Miền phúc âm hoang dại Mississippi

Thứ Tư, 07/01/2015, 16:17
Như hạt sương ly thân nhành lá, dù mong manh rơi buồn cội cỏ, vẫn đẫm lên ánh nhìn sắc màu diệp lục, tôi bỗng nhiên trở thành một thực thể hoài cảm trong những ngày lang thang bên dòng Mississippi. Bao nhiêu dòng sông tôi đã sang ngang, từ mớ tóc dài buông xuôi trời xanh Yanglung Tangspo cao nguyên Tây Tạng đến dòng Kabul lửa đạn Afghanistan, nhưng không dòng sông nào lại cho tôi dồi dào ý niệm về một cõi miên man huyền thoại như Mississippi.

Bởi trong mắt tôi, dòng sông lớn được người da đỏ kính trọng như Cha của nước này, lại giống một người đàn bà mãnh liệt noãn trứng, không lúc nào ngơi nghỉ tiếng ru phù sa nuôi dưỡng những miền quê bí ẩn, nơi mà lịch sử có đổi thay, trong đất đá rừng cây lá cỏ kia vẫn lấp lánh nhịp điệu bất tử của dòng máu da đỏ rực cháy trên cánh rừng mênh mang Minnesota, Winconsin, Iowa, Illinois, Louisiana, Tennessee trước khi giới thiệu chủng tộc mình với Đại Tây Dương qua vịnh Mexico.

Một thế giới tâm linh đau đáu hoang dại, bao giờ cũng mang đến cho nhân loại một cõi tự do giang hồ trong sự đùm bọc của Thượng Đế. Đùm bọc như chiếc lều ngô vàng của Wakan Tankan, người thiếu nữ mang trong mình dòng máu của Người Vùng Đất Đỏ-Meskwaki, đã cho tôi nương thân trong một đêm mưa tuyết cô quạnh bên dòng Mississppi.

Cũng như tổ tiên Meskwaki, gần 400 năm về trước, bất khuất không chịu đổi tên bộ lạc thành Renards hay the Fox như ý chỉ của người châu Âu, Wakan Tankan rất tự hào với danh xưng đượm màu huyền thoại của mình. Wakan Tanka, nghĩa là Người Đàn Bà Tâm Linh Vĩ Đại mà Người Đàn Bà Trâu Trắng nhắc nhớ trong câu chuyện về chiếc ống điếu thần tiên.

Dòng sông Mississippi nhìn từ đồi mộ người da đỏ.

- Em không dám trở thành Người Đàn Bà Tâm Linh Vĩ Đại! Em chỉ xin làm chiếc lá lửa bên dòng sông Mississippi, thắp sáng nơi em sinh ra và lớn lên cùng bộ lạc của mình - Waka Tanka rì rào đôi môi, cô nhìn xa xăm ra cửa lều đang đăm đăm những hạt mưa khuya đọng lại - Anh biết không, điều quý giá của dòng Mississippi, là rất to lớn nhưng càng to lớn bao nhiêu càng ngây thơ bấy nhiêu!

Tôi rùng mình trước ý nghĩ kỳ lạ của Waka Tanka, và hốt nhiên dậy lên ký ức xanh ngàn về một thuở ấu thơ trời làng quê Việt. Những  ngày nắng đỏ chang chang, lang thang dọc sông Nhật Lệ, hái lá dứa dại xếp thành chong chóng hứng gió thổi từ núi Thần Đinh về. Dòng sông Nhật Lệ quê tôi, rộng lớn cơn mưa nắng nhưng có bao giờ tôi được nhìn thấy mùa hồn nhiên nào thổi qua sông như người bạn gái da đỏ đã nhìn thấy ở dòng Mississippi. Tôi chỉ thấy, một ngày lớn dậy là một ngày hồn nhiên hư hao, một ngày lớn dậy là một ngày cơn hoài niệm trong tôi càng chất ngất về những tháng năm thơ ấu.

