Mấy chuyện rất khó

Thứ Hai, 05/06/2017, 07:41
Run rủi gió mây, hên xui thời cuộc, có những câu chuyện mà theo Ngô nghĩ là rất khó xảy ra vẫn đang diễn ra. Có những câu chuyện vẫn đang diễn ra tưởng rằng rất dễ xử lý nhưng lại vô cùng khó giải quyết.

Mấy điều dễ dễ khó khó mà Ngô sắp lạm bàn ra đây chỉ là điển hình trong một bức tranh tổng thể đầy vui buồn lẫn lộn.

1. Lãnh đạo Sở Kế hoạch Đầu tư Thành phố Hải Phòng vừa ban hành một văn bản vô tiền khoáng hậu, khi kêu gọi doanh nghiệp đang kinh doanh trên địa bàn lẫn nhân dân giúp đỡ hiện kim nhằm bù vào công trình nhạc nước tại hồ Tam Bạc với khoản đầu tư áng chừng gần 200 tỷ, ngân sách của thành phố đã rót vào hơn 90 tỷ. 

Sở dĩ đầu tư gần 200 tỷ mà ngân sách hụt có 90 tỷ là vì nhà thầu đã tự nguyện xí xóa cho thành phố 100 tỷ tiền chưa tất toán. Nhà thầu này chắc vĩ đại nhất đất nước rồi.

Công trình nhạc nước từng được kỳ vọng là điểm nhấn của thành phố hoa phượng đỏ, từng nuôi dưỡng ước mơ thưởng ngoạn lịch lãm đầy hào hứng của chính quyền lẫn nhân dân địa phương của thành phố cảng, từng mang rất nhiều giấc chiêm bao về âm thanh, ánh sáng kỳ ảo vũ điệu của nước phút chốc vỡ tan tành như bong bóng xà phòng. Công trình bắt buộc phải tháo dỡ, tháo dỡ vì những lý do không thể nào vô lý hơn.

Một công trình trọng điểm kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng thành phố trên thực tế chỉ còn đọng lại lời nhận xét đầy cay đắng: “Nó chỉ hơn đài phun nước trước cửa Nhà hát Lớn là bởi có thêm tiếng nhạc phát ra từ mấy cái loa thùng đặt trên vỉa hè”. 

Thêm vào đó, công trình còn bị cho là đang phá vỡ không gian và cảnh quan của hồ Tam Bạc - địa danh nổi tiếng, góp phần làm nên tên tuổi thành phố Cảng bởi cây cầu tạm bợ, nhếch nhác nối từ bờ hồ ra đài phun nước.

Minh họa: Lê Phương.

Hệ lụy của công trình nhạc nước ấy chỉ là mức án kỷ luật dành cho những cán bộ lãnh đạo có liên quan, nhưng còn một thứ hệ lụy lớn hơn chính là lòng tin của nhân dân đối với việc sử dụng ngân sách của cán bộ lãnh đạo.

Ngân sách được hình thành chủ yếu từ tiền thuế của nhân dân và doanh nghiệp, đương nhiên để có tiền đóng thuế thì doanh nghiệp phải vắt chất xám ra để kinh doanh còn nhân dân thì phải chắt chiu vun vén về nhiều mặt. Đáng tiếc là khi phê duyệt ngân sách, cán bộ lãnh đạo vẫn chưa chịu hình thành tư duy đang sử dụng thứ của để dành, một thứ nội lực cho sự phát triển chung. Tình trạng ngân sách như cha chung chết không ai khóc vốn dĩ là không mới, chỉ là Ngô nhìn quanh cảm thấy buồn bã không thôi vậy. Ngoài buồn ra, có thể làm gì khác được sao.

Trong bối cảnh có quá nhiều chuyện khó diễn ra vẫn đang diễn ra thì không có chuyện gì là không thể nữa. Cái văn bản kêu gọi doanh nghiệp và người dân giúp đỡ bù vào khoản thâm hụt ngân sách cũng không nằm ngoài sự khó diễn ra vẫn đang diễn ra ấy.

Một trong những câu hỏi chưa có câu trả lời là việc chấn chỉnh tình trạng lạm dụng ngân sách công phải song hành cùng thu hồi lại khoản thất thoát đó. Tuy nhiên, mong muốn này còn xa diệu vợi lắm. 

