấp phóng hỏa đốt quán cà phê, từng vì kẹt xe mà đem sinh mạng chính trị ra tuyên chiến… Nhưng với cái biệt thự trái phép, vị này cũng đành thúc thủ trong lặng im.

Chờ mãi thì vị lãnh đạo này cũng lên tiếng. Nhưng Ngô cho rằng đó là kiểu lên tiếng qua quýt, chiếu lệ.

Minh họa: Lê Phương.

2. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khi chủ trì phiên họp tổng kết năm 2015, triển khai nhiệm vụ năm 2016 ngày của Ban chỉ đạo Trung ương phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã phát biểu rất đau lòng, “Có rất nhiều biểu hiện xuống cấp, đáng buồn về đạo đức xã hội trong khi các cấp, các ngành có đầy đủ các chiến lược, đề án, các ban chỉ đạo để xây dựng đời sống văn hóa. Chẳng hạn như gần đây, có người thống kê được hàng loạt hình ảnh nữ sinh đánh nhau. Với những vấn đề rất văn hóa như lễ hội, ở những nơi chốn linh thiêng cũng không thiếu những cảnh phi văn hóa. Chuyện bức xúc về vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường hiện nay cũng là một biểu hiện về việc văn hóa trong đời sống cộng đồng đang có vấn đề”.

Phó thủ tướng đã nhìn rất thẳng rất thật vào thực trạng văn hóa của nước ta. Căn nguyên là bởi thái độ thờ ơ, quan liêu của những người làm văn hóa. Không loại trừ cả yếu tố, người làm văn hóa còn không hiểu mệnh đề văn hóa là gì.

Họ nghiễm nhiên tin rằng cứ phát tờ giấy có lồng kính hẳn hoi cho người dân phía trên đề mấy chữ, “Gia đình văn hóa”, ắt hẳn, bùa phép thần thoại từ những chữ này sẽ linh ứng khiến gia đình ấy văn hóa thật.

Ngô từng chứng kiến anh chồng say rượu tẩn vợ ngay dưới chứng nhận gia đình văn hóa, Ngô cũng chứng kiến cảnh con cái hỗn hào với cha mẹ ngay trước biển hiệu gia đình văn hóa.

Hồi lâu lâu Ngô về quê, tự dưng thấy trong nhà Ngô cũng có chứng nhận này. Ngô quá đỗi hoang mang và tủi thân luôn. Ngô không hiểu chuyện gì xảy ra luôn. Nhưng ngặt nỗi mấy anh ở xã đến đưa không lẽ từ chối. Đành chịu.

Từ nhà phát triển ra xã hội, đúng tính chất tế bào của xã hội luôn. Ấp nào cũng thành ấp văn hóa, làng nào cũng thành làng văn hóa luôn, khu phố nào cũng thành khu phố văn hóa luôn, phường nào cũng thành phường văn hóa luôn. Tính cả nước mình chắc cũng phải chi kha khá tiền cho cái vụ chứng nhận văn hóa này luôn.

Ngô nói thiệt, nhất thiết phải lôi ra công luận ông nào rảnh đến mức tham mưu cái chứng nhận văn hóa này để dạy cho ổng biết thế nào là văn hóa hình thức, thế nào là văn hóa bản chất?. Cũng lôi luôn ông nào đặt bút ký ban hành để hiện thực hóa sự tham mưu ấy để xem ổng rảnh đến mức nào nhằm bố trí công việc khác cho ổng thực hiện?. Tiền là tiền của ngân sách, cứ chi tiêu theo lối cha chung không ai khóc kiểu này thì làm sao mà không nợ nần ngập mặt. Đấy là chưa kể đến đã tốn tiền lại còn phản cảm. Đúng là rảnh rỗi sinh nông nổi mà.

Y như lúc này các anh ở Cục Nghệ thuật Biểu diễn đang nghiên cứu để xem xét xử phạt hai em gì đấy ấy mà. Một em thì mấy ảnh nghiên cứu xem ăn mặc hở hang đến đâu để phạt. Còn một em thì nghiên cứu sao đi thi nhan sắc ở Philippines mà không xin phép mấy ảnh.

Là làm sao ấy, nhỉ? Thánh nhân còn không hiểu được huống chi là Ngô. Sao mấy anh ấy lại có thể rảnh rỗi đến thế được.

Văn hóa đâu phải được hình thành từ văn bản, văn hóa lại không được hình thành từ một giải thưởng nhan sắc vớ vẩn nào đó hay tấm ảnh ít kín nhiều hở của một cô nàng nào. Bởi văn hóa phải được bảo tồn và phát huy dựa trên nền tảng của văn minh và tiến bộ.

Văn hóa không thể bảo tồn và phát huy bằng sự ngẫu hứng xử phạt hay nghiên cứu tìm lỗi.

