Mỗi ngày đọc báo

Thứ Ba, 06/09/2016, 17:08
Sớm sớm chiều chiều, tối tối khuya khuya, nắng nắng mưa mưa, giông giông bão bão, bất kể không gian và thời gian có chuyển biến, thời tiết và khí hậu có thay đổi, Ngô vẫn duy trì thói quen đọc báo mỗi ngày. Không chỉ đọc báo mà còn đọc rất nhiều báo, không chỉ đọc rất nhiều báo mà còn đọc rất kỹ báo.

Bạn bè của Ngô mỗi lần ngồi trò chuyện phiếm, vẫn thường thắc mắc sao Ngô đọc nhiều báo vậy. Ngô hồn nhiên thành thật trả lời, Ngô có thói quen từ bé là thấy chữ thì đọc, đọc từ tờ giấy gói bánh mì đọc sang sách vở. Công nghệ phát triển, đọc báo thuận tiện hơn trên điện thoại, trên ipad, trên laptop. Thế nên, Ngô đọc suốt.

Lần nào đọc xong, đều không kiềm được lòng, thở dài mấy tiếng rồi thấy lòng hắt hiu như gió qua sông vắng.

1. Mấy hôm trước, Ngô đọc thông tin lạm thu ở một xã tại Thanh Hóa, chưa xong xã này ở Thanh Hóa thì đến địa phương kia ở Nghệ An. Chuyện lạm thu thì năm nào báo giới không phản ánh, chỉ có điều không hiểu sao lạm thu loanh quanh tập trung vào hai tỉnh Thanh Hóa lẫn Nghệ An mà mãi sao không xử lý được.

Lạm thu từ trẻ con mới sinh cho đến người già sắp mất, lạm thu từ gia đình liệt sĩ cho đến hộ nghèo, thật không khác gì cảnh lệ làng mà cụ Ngô Tất Tố đã từng công kích mạnh mẽ là mấy.

Mà câu chuyện lạm thu không chỉ mới diễn ra ở thời điểm này, nhiều năm trước báo giới đã phản ánh, lãnh đạo Trung ương đã chỉ đạo. Ấy vậy mà không hiểu sao cuối cùng đâu lại hoàn đấy. Con cóc trong đĩa cứ nhảy vào nhảy ra, con kiến leo cành cụt cứ leo ra leo vào, y chang trời có bốn mùa xuân hạ thu đông rồi lại xuân. Cái cảnh lạm thu cũng thu vẫn cứ thu rồi lại thu.

Vì sao hết ông quan thôn này rồi đến ông quan xã khác vẫn bình chân như vại, hiên ngang như sắt như đồng bất chấp phản ứng này hoặc phản ứng khác của công luận. Có phải chăng đây chính là hiện thực để xác tín sự hồ nghi của nhân dân, mỗi ông quan nhỏ có một cái ô to, mỗi ông quan to có một cái ô to hơn nữa.

Tuy nhiên, nguy hại hơn chuyện lạm thu chính là sự hồn nhiên lạm quyền, nói cách khác là chủ động thể hiện quyền lực theo ý chí chủ quan của cá nhân mà bất chấp mọi quy định của pháp luật. Không chấn chỉnh quyết liệt thì mai này không biết sẽ còn xảy ra chuyện gì nữa đây, Ngô hoàn toàn không đủ khả năng để liên tưởng tiếp.

Ngay giữa chốn phồn hoa như TP.HCM, dư luận cũng đang hết sức hoang mang vì văn bản cưỡng chế cái container của ông Chủ tịch UBND Thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh. 

Ông chủ tịch này không hiểu kiến thức cơ bản như thế nào, cũng không hiểu thái độ nhận thức xã hội và ý thức chính trị như thế nào lại ban hành một quyết định yêu cầu cắt điện nước với lý do ông chủ quán cà phê “Xin chào” đặt một cái container làm chỗ cho nhân viên che nắng mưa khi rửa ly bát.

Cái quán “Xin chào” này đã tốn không biết bao nhiêu bút mực rồi, Ngô không lạm bàn nữa, Ngô chỉ lạm bàn về một cá nhân thân làm lãnh đạo mà ra văn bản vin vào thứ luật đã bị bỏ vào năm 2014. Giới luật sư phản ứng quyết định của ông chủ tịch rất gay gắt, thậm chí đến Bí thư huyện Bình Chánh cũng phải thốt lên, “Đừng làm chuyện vụn vặt vậy”.

