Mấy người nổi tiếng

Thứ Năm, 19/11/2015, 16:36
Lâu lắm rồi, Ngô không dám mon men đến gần người nổi tiếng. Phần vì mặc cảm thân phận bé mọn, phần lại nghĩ đó không phải là thế giới mà Ngô có thể rón rén đặt chân vào. Nhưng tính Ngô xấu, lại hay tọc mạch. Đành nhiễu sự mà chép đôi dòng vậy.

1. Trong cơn cớ của phận người, tự dưng không biết vì đâu hình thành nên hai từ, con hát. Những nhà nho chít áo the bóng quen đánh tổ tôm mỗi tối uống rượu, ban ngày chơi mai thưởng trà, nửa khuya có khi cáu lên tẩn vợ hồn nhiên tỏ ý xem thường, nồng nhiệt buông bốn chữ, “Xướng ca vô loài”.

Có bậc túc nho nạp thiếp trẻ, nửa khuya quá sức, mẫn cán ngồi biên soạn từ điển lý giải bốn từ này theo nghĩa hết sức sai lầm, miệt thị. Ấy vậy mà nhà Lê đưa hẳn điều này thành một thứ lề luật vô cùng đáng kinh ngạc, “Những kẻ bất hiếu, bất mục, bất nghĩa, loạn luân, điêu toa... thì dẫu học giỏi, văn thơ hay cũng không được cho vào thi. Nhà phường chèo, con hát và những kẻ phản nghịch, ngụy quan có tiếng xấu, thì bản thân và con cháu đều không được dự thi”.

Trên thực tế, vô loài chỉ là hai từ xác tín không xếp vào loại nào. Ví như, sĩ nông công thương là một dạng, còn xướng ca không thuộc những loài này, chỉ có vậy. Nhưng tự sâu thẳm trong nề nếp tư duy của người Việt, cứ thấy ai lóng la lóng lánh kiêu sang thì đã ghét tám phần, người lóng la lóng lánh kiêu sang gây ra lỗi gì đấy thì cộng thêm hai phần phỉ báng nữa. Vậy là tròn đều, ghét vẫn hoàn ghét.

Đằng đẵng thời gian trôi đi, con hát được nâng cấp thành tầng lớp đẳng cấp cao trong xã hội. Thậm chí, là tiệm cận với tri thức thượng lưu, thức giá quý phái. Đấy là điều cực kỳ cần thiết trong một xã hội văn minh.

Ở một xã hội văn minh, theo Ngô nghĩ, là xã hội mà công dân thừa nhận tài năng của những cá nhân thành công trong lĩnh vực của họ. Miễn sao, họ không vi phạm pháp luật. Tất nhiên, vạn sự đều chỉ phiên phiến thôi, Ngô không có ý bảo mọi người phải tán thưởng những gã tú ông, tú bà, ma ma, ma cô cầm tay dắt mối, rồi vênh váo. Thật ra, có rất nhiều câu chuyện ai cũng đã hiểu nhưng người có thể làm thì lại khoanh tay ngồi im. Đành chấp nhận vậy.

Con hát hiện hữu với những xa hoa rực rỡ mà ít người có được. (Cần phải chú giải, nghĩa của cụm từ con hát mà Ngô sử dụng theo nghĩa bình thường nhất là những người hoạt động trong làng giải trí bao gồm cả diễn viên, người mẫu, ca sĩ, hot girl… Chỉ là cụm từ phù hợp với văn phong mà Ngô đang sử dụng, tuyệt đối không có ý mỉa mai hay xem thường).

Con hát đi siêu xe, con hát ở biệt thự, con hát chơi facebook cũng ngay tắp lự trở nên đình đám. Con hát cãi nhau, triệu người nín thở chờ nghe, con hát hẹn hò, vạn người rình rập chăm chú.

Con hát đang yên đang lành, tự nhiên phởn chí nói năm câu ba chuyện cũng khiến dân tình sục sôi. Con hát ngẫu nhiên hóa thành vầng dương chói lọi cho cuộc đời đầy đen tối và sầu bi của hàng triệu người.

