Một phần “linh hồn” của Hà Đông

Thứ Sáu, 19/06/2015, 12:50
Cảnh vật thì thay đổi, trí thức tinh hoa của Hà Đông thì vẫn thế, họ là một phần hồn cốt của đất này. Họ yêu nơi này không muốn rời xa.

Từ nhà cấp 4 trong khu tập thể Sở Văn hóa Hà Tây, vợ chồng nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã xây nên nhà tầng và lại đập đi xây lại năm 2014, nhà mới bây giờ trên nền nhà cũ sơn màu vàng nâu, trước cửa trồng cây mai và những chậu hoa dọc cầu thang lộ thiên. Tầng 1, garage đủ chứa một chiếc xe ôtô và rất nhiều khung tranh của ông chủ, cửa thông vào phòng ăn.

Nhiều năm nay, nhà của tác giả Sự mất ngủ của lửa thành nơi hội tụ của văn nghệ sĩ Hà Đông. Lệ, họ hội tụ tối thứ 6 hằng tuần, riêng đôi bạn thân Lương Tử Đức và Nguyễn Quang Thiều thì hầu như ngày nào cũng gặp. Nhà thơ, đạo diễn chèo Lương Tử Đức (nguyên Phó trưởng Đoàn Chèo Hà Tây) về công tác tại Ban Văn nghệ - Đài Truyền hình Việt Nam từ 2004. Cha ông, cụ Lương Hồng Kỳ (1920-2003) mê nghệ thuật từ trẻ song không theo được, Lương Tử Đức ở Hà Đông từ năm 1964. Nhóm bạn còn gồm: NSƯT Chu Lượng - nghệ sĩ tạo hình con rối, diễn viên, đạo diễn, thạc sĩ lý luận sân khấu, Phó giám đốc Nhà hát Múa rối nước Thăng Long. Chu Lượng rất cao, tóc dài, ông lên chương trình VTV3 với danh hiệu “Người đàn ông cao nhất Việt Nam”.

Nói đến nghệ sĩ Hà Đông, tôi nghĩ ngay đến Nguyễn Quang Thiều và những người bạn ông. Họ yêu quý nhau và luôn giúp đỡ, đồng hành. Hầu hết họ đều quê Hà Tây, ông Thiều quê làng Chùa, Ứng Hòa; còn vợ ông thì ở làng Đa Sĩ, cách trung tâm thị xã 2km. Chiếc bàn gỗ độc đáo nhà thi sĩ Nguyễn Quang Thiều là phiến gỗ đinh hương cực hiếm 4,2x1,2m do ông Phương Chung tặng (phiến gỗ nhà ông còn lớn hơn), đủ cho 40 người quây quần.

Nhà thơ Lương Tử Đức có những bài thơ về văn hóa làng đặc sắc mà không một chút quê mùa, “âm lịch”; thật độc đáo bởi tư duy hiện đại, ví dụ cảnh gái làng ra ao, ông viết thế này: “Tháng ngày qua ở đâu/ Trẻ chăn trâu chơi trốn tìm/ Gái làng rửa tay soi gương mặt/ Rửa chân soi gương ngực”.

Lương Tử Đức kể: “Nhóm chúng tôi hay ngồi ở café Phố Cũ trên phố Trưng Nhị. Café ở đây chẳng ngon lắm đâu, nhưng ngồi đấy lâu, quen không khí ấy, nhất là buổi tối họ kê ghế ra vỉa hè. Chúng tôi gọi là “café Paris”, ngồi dưới tán cây bàng, trong khói thuốc buổi tối đắm chìm nhớ Hà Đông cũ, và từ Hà Đông đến nhiều miền suy tưởng. Quán này vốn thuộc chợ trâu, tổng đốc Hoàng Trọng Phu đã cho mở chợ trâu đầu tiên ở Hà Đông năm 1922.

Việc buôn bán ngày ấy từ Hà Đông ra Kẻ Chợ khá tấp nập. Muối chở lên Tây Bắc đi qua đường đồi núi còn thấy phân hổ bốc khói. Dinh Tổng đốc chính là văn phòng Đảng ủy quận ngày nay”. Làm việc trong Hà Nội, nếu chỉ đến cơ quan thì mỗi ngày ông Thiều và ông Đức đi ngót 30 km. Rất nhiều năm, tôi thấy ông Thiều đi chiếc Cub 82 màu Cửu Long, ôtô Santafe sắm sau này; còn Lương Tử Đức thì phóng tít Future đỏ, sở hữu Toyota bốn chỗ cũ màu ghi mà ông gọi là “xe cỏ”.

