Một cõi quê nhà của Tần Thủy Hoàng

Thứ Sáu, 03/04/2015, 11:07
Theo lối cửa Tây, tôi rời Tây An trong buổi sáng sớm. Những đốm mưa như mọc lên từ hoa lá rơi đầm đìa xuống hành lý. 

Cũng như Đại sư Huyền Trang khi xưa, tôi chỉ có một chiếc ba lô nhỏ nhằm hướng Tây mà đi, chỉ khác chăng ngày xưa Cao tăng đi ngựa thì sau hơn cả 1000 năm tôi đi xe đò, liều mạng không cần bảo hiểm mà cứ đi đến miền tây xa lạ với đích đến là Lan Châu, thủ phủ tỉnh Cam Túc.

Cũng nhờ sự liều mạng như vậy nên tôi đã có một ngày tha hồ thưởng thức phong cảnh hùng tráng của vùng bình nguyên Quan Trung - vùng đất được xưng tụng gọi là “thiên phủ chi quốc” - nước của Trời. Những cánh đồng vàng mượt hoa cải xen lẫn những ngôi vườn hoa trắng táo lê dệt thành một tấm thảm mênh mông chạy dọc hai bên đường. Đất đai màu mỡ, đời sống sung túc lại có sông Vị, sông Hà, có núi Kỳ Sơn, Lương Sơn trấn giữ nên hơn 1100 năm, bình nguyên Quan Trung đã trở thành vùng đất phên giậu cho vùng kinh đô Tây An từ thời Chu đến Đường!

Dọc đường đi, trong cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, tôi lấy làm lạ khi nhìn ngắm những ngôi nhà kỳ dị cùng hoa lê, hoa anh đào mọc chênh vênh lưng trời. Ngồi trên xe, ban đầu tôi cứ ngỡ là những hang động tự nhiên do mưa gió khoét thành trên sườn núi; nhưng khi xe dừng lại, xuống xem kỹ mới thấy hang đất kia được che bằng những liếp cửa và khói bếp - một biểu hiện của sự sống! Nhưng tôi vẫn hồ nghi đó không phải là ngôi nhà cho người mà có lẽ là những cái kho chứa đồ lương thực hoặc là nơi trú ẩn của súc vật. Cho đến khi tôi lần mò lên núi, chui vào một hang đất thì kinh ngạc khi nhìn thấy một bà già đang ru đứa cháu ngủ ngon lành trên cái ổ rơm khô. Phía sau lưng hai bà cháu là bếp lửa rực đỏ màu đất.

Vẻ đẹp hoang vu của hang đất làm tôi nhớ lại những ngôi nhà trên những đỉnh núi tuyết Tây Tạng; nhưng dẫu sao ở Tây Tạng, con người vẫn được hoành tráng với tự do bao la của bầu trời ban thưởng còn trong hang đất kia hai bà cháu như những con người của cõi âm với một nỗi niềm cô đơn không ánh sáng.

Tôi mang điều băn khoăn ấy hỏi một người phụ nữ đi cùng xe thì liền nhận ngay một nụ cười thản nhiên:

- Anh biết tôi sinh đứa bé này ở đâu không? - Chị đưa mắt nhìn khuôn mặt bầu bĩnh, hai má đỏ chín như trái táo của đứa con gái - Trong cái hang đất như vậy đấy! Tôi làm tình, sinh đẻ đều trong hang đất. Rồi tuổi thơ của con tôi cũng như tôi, rất ấm cúng mà lớn lên từ đất. Giun dế ru chúng tôi lớn lên từng ngày. Nhờ đất đá mà mưa tuyết, bão tố không làm phiền chúng tôi! Chúng tôi là con cái của “thiên phủ chi quốc” mà anh không biết sao!?

Sau hàng ngàn năm tiến hoá, tôi không ngờ con người hiện đại của những ngày thế kỷ 21 này vẫn còn cách ăn ở như thuở nào nguyên thủy của tổ tiên. Có lẽ đó là niềm hạnh phúc thiêng liêng của những cư dân hiểu được tiếng nói của loài giun dế, hiểu được tiếng nói trầm tích của đất đá.