Có người ghét hay không có người ghét, chuyện này không quan trọng. Ngô đoan chắc rằng vẫn có hàng nghìn người mơ ước được đặt chân vào thế giới của con hát. Dẫu không phải con hát nào cũng rực rỡ như con hát nào. Vẫn có những con hát vỡ nợ, vẫn có những con hát tiêu tan sự nghiệp vì cờ bạc, cũng có con hát phải ngửa tay xin từ thiện…

Minh họa: Lê Phương.

Thế nhưng, bất chấp tất cả, con hát vẫn đang là thứ đẳng cấp khiến nhiều bậc phụ huynh run run kỳ vọng vào con em mình, khiến nhiều nam thanh nữ tú mỉm cười trong giấc chiêm bao danh vọng.

Ở một đất nước luôn tự hào vì truyền thống văn hóa làng xã láng giềng, đồng hương đồng hao, đồng khói đồng sàng như nước ta, mỗi năm nhẩm tính có không quá một trăm thì cũng mấy mươi cuộc thi hát. Ấy là chưa kể đến hàng chục cuộc thi nhan sắc và cũng chừng ấy cuộc thi người mẫu.

Chủng loại thí sinh tham dự những cuộc thi này vô cùng phong phú, từ thiếu nhi cho đến thiếu niên, từ con trai cho đến con gái, từ tu mi nam tử cho đến yểu điệu hồng nhan, giọng ca lúc này khi khác, giới tính linh hoạt thập phần.

Mỗi cuộc thi như vậy, chúng ta lại có cơ hội để thưởng ngoạn sự khao khát được hóa thân thành con hát của từng thí sinh, từng gia đình. Kết thúc mỗi lần thi là đơn từ khiếu kiện bay chấp chới như bươm bướm trong vườn xuân, dập dìu. Người này mắng người kia vô tình, người nọ bỉ người kia tham tiền bán giải.

Lại có cá nhân quyết tâm làm con hát không khác vạn lý tầm phu trong buổi binh đao thuở nào, không tìm được khí mệnh tại quê hương. Vội vã bôn ba sang xứ khác tìm đến chỗ có cùng giọng nói, có cùng dáng người để tiếp tục chăm chút cho hy vọng.

2. Con hát bỏ vợ, cặp kè với nữ đại gia lớn tuổi. Thật ra, bỏ vợ cũng chẳng sao, mỗi gia đình luôn là một thế giới riêng mà không ai có thể phán xét ngoại trừ người thừa hành công vụ nếu thế giới ấy xảy ra việc dính dáng đến pháp luật.

Nữ đại gia này hiện hữu trong làng giải trí với rất nhiều điều ầm ĩ, tất nhiên, đó là chuyện của nữ đại gia. Có điều con hát là nam nhân, nam nhân bỏ vợ dại con thơ để tung tẩy cùng một đại gia lớn tuổi, hẳn nhiên mang dáng dấp của một kẻ bán sức lấy tiền. Cổ văn xưa chép, các bậc hoàng đế hoặc thiếp yêu của tiên đế chán chường với mọi lạc thú trên đời, bèn sai kẻ hầu cận tìm nam nhân trong thiên hạ tuyển vào cung để tập trung tinh lực chơi trò chơi luyến ái khác lạ. Những nam nhân này hình như được gọi là long nhân hay long dương gì đó. Ngô không nhớ rõ. Loại này, đời đời đáng bị khinh khi.

Sự khác biệt giữa con hát và thường nhân trong hoàn cảnh ấy chính là con hát thản nhiên nói về tình cảm dành cho nữ đại gia, sẵn sàng minh chứng cho cả những cá nhân đọc được tiếng Việt biết rằng nếu không có nữ đại gia này thì con hát sống không bằng chết, chết không được đầu thai.

