Một vài tiếng lóng
- Nghe vang vỡ cái bất bình thành thơ
- Chuyện làng Văn nghệ: Vạn sự khởi đầu nan
- Danh lợi không đợi... nghề văn
Nhà văn Tô Hoài là một trong những người rất chịu nhặt nhạnh chữ nghĩa. Trong Sổ tay viết văn (NXB Tác phẩm mới - 1997), ông ghi: "Nàng ấy, ô-ten-lô quá!" (Cô ấy nước da đen quá) v.v...
Trên Tuổi trẻ Online (7/11/2015), bạn đọc Đ.T cho biết đã căn cứ từ Tạp chí Chọn Lọc in năm 1965 "Xin tạm nêu ra vài từ" về tiếng lóng. Nếu chu đáo hơn phải cho biết cụ thể số báo, năm tháng phát hành. Những tiếng lóng đó, một thời thịnh hành tại Sài Gòn, nay hầu như "tuyệt chủng". Thiết nghĩ, việc làm này rất đáng hoan nghênh. Ít nhiều cho biết lời ăn tiếng nói của một thời. Tiếng lóng không tồn tại mãi mãi, nó sẽ mất theo năm tháng.
Cùng một sự việc, sự vật nhưng mỗi thời có cách diễn đạt khác nhau. Theo định nghĩa của Từ điển tiếng Việt do Viện Ngôn ngữ Việt Nam biên soạn (NXB KHXH - 1986): "Tiếng lóng: Cách nói một ngôn ngữ riêng trong một tầng lớp hoặc một nhóm người nào đó, nhằm chỉ để cho trong nội bộ hiểu được với nhau mà thôi".
Bài viết của bạn Đ.T, có đoạn như sau:
"Dầu cù là: Bản thân dầu cù là không thể là tiếng lóng, nhưng ở đây có nghĩa là "đảng Cần lao". Từ này xuất hiện cuối thập niên 1950, đầu 1960. Đó là khoảng thời gian cầm quyền ở miền Nam của chánh quyền Ngô Đình Diệm. Giới viên chức thường hỏi nhau: "Ê, ông có bôi dầu cù là không?", là có ý hỏi: "Ông có chân trong đảng Cần lao không?". Có "bôi dầu cù là" thì thế nào cũng được nâng đỡ về mọi mặt vì đảng đó do chính quyền Diệm - Nhu lập ra.
Tây hạ thành: Mỉa mai những cái gì cổ lổ, cũ kỹ quá xá. Chẳng hạn như có người mặc cái áo cũ mèm, người ta bảo: "Cái áo đó có từ hồi Tây hạ thành", tức là có từ cả trăm năm, từ khi người Pháp đánh thành Hà Nội. Không chỉ nói về những món đồ, từ này còn nói về khái niệm phi vật thể, kiểu như ông nào đọc diễn văn dùng nhiều từ cổ quá, lủng củng và có khi biền ngẫu thì bị gọi là dùng ngôn ngữ "Tây hạ thành". Từ này na ná như từ hiện nay cũng còn một số người xài: "Thời Bảo Đại ở truồng".
Con cháu nhà Hán: Trong cuốn Hán Sở tranh hùng có chuyện vua Hán Cao tổ vốn họ Lưu, sau này phá tan được nhà Tần lên làm vua, lập nên nhà Hán. Vì vua nhà Hán họ Lưu nên người ta dùng chữ "con cháu nhà Hán" để chỉ những người có tánh "lưu... manh" khó chơi.
Phỗng: Khi đánh bài tổ tôm, khi ta đánh ra hai quân bài giống nhau, người khác đánh ra một quân giống hệt, ta có quyền "phỗng". Đáng lẽ quân bài đó người ngồi mé trên ta có thể ăn để ghép vào cỗ bài của họ nhưng ta có đôi sẵn trong tay, ta có quyền kéo quân bài đó về phía mình, đó là "phỗng". Người ở mé trên mình bị nẫng mất quân bài đáng lẽ mình được, tức là bị "phỗng tay trên". Từ này người gốc Bắc nói nhiều hơn.