Nhà Nguyễn Quang Thiều 4 tầng rất đẹp. Tầng 1 đầy hoa, sân thượng tầng 5 đầy rau sạch, vợ ông - bà Lê Thị Tân Trang trồng trong các bồn nhựa. Cả bồn và đất đều phải mua. Ngoài tranh của Nguyễn Quang Thiều khổ 0,7x0,9m, 1x1m, 1,4x2,8m; tranh của các họa sĩ tên tuổi vẽ tặng ông rất giá trị. Tôi rất ấn tượng với những cánh sen rập rờn trong tranh sơn mài của lão họa sĩ Chu Mạnh Chấn, 84 tuổi, thân phụ nghệ sĩ Chu Lượng, còn Chu Lượng thì vẽ Nguyễn Quang Thiều đang say sưa thổi sáo.

Những người bạn yêu Thiều vẽ rất đúng về ông, những cây sáo xuất hiện nhiều trong tranh Thiều. Ai được thưởng thức tiếng sáo của thi sĩ? Tôi nghe thấy tiếng vọng ấy từ thơ ông. Lương Tử Đức bộc lộ tài hoa khi vẽ chân dung bạn bằng chì sáp và hỏi tôi: Đố biết Nguyễn Quang Thiều vẽ tranh vào lúc nào? Vẽ lúc nào khi đi làm cả ngày, buổi tối phân bổ thời gian cho gia đình bạn bè. Câu trả lời sẽ ở bài khác.

Ngôi nhà sàn gỗ nâu ấy đậm đặc không khí văn chương và hội họa mà để tả về nó phải viết riêng một bài. Hình như đèn trong ngôi nhà ấy không khi nào tắt. Gần cửa phòng khách, đặt cây đèn có chụp vẽ hình những viên gạch đỏ do họa sĩ Đào Hải Phong tặng. Phía trong là lò sưởi với xẻng và cời than do con gái thi sĩ học thạc sĩ ở Mỹ gửi về. Tôi chú ý những giá nến và lạc đà trong nhà Nguyễn Quang Thiều. Từ con lạc đà trên bao thuốc Camel lia sang thảm lạc đà mua về từ Cairo năm 2012 và tượng gỗ lạc đà mua từ Pakistan năm 2002 khi Nguyễn Quang Thiều là nhà báo Việt Nam đầu tiên viết phóng sự Mỹ tấn công vào Kabul.

Hồn vía của Hà Đông hội tụ ở những con người tinh hoa. Hà Đông là Sơn Nam thượng, Nam Định là Sơn Nam hạ của nền văn minh sông Hồng. Sáu người đàn ông thân thiết như lục giác phát sáng; họ khiến cho bạn bè khắp nơi biết đến và yêu mến Hà Đông hơn; họ cũng chưa bao giờ có ý định rời Hà Đông vào Hà Nội dù lắm mời gọi, rủ rê. Hà Đông có CLB Cổ vật ra đời hơn một năm do doanh nhân Bạch Vi Thiện (Chủ công ty săm lốp và chăm sóc ôtô Dân Chủ) lãnh đạo. Quê tại đây, Bạch Vi Thiện là doanh nhân lịch lãm, yêu chuộng thơ ca. Nhà anh như một dinh thự do nhạc sĩ, kiến trúc sư Nguyễn Vĩnh Tiến thiết kế.

Tôi vẫn trêu Nguyễn Quang Thiều và Lương Tử Đức tri âm tri kỷ và yêu chiều nhau như cặp tình nhân say đắm. Họ đều hút thuốc Camel lạc đà, uống rượu 40° trở lên và nghiện café đen. Linh hồn thị xã mà Nguyễn Quang Thiều viết trong truyện Con quỷ gỗ như tụ về “căn phòng nam châm” của ông trong ánh nến và hương thơm hoa loa kèn trắng.

Nhà thơ Lương Tử Đức tự tình với Hà Đông, thay lời bạn ruột: “Hà Đông là thị xã, lên thành phố rồi xuống quận. Con người dù thay đổi tên họ, vẫn là con người ấy. Hà Đông dẫu đổi thay thế nào, với chúng tôi vẫn mãi mãi là thị xã. Chúng tôi không bao giờ quay ra Hà Nội, bởi người ta có thể đổi chỗ ở vì công ăn việc làm và muôn vàn lý do khác nhưng không thể xa rời nơi cho ta xúc động, suy nghĩ đúng đắn, những rung vang chân thực nhất”.

Nét đặc thù và níu giữ con người ta biết đến nhớ đến nơi nào chính là con người nơi ấy. Con trai lớn của Nguyễn Quang Thiều du học đã trở về Hà Đông theo ý nguyện của cha mẹ. Nguyễn Quang Thiều, Lương Tử Đức và các bạn ông không phải quan chức, nhà quy hoạch để giữ những cánh đồng, sự cổ kính trước muôn xô bồ, chen chúc, họ vẫn giữ lại Hà Đông lắng đọng, bình yên và huyền bí bằng thi ca, bằng tâm hồn và niềm tin phong nhiêu lưu truyền thế hệ.

15/5/2015

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (bìa phải) cùng các bạn bè Hà Đông của ông trong chuyến thăm nước Mỹ 2007. Ảnh: Nguyễn Quang Hưng.

Vi Thùy Linh
.
.