Lấy ví vụ một vụ án tham nhũng, ngoài việc đưa kẻ tham nhũng ra tòa chịu mức xử phạt tương thích với hành vi tham nhũng thì điều quan trọng không kém chính là thu hồi được bao nhiêu phần trăm số tiền mà ngân sách đã bị kẻ tham nhũng đó chiếm dụng. Đằng đẵng bao nhiêu năm rồi, vế sau cho vấn đề này vẫn bị bỏ ngỏ. 

Thế nên mới có câu mỉa mai đầy cay đắng lưu truyền trong nhân dân: “Hy sinh đời bố, củng cố đời con”. Tiền ngân sách phút chốc thành đất đai, thành biệt thự với quyền sở hữu thuộc về ai đó có mối quan hệ thân thích với kẻ trục lợi ngân sách.

Ngô hầu quý bạn đọc một câu chuyện cũ của nhà Thanh xứ Trung Hoa. Càn Long học theo lối buông rèm nhiếp chính với chức danh Thái thượng hoàng của Khang Hy, nên nhường ngôi cho Gia Khánh. 

Thời Càn Long có nhiều cái vui, khuynh hướng lãng mạn nên dân nước mình suốt ngày được xem đủ thể loại phim truyền hình dài tập về cuộc đời của ông vua này. Nổi bật dưới thời Càn Long trung thần cũng có mà nịnh thần cũng có, rồi tham thần cũng có nốt, trong số nịnh thần của Càn Long đắc ý nhất có Hòa Thân.

Hòa Thân thì là dân chơi mà triệu người Việt đã biết danh thông qua phim ảnh, Gia Khánh ức Hòa Thân lắm nhưng không làm gì được vì Càn Long cực yêu Hòa Thân. Càn Long thành Thái thượng hoàng, Gia Khánh một bước lên ngôi vua nhưng vẫn không dám chạm đến Hòa Thân. 

Câu nói bảo kê trứ danh của Càn Long dành cho Hòa Thân: “Ta biết Hòa Thân là không tốt, nhưng hắn khiến ta được vui”. Thái thượng hoàng mà vui thì vua cũng không dám chạm đến người khiến Thái thượng hoàng mỉm cười.

Càn Long băng hà, cờ đến tay Gia Khánh. Gia Khánh không nói không rằng một phát xuống chiếu định danh hai mươi tội của Hòa Thân, một chỉ tuyên bố tịch thu toàn bộ gia sản. 

Theo kiểm kê thì, tổng cộng gia sản của Hòa Thân ước khoảng 1.100 triệu lạng bạc, nhiều lời đồn cho rằng nó còn tương đương số tiền mà quốc khố nhà Thanh phải mất 15 năm mới thu được. Trong nhà Lưu Quân, tổng quản phủ Hòa Thân, một số lượng lớn châu báu nữa bao gồm 240.000 lạng bạc cũng bị tịch thu.

Số lượng bạc ấy chưa thấm vào đâu bởi Hòa Thân còn một đống bất động sản, hiện kim, của cải vật chất trân châu hồng ngọc, tì thiếp, đồ dùng đắt tiền… Ấy là chưa kể đến khi kiểm kê tài sản, mấy ông được Gia Khánh cử đi làm nhiệm vụ cũng không dại đến độ không thuận tay dắt dê, cũng nhét vào trong mình một mớ của cải mà Hòa Thân đã vớ được trong thời gian được Càn Long tin yêu.

Mỗi lần nghĩ về công tác xử lý thất thoát ngân sách, Ngô tôi đều nhớ đến câu chuyện này. Giá như mà cán bộ lãnh đạo cao cấp của nước mình chịu khó làm theo cách của Gia Khánh thì biết đâu ngân sách không lâm vào tình trạng lúc nào cũng túng thiếu như hiện tại.

Trở lại câu chuyện của lãnh đạo Sở Kế hoạch Đầu tư Thành phố Hải Phòng, cái văn bản kêu gọi này đương nhiên là không ép buộc doanh nghiệp hay nhân dân địa phương phải đóng góp. Nhưng, cái nguy hại nhất chính là tư duy không biết khoan lấy sức dân, không biết khoan lấy sức cho doanh nghiệp.

