Mấy nghịch lý cơ bản

Thứ Sáu, 25/11/2016, 11:14
Chầm chậm mà đi, thoắt cái sắp hết năm rồi. Sớm nay, phố như trở mình một mùa sương lạnh. Ngô ngồi trong góc quán quen, nhìn người qua lại nghĩ về vài điều vụn vặt vốn đã từng nghĩ như một thói quen.

1.  Lại vừa có thêm một người Việt trúng giải độc đắc mấy mươi tỷ, đây là người Việt thứ tư trúng giải thưởng độc đắc nhiều tiền đến như vậy. Chỉ trong vòng hai tháng, Việt Nam có thêm 4 tỷ phú.

Ngô đọc thấy người Việt với người Hoa giống nhau ở điểm là rất thích chơi cờ bạc, không bằng hình thức này thì là hình thức khác. Tâm lý muốn có một món hoạnh tài từ người khác vốn dĩ đã ăn sâu trong tiềm thức người Việt mấy trăm mấy ngàn năm rồi không thay đổi. Cờ bạc, dĩ nhiên là không tốt đẹp. Ấy vậy mà không hiểu sao từ nhà quản lý cho đến truyền thông rồi cả nhân dân luôn hồ hởi với một loại hình cờ bạc mới thông qua tên gọi mỹ miều: xổ số kiểu Mỹ.

Cái tâm lý ôm cây đợi thỏ này ảnh hưởng đến thái độ của những người xung quanh một cách đầy tiêu cực. Ngô không biết địa phương khác ra sao, nhưng tại TP HCM theo quan sát của Ngô thì hàng loạt đại lý vé số hình thức mới đã mọc lên dầy đặc. Thậm chí, một tuyến đường có đến ba đại lý vé số kiểu này. Quán cà phê cạnh nhà Ngô, người ta cũng vừa khảo sát diện tích để thuê đặt quầy đại lý vé số tự chọn như vậy.

Chơi vé số cũng như một phương thức sử dụng thuốc an thần, lấy những huyễn hoặc về sự may rủi làm điều cốt yếu cho cuộc sống. Với một dân tộc luôn lấy sự tự cường làm những bài học đạo đức như nước ta thì rõ ràng đó là sự nguy hại. Đáng tiếc, không ai nhận thấy điều này, hoặc giả có thấy thì cũng lờ đi xem như đây là thứ không đáng bàn, đáng nghĩ.

Làm sao nhà quản lý có thể cho du nhập thêm một hình thức cờ bạc vào nơi đã có quá nhiều hình thức cờ bạc, Ngô tôi không tài nào hiểu được cũng như không tài nào có thể ngờ đến được.

61 quốc gia đọc sách nhiều nhất thế giới không có tên người Việt, theo thống kê gần nhất thì mỗi năm người Việt đọc 0,8 quyển sách. Vẫn chưa biết người Việt thích đọc sách gì, có thể là lịch sử, văn hóa, tiểu thuyết hoặc truyện tranh.

"Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lý", không thể hy vọng một cá nhân nâng cao sự hiểu biết về nhận thức lẫn hoàn thiện về tư duy nếu cá nhân ấy lười đọc sách. Nhưng biết là làm sao, khi mà những giải độc đắc của vé số vẫn tạo được nhiều cảm hứng hơn một cuốn sách hay tại nước ta. Nhất là khi, đọc cũng thành một thứ trào lưu, kiểu chụp ảnh vài trang sách post facebook vậy.

Minh họa: Lê Phương.

Có độc giả email hỏi Ngô, làm sao để đọc sách. Ngô tình thực trả lời, đọc sách cũng như học tập, nếu không yêu thích phải rèn luyện. Rèn luyện theo kiểu mỗi ngày đúng giờ đấy phải ngồi vào bàn để đọc, đọc trong một quãng thời gian do chính mình đặt ra, hoàn tất điều đó xong rồi muốn làm gì thì làm. Trả lời vậy thôi chứ biết điều này là rất khó.