Nói vụng, Ngô viết, “Trong sự rã rời của muộn phiền, bi thương nhất vẫn là hai chữ, “Thất tình”. Tôi tuyệt nhiên không thể hình dung cá nhân lâm vào thảm cảnh ấy sẽ đau thương ra sao. Thật sự, không thể không có chút hoảng sợ. Năm xưa, thiếu nữ xinh như tranh mỹ hiệu Xích Luyện Tiên Tử chỉ vì gã phàm phu Lục Triển Nguyên phụ bạc mà hồn nhiên uyển chuyển đi vào lòng người với tục danh Lý Mạc Sầu, - “Vấn thế gian tình thị hà vật?”. Tận cùng bất hạnh. Ở miên man tình ái, thi thoảng cũng xuất hiện một vài đấng trượng phu hùng tâm cao vút, thất tình phát về treo cổ chết ngay. Hoặc giả cũng có tráng sĩ khí khái tuyên bố với người tình phụ, “Ta sẽ lấy cái chết để ngươi dằn vặt suốt đời”. “Khi nào thì ngươi làm điều đó?”. “À, chắc độ sáu mươi năm nữa thôi. Tử vi chấm ta sống tối đa tám mươi tuổi. Nay, ta vừa tròn hai mươi”. Tráng sĩ khinh bạc chốt hạ!”.

Lại có con hát duyên tình lận đận, thị phi chất chồng sống cùng anh thiếu gia xe sang nhiều như trấu ở nhà máy xay xát. Có với nhau cậu con trai thì đùng phát người ta rình rập ném đầy lên  mạng internet cảnh con hát đang đùi trong tay trai lạ náo loạn phố phường.

Những cá nhân phẩm hạnh đoan trang, tiết chung rất mực, nhân văn bác ái, vội vã thanh minh cho con hát. Bảo, chuyện người ta thì kệ người ta, mắc mớ gì mà xen vào. Lại còn mắng, lũ nhiều chuyện ăn không ngồi rồi mới tọc mạch chuyện người khác.

Điều đáng sợ nhất trên đời chính là thanh danh, mà đáng buồn vô cùng vẫn là thanh danh, dẫu thanh danh con hát hay thanh danh trí thức gì cũng từa tựa nhau. Đó là cá nhân được thiên hạ biết đến.

Cá nhân được thiên hạ biết đến thì thuận lợi muôn phần trong cuộc sống, tiền kiếm dễ như thở, chuyện ấm ức muốn được loan tải thuận lợi như ngủ thấy mộng mị. Đạo giáo tin khuyết tròn để bù đắp cho nhau, phần phước chan đều cho thiên hạ, nên chuyện con hát bị phán xét cũng là điều hoàn toàn dễ hiểu. Nhất là khi, con hát tự cho mình là lớp người trời.

Con hát lên ngôi, cũng là khi thiên hạ nảy sinh thú tiêu khiển là lao đầu vào báo mạng. Chấp chới như hổ mọc thêm cánh, rồng mọc thêm vuốt, con hát hình thành nên những uy danh nhất định, mà nói như các nhà thủ cựu luôn lo lắng cho sự an nguy của văn hóa nước mình thì là, “Sự ảnh hưởng tiêu cực của người nổi tiếng”.

Hồi còn trẻ, Ngô cả tin nghe câu này hoang mang khôn tả. Càng ngày càng có tuổi, Ngô mới biết hóa ra các nhà thủ cựu lo bò trắng răng. Bọn trẻ thông minh và khôn ngoan gấp hàng triệu lần sự bảo bọc của mọi người.

Ngô chỉ nghĩ rằng, bất cứ ở một xã hội nào cũng đều có những quy chuẩn chung, quy chuẩn về đạo đức. Đây là các quy chuẩn mà nghe qua thì rất buồn cười, thậm chí là cổ hủ hay mê muội. Thế nhưng, bình tĩnh mà suy xét thì đó chính là cái thắng để kiềm hãm bản năng của đám đông. Bản năng không phải lúc nào cũng xấu, tuy nhiên người luôn vin vào bản năng để hành xử thì chắc chắn để lại sự không hay.

Con hát không là một ngoại lệ!

Ngô Nguyệt Hữu
.
.