Cán bộ của chính quyền địa phương làm thất thoát ngân sách, thì đầu tiên để hồi phục khoản thất thoát ấy chính là việc xác định trách nhiệm của từng cá nhân, rồi yêu cầu cá nhân ấy khắc phục. Nếu cá nhân không tự nguyện khắc phục thì phải có hình thức xử lý phù hợp đối với cá nhân này. Không thể nào lấy cái sai của cán bộ lãnh đạo để rồi mong nhân dân chịu trách nhiệm về hậu quả của cái sai ấy được. Như vậy là không sòng phẳng với nhân dân, như vậy là chữa cháy theo cách ném vào đó thêm xăng và củi nỏ.

2. Niềm cảm hứng trong công cuộc giành lại vỉa hè cho người đi bộ là Phó Chủ tịch UBND quận 1, TP HCM ông Đoàn Ngọc Hải đang gặp khó. Khó từ chính lãnh đạo quận, ông Đoàn Ngọc Hải thừa nhận: “Quận ủy và UBND quận 1 ra hai văn bản yêu cầu tôi tạm dừng xuống đường dọn dẹp trật tự lòng lề đường. Tôi phải thực hiện đúng chỉ đạo của tổ chức”.

Dư luận cũng đang có đồn đoán ông Hải bị kỷ luật, sắp bị chuyển công tác. Ông Hải xác tín lại điều này như sau: “Tạm thời tôi dừng công việc lập lại trật tự đô thị theo chỉ đạo của tổ chức. Còn việc có hay không chuyển công tác thì tôi vẫn chưa nhận bất cứ quyết định nào. Nếu sau này chuyển tôi đi đâu, bản thân vẫn luôn cố gắng hết sức để hoàn thành công việc, nhiệm vụ được giao”.

Dẫu có cái được có cái chưa được thì cũng phải thừa nhận rằng ông Đoàn Ngọc Hải chính là một trong những cá nhân tiên phong trong cái công cuộc mà chúng ta quen gọi là “bắt cóc bỏ đĩa”, đấy là cái vỉa hè.

Ai không thường xuyên đi bộ trên vỉa hè sẽ thấy vỉa hè bình thản, nhưng ai thường xuyên đi bộ trên vỉa hè sẽ thấy điều ông Đoàn Ngọc Hải làm được. Vỉa hè bị chiếm dụng, vỉa hè được bảo kê là chuyện không mới, là chuyện ai cũng biết. Thậm chí, ai bảo kê vỉa hè, dĩ nhiên là có quyền mới bảo kê vỉa hè được. Chứ một kẻ không quyền không chức, tài hèn phận mọn như Ngô tôi thì có tài thánh cũng không đủ tuổi mà bảo kê.

Ông Hải đã có va chạm, ông Hải đã có sự quyết liệt, ông Hải đã có công trả lại một quãng thênh thang cho các con đường ở quận 1, nơi ông Hải xắn tay áo xông pha dọn dẹp lại vỉa hè. Tất nhiên là cách thức của ông Hải trong một vài vụ việc cụ thể còn chưa phù hợp, nhưng người không bao giờ sai là người chẳng bao giờ làm gì cả chứ có ai làm mà không thiếu sót.

Vậy mà, bây giờ ông Hải lại thúc thủ, ông thúc thủ cũng như cách mà vỉa hè đang bị tái chiếm dụng khắp nơi. Xót một điều là những nơi ấy chính là những nơi ông Hải từng lấy lại được cho người đi bộ.

Rồi đâu lại vào đấy cả thôi, vỉa hè vẫn là vỉa hè, cán bộ vẫn là cán bộ. Mặc cho TP HCM muốn làm được, muốn bứt phá được cần có những cá tính riêng, những bản lĩnh riêng. Tiếc là không phải bản lĩnh nào, cá tính nào cũng phù hợp, cũng được tổ chức thừa nhận.

“Nhân tại quan trường, thân bất do kỷ”, người trong chốn quan trường thì khó có thể làm điều mình mong muốn chăng? Câu trả lời này, Ngô dành lại cho bạn đọc.

Thiên hạ mang mang, lòng người đa đoan.

Ngô Nguyệt Hữu
.
.