Một người bạn của Ngô từng đùa với Ngô, loại đọc sách như Ngô cả đời không thành công được. Ngô mỉm cười chấp nhận. Bởi đọc sách không phải để cầu cạnh bất cứ điều gì trong cuộc sống cả, đọc sách vì bản thân cảm thấy nhu cầu cần phải đọc. Đọc sách không phải để làm quan, đọc sách lại càng không phải để tranh luận hoặc kiến giải điều gì đó nhằm minh chứng cho sự cao siêu của bản thân. 

Nhưng Ngô tin rằng, đọc sách cũng như đến trường, vẫn tốt hơn rất nhiều người không đọc lẫn không học. Còn tốt hơn thế nào thì tùy cá nhân cảm nhận, kiểu như trồng cây gieo hạt, không phải cứ ném ra rồi mong thời tiết thuận lợi, mà còn có tưới nước bón phân, lẫy đất nhổ cỏ mới mong tựu thành.

Chuyện vé số kiểu Mỹ và chuyện đọc sách có liên quan đến nhau không, nghĩ có liên quan thì là liên quan, nghĩ không có liên quan thì là không liên quan. Phàm vạn sự trên cõi đời này, đều là do ánh nhìn mà thôi. Người đọc sách thấy cờ bạc như là thứ cần phải tránh xa, người không đọc sách nhìn cờ bạc như là một cơ hội.

Cơ hội gì từ cờ bạc, Ngô tôi không biết. Nhưng Ngô tôi biết làm người cần gì. Làm người chung quy cũng chỉ gói gọn trong mấy chữ, không trông chờ vào điều kỳ diệu, không nhận thứ mình không gắng sức, không đi nhầm đường, không ngồi nhầm chỗ, không ngủ nhầm giường. 

Ngô đã chứng kiến nhiều bi kịch từ vé số, ấy là bi kịch từ một loại hình cờ bạc được pháp luật cho phép, Ngô không muốn nói đến những loại hình cờ bạc bị cấm khác như đánh bài, số đề hay cá cược thể thao.

Ngô lẩn thẩn rồi, mấy điều chép ra rất mong không bị mắng là thiển cận, chỉ hy vọng nhà quản lý hết sức cân nhắc. Bởi so với việc khuếch trương cho vé số thì hành động khuếch trương sự đọc sẽ tốt hơn cho tương lai của mỗi cá nhân mà thôi.

2. Một lãnh đạo của nước ta vừa chủ trì hội nghị phát huy giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, ấy là điều đáng mừng, đáng ghi nhận. Tuy nhiên, Ngô nghĩ rằng với ngôn ngữ đừng nên quá khiên cưỡng. Tự thân ngôn ngữ luôn có sự vận động khách quan, không gì có thể ngăn cản được. 

Vấn đề cốt yếu chính là giữ cho ngôn ngữ không biến đổi quá mức làm chệch hướng ký tự được lưu truyền đã được dân tộc chấp nhận. Không nên cực đoan với ngôn ngữ bằng cách cố định, hãy cứ thử đọc một văn bản cách đây hai mươi năm và hiện tại sẽ thấy sự biến đổi đầy thú vị của ngôn ngữ. Có những việc cấp thiết hơn chính là bài trừ những thói hư tật xấu đang được phổ biến lan tràn. Bia rượu là một ví dụ.

Đã có rất nhiều văn bản quy định cấm cán bộ công chức không uống rượu bia trong giờ hành chính, nhưng dường như đó chỉ là bề nổi. Mặc cho, cái thứ bề nổi ấy cũng không có thực nốt. Ngô tôi không biết đây là lần thứ mấy mình phản ứng về bia rượu, nhưng biết làm sao được khi kẻ thiển cận viết vẫn cứ viết còn người ngồi trong quán để nâng cao ly cứ nâng cao ly.

Không gì tàn phá sức sáng tạo lẫn phát triển của một dân tộc hơn bia rượu, nhất là khi dân tộc ấy đã ngụp lặn trong văn hóa âm tính truyền đời. Đó là thứ văn hóa nhàn rỗi, thứ văn hóa tán chuyện, thứ văn hóa thích cà kê dê ngỗng, thứ văn hóa lười nhác và thụ hưởng. 