Chiều về nắng hoang hoải trong mắt, càng đi chỉ càng thấy núi hiu quạnh. May nhờ những ngọn đèn đom đóm mờ tỏ thắp lên từ những ngôi nhà trong núi làm lòng tôi ấm lại. Không chỉ có tôi mà ngày xưa Trương Khiên, Huyền Trang khi đi qua nơi này cũng như tìm thấy hơi ấm tình người mà dấn bước ra miền tây xa xôi. Xe đến huyện Thiên Thủy thì trời sập mưa. Thời cổ đại, Thiên Thủy gọi là Tần Châu vì có liên quan đến tổ tiên của Tần Thủy Hoàng.

Bởi từ thế kỷ IX trước Công nguyên, tổ tiên nhà Tần là Doanh Phi Tử giúp Chu Hiếu Vương chăn ngựa ở Thiên Thủy nên được phong đất ở Thiên Thủy, Tần An vùng đất phên giậu bình nguyên Quan Trung còn được sử gọi là “bát bách lý Tần Xuyên - non sông nhà Tần kéo dài 800 dặm” là vậy! Hoá ra cái tên tục Doanh Chính của Tần Thủy Hoàng lại có nguồn gốc từ vùng đất đang chìm trong mưa núi lạnh giá trên con đường tôi đang đi qua!

Cũng tại Thiên Thủy đã lưu dấu chân của Gia Cát Lượng Khổng Minh khi trên đường xuất binh từ Tứ Xuyên đi đánh nước Ngụỵ, đã lập đồn ấp ở Thiên Thủy để chống quân Tư Mã Ý. Và cũng tại nơi đây, thánh thi Đỗ Phủ trong lúc chạy nạn An Lộc Sơn từ Trường An về Tứ Xuyên cũng đi qua Thiên Thủy, ngủ lại nhà người cháu Đỗ Tá và có để lại nhiều bài thơ.

Minh họa: Lê Phương.

Thiên Thủy đích thực là một trạm chuyển tiếp từ Tây An đến Cam Túc bởi cũng như ngày xưa, trong đêm tôi phải đổi xe đến Lan Châu. Mưa gió mịt mùng, đường trơn đèo dốc, phong cảnh Tần Châu ngày ấy và Thiên Thủy bây giờ cũng không khác là bao, vẫn hoang vu Chùa quê tàn sư điếm/ Núi tròn đường hẹp cao/ Chồn hương bên thạch trúc/ Anh vũ mổ trúc đào/ Chiều chiều lên trùng các/ Trăm dặm thấy thu hào như Đỗ Phủ viết cách đây ngàn năm.

Vì không biết thời gian và lộ trình nên tôi không chuẩn bị đồ ăn, đành phải nhịn đói trong đêm rét mướt, mặc cho ánh mắt theo gió mà lúc bay lên trời cao lúc rơi xuống vực sâu hun hút của những dãy núi quanh co cho đến rạng sáng khi xe dừng bánh ở Lan Châu - thủ phủ của tỉnh Cam Túc. Lan Châu, thành phố có cái tên mỹ miều như người con gái mấy ngàn năm đợi chờ bên sông Hoàng Hà, đợi tôi đến để kể cho nghe những câu chuyện xưa nay hiếm gặp trong đời.

Đã qua tháng Tư nhưng mùa đông vẫn còn lưu luyến Lan Châu. Đêm khô lá trên những hàng cây khẳng khiu. Gió sương rơi lả tả quanh lò lửa một quán ăn ven đường. Tôi ngồi im lặng, như một tay lính thú vừa xong phiên canh gác ghé quán giang hồ hòng tìm chút rượu thô với những món ăn nồng vị lửa. Người chủ quán trạc chừng 40 tuổi, khuôn mặt vừa ngây thơ vừa láu lỉnh toát lên vẻ chất phác nhưng lại không đánh mất vẻ đẹp ngang tàng của những cư dân miền biên tái.

