Miếng ngon ngày giỗ Tết

Thứ Ba, 09/02/2016, 16:44
Mỗi miền quê thường có một miếng ăn ngon và có miếng đã thành hàng đặc sản. Bên làng tôi có làng Đô Kỳ, thuộc xã Đông Đô vốn nổi tiếng về rượu nếp hương và tấm bánh rắn, bánh lọc. Báo chí đã viết về đôi sản vật này của quê Đô Kỳ. 

Tương truyền mảnh đất làng xã này xưa từng là nơi được vợ chồng quan Trung thư Nguyễn Trãi, bà Lễ nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ chọn làm nơi đưa bà phi Ngô Thị Ngọc Dao, vợ vua Lê Thái Tông về lánh nạn, sau bà phi sinh ra Lê Tư Thành, tức vua Lê Thánh Tông tại đây. Vì là nơi vua chúa từng trú ngụ mà làng Đô Kỳ, xã Đông Đô mới mang danh gọi vậy và có được nghề làm ra đôi thứ món ngon đặc sản kia chăng? Mỗi loại rượu nổi tiếng được ủ/cất bởi một loại men riêng và cách thức, thời gian ủ/nấu hẳn cũng có bí quyết gia truyền. 

Nhưng có lẽ còn một “chất/vị” riêng, rất riêng nữa đã góp phần làm nên thương hiệu đặc biệt cho mỗi đồ ăn thức uống và chính nhờ vậy mà cho dù bí quyết bị thất tán đi chăng nữa thì cũng chưa dễ gì người có được bí quyết đó đã làm ra được thứ sản vật đặc sản như ở chính địa phương của nó. Ấy là cái chất/ vị riêng của đất và nước.

*

Làng tôi cách làng Đô Kỳ chừng non hai cây số. Những ngày ở xa làng tôi không chỉ thèm khát, nhớ nhung đôi loại rượu nếp, bánh rắn Đô Kỳ mà thèm nhớ chả kém một món ăn nghèo, người thời nay có phần ngại ăn vì độ an toàn thực phẩm, ngại chất béo và nó cũng chả phải món cao sang mỹ vị gì, đó là món lòng lợn với bát nước luộc lòng nóng sốt. Nhất là món lòng này được ăn vào những canh khuya, hay buổi sớm tinh mơ ngày họ mạc có việc đám, nồi nước luộc lòng khi đó luộc mấy cỗ lòng nên rất đậm đặc, thơm ngon.

Ảnh: Nga Vũ.

Ở thành phố Thái Bình vẫn có quán bán lòng lợn nhưng cái hương vị của miếng lòng, nước luộc lòng mát, ngọt và đằm đặm… rất khó lẫn khó tả này tới nay tôi mới chỉ gặp ở làng Trần Xá của tôi thôi. Làng tôi giáp với làng Khả thuộc xã Duyên Hải, hai làng có chung nhau mỏ nước khoáng, do trữ lượng không nhiều nên chưa được khai thác, chưa khai thác thì tất nguồn nước khoáng mãi còn đấy và nhờ thế mà nước giếng khoan Unicef của hai làng khoan sâu khoảng dăm bảy chục mét thì gặp nước nóng, nhiệt độ luôn ở mức 60, 70ºC. Vì thế chăng mà món ăn khi qua chế biến, nấu nướng bằng nguồn nước này đã có hương vị khác biệt với các vùng quê khác chăng?

Để các món ăn có hương vị riêng, có một đặc điểm khác biệt rất quan  trọng chắc rằng do vị đất, nguồn nước. Mọi loại nước sông/ngòi/ao/hồ/giếng, cả thứ nước mưa từ trên trời kia rơi xuống đều quy vào đất, đất mở lòng đựng cho nước chìm tan vào lòng mình mà thấm tháp lấy cái vị mật của mình để tạo nên thứ nhựa cho cây, cho hoa lá củ quả, rồi từ miếng lương thực đó các loại gia súc gia cầm ăn vào, uống vào để lại sinh ra thứ thịt, thực phẩm mà tiếp đó lại thành miếng ăn - đặc sản riêng của các miền vùng.

*

Kể ra thật chả hay ho gì miếng ăn ngày tang lễ. Biết vậy, dầu lòng vậy. Đành chịu lỗi trước vong linh người đã khuất vậy chứ miếng ăn ngon hay không, nhớ hay quên thì vẫn cứ là chuyện bản năng của cái bụng, là chuyện thường nhật trong đời thôi. Vào tháng Chạp năm Giáp Ngọ, ông bác họ của tôi mất nên tôi đưa vợ con về quê chịu tang ông.

Nhớ lúc đó trời còn sớm lắm. Sương giá chưa tan, lạnh se lạnh sắt. Người họ đang chuẩn bị mọi thủ tục cho việc buổi mai đưa ông bác ra đồng, thì một chú em vào lay tôi dậy, hỏi khẽ: “Anh ăn tý sáng nhé?”. Thực ra tôi đã dậy từ lâu. Tiếng kèn thờ lại đã bắt đầu thổi lên, tiếng người làm đồ ăn nhộn nhịp như thế thì chỉ trẻ con vô lo mới ngủ được. 

Lúc đó bụng dạ cũng đã thấy bị hấp dụ bởi mùi thức ăn, tôi bèn đồng ý bảo: “Ừ, cho anh xin một bát”. Món ăn sáng đó như mọi sáng người quê có việc họ là cháo gà, cháo lòng. Bữa điểm tâm sớm ở nhà ông bác cũng vậy, khác chút là chú em vốn biết món khoái khẩu của tôi nên đã mang thêm ít lòng lợn với đủ cả phổi phèo tim cật, ruột non ruột già cộng thêm mấy lát hành hoa thái lẫn đựng chung trong một bát nước luộc nóng rẫy, bốc khói nghi ngút, thơm nức. Bát nước, miếng lòng vừa ăn vừa thổi, vừa xuýt xoa trong buổi sớm lạnh mùa đông ấy như được thể đánh thức trong tôi cả một ký ức, một năng lượng con người. Khiến tôi nhớ tuổi thơ, nhớ ông nội cứ mỗi sớm hai chín ba mươi tết thường cho tôi lon ton theo chân ông đi đánh đụng thịt lợn. 

Ở những sớm tết đó tôi cũng thường được húp một vài thìa nước luộc lòng nóng sốt, ăn ké cùng đám trẻ con nhà bên miếng bong bóng, miếng đuôi. Miếng ngon nhớ lâu, nhất là miếng ngon thuở đói kém những năm thơ ấu, thời chiến tranh ở tận bên kia thế kỷ XX mà tới giờ, nhiều lúc tôi thấy cứ như mới trải qua ấy thôi. Gần gặn vô cùng!

Ôi là là! Miếng ăn mang hương vị của đất và nước nơi chốn sinh thành mới ngon ngọt khơi gợi làm sao. Những ngày xa quê, nhất là dịp giỗ tết nhắc tới càng khiến lòng người ngùi ngụi nhớ nhung.

Đỗ Trọng Khơi
.
.