Bạn đọc đừng buồn Ngô, điều gì chúng ta còn yếu kém thì phải mạnh dạn chỉ ra, nhìn nhận để hy vọng vào một sự thay đổi. Chúng ta đừng mỹ miều hay ủy mị đến mức tự hào viển vông mãi trong mớ bòng bong của chính mình.

Ngô không hiểu được vì sao người Việt lại uống bia rượu nhiều đến vậy. Đừng nhìn về con số mấy tỷ USD một năm mà người Việt chi cho bia rượu, cũng đừng nhìn về giá cổ phiếu cao ngất ngưởng của những tập đoàn bia rượu được niêm yết trên sàn chứng khoán, cũng đừng nhìn về số lít bia rượu người Việt tiêu thụ theo thống kê mỗi năm… Hãy nhìn vào thực tế đã đủ cảm nhận rồi.

Người Việt uống bia rượu ở khắp nơi từ trong nhà ra ngoài phố, từ đám hiếu đến đám hỷ, từ tân gia cho đến thôi nôi, từ sinh nhật cho đến đầy tháng, từ mừng thăng quan tiến chức cho đến tạm biệt về hưu, từ hợp đồng kinh tế cho đến đầu tư dự án, từ mừng tân sinh viên cho đến chia tay ngày ra trường, từ chúc tụng một chức vô địch thể thao cho đến chia buồn vì thất trận, từ chúc mừng khi thành đôi lứa cho đến nỗi sầu ly biệt vỡ tan… tất tần tật đều gói gọn trong một tiệc rượu.

Điều hoảng hốt nhất chính là đám đông lại tự hào vì điều ấy, nghĩa là tự hào vì tri kỷ tri âm trên bàn rượu, tự hào vì mình uống nghìn ly không say, tự hào vì tửu lượng của mình cao hơn của người khác, tự hào vì bữa rượu ấy có giá vài mươi triệu, tự hào vì mình sống được nên bạn bè mới mời uống rượu nhiều vậy, tự hào vì đêm qua uống quá trời quá đất vẫn trụ vững đến lúc cuối cùng. 

Những thứ tự hào theo cái cách nam vô tửu như kỳ vô phong đã khiến sự mặc định bia rượu như một nếp lễ tiết đầy quái đản và cực kỳ vô lý. Chán đời nhất là sự vô lý ấy lại được chấp nhận.

Ngô không cực đoan đến mức cho rằng bia rượu là sự phung phí thời gian, tiền bạc lẫn sức lực. Nhưng điều chắc chắn là nếu bia rượu kéo dài, bia rượu triền miên, bia rượu liên tu bất tận chính là mầm mống của những hệ lụy trong một tương lai gần. Tuyệt không hy vọng gì vào một đám đông cứ canh đến trưa là bá vai rủ nhau ra quán bia, còn canh đến chiều tối thì rủ nhau vào quán rượu. 

Ai cũng hiểu chủ nghĩa thực dân cũ dùng gì để trị dân ở một quốc gia, xứ sở mà họ xâm chiếm được. Đó là rượu và ma túy. Đằng này, chúng ta tự nguyện hiến mình cho những cơn say thì còn gì để mà hy vọng nữa đâu.

3. Bia rượu lan tràn, cờ bạc hình thức mới được tung hô, sách thì không đọc, giáo dục vẫn chưa được chấn hưng (chứ không muốn nói là phát triển), quý bạn đọc nào lạc quan nhất cho Ngô hỏi là liệu chúng ta phải làm gì để hướng đến một tương lai cho chính mình và hậu sinh nếu như ngay từ bây giờ không cấp thiết xây dựng những phong trào, những cuộc vận động sát sườn với hiện thực, những chủ trương cần thiết để chống lại sự tha hóa trên diện rộng như hiện nay.

Sự tha hóa ngay trong đời sống nhân dân chứ không chỉ là chốn quan trường, nếu không thắp lên một que diêm thì vĩnh viễn chìm trong sự mù mịt. Đặc biệt là khi, mỗi cá nhân không lấy sự tu dưỡng, rèn luyện mình làm trọng.

Ngô Nguyệt Hữu
.
.