Có lẽ, tôi là người Việt đầu tiên đến Lan Châu, hoang lạnh trong đêm với từng xâu thịt nướng ăn vội ăn vàng. Phải vội vàng vì nếu chỉ cần để chậm ở cửa miệng, miếng thịt nướng đang nóng khói liền bị hơi lạnh làm tái tê! Như có món nợ nào đấy tiền kiếp chưa trả vay xong với người chủ quán, đêm sau và những đêm sau tôi đều lần mò ra quán ăn nằm bên gốc đường gần với khách sạn Hualian. Ngồi ăn nghe sương lạnh rơi, nghe tiếng hoả xa mịt mùng đi qua sông Hoàng Hà, nghe tâm tư mình rơi xuống từng khúc cô đơn không lời đối thoại bởi chẳng có đồng sàng ngôn ngữ mà nói nhưng hoá ra tôi đã nhầm, mà người đầu tiên cho tôi biết điều ấy chính là người chủ quán.

Một buổi chiều trước khi chia tay Lan Châu, tôi đang ngồi trên sân ga xe lửa thì bỗng nhiên có người vỗ vai. Trước mắt tôi là người chủ quán ăn. Không còn cái tạp dề lem luốc, không còn đôi tay dính dầu mỡ, không còn chiếc mũ Hồi đen đủi trên mái tóc bù xù, người chủ quán hiện ra trước mắt tôi như một người đàn ông lịch lãm trong bộ áo quần len dạ màu mận chín. Anh ta càng làm tôi ngạc nhiên hơn khi từ cái đôi môi đêm nào cũng nếm gia vị ấy một lời chào Anh ngữ.

- Anh có lạnh lắm không? Cẩn thận nhé! - Anh ta chỉ tay lên trời - Lan Châu vẫn còn lạnh lắm!

- Ta uống với nhau đi! Ngày mai tôi đã rời Lan Châu rồi!

- Được thôi!

Thế là tôi và Sầm Thảo Sinh - tên người chủ quán ăn - đã có với nhau một ly rượu tâm tình trong chiều Lan Châu. Rơi rớt từng giọt rượu, Sầm chủ quán mang tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác vì sự am hiểu của mình. Khi đến Lan Châu, đơn giản tôi chỉ nghĩ rằng, Lan Châu là nơi tôi dưỡng sức trước khi mang thân ra sa mạc nhưng không ngờ, lộ trình tôi đi lại trùng với lộ trình Trường An - Thiên Thủy - Lan Châu của Cao tăng Huyền Trang.

“Có vị cao tăng Hiếu Đạt ở Tần châu đã từng học kinh Niết bàn tại kinh đô, học xong về quê đi với ngài đến Tần Châu - đệ tử của Huyền Trang thuật lại trong Đại từ An tự Tam Tạng pháp sư truyện - Ngài nghỉ một đêm, rồi tiếp tục đi Lan Châu, cũng nghỉ một đêm, sau đó ngài gặp người ở Lan Châu tiễn đưa người chăn ngựa cho triều đình trở về, ngài theo người này nghỉ lại ở đây hơn 1 tháng”.

- Nằm bên sông Hoàng Hà, Lan Châu có nhiều bến đò vượt sông Hoàng Hà. Hán Vũ Đế từng tuần du đến đây hơn 2000 năm trước. Ngài đứng bên sông Vệ, sông Tổ rồi quay về. hai con sông ấy chảy vào sông Hoàng Hà ở Tĩnh Viễn. Có lẽ, thời Đường người ta gọi Lan Châu như để chỉ những bến đò đi qua sông Hoàng Hà . Sầm Thảo Sinh im lặng, đoạn đăm đăm buông ra một lời làm tôi choáng váng - Còn nói Lan Châu là nơi có các trạm đổi ngựa cho người từ Trường An đi ra sa mạc, người sa mạc trở về Trường An thì tổ tôi từng viết rồi!