3. Ngô thiển cận, trộm nghĩ mấy điều. Vẫn tiền nhân đúc kết, “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Hiểu đơn giản nhất theo suy luận của kẻ kém tắm như Ngô thì, người trên không đứng đắn thì người dưới kém đàng hoàng.

Ngô lại lấy cái sự việc căn biệt phủ ở rừng đặc dụng Nam Hải Vân ra để luận bàn.

Cũng là một vụ việc như nhau, cũng là hai bậc quyền thế như nhau ở vùng đất này, cũng là sai phạm như nhau. Nhưng một quyền thế đã tháo dỡ còn quyền thế kia vẫn kiên quyết chờ đợi chỉ đạo từ Trung ương.

Ông chủ tịch Thành phố Đà Nẵng gần như nổi nóng vì sự chây lì này của biệt phủ. Nhưng ngay chính cả ông chủ tịch gần như nổi nóng thì biệt thử vẫn nằm ì ra đó. Cơn cớ nào lại khiến biệt phủ có thể tồn tại trước sai phạm lè lè cộng thêm sự gần như nổi nóng của người đứng đầu về mặt hành chính của thành phố này.

Người dân biết cả, chỉ là khẩu thuyết vô bằng nên phải lặng im.

Ở Thủ đô Hà Nội có tòa nhà 8B Lê Trực xây sai lối thiết kế ban đầu. Dư luận phản ứng, chính quyền Thủ đô kiên quyết yêu cầu chủ đầu tư tháo dỡ. Chủ đầu tư kỳ kèo, “Không ấy, cho em biến phần sai phạm đó thành nơi sinh hoạt cộng đồng đi, kiểu như em hiến tặng ấy”. Đồng chí Bí thư Thủ đô không chấp nhận yêu cầu này, dỡ là phải dỡ.

Đáng tiếc, không phải lãnh đạo địa phương nào cũng cứng rắn như đồng chí Bí thư Thủ đô. Ngô điểm lại hàng loạt sự thất bại của các địa phương trước sự cố thủ của những bậc đại gia trong xây dựng trái phép. “Tháng 2-2012, Cơ quan chức năng phát hiện sáu block chung cư trên đảo Kim Cương tại P.Bình Trưng Tây (Q.2) xây dựng vượt tầng so với giấy phép. Cụ thể là block 16 tầng được chủ đầu tư xây thành 17 tầng, block 18 tầng xây thành 19 tầng, block 19 tầng cơi lên 21 tầng, block 20 tầng xây thành 21, block 24 tầng xây lên 25 và block 25 tầng thì chủ đầu tư xây lên 26 tầng. Toàn bộ công trình xây sai phép hơn 2.900m² và xây dựng một tuyến đường nội bộ vi phạm hành lang bảo vệ sông rạch. 

Ngay từ khi phát hiện sự việc, cơ quan chức năng đã lập biên bản yêu cầu ngưng thi công. Vụ việc được “ngâm” đến tháng 8-2012, Bộ Xây dựng cho phép điều chỉnh thiết kế của toàn bộ dự án. Sau đó, cơ quan chức năng đồng ý cho công trình sai phép này được tồn tại.

Tháng 8-2010, cơ quan chức năng phát hiện công trình chung cư 20 tầng tại số 258 Bến Chương Dương (nay là đại lộ Võ Văn Kiệt, Q.1) xây dựng sai phép, làm tăng diện tích gần 430m² so với giấy phép xây dựng. UBND TP.HCM xử phạt và buộc phải tháo dỡ toàn bộ phần sai phép nhưng chủ đầu tư chỉ tháo dỡ hơn 150m², phần còn lại xin được tồn tại. Tháng 7-2011, UBND TP đồng ý cho tồn tại hơn 270m² xây dựng sai phép như đề nghị của chủ đầu tư.

Cuối năm 2009, cơ quan chức năng tại Q.1 phát hiện tòa nhà 11 tầng số 233 Đồng Khởi xây dựng sai phép làm tăng diện tích gần 400m² tại tầng 10 và sân thượng. Chính quyền địa phương có nhiều động thái xử lý như đình chỉ thi công, thậm chí niêm phong tòa nhà.” (trích từ Báo Tuổi trẻ). Đây chỉ mới là phần rất nhỏ trong nhật ký bại trận giữa luật định và những người lắm tiền.

4. Vậy thì văn hóa bắt đầu từ đâu?. Văn hóa bắt đầu từ chữ tín, từ sự thượng tôn pháp luật, từ sự phải biết mình đang rảnh rỗi để mắc cỡ mà làm việc chứ không đơn thuần chỉ là thấy rảnh rỗi bèn sinh nông nổi.

Ngô Nguyệt Hữu
.
.