Hia: Có nghĩa là cắt xén. Ai có tóc dài, râu dài thì bị nhắc phải... hia bớt đi, phải cắt ngắn đi. Hia còn có nghĩa là ném, vứt, lại có nghĩa là khuân vác. Ví dụ như: "Túm cổ, hia ra ngoài!", hay: "hia vài bao vô đây!". Không ai biết tại sao có từ này, nhưng giới lính tráng miền Nam trước đây dùng nhiều.
Nghe lại những từ lóng này, có thể hình dung những ngữ cảnh cụ thể mà bây giờ những người trẻ không thể hình dung ra được".
Đọc xong bài viết của Đ.T, y thích lắm bèn tìm kiếm một vài tư liệu khác bổ sung thêm.
Chẳng hạn, căn cứ từ Tạp chí Hồi hương số Xuân Đinh Mùi (1967) ấn hành tại Sài Gòn. Do tạp chí này in typo, phổ biến nội bộ nên có lẽ chẳng mấy ai còn lưu giữ, có sự cộng tác của các cây bút nổi tiếng thời đó như Huỳnh Phan Anh, Quách Thoại, Thanh Tâm Tuyền, Minh Đức Hoài Trinh, họa sĩ Thái Tuấn, Nguyễn Trung…
Thập niên 1960 ấy, tác giả bài viết là T.M.Q ghi nhận "Tiếng lóng mới". Ấy thế, nay đã cũ rồi, thậm chí cũng có từ đã "tuyệt chủng" hoặc đang ngắc ngoải. Xin tạm nêu ra vài từ bổ sung thêm, tuy nhiên y có thêm thí dụ cho dễ hiểu:
Ác, ác ôn, ác liệt, ác địa: Có nghĩa là hay, số dzách, khác người... "Tao vừa mới quen được một nàng đẹp ác".
Bay bướm: Trạng từ hay tính từ có nghĩa là ngon lành, tính cách tài hoa, đào hoa. "Tay kia thay bồ như đổi áo, bay bướm một cây".
Chưởng lực: Lấy trong các truyện kiếm hiệp Tàu có nghĩa là tài cán, khả năng. "Chưởng lực cậu còn yếu quá, sức mấy mà cạnh tranh nổi với tớ".
Một chưởng: Một cú, một đòn, một vố cũng lấy từ truyện kiếm hiệp. "Tớ vừa bị nàng cho một chưởng còn ê cả người".
Đi một đường lả lướt: Làm một việc hết sức ngoạn mục. "Hôm qua, bằng mọi cách mình đã cố lấy lòng em, nhưng có tay khác nó đi đường lả lướt hơn".
Lại có một sự: Thay vì nói có chuyện gì, việc gì. "Lại có một sự ăn nhậu tối nay".
Láng: Tùm lum, lung tung, không có trật tự. "Còn tiền không? Chơi láng luôn".
Quê một cục: Quê mùa, đần độn, cù lần. "Thằng ấy, quê một cục".
Tám, chín: Cái tên dùng để chỉ bất cứ ai, như cái tên Charlie của Mỹ. "Bỏ đi Tám/ Thôi mà, Tám/ Giỡn hoài, Chín"…
Teo: Sợ sệt. "Nghe sếp mắng, teo quá". Teo còn có "teo bu gi".
Lúa: Một việc nào đó đã kết thúc. "Thôi lúa rồi. Trễ quá, xe chạy mất tiêu".
Như điên: Diễn tả sự tột bực, sự hăng say. "Sài Gòn dạo này các cô phóng xe như điên".
Ông bạn dân chủ: Chỉ người Mỹ. "Các ông bạn dân chủ coi bộ hiểu mình hơn so với lúc trước".