- Tổ anh viết gì?

- Anh có biết thế nào là Cổ thú ỷ trùng hiểm? Thế nào là Cao lâu tiếp Ngũ Lương? Thế nào là Sơn căn bàn dịch đạo? Thế nào là Hà thủy tẩm thành tường không?- Sầm chủ quán hỏi tôi mà giọng điệu ngân nga như hát một khúc ca biên thuỳ.

- Sầm Tham! Thơ biên tái của Sầm Tham!

- Không. Sầm Tham thì làm sao nhìn thấy cảnh lính thú xa xưa nương bóng nơi hiểm yếu, lầu cao thành vọng gác nối liền với Ngũ Lương, dưới chân núi đắp đường dịch đạo, nước sông Hoàng đẫm ướt tường thành! Tôi họ Sầm, anh có tin Sầm Tham là tổ tiên của tôi không? - Sầm Thảo Sinh hỏi tôi rồi tự trả lời với khuôn mặt long lanh những nỗi buồn khó tả - Vì ngài mà tôi bỏ quê hương ra chốn này. Vì ngài mà từ khi mới tốt nghiệp đại học, tôi đã đến những vùng biên ải để tìm thơ!

Hoá ra Sầm chủ quán vốn sinh ra ở Khai Phong, năm 23 tuổi tốt nghiệp đại học Tây An rồi đi ra vùng miền Tây với mộng ước tìm đến những nơi mà ngày xưa Sầm Tham từng sống để thực hiện một công trình nghiên cứu về thơ Sầm Tham. Sầm Thảo Sinh thầm tạ ơn con đường tơ lụa vì theo anh, chính con đường này đã góp phần tạo ra một trường phái thơ đặc sắc trong thơ Đường, đó là trường phái thơ Biên tái, chuyên miêu tả đời sống sinh hoạt, cảnh sắc thiên nhiên của những người lính thú chốn biên thùy!

Ai ngờ lang thang hoài, chưa hoàn thành nghiệp lớn thì Sầm phải lòng một người con gái Lan Châu. Rồi mới xa đêm tân hôn khoảng 5 tháng, Sầm phải đớn đau chịu tang vợ! Từ đó Sầm ở lại Lan Châu, làm đủ mọi thứ nghề cho đến ngày tôi gặp anh với tư cách là chủ quán rong bên đường.

- Bao nhiêu thơ của ông tổ tôi cũng không làm tôi khuây khoả khi Y Hoa vợ tôi mất! Tôi ở lại Lan Châu, tôi muốn làm thơ về cảnh biên thuỳ và tình yêu nhưng bao nhiêu năm rồi vẫn chưa có bài nào thoả nguyện cả!

Làm sao còn cảnh biên tái cho Sầm Thảo Sinh làm thơ nữa khi Lan Châu của Sầm Tham xa xưa đã trở thành một đô thị hiện đại. Ngồi trên núi Bạch Tháp bên kia sông Hoàng Hà nhìn xuống thành phố, thành cổ Lan Châu đã chìm khuất dưới bóng những toà nhà cao tầng.

Dọc sông Hoàng Hà, những guồng nước cổ xưa đứng im lìm dưới những rặng hoa anh đào. Cùng với trụ sắt cổ được vớt lên từ sông Hoàng Hà, có thể xem những guồng xe lấy nước này là hình bóng cổ xưa của văn minh sông Hoàng còn lại đến ngày hôm nay. Hai bên bờ sông, dù đã xây kè cao nhưng cỏ xanh vẫn mọc tràn, có phải đấy là giống cỏ “mandala” do các vị tăng sư Ấn Độ mang đến trồng ở Lan Châu? Tôi đứng trên bảo tháp núi Bạch Sơn, ngắm sông Hoàng bằng ánh mắt Khổng Tử, nước cứ mộng chảy mãi không dừng thì hà cớ gì Sầm tiên sinh phải buồn vì cuộc đời của anh đã là một bài thơ tuyệt vời!

Văn Cầm Hải
.
.