Mơ xanh

Thứ Sáu, 22/07/2016, 14:01
Quý thời gian và từng hình dung khi về già bớt bận rộn kế hoạch, nghĩa vụ, tôi sẽ có thời gian chăm sóc một chậu hoa, ngắm hoa. Nhà luôn có hoa tươi, tôi ước một khu vườn để trồng hoa, có những luống hoa.


Tôi đã bàng hoàng khi dạo qua khu vườn tuyệt đẹp của danh họa Pháp Claude Monet (1840 - 1926), bậc thầy sáng lập trường phái Ấn tượng ở Giverny vào đầu Thu năm 2007, khi đang thanh niên. Và giờ đây là người mẹ, tôi muốn đưa con đến với thiên nhiên từ nhỏ, dạy con biết yêu cỏ, cây, hoa, lá, chim muông, động vật - khởi đầu của sinh dưỡng tâm hồn.

Tôi lại đưa con xuống thành phố Hoa phượng đỏ để xem  sinh vật cảnh (ngày 30/6 đến 7/7) một trong các hoạt động chào mừng kỷ niệm 55 năm thành lập quận Hồng Bàng (5/7/1961 -  5/7/2016).

Triển lãm thu hút sự tham gia của Hội sinh vật cảnh (SVC) các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng, gồm 2 nội dung chính. Triển lãm cây bonsai và cây cảnh nghệ thuật cỡ trung: 2.500 tác phẩm; triển lãm đá cảnh, gỗ lũa, tiểu cảnh, non bộ, đồ cổ và sản phẩm 3.500 tác phẩm tham gia. 

Triển lãm SVC đồng bằng sông Hồng nhưng quy mô toàn quốc với hơn 80 đoàn của 3 miền đất nước. Xa xôi từ miền Nam: Đà Lạt, An Giang, Bình Phước, Tiền Giang, TP HCM, cũng tham gia. Miền Trung gần là Thanh Hóa, xa là Phú Yên, Bình Định chẳng ngại đường xa, vận chuyển phức tạp để hội tụ tại đất Cảng.

Số đoàn trưng bày cây cảnh: 56; 21 đoàn trưng bày đồ gỗ thủ công mỹ nghệ; 5 đoàn bày đồ gốm sứ, dụng cụ nhà vườn; 2 đoàn bày tranh đá quý. Mỗi đoàn, tùy theo quy mô lớn nhỏ, kê đặt tác phẩm trong không gian trung bình 50m² trên tổng số 1,5km² triển lãm. 

Riêng nền cũ của bến xe Tam Bạc thành nơi trưng bày hàng trăm chậu cảnh của hơn 100 tác giả đến từ hơn 40 tỉnh, thành phố, số lượng các đoàn tham gia quá đông, vượt dự định ban đầu của BTC. 

Hai mẹ con tác giả trong màu xanh bình yên thành phố

Ngoài nhân viên trông coi túc trực, Công ty Môi trường Đô thị tăng cường công nhân thường xuyên thu gom rác thải. Công ty Điện chiếu sáng tăng thời lượng điện chiếu sáng trong thời gian triển lãm. Dải trung tâm hóa một miền xanh từ đầu phố Nguyễn Đức Cảnh vòng lên đầu hồ Tam Bạc, phía bến xe - đầu chợ Sắt, chạy dọc phố Quang Trung thành hình chữ nhật ngút màu diệp lục - sắc hoa. 

4 kì trước, HP đã tổ chức các triển lãm về SVC tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm quốc tế, tòa nhà Cánh diều, quận Dương Kinh. Triển lãm lần này chỉ do cấp quận tổ chức, lại lớn hơn hẳn các kì trước, thực là một dấu mốc của "quận Nhất" Hồng Bàng. 

Tôi vẫn thường  về HP bằng tàu hỏa. 30 năm đi tàu này từ hồi bé, tàu đẹp hơn, tiện nghi hơn, vẫn đề chữ Tàu nhanh Hà Nội - HP trên vé và thành tàu, xã hội bao sự đổi thay, tàu cũng chỉ nhanh hơn mỗi chuyến tàu nhanh nhất ngày xưa... chục phút, tức là gần 3h/ 105km. 

Từ ga về khách sạn, tôi thường chọn đi xích lô, một cách sống chậm. Vì muốn xem triển lãm cây từ 3 miền, dù việc bộn bề, tôi vẫn về HP trên chiếc ôtô 7 chỗ do doanh nhân Trần Xuân Hòa - bạn thân từ nhỏ của chồng tôi cầm lái, phóng trên đường cao tốc để có được 2 ngày sống chậm với HP. 

Công việc của chúng tôi thì có thể dồn lại, song với doanh nhân - nhà đầu tư chứng khoán, quản lý website của vài công ty lẫn 3 facebook cá nhân, việc dứt nhịp quay cuồng để chỉ tập trung ngắm thành phố, ngắm cây với anh Hòa là hiếm nên rất quý.

