Mượn chỗ văn chương ngụ tính tình!

Thứ Ba, 10/11/2015, 22:24
Từng ngày lại trôi đi. Tìm cảm hứng từng ngày cũng khó. Bởi lẽ, công việc của mỗi ngày vẫn thế. Không gì khác. Thời khóa biểu đã thế. Từ ngày này qua tháng nọ. Công việc lần lượt đến. Không thở than. Không mừng vui. Lầm lũi đi qua trang viết mỗi ngày. Để làm gì? Trả lời câu hỏi này khó khăn quá, thôi thì, để kiếm sống mỗi ngày trong tâm thế của một người lương thiện và yêu đời. Yêu đời có dễ không? Đã có ai tự hỏi và tìm được câu trả lời thế nào? Dù dễ hoặc khó, con người ta vẫn cứ phải sống. Rồi chẳng mấy chốc, đi về phía bên kia ngọn dốc thời gian. 

Đêm qua nằm đọc quyển sách Tùng Thiện Vương do anh Biền tặng. Cảm động ở chỗ tác giả Nguyễn Phúc Ưng Trình và Nguyễn Phúc Bửu Dưỡng là hai bố con, thuộc hậu duệ Tùng Thiện Vương (1819-1870). Do trong gia tộc nên tập sách này có nhiều tài liệu đáng tin cậy.

Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán,
Thi đáo Tùng, Tuy thất thịnh Đường.

Lời khen các thi nhân Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát, Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương, lâu nay được lưu truyền, không chắc của vua Tự Đức. Nhà thơ Tùng Thiện Vương là con trai thứ mười của vua Minh Mạng. Lâu nay, ai cũng biết khi hoàng tử đến 18 tuổi phải “xuất phu” nghĩa là ra ở ngoài Tử cấm thành. Phủ đệ của Tùng Thiện Vương ở tại phường Liêm Năng, trong kinh thành. Không rõ phường này, nay đã thay đổi tên gọi thế nào? hay vẫn giữ nguyên? Sau, ông dời phủ đệ về trên sông Lợi Nông. 

Nghe cái tên này lạ quá, do không phải người Huế, bèn tra Sổ tay địa danh Việt Nam (NXB Lao Động - 1996) của Đinh Xuân Vịnh mới biết tức sông An Cựu, cũng là sông Phú Cam. Rõ ràng cái tên An Cựu nổi danh hơn, nhiều người biết đến hơn bởi lẽ đã đi vào ca dao:

Núi Ngự Bình trước tròn sau méo
Sông An Cựu nắng đục mưa trong

Thử hỏi, phủ đệ của hoàng tử nhà Nguyễn xây dựng gồm có các hạng mục nào? Có lẽ, không phải ai cũng trả lời được, trong đó có y. Vì thế, ghi lại từ tập sách Tùng Thiện Vương biết đâu sẽ giúp ích cho nhiều người như các nhà làm phim, viết tiểu thuyết… lúc muốn tái hiện lại bằng tác phẩm nghệ thuật. Phủ Tùng Thiện Vương gọi là Ký thưởng viên, ở đó có:

1. Nhà Mô trường: chỗ thi nhân, bằng hữu ngâm vịnh, xướng họa thơ văn;

2. Nhà bạch bí: chỗ của các bà phủ thiếp;

3. Tùng văn: nhà để thi văn, trổ tài bút nghiên;

4. Cổ cầm đình: chỗ ngồi đàn, đánh cờ;

5. Mặc vân sào: thư phòng chứa sách kinh, sử, tử, truyện để học, đọc, nghiên cứu;

6. Ngự mặc đình: chỗ để viên mực của vua Minh Mạng tặng nhân dịp vua mừng lễ Vạn thọ 50 tuổi (ngũ tuần đại khánh);

7. Xuy tiêu ỷ: chỗ ngồi thổi ống tiêu, sáo;

8. Sở tụng đình: chỗ trồng cam, quýt, bưởi, phật thủ;

9. Hàn lục hiên: chỗ trồng cúc, trồng các loại hoa dùng ướp trà;

10. Vô phi tân tạ: nhà tắm, làm bên hồ, có giả sơn. Tên chữ của hồ này là Nga Pha vì có nuôi ngỗng.

11. Nhất nguyên thạch: cầu đá bắc từ nhà tắm đi qua hồ để ngắm cảnh;

12. Không minh lộ: các đường đi trong Ký thưởng viên;

13. Thanh tĩnh thối: là ba chữ màu xanh đề trên cửa đi vào Ký thưởng viên, có 4 cột ghi câu đối:

Chẩm lưu tẩy nhĩ, thấu thạch lệ xỉ,
Không đàm tả xuân, cổ kính chiếu thần.