- Biết bao giờ con người mãi mãi được làm con trẻ...- Bất giác tôi ước mong.

- Chỉ có nơi này hoang dại, người sống cả linh hồn khuất bóng mãi mãi là con trẻ - Waka Tanka mỉm cười, mang tâm tư tôi trở lại chiếc lều nhỏ -  Gối đầu bên dòng sông Mississippi, ủ mình dưới lớp áo của vật tổ, con người ta sẽ không đánh mất đức tính tự do của sự hồn nhiên.

Đức tính tự do của sự hồn nhiên ấy, tôi từng cảm thấu khi đi ghé thăm những quần thể đồi mộ mang dáng hình những con thú khổng lồ nằm thênh thang bên nhánh sông Vàng chảy ra từ sông cái Mississippi đoạn qua địa phận hai tiểu bang Iowa và Wisconsin. Không chỉ là gấu hoang sói dại, từ một độ cao nhất định, tôi còn nhận ra có cả đồi mộ hình cánh cung, mũi lao tên bắn, lưỡi liềm gặt hái mùa màng nằm bất tử giữa rừng già Mississippi hàng ngàn năm qua được nuôi bởi nguồn dinh dưỡng có tên gọi là hư vô.  Phải rồi Waka Tanka, tổ tiên của bạn ấm cúng biết bao nhiêu, hồn nhiên biết bao nhiêu, bởi linh hồn họ mãi mãi là những đứa trẻ ngây thơ trong lòng hình hài các vật tổ. Và như đứa trẻ nội tâm lang thang, tôi triền miên trôi qua dưới rừng phong xanh đỏ chuyển mùa, rất nhẹ nhàng nhưng sao lại bâng khuâng như bầu trời kia đang man nhiên những cánh chim đại bàng, bay qua sông Vàng như thể các chiến binh tự do canh giữ bầu trời và vùng đất thân yêu của tổ tiên. Có phải chăng, vì sự cao quý ấy, mà người da đỏ xưng tụng đại bàng là con chim của mặt trời, hiện thân kẻ kế vị hay sứ giả của thần Lửa-Mặt Trời. Để bày tỏ lòng tri ân của mình, người da đỏ không chỉ trang điểm mà còn tôn thờ những chiếc lông vũ như tóc trên đầu, cỏ dưới đất và mưa không gian.

Miền trồng ngô Iowa.

Trong chiếc lều ngô vàng đêm mưa ấy, Waka Tanka đã cho tôi thấy sức mạnh kỳ diệu của chiếc lông vũ màu lam lục của loài chim Quetzal thường ngày cài trên mái tóc. Waka Tanka cầm chiếc lông vũ, đôi môi mờ ảo lời khấn cầu, rồi như hình bóng Người Đàn Bà Tâm Linh Vĩ Đại từ câu chuyện cổ tích bước ra, Waka Tanka đặt chiếc lông vũ lên trán lạnh mưa của tôi. Khi chiếc lông vũ mong manh kia chạm vào da thịt, tôi cảm nhận đồng thời một nguồn lực nóng ran lan truyền khắp thân thể. Tôi nhận ra trong đêm mưa đầu thế kỷ 21, giữa cánh đồng ngô vàng nước Mỹ, những lời thần chú kỳ bí của tổ tiên vẫn còn lưu truyền trong máu huyết người bạn gái da đỏ. Tôi không biết, Waka Tanka đọc lên những gì bởi chỉ người trong bộ tộc mới biết được những lời chú bí truyền hay các tập tục linh thiêng được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tôi chỉ biết, bằng âm thanh toát lên từ da thịt Waka Tanka, cô đã biến chiếc lông vũ thành một nhịp cầu, không chỉ cho tôi tiếp nhận sức mạnh huyền bí đang ẩn mình đâu đó ngoài trời đêm Mississippi mà còn mở ra trước mắt một lối về quá vãng nước Việt, cho tôi tìm lại chiếc lông vũ già làng Ba-na  vốn đã chìm khuất trong ký ức hơn 15 năm qua.