Tại sao lại vụn vặt, là bởi quyết định này của ông chủ tịch rất dễ khiến dư luận suy đoán vào sự trả thù của những cán bộ lãnh đạo huyện Bình Chánh nhằm vào ông chủ quán “Xin chào”. Chủ quán “Xin chào” đúng hay sai, việc ra quyết định xử lý phải dựa trên quy định pháp luật hiện hành, không thể cứ dựa vào một điều luật đã không theo kịp tiến trình phát triển rồi đổ thừa do thế này hay thế khác.

Vậy mà, có mỗi cái chuyện đúng sai văn bản, luật rành rành ra đó, UBND Huyện Bình Chánh vẫn phải xin ý kiến của UBND TP.HCM. Ngô thật sự không hiểu được tại sao chính quyền huyện Bình Chánh lại đong đưa đùn đẩy đến độ này. 

Xin ý kiến chỉ đạo của thành phố là làm sao, đây có phải vĩ mô trọng đại gì mà phải xin ý kiến. Sự phân cấp trong hệ thống chính quyền đã rất rõ ràng, luật cũng rất rõ ràng, cứ căn cứ theo đó mà thực hiện.

Minh họa: Lê Phương.

Thân làm đến vị trí chủ tịch thị trấn, mà chuyện cỏn con vậy cũng lúng túng thì đến chuyện lớn biết là làm sao? Làm được thì làm, không làm được xin nghỉ để chỗ cho người khác làm. Chứ làm lãnh đạo mà chuyện lớn chuyện bé gì cũng xin ý kiến của lãnh đạo to hơn thì cần gì lãnh đạo nữa.

Tham quan Trung Quốc Từ Tài Hậu từng bị nhận xét, “Trong quân đội ai là kẻ mềm yếu nhất? Đó chính là Từ Tài Hậu. Ông ta không có tính cách, và đó có lẽ chính là tính cách lớn nhất của ông ta. 

Khi nhập ngũ ở Cáp Nhĩ Tân, ông ta chỉ biết hát và kéo nhị, không thể vào đảng. Bây giờ nhìn lại thì thấy khiếp nhược cũng là một loại trí tuệ. Từ Tài Hậu tạo nên một kỷ lục là 50 năm chưa hề có bất cứ ý kiến phản đối nào. Trong quân đội chỉ có duy nhất một người như Từ Tài Hậu được thăng tiến đến vị trí cao như thế”.

Việc ông chủ tịch thị trấn xin ý kiến thành phố trong sự vụ ra quyết định sai luật này cũng tương tự như cái khiếp nhược cũng là một loại trí tuệ của Từ Tài Hậu.

2. Không chỉ chuyện lạm thu, không chỉ chuyện ra văn bản xử lý áp dụng theo điều luật cũ mà còn rất nhiều chuyện trái khoáy đang diễn ra ở nhiều bộ ngành địa phương hiện tại như chuyện con trai của nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng là Vũ Quang Hải, lãnh đạo cao cấp ở Tổng Công ty Sabeco, mới tháng trước còn rần rần rà soát sai sót bổ nhiệm với khiếm khuyết quyết định, thì hôm nay đã lại là, “Đúng hết quy định với quy trình”.

Mà con của lãnh đạo cha sao lại thiên tài để hiện hữu làm lãnh đạo con nhiều đến như vậy, nhìn đâu cũng thấy lãnh đạo con, nhìn đâu cũng thấy huyết thống của lãnh đạo nắm giữ các vị trí quan trọng. Không tài nào hiểu được, mặc dù lãnh đạo con nào được bổ nhiệm cũng toàn đúng chứ không hề sai.

Ngô viết bài viết ngắn trên một tờ báo mạng có nhắc lại câu chuyện cũ, “Anh bạn Ngô kể, anh công tác tại một đơn vị truyền thông lớn. Không biết rủi hay may, họ và chữ lót của anh lại trùng với lãnh đạo cao cấp của Chính phủ. 