Nghĩa là:

Gối nước rửa tai; ngậm đá chùi răng;
Dùng hồ chứa xuân; lấy gương soi thần.

14. Thương hà bạch lộ đường: giữa nhà có treo bức hoành phi 5 chữ này, là nơi tiếp khách;

15. Bến nước: Nơi chủ nhân cùng thân hữu lúc nhàn hứng xuống bến dạo chơi trên sông Lợi Nông.

Lướt qua vài nét chính để thấy rằng, thú chơi, nết ở của người xưa đã khác nay nhiều lắm. Điều này, chẳng quan trọng gì. Ăn theo thuở, ở theo thời. Bao nhiêu phủ đệ đã trở thành dĩ vãng, thậm chí một vết tích cũng không còn. Vật đổi sao dời. Nay, còn nhớ đến, còn tìm hiểu Ký thưởng viên đơn giản chỉ vì Tùng Thiện Vương là thi nhân nổi tiếng, lưu lại đời sau nhiều tác phẩm có giá trị. Nếu không có những tập thơ, câu thơ tài hoa ấy, tất cả những vật chất liệt kê trên chỉ phù vân mây khói. 

Mà thật thế, nay còn lại chăng chỉ ba từ “Tùng Thiện Vương” trong trí nhớ người đời sau. Vậy là đủ. Đời sống nhẹ nhàng, đơn giản, chứ nào có rối rắm gì đâu. Về với cát bụi là hết. Còn chăng chỉ danh thơm hoặc xú danh. Thú thật, từ lâu nay, có một điều y không thể tìm được câu trả lời: Tại sao có nhiều người đã giàu, giàu sụ, giàu nứt đố đổ vách, tiền gửi ngân hàng nước ngoài nhưng rồi họ vẫn cứ bóp cổ, vòi vĩnh dân đen, tham nhũng, bán đất v.v… tiếp tục kiếm chác nhiều hơn nữa? Lạ quá.

Sáng nay, người bạn đã email cho mấy tấm ảnh mộ Phạm Quỳnh. Nhờ vậy mới biết, trước mộ có ghi hai câu nổi tiếng của ông: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; Tiếng ta còn, nước ta còn”. Ông Phạm Quỳnh viết bài khảo cứu Truyện Kiều, trong đó có câu trên là vào năm 1919, năm 27 tuổi. Ở tuổi hoa niên đó, ông đã ý thức:

“Theo lý tưởng cũ thời ở đó có ba cái “bất hủ”: một là lập đức, hai là lập công, ba là lập ngôn; nhưng cứ lịch sử đời xưa đời nay mà chứng, thời có lẽ cái trật tự ấy đảo ngược lại mới là phải, và ở đời này có lẽ lập ngôn là cái kế bất hủ hơn cả.

Lập ngôn là gì, là đem cái lý tưởng rất cao của mình, cái cảm tình rất thiết của mình, đem cả tâm hồn tình tính mà chung đúc vào tiếng nói của nước mình, tiếng nói ấy đã kinh qua bao nhiêu đời mới thành, tất cũng sẽ di truyền bao nhiêu đời không mất, vậy thời tiếng nước còn là hồn mình còn, mà hồn mình còn là tiếng không mất, như thế thời lập ngôn chẳng là cái kế trường sinh bất diệt ở đời ư? Lập ngôn chẳng là đem cuộc sinh tồn hữu hạn của một đời người mà đổ lộn vào cuộc sinh tồn vô hạn của một nòi giống, khiến cho mình nhờ nòi giống mà lưu danh mãi mãi, nòi giống cũng nhờ mình mà sống được vô cùng ư? (Thượng Chi văn tập III, tr.107- Bộ QGGD in 1962 tại miền Nam).

Há không đáng để suy nghĩ đó sao?