Quái xế, vồ xế, thổi nghẽo, mõi, thổi: Có nghĩa là ăn cắp xe. "Vừa mới để xe ở đây có năm phút mà mà ông tướng nào thổi mất rồi".
Nghèo mà ham: Không hội đủ điều kiện mà muốn cho cố. Chẳng hạn, thấy anh chàng nọ hết sức cù lần chạy theo một cô hết sức lả lướt, có thể chê: "Thằng ấy, nghèo mà ham".
Còn lâu, còn khuya, tới tết Ma-rốc, tết Công-gô, Tây ăn trầu: Dùng để chỉ một sự việc khó bề xảy ra. "Còn khuya cậu mới tán được cô đó"; hoặc "Bao giờ anh lên chức?", "Tết Ma-rốc".
Chết lính: Dùng để chỉ một hành động có phương hại, gây hậu quả không hay cho nhiều người. "Chị làm vậy chết lính rồi còn gì, trời!".
Đại khái bạn đọc T.M.Q, chỉ liệt kê có thế. Tuy nhiên, còn có thể kể thêm vài từ, nay còn sử dụng như: "Chém, cứa" có nghĩa là tính giá quá mắc: "Cái quán này chém ác"; "bịnh": tương đương với dở, yếu, kém, bậy quá. "Cha nọ không mó tay vào việc gì mà cứ chỉ trích cái này, cái nọ. Bịnh quá".
Tất nhiên, vẫn chưa đủ.
Tham khảo nhiều bạn bè, tạm thời liệt kê thêm: "Sức mấy mà buồn"; "chịu chơi"; "chơi chịu"; "gà chết"; "gà nuốt dây thun"; "mừng hết lớn"; "là cái chắc"; "quá cỡ thợ mộc" (hết cỡ, vượt ra ngoài khuôn khổ); "mút mùa Lệ Thủy" (chỉ thời gian xa thăm thẳm); "xưa rồi Diễm" (chuyện đó cũ xì, cũ mốc rồi); "mát trời ông Địa" (chỉ trạng thái hài lòng, hả hê sung sướng); "hết sảy" (chắc như bắp rang, không trật vào đâu nữa); "kênh xì bo" (nhìn đểu có ý gây sự); "luyện chưởng" (đọc truyện kiếm hiệp); "đi bốn vùng chiến thuật" (đi khắp nới khắp chốn, từ đồng bằng, hải đảo đến cao nguyên), "đi vùng 5" (đi về âm phủ); "xi cà que" (người bị tật ở chân, hàng kém chất lượng); "nâng bi" (nịnh bợ); "xôi cồ" (ngực to), "khô mực" (cà-vạt); "lặn" (đi trốn); "địa" (bị theo dõi); "con ghệ" (con gái); "cớm" (cảnh sát); "cớm chìm" (công an mặc thường phục); sơ-mi gỗ (quan tài); "vãn tuồng" (kết thúc). "tận cùng bằng số" (bắt chước theo cách báo tin kết quả xổ số kiến thiết, qua đài phát thanh): có nghĩa mọi việc, việc đó đã xong xuôi, không còn có cơ hội làm lại...
Còn gì nữa không ta?
À, còn chứ! Chẳng hạn, "thanh minh thanh nga" (giãi bày, phân trần chuyện oan ức); "đổng" (đồng hồ); "lấy le" (phô trương, tỏ ra là người quan trọng); "làm tàng" (ỷ mình hơn người mặt nào đó thì coi thường họ); "hầm bà lằng, búa xua, tá lả (lộn xộn); "xế" (xe); "xế điếc" (xe đạp); "xế độ" (xe máy lên đời), xế hộp (xe hơi); "bá chấy bò chét" (hết sảy, tuyệt); "chị em ta" (gái mại dâm); "bề hội đồng" (hiếp dâm tập thể); "lết bánh" (xỉn quắc cần câu); "chơi líp ba ga" (chơi tới bến, "chơi xả láng sáng về sớm"); "chơi cho đáng mặt bầu cua cá cọp" (chơi đàng hoàng, chơi ra chơi, không ba que xỏ lá); "dân chơi Cầu Ba Cẳng" (dám làm mà không dám chịu)…
Chà, còn gì nữa không ta? Ắt còn.
