Mấy chuyện cổ mộ Sài Gòn
Khu nghĩa địa có một không hai
Sách địa chí Văn hóa TP HCM (Tập 2) chép lại rằng: “Năm 1836, Bình Trưng thôn ở xứ Giồng Ông Tố, thuộc tổng An Thủy Thượng, H.Bình An, Phủ Phước Long (tỉnh Biên Hòa). Theo sách đã dẫn thì năm 1818, địa danh Giồng Ông Tố và tổng An Thủy đã được xác lập. Năm 1802 Nguyễn Ánh lên ngôi vua lấy niên hiệu Gia Long đặt quốc hiệu là Việt Nam. Vì vậy, khái niệm “Việt cổ” có trong khoảng thời gian từ năm 1802 về trước.
Theo ông Trương Kim Quân - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích (Sở VH-TT TP HCM) cho biết: “Khu mộ cổ Gò Quéo thuộc địa bàn P.Bình Trưng Đông, có tổng diện tích khoảng 14.000 m2, được xây dựng trước năm 1802 (căn cứ vào hai chữ “Việt cổ” trên một số bia mộ), đây là khu nghĩa địa của cư dân người Việt hình thành tương đối sớm trong quá trình Nam tiến mở nước và tiếp tục chôn cất người chết đến năm Tân Hợi 1851. Khu mộ có không gian thoáng đãng, phía Bắc có đất ruộng, còn lại giáp với nhà dân và vườn, cát bồi. Sau này, các ngôi mộ cổ khai quật trên địa bàn Q.2 cũng đều cho chuyển về đây để phục dựng, bảo tồn”.
Hiện toàn khu mộ cổ độc đáo Gò Quéo do UBND Q.2 quản lý có tất cả 19 ngôi mộ cổ, phần lớn được xây dựng bằng hợp chất và đá ong kiên cố. Đặc biệt, có 2 ngôi mộ của quan đại thần họ Phạm thuộc triều Nguyễn khá qui mô, với kết cấu đầy đủ: cổng mộ, bình phong tiền, sân tế, bia mộ, nấm mộ, bình phong hậu, vòng tường xung quanh như một lâu đài kín cổng cao tường.
Mộ một quan đại thần được phong tới tước “Hầu” (“Triệt Thanh hầu”, tước thứ hai trong 5 tước “Công, hầu, bá, tử, nam”). Trước khi chết ông giữ chức Tả tham tri bộ lại, chỉ sau chức Thượng thư bộ lại. Trên bia mộ còn ghi 46 chữ Hán sắc nét: “Hoàng Việt, Hiển khảo, Đồng đức công thần Phụng trực Đại phu chính trị khanh, Lại bộ tả tham tri, Triệt Thanh Hầu, thụy Đôn mẫn, Phạm Qúi Công chi mộ, Gia Long Kỷ Mão niên nhuận nguyệt cốc tán, tự tử Quang Chiêm lập bi” (nghĩa: Thời Hoàng Việt, mộ ông họ Phạm, tên thụy là Đôn Mẫn, được phong tước Triệt Thanh hầu, là Đồng Đức Công thần Phụng trực Đại phu chính trị khanh, tả tham tri bộ Lại, ngày tốt, tháng nhuận, năm Kỷ Mão niên hiệu Gia Long -1819, con nuôi là Quang Chiêm lập bia mộ). Nấm mộ có hình chữ nhật dài 2,4m, rộng 1,15m, cao 0,5m.
Mộ ông họ Phạm, tên thụy là Trang Khải (nguyên thụ Trung phụng đại phu, tả Tham tri Bộ Binh, tuần phủ tỉnh Bắc Ninh. Hộ lý tổng đốc Quan phòng tỉnh Bắc Ninh và Thái Nguyên do con nuôi Quang Bạc lập có trụ cổng hình vuông, phần trên hình búp sen, mỗi trụ cao 1,6m nhưng hiện nay tấm bia mộ không còn mà được đưa về trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại TP.HCM từ năm 1998.
Trên tấm bia khắc 51 chữ Nho sắc nét: “Đại Nam. Hiền khảo, Nguyên thụ trung phụng Đại phu, Binh bộ Tả Tham tri, Bắc Ninh tuần phủ, hộ lý Ninh - Thái tổng đốc quan phòng Phạm lượng phủ, thụy Trang Khải phủ quân chi mộ. Tuế thứ Tân Hợi mạnh hạ cát đán, tự tử Quang Bạc lập bi”. Ngôi mộ này có bình phong hậu hình chữ nhật. Mặt trước phù điêu khá tinh xảo nhưng không còn nguyên vẹn do lớp hợp chất bị mưa nắng phân hủy, bong tróc.
Về kiến trúc, khu mộ cổ Gò Quéo đa phần xây dựng theo kiểu “Ngưu miên” (trâu ngủ) khá lạ mắt, thoạt nhìn như đang thấy cả đàn trâu đang say sưa thiêm thiếp giấc nồng. Càng vào sâu bên trong cho ta sẽ cảm thấy sự bình yên, nhẹ nhàng như chốn bồng lai. Vài ngôi mộ còn có bia mộ khắc bằng đá màu trắng có niên đại từ “