Khi Vũ Trọng Phụng mất, năm 27 tuổi, nhà văn Ngô Tất Tố viết: “Thọ hay yểu, không quan hệ ở sống ít hay sống nhiều, nó quan trọng là có để lại gì cho đời sau hay không? Xã hội chỉ thiếu những người làm nên công nghiệp, không thiếu những ông ăn nước thịt ép và bú sữa người. Ngoảnh lại mà xem, những ông bú sữa người và ăn nước thịt ép ngày xưa, đến nay còn có gì gọi là di tích? Ông Phụng tuy chết, mười mấy tác phẩm của ông còn sống với mai sau. Thế là thọ” (Tạp chí Tao Đàn số 12.1939). Đêm qua, đọc Tùng Thiện Vương thích câu thơ này: “Tiện hữu văn chương hữu tính tình/ Khởi quan thị vật mãi công danh” - dịch nghĩa:

Mượn chỗ văn chương ngụ tính tình,
Há đem mua lấy chút công danh.

Thử hỏi, nỗi niềm ấy có ai biết cho đến không? Chắc chắn nhiều người đã tự hỏi thế. Tùng Thiện Vương cũng đã hỏi thế, vì thế, ông mới cười mà rằng: “Bàng quan nhất giải u nhân ý/ Tiếu sát vương tôn canh thạch điền”.

Dịch nghĩa:

Người xem chẳng rõ tình người viết
Cười ngất cho là khẩn thạch điền

À, làm thơ chẳng khác nào phá đá làm ruộng. Làm được ruộng trên đá, ấy là thơ. Trồng được hoa trên đá, ấy là thơ. Đáng cười quá đi chứ? Thế đấy. Ai cười cũng mặc. Đã là tằm thì phải nhả tơ. Không một lựa chọn nào khác. Nhọc nhằn thay.

Đã lan man, thêm một chút cũng chẳng sao. Ai  cũng biết, ông cố nội của nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam là Tiến sĩ Nguyễn Tường Phổ, quê quán ở làng Cẩm Phô, Hội An. Nhưng chi tiết này ít người biết: Theo nhà “Quảng Nam học” Nguyễn Văn Xuân, cụ Phổ có làm thơ trào phúng và trưng ra một bài thơ yết hậu. Tạm hiểu, thơ yết hậu gồm bốn câu, mà câu cuối chỉ có một chữ, một chữ nhưng phải thâu tóm được ý tứ chính của toàn bài. Sở trường thơ yết hậu và được nhiều người biết đến nhất trong văn học Việt Nam vẫn là Chiêu Lì Phạm Thái. Bài thơ Ngày xuân ngẫu hứng của Tiến sĩ Nguyễn Tường Phổ, nguyên văn như sau:

Ra chùa, uống rượu ăn thịt vịt
Hái mai không có, ngồi gốc mít
Ngó quanh, ngó quất không thấy ai:

                                                Đ.

Bài thơ không thanh tao nhưng đọc dứt câu nghe có âm thanh. Tư cách người làm thơ nằm ở câu “Ngó quanh, ngó quất không thấy ai”. Có lẽ, do ảnh hưởng gen di truyền trào phúng, Nhất Linh đôi lúc cũng cười cợt, hóm hỉnh. Giữa lúc phong trào Thơ mới đang nở rộ, “nhà nhà làm thơ, người người làm thơ”, có người làm bài thơ gửi đăng báo nhưng làm theo lối cũ:

Mặt bẩn sao chưa lau?
Con ra lấy cái thau
Đổ nước, mang khăn mặt:

                                        Mau!

Lập tức trên báo Phong Hoá số 31, Nhất Linh bình luận: “Thơ như thế sao gọi là thơ được? Đó chỉ là mấy câu sai con mà có vần. Nó cũng như thơ con cóc mà thôi. Nhất Linh lại xin bắt chước làm bài thơ theo lối ấy:

Trông vào nồi, cơm hết
May còn miếng cháy giòn
Ăn với cá kho mặn:

                                Ngon!

                       (Lạc quan)

Tay tôi mụn ghẻ đầy
May sao gặp thuốc hay
Bôi được một tuần lễ:

                              Khỏi ngay!

                      (Mừng khỏi bệnh)

Đọc lại bộ Ngày Nay, ắt tìm được nhiều thông tin hay.

Lê Minh Quốc
.
.