Ngày đó,  trong một lễ hội cồng chiêng diễn ra giữa rừng già Sa Thầy - Chư Pả ở Gia Lai, già làng Ba-na, tên là B’Krune đã tặng tôi một chiếc lông vũ màu xanh lam. Già làng nói rằng, mang chiếc lông vũ này, dù có đi xuôi về ngược, lúc nào tôi cũng được thần linh phù hộ vì từ trên cao chim trời giúp các vị thần nhìn thấy tất cả mọi số phận, trong đó có tôi!  Hơn 15 năm qua, người sinh viên non trẻ là tôi lúc ấy bây giờ đang ngồi trên đất Mỹ, chợt vang vọng một không gian quanh mình lời già làng Ba-na. Xa nhau vạn dặm đường chim bay, sao tổ tiên Waka Tanka và đồng bào dân tộc Ba-na, Êđê, Gia-rai, Mnông lại có ý niệm tương đồng về sự tôn kính lông vũ.! Không! Không chỉ lông vũ, trong những ngày lãng du cùng  Mississippi, tôi có giác cảm như gặp một chút gì màu sắc thân quen giữa trời lạ nước Mỹ. Những màu sơn sặc sỡ mặt nạ, những cột thờ totem mặt trời mặt trăng, thần gió thần mưa thần sấm trên mái nhà dài, những sắc điệu hoa văn trên áo quần và da thịt cư dân bản địa, tất cả đều gợi nhớ một không gian sử thi Tây Nguyên của nước Việt mến yêu. Có phải chăng vì tất cả đều là con cháu của chủng tộc Mongoloit, hơn 25.000 năm trước, kẻ xuống Nam Á thành hệ Môn Khmer và Malayo Polysesien, người lội qua eo biển Behring, đặt chân lên Alaska rồi toả đi khắp châu Mỹ, tạo nên với những vùng dân cư da đỏ miền trồng ngô, da đỏ miền  bò rừng, da đỏ vùng nai hoẵng, da đỏ miền cá hồi, da đỏ miền hạt giống, và đỉnh cao trí tuệ là dựng lên các nền văn minh rực rỡ Maya, Aztec ở Trung Mỹ. Tôi bàng hoàng soi mặt mình vào mặt Waka Tanka,  này đây da vàng, tóc đen, mắt đen phảng phất mùi vị tiền sử xa xôi. Khuôn mặt này, tôi cũng gặp đâu đó trên những lục châu giữa sa mạc Taklamakan vùng Trung Á, nơi những bộ lạc người Mông Cổ sinh sống. Hoá ra, trong thẳm sâu của lịch sử, chúng ta đều là anh em một nhà phải không Waka Tanka. Tôi thầm hỏi và lắng nghe lời chia sẻ của người bạn da đỏ. 

- Anh đừng băn khoăn tại sao dân tộc của anh và dân tộc da đỏ của em lại có những nét giống nhau trong đời sống tâm linh - Waka Tanka bỏ miếng bánh dâng cúng cho ngọn lửa mới - Bởi anh biết không, trên đời này, bất cứ ở nơi đâu, khi con người biết yêu tự nhiên con người sẽ gặp được Thượng Đế. Ngài là Cha Sấm già trên cao, là hạt mưa nhỏ trước mắt anh, cũng có thể là ngọn cỏ cho cho bàn chân anh mãi mãi là con trẻ hồn nhiên.

Trong căn lều nhỏ, Waka Tankan trong mắt tôi đang trở thành Người Đàn Bà Tâm Linh Vĩ Đại. Như mồi lửa ống điếu, lời của Waka Tanka đã soi sáng cho tôi thấy một tình yêu chỉ có được trong tâm cảm hòa điệu tự nhiên, vượt qua ý niệm về lịch sử và chủng tộc, vươn ra ngoài hữu hạn của ý thức để làm nên một miền phúc âm hoang dại Mississippi.

Văn Cầm Hải
.
.