"Xệ/ quê xệ/ quê một cục/ quê độ" (quê quá xá là quê); "chó lửa" (súng lục); "leo cây" (chờ đợi theo lời hứa nhưng người đó xù luôn, không đến); "đô" (bự con); "35 dê" (chỉ người có máu dê xồm); "cùi" (chuyện đó không thể xảy ra): "Cậu mà tán được hoa hậu X thì tớ cùi"; "mới cáu cạnh/ mới cáo xèng" (mới 100%); "đổng" (đồng hồ đeo tay); "xí xọn/ xí xa xí xọn"; "xì trum" (ảnh hưởng từ truyện tranh Xì trum, dùng đa nghĩa cho trong nhiều trường hợp, chẳng hạn: "Em cho anh xì trum một cái nhá? - Khỉ, xì trum nè anh! Ở đó mà đòi hun với hít, còn lâu) v.v...
Trong văn chương, nhiều nhà văn cũng sử dụng tiếng lóng, điều này giúp cho nhà văn khắc họa rõ nét tính cách nhân vật. Tiêu biểu nhất, có lẽ tác phẩm Bỉ vỏ của nhà văn Nguyên Hồng, Tôi kéo xe của Tam Lang...
Như đã biết, tiếng lóng, mỗi thời đều thay đổi nên có những tiếng lóng chỉ mới cách đây chừng hai mươi năm, nay ít ai sử dụng: "Bẻ đê" (giật đồng hồ); "ăn đọp" (ăn cắp súng); "móc mắt" (ăn cắp vặt); "nàng áo đỏ" (xe DD); "công chúa ngủ" (xe Dream); "lò hấp" (nơi tiêu thụ xe gian); "thua nguội" (bị bắt ngay sau khi gây án); "gà móng đỏ/ gà công nghiệp" (gái mại dâm) v.v...
Vẫn biết, tiếng lóng chỉ "lưu hành", phổ biến trong một tầng lớp, một giới nào đó thôi. Tuy nhiên, vẫn có những tiếng lóng "đàng hoàng" đi vào trong thơ - chủ yếu là thơ châm biếm, trào lộng. Thời buổi này, thường nghe nói đến "cò" - nhằm chỉ những người đứng ra làm trung gian một dịch vụ nào đó đặng hưởng huê hồng. Xin trích một bài thơ viết về cò: "Con cò bay lả bay la/ Bay từ bàn giấy bay ra vỉa hè/ Thì thầm hù dọa rủ rê/ Cửa trước: "Khó lắm! Khó bề xong đâu"/ Cò quen lối tắt, ngõ sau/ Chịu chi bảo đảm làm mau lấy liền/ Đường dây uy tín ưu tiên/ Cho cò chút cháo rồi yên tâm… chờ!" (Hoàng Duy, Báo Thanh niên số 24/9/1997). Rõ ràng, cò này không phải loại "chim có chân cao, cổ dài, mỏ nhọn..." như Từ điển tiếng Việt đã giải thích. "Chút cháo" là tiền hoa hồng, tiền hoa chi, tiền "trà nước"...
Gần đây, thường nghe đến từ "cơm bụi", "giá bèo" - nhằm chỉ những quán cơm bình dân giá rẻ dành cho người lao động ở thành thị. Tiếng lóng ấy, có lẽ nhà thơ Nguyễn Duy là người đem vào thơ trước nhất: "Rủ nhau cơm bụi giá bèo/ Yêu nhau theo mốt nhà nghèo... vô tư!".