Một "hiện-tại-đang-cũ"

Thứ Hai, 21/06/2021, 13:20
Thế là bắt đầu mùa bóng đá. Cái giải đấu thuộc diện lớn thứ nhì hành tinh nhẽ ra diễn ra từ năm ngoái nhưng vì dịch bệnh phải dời sang năm nay. Tiếng là tổ chức ở năm 2021 đấy, nhưng tên thì vẫn là EURO 2020. Một "hiện-tại-đang-cũ" là điều khiến tôi luôn nghĩ về cái tên ấy. Xui rủi thế nào, trùng với cái hiện-tại-đang-cũ đó, dịch bệnh lại bùng phát một cách đáng sợ ở Việt Nam.


Kể từ khi có con Sars-Covi 2 này cho tới giờ, có lẽ đây là lần đầu tiên dịch bệnh ở Việt Nam mạnh mẽ đến thế, đáng lo ngại đến thế. Và giải EURO của "một-hiện-tại-đang-cũ" ấy cũng trở thành một EURO kỳ dị nhất trong những EURO hay rộng hơn là cả World Cup mà đời tôi đã trải qua. Không tụ tập xem chung; không lai rai dăm ba đứa tán láo quanh cái màn hình TV. Tất cả, chỉ có mình, một mình, trước "một-hiện-tại-đang-cũ".

Chừng gần hai tiếng nữa là bóng lăn, trận mở màn giữa anh Thổ với anh Ý-tà-ly, trời trở khuya và vắng lặng kinh khủng. Giãn cách xã hội nên tiếng xe cũng không còn vọng vào qua từng ô cửa sổ. Lục lọi hết cuốn phim này tới cuốn phim kia cũng chán. Có mỗi một mình nên cảm giác thưởng thức bóng đá nó cũng mất đi bao nhiêu phần thú vị.

Thực sự, nếu không phải làm việc với bóng đá, có lẽ tôi cũng đi ngủ rồi, để mai xem phát lại giờ sáng sớm. Nhưng vì đây vừa là công việc, lại vừa là sở thích nên cũng phải nán mình. Hay là làm chút gì nhấm nháp chờ đợi nhỉ? Tự hỏi và không cần trả lời. Tôi chui xuống bếp, mở tủ lạnh, lấy ngay hộp "hàng tuyển" chú em mới gửi cho cách đây một tuần.

Châu chấu đồng. Châu chấu sạch. Cu em ngoài Bắc dặn dò "em bắt châu chấu ruộng nhà không phun thuốc. Về làm cánh, vặt chân, rửa sạch hết rồi. Gửi ít để bác khi nào nhắm rượu lôi ra mà rang. Cứ bỏ tủ đông, dùng lâu chán bác ạ". Tôi mở cái hộp, múc ra chừng một đĩa con. Ướp gia vị đầy đủ. Rồi bắt đầu lọ mọ thái hành, thái lá chanh, vớt ít cà muối cắt làm tư.

Bà xã thấy lụi cụi đi ra ngó nghiêng, mắt còn kèm nhèm: "Con gì nhìn ghê thế?". "Châu chấu. Ăn không tí gọi?". "Khiếp. Trông đã không dám. Mà ăn cẩn thận nha, hôm bữa nghe đài nói có người ăn ve sầu ngộ độc đi cấp cứu đó". Tôi cười khà khà. Chắc cơ địa họ làm sao. Chứ mình ăn ve sầu từ bao lâu rồi, có thấy gì đâu. Hay là chế biến ẩu đâm ra mới bị sốc phản vệ.

Cái chảo bắt đầu nóng lên, bỏ ít mỡ lợn vào, phi hành cho thơm, rồi châu chấu bắt đầu được thả vào rang đều tay cho khô sắt lại. Cuối đoạn, tôi mới ném vào đấy mấy quả cà muối cắt sẵn, rưới thêm nửa thìa nước muối cà, lại đảo đều tay thêm chút nữa. Xong, rắc lá chanh, cho tí tiêu bột, đổ ra đĩa. Trông cũng "ra gì" đáo để. Chìa ra trước mặt vợ, xúi xúi giục giục. Mụ cũng nhón thử một con. "Ừ giòn, thơm, ngon phết".