Từ đó, anh nghiễm nhiên được đón nhận những thông tin xì xầm sau lưng kiểu như, “Thằng đó không phải là cháu của ông kia thì tiêu rồi?”, hoặc “Loại như nó thì tài năng gì, may có ông ấy đỡ đầu gửi gắm”. Nhắc điều này để minh chứng cho tư duy “ông này con ông nào” đã ăn sâu vào đời sống như thế nào.

Mỗi lần đọc báo thấy bổ nhiệm một giám đốc sở trẻ tuổi, một phó giám đốc sở trẻ tuổi, một chủ tịch tỉnh trẻ tuổi, theo phản xạ, Ngô lại lục tìm nhân thân của vị cán bộ đầy tài năng lẫn sức trẻ ấy để kiểm tra, thì y rằng mười lần như một, đồng chí cán bộ vừa được đề bạt không là con ruột của vị này thì cũng là con đẻ của một cựu kia.

“Hôm nay, cơ quan có tang” là câu chuyện trào phúng được chia sẻ nhiều nhất mạng xã hội sau khi xuất hiện các thông tin cả họ làm quan xã, con của lãnh đạo cấp tỉnh được đề bạt.

Đại khái, nội dung của “Hôm nay, cơ quan có tang” kể chuyện người dân đến cơ quan xin gặp lãnh đạo. Bảo vệ nói, lãnh đạo nghỉ vì nhà có tang. Xin gặp cấp phó, cấp phó cũng nghỉ vì nhà có tang. Xin gặp cấp trưởng phòng, trưởng phòng cũng nghỉ vì nhà có tang… 

Đến ông bảo vệ trả lời xong cũng vội  đóng cửa cơ quan vì “tranh thủ về thắp hương cho ông bá vừa mất”. Hóa ra, bố của lãnh đạo cũng là bố của cấp phó, đồng thời là chú của trưởng phòng, và là bác của bảo vệ.

Điều này dễ bị suy diễn là bóng dáng tập ấm truyền đời của chế độ phong kiến đang hiện hữu đâu đó quanh ta”.

Ngay như trong ngành giáo dục, một lĩnh vực mà Ngô luôn cho rằng đó là rường cột của sự phát triển cũng đang có nhiều vấn đề. Mới mấy tuần trước, ông Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên – Huế đề nghị cơ quan công an vào cuộc vụ mấy thanh thiếu niên quay clip nghịch ngợm về kỳ thi phổ thông trung học. 

Tuần này lại có ông Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị phát ngôn hơn một nghìn học sinh bỏ học là chuyện bình thường. Tám năm trước, một thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nói câu rất hay khiến Ngô nhớ mãi đến giờ, “Mỗi học sinh bỏ học là một điều đau lòng”.

3. Đọc báo mỗi ngày, tư duy cũng lộn xộn, bởi có những nỗi niềm không biết trút vào đâu. Ngô vẫn luôn tin rằng, còn sống là còn hy vọng, vật cùng tắc biến, biến tắc thông. 

Thế nhưng, bởi vì Ngô chỉ là một công dân, Ngô không có quyền gì khác ngoài chuyện nảy sinh cảm xúc, cảm xúc tích cực hay tiêu cực phụ thuộc vào thông tin Ngô được tiếp nhận. Đến Ngô còn cảm thấy mọi sự đang rối như một mớ bòng bong huống hồ những lãnh đạo. Tuy nhiên, dân được quyền rối chứ lãnh đạo nhất định phải tỉnh táo.

Lãnh đạo có tỉnh táo thì mới nhận ra chuyện gì cần phải làm nhanh, làm quyết liệt. Chuyện gì phải làm từ tốn, cẩn thận để tránh những xáo động.

Có điều, việc cần làm của lãnh đạo hiện tại theo quan điểm của Ngô chính là những quyết định nhằm hướng đến mục đích tối ưu là lấy lại hy vọng, khôi phục niềm tin trong nhân dân

Bằng cách nào, bằng cách giải quyết triệt để những vấn đề nổi cộm được báo giới loan tải từ chuyện bổ nhiệm người nhà cho đến dấu hiệu trục lợi kinh tế.

Làm điều này là khó, nhưng không dũng cảm làm, đến lúc nguy nan hơn muốn làm cũng không còn cơ hội nữa.

Ngô Nguyệt Hữu
.
.