Vang vọng trong tâm tưởng tôi bản Bốn mùa của Vivaldi gọi mời. Bốn mùa trong mùa cây, mùa hoa tháng Bảy. Sinh ra lớn lên gắn bó với Hà thành, mà tôi chưa có dịp nào thực sự thong thả xem chợ hoa tết, cây trong các cuộc trưng bày, ngắm trong sự thả lỏng tận hưởng và thư thái của tinh thần, không phải đi qua, liếc vội. Sự hào hứng và nhiệt tình của TS Kinh tế Trần Quang Tuấn, Phó Bí thư thường trực Quận ủy Hồng Bàng truyền lửa, tăng cảm hứng cho tôi.

Lúc nào cũng đầy ắp ý tưởng và mang đậm tính "hảo hán HP" nói là làm, làm một cách đàng hoàng, tận lực, cái gì hay đẹp, nhân tài nào mời được dường như Trần Quang Tuấn đều muốn hội tụ hết về HB. Thảo nào mấy năm gần đây, "quận 1" của HP vui thế.

Yêu vẻ đẹp tự nhiên, tôi không thích cái đẹp gò ép của bonsai, nghệ thuật xuất phát từ Nhật Bản rồi lan tỏa nhiều nước. Đó là chăm chút chơi cây kiểu gò ép, cưỡng chế về kiểu dáng lẫn tốc độ sinh trưởng, chống lại tự nhiên, việc tạo dáng theo hình khối hoặc con vật trên cơ sở kìm hãm sự phát triển tự nhiên của cây cành nụ, lá, hoa; ép thời gian  ra hoa, trổ lá. 

Thế và dáng của cây được tạo bởi tác động lực bằng dây thép và vật liệu trói buộc, rồi chưa kể các loại dụng cụ dao, kìm kéo để bấm, cắt, tỉa cây. Cây bonsai thường cứng đơ trong một tạo hình khối thiếu tính động. Tôi thích cây, hoa được chăm chút để phát triển đúng thì, bung nở tự nhiên, việc tỉa tót chỉ như trang điểm chứ không mỹ viện toàn phần. 

Dân gian vẫn cho rằng: chơi hoa - đá - cá - chim là thú tiêu dao của người lớn tuổi, vì những người này mới dư dả thời gian chăm sóc, nuôi dưỡng, thú vui. "Nghề chơi cũng lắm công phu" (Nguyễn Công Trứ). Công phu của người làm vườn là niềm vui nhân cái đẹp tự nhiên, màu sắc của thực vật thành nghệ thuật.

HP rực màu phượng đỏ. Vốn không thích màu chói, nổi trội, tôi ít dùng màu đỏ, nhưng chiều 2/7/2016, tôi mặc áo đỏ và diện váy hồng cho con gái, với ý nghĩa mặc màu của niềm tin, hy vọng, của sự chiến thắng và sức mạnh của lãng mạn. Mặc áo đỏ không chỉ vì màu hoa tuổi trẻ, mà còn để tiệp màu (ton sur ton) với phượng- hoa học trò, hoa của mùa thi. 

Một góc khu rừng nhỏ Hồng Bàng.

"Khi nghĩ về một đời người/ Tôi thường nhớ về rừng cây/ Khi nghĩ về một rừng cây/ Tôi thường nhớ về nhiều người". 

Tôi xúc cảm với bài hát Một đời người, một rừng cây của Trần Long Ẩn. Một đời người có thể trồng nhiều cây, định đoạt sự sống, tuổi thọ của nhiều loài. Cây hàng ngàn năm tuổi, sâu trong rừng già cũng tử nạn nếu bị cưa đốn với tốc độ phá rừng tàn bạo khắp thế giới như hiện nay. 

VTV1 thống kê ở Tây Nguyên, rừng bị tàn phá 25.000 ha/năm, bao nhiêu đời người nữa mới trồng lại được? Cây không chỉ đem lại màu xanh, bóng mát, cống hiến gỗ, dựng nhà, làm đồ vật, sưởi ấm, năng lượng, thực phẩm; cây còn là người bạn thầm lặng kiên cường, thủy chung với con người.

Cây không bao giờ phụ người, chỉ có người ác với cây. Cây là người bạn tử tế bao dung, loài người phải biết ơn cây, nhiều khi chơi với cây và hoa bình yên và thú vị hơn giao tiếp với đồng loại người - thường phải diễn, phải đề phòng, cạnh tranh, loại trừ nhau khốc liệt. 

Bây giờ, sự lãng mạn cần kì công sắp đặt như những cuộc hẹn được đầu tư. Tập trung cùng con đi dạo trong "khu rừng nhỏ" HB, thiên thần nhỏ dẫn dắt chúng tôi về lại non tơ háo hức. Cây cổ thụ bên hồ Tam Bạc vốn là khúc sông Lấp, như những trang sử xanh qua bao biến động, vẫn tràn trề khát sống. 