Cũng còn gần tiếng đồng hồ nữa bóng mới lăn. Mình tôi với đĩa châu chấu rang, rót thêm ly rượu, ngồi nghe mấy đồng nghiệp "chém gió" trên hình. Nào là "đội Ý ghê đấy. 10 trận vòng loại họ thắng cả 10". Nào là "đội Thổ gớm gớm. Cùng bảng với Pháp ở vòng loại mà thua mỗi một trận thôi. Suýt soát đầu bảng". Ui chao, ông Ý hay ông Thổ giờ thì cũng không thú bằng ông châu chấu đồng. Hàng tuyển có khác, ngon hơn đội tuyển.

Sực nhớ ngày nhỏ, nghe ba tôi kể, thời khó khăn, có đận ba sang ở chung với thầy giáo, hai vợ chồng ông thầy nghèo chỉ có mỗi cháo với châu chấu rang. Trong ký ức ấy, con châu chấu nó là thực phẩm chủ đạo mang lại tí đạm chứ không còn là cái thứ để ăn vặt như kiểu đặc sản bây giờ. Cũng từ câu chuyện ba kể đó, thời thơ ấu, tôi với đám bạn cùng khu đã không biết bao lần bắt châu chấu đèn về nướng ăn thử xem sao.

Chẳng còn nhớ cái vị châu chấu nướng trên que diêm ngày xưa thế nào. Chỉ nhớ cái mùi thơm nức khi con châu chấu cháy xèo xèo trên lửa. Thuở bao cấp, trẻ con có gì ăn vặt đâu. Cái gì hay ho bỏ mồm được là bỏ tuốt. Còn nhớ, ngày ấy, trong khu có thằng "Dũng con" còn nghiện ăn cả mì chính. Nhìn nó cứ bỏ cả thìa mì chính vào miệng mà còn khiếp đến tận lúc già.

Rồi nghĩ đến đám trẻ con ngày nay. Chẳng biết con nhà ai thế nào chứ con nhà tôi, cứ gặp bất kỳ con côn trùng nào cũng xoe mắt nhìn nửa ngạc nhiên, nửa sợ sệt như thể quái vật. Lắm khi phải giải thích "con này là con bọ rùa, nó không cắn đâu. Con này là con xén tóc, nó hiền lắm". Nhưng sợ vẫn hoàn sợ. Chẳng bù cho thế hệ cha chúng nó, con gì gặp đám con trai thế hệ ấy cũng sợ hết, trừ con gái mà thôi.

Rõ là trẻ thơ thời nay khác trẻ thơ ngày xưa xa lắc rất nhiều rồi. Thuở chúng tôi, vào lớp 1, cha mẹ đâu cần phải chạy trường tốt làm gì. Cứ đúng tuyến mà học. Rồi cha mẹ cũng chỉ đưa đón được dăm ngày đầu lạ lẫm. Sau đấy là đi cùng chúng bạn. Sáng tự đi, trưa tự về. Thằng nào cũng lủng lẳng đeo một chiếc chìa khoá nhỏ trên cổ. Về đến nhà là tự lục cơm nguội mà ăn. Chiều rủ nhau ra sân tập thể, ra vỉa hè chơi đấu láo.

Rồi cũng làm quen với cây cỏ, với côn trùng từ cái vỉa hè sân chơi ấy. Mỗi đận mùa thi, cũng là lúc mùa ve bắt đầu, còn đi mò ve lúc chạng vạng tối hoặc đi đổ ve, đúc dế mỗi buổi chiều chiều. Toàn kinh nghiệm truyền nhau cả. Nhìn là biết tổ nào tổ ve, đùn nào là đùn dế, đùn nào là đùn bọ hung. Cả một thế giới các con bọ ấy lại càng trở nên quen thân hơn qua chuyện của ông Tô Hoài. Thời ấy, 100% trẻ con đứa nào chả đọc "Dế mèn phiêu lưu ký".

Thực sự, cũng chẳng trách được trẻ con bây giờ về cái sự "nhút nhát", "kiến văn, thường thức" hẹp được. Chỉ nói về tiện nghi thôi. Giả như hồi năm 80 mà có trò chơi điện tử, chắc chả đứa nào trong lứa bọn tôi biết tới bắt dế đèn, bắt muồm muỗm, châu chấu, cào cào, bọ ngựa, cà cuống đền là gì cả. Mấy tiện nghi ấy nó quyến rũ đến thế, làm sao nói trẻ em ngày xưa nghị lực hơn trẻ em hôm nay về chuyện chống lại cám dỗ. Mà nói đến tiện nghi nhé. Thời nay, đến bố mẹ trẻ con còn bị cuốn đến say sưa vào điện thoại thông minh, máy tính bảng thì nói gì đến trẻ con (hehehe).

Rồi thì trách là sao cha mẹ nuông con đến thế. Thời xưa lớp 1, lớp 2 đã tự đi học, tự về nhà rồi. Thời nay, mẹ cha đưa đón có khi đến tận lúc con vào học cấp III. Tôi thấy trách thế nó phiến diện lắm. Thời chúng tôi trẻ trâu, đường phố vắng như giãn cách xã hội bây giờ. Một con phố nhỏ như phố Phan Huy Chú, Phan Chu Trinh vốn cắt ngang đường đến trường của chúng tôi, có khi cả ngày được hơn chục cái xe hơi với xe gắn máy chạy ngang. Xe đạp còn ít nữa là.

Thậm chí, ngày hè, sáng sáng dậy sinh hoạt thiếu nhi tổ dân phố, dậy sớm đá bóng dưới lòng đường, đường thênh thang như sân vận động, chả có ma nào chạy qua. Có đứa còn nằm giữa đường mà ngủ. Thời nay thì sao? Xe cộ chen nhau, chả tan tầm cũng kẹt được. Mà người chạy xe thì toàn tốc độ "tội ác" cả. Cha mẹ nào dám thả con mình vào một cái đô thị hoang dã đến thế? Đó là còn chưa kể các vấn nạn khác. Xã hội xưa lành hơn nhiều so với xã hội bây giờ. Mà nói thẳng hơn, người lớn thuở ấy hiền lành tử tế hơn người lớn thời nay (trong đó có cả thằng tôi).

Xã hội nó dịch chuyển. Đời sống nó dịch chuyển. Có nhiều thứ tiến bộ lên, nhiều thứ tốt đẹp hơn nhưng rõ ràng trong một cái sầm uất vĩ đại như thế (so với ngày xưa), rõ ràng trẻ con cần phải được bảo bọc tốt hơn là phải. Bảo bọc tới mức mà hôm trước tôi phải phì cười khi đọc được lời của một KOLs sến bậc thầy được chụp màn hình lại đăng trên báo. Chả là, người ấy thương trẻ con đi cách ly ở Bắc Giang giữa thời tiết Hè nóng nực thế này mà... không có máy điều hoà nhiệt độ.

Bộ Y tế đang khuyến khích ngay cả trong xe taxi, grab cũng nên mở kính tắt máy lạnh để giảm khả năng lây lan mà tự dưng đi thương xót dở hơi một vài đứa trẻ được các y bác sỹ bảo bọc chu đáo mỗi ngày. Sực nhớ những gương mặt của đám trẻ thơ trên rẻo cao, ở Tây Nguyên, những gương mặt nhếch nhác trong cái nghèo mà đám bạn tôi, lũ psychotramps13, mỗi năm vẫn dăm bận chạy lên tặng sách, áo ấm, thực phẩm. Lũ trẻ ấy còn đáng thương hơn gấp vạn lần, khi cái khổ cực của chúng không chỉ là vài ngày "không có máy lạnh" mà là hàng ngày thiếu thốn đủ bề.

Giờ thì bóng lăn rồi. Có đứa trẻ nào như chúng tôi ngày xưa thức bên cha chờ xem bóng bánh hay không? Con trai tôi còn nhỏ quá. Chứ nó mà đủ lớn, và muốn xem bóng đá, dứt khoát tôi gọi nó dậy, cho nó ăn một miếng "châu chấu hàng tuyển" để rồi thư thả kể nó nghe về ngày xưa của tôi, nhìn nó mà tôi được sống lại trong một "hiện-tại-đang-cũ".

Hà Quang Minh
.
.