Tôi không chú ý đến loạt chậu cây kiểu bonsai gò ép dáng thế bên hòn non bộ, tôi chẳng ngưỡng mộ những nghệ nhân dày công biến gốc cây lâu năm như khúc gỗ xù xì nở hoa, trổ quả. Công nghệ sinh học tiên tiến đã làm rau quả, hoa củ trái mùa thành chuyện thường. Tôi không trầm trồ với cây sanh (cùng họ si) 13 tán từ Nam Trực, Nam Định đến, hay những cây thông..., những chậu si cằn cọc cũng có rễ buông. Tôi để khứu giác lắng lọc ô nhiễm đô thị bằng chờ đón hương cây ngập đầy. 

Chưa bao giờ tôi thấy nhiều hoa nhài thế. Người trồng nhài tặng tôi một vốc hoa, hương nhài hay câu ca dao nhắc mùi Tràng An thanh lịch, giục tôi chụp ảnh. Lần đầu tiên trong đời, tôi đứng bên một vạt nhài gồm cả trăm chậu, khóm. Lần đầu tiên tôi gặp hoa mẫu đơn màu hồng, vàng nhạt. 

Lần đầu tiên tôi biết hương của hoa nguyệt quế từ An Giang ra, gốc khế cổ thụ đu đưa chùm quả xanh mong chín chờ chim đến "ăn một quả trả một cục vàng", xoài lúc lỉu trên thân cây lùn còn nguyên qua rặng dài vượt ngàn cây số. Sức sống của cây thật mãnh liệt và vĩ đại. 

Dù thiếu đất thiếu nước, vẫn cố sống, trổ mầm, bật nụ. Có những gốc khô cằn mà mầm xanh non mát, nghị lực và ý chí sống của cây khiến loài người phải học và kính nể. 

Cây cho chúng ta vô vàn triết lý về kiếp sống, cuộc đời, ý tưởng sáng tạo, gắn nhiều dấu mốc của đời người và hình như luôn liên quan đến bối cảnh của những cuộc hẹn và giấc mơ. Không phải là giấc mơ khi đang ngủ mà là giấc xanh cho sự sống. Giấc xanh ấy cần ngọn lửa tin yêu như màu hoa, màu áo của mẹ con tôi.

Trong khu rừng nhỏ, muôn cây cất lên bài ca sự sống. HP phấn đấu xây dựng thành phố Cảng xanh, lại được xanh thêm bởi nghìn lá phổi cây khắp miền tặng diệp lục, tặng ôxy cho thành phố. Còn thứ quà trên đời nào quý hơn ôxy trong lành? Ôxy không chỉ để cho từng nhịp thở tối quan trọng mà cây chính là thứ ôxy bền bỉ, quan yếu của mỗi tâm hồn người từ lúc ấu thơ. HB nói riêng và HP đã có một tuần cộng - hưởng - xanh vô giá. 

Không cần thi hào J. Goethe mang phép màu hiện diện ở đây với tài biến hóa đổi mọi lý thuyết xám thành màu xanh của cây đời, thì màu xanh của chiều đầu tháng 7 ở HB đã lưu vào kí ức chúng tôi, khởi xanh tâm hồn đứa con bé bỏng của tôi. 

Màu của sự sống, khát vọng, sinh sôi cũng là màu của giấc mơ đẹp nhất mà tôi muốn giữ, kéo dài mãi, truyền đời theo từng ngày sống. Người lớn cần phải để lại cho thế hệ sau màu xanh của cây cỏ, hương sắc của muôn hoa, đấy là một giấc mơ hoàn toàn dư sức ứng nghiệm từ hành động của mỗi cá nhân trong gìn giữ cây và môi trường, trồng thêm và nhân rộng. 

Trái đất cần được cứu bởi thần dược cây xanh, hệ cân bằng sinh thái cần ong bướm tìm hoa, cây sinh sôi chim làm tổ, hạt giống phấn hoa theo gió thụ  phấn, phát tán. Xanh - màu của hy vọng, ước mơ. Quang hợp diệp lục không chỉ có quang hợp xanh, mà nhân loại còn được quang hợp sự trong trẻo của tinh thần.

Âm nhạc của thiên nhiên là hòa điệu tuyệt vời của giao hưởng cuộc sống mà ta lắng nghe đâu riêng thính giác mà bằng thị giác, khứu giác, xúc giác ân cần, dịu dàng trong sự trân trọng biết ơn Bạn Lớn: Cây. Những người bạn ấy hằng che chở, bảo vệ, nâng đỡ, làm đẹp cuộc đời của chúng ta mà nhiều kẻ vô cảm, thản nhiên bạo hành, làm nghèo đời sống của mình và cộng đồng. 

Giá trị của cây không phải được định bằng số tiền mua những chậu cảnh đắt giá, mà ở giá trị sống của Trái đất, của loài người với năng lực các giác quan trong giấc mơ xanh truyền kiếp.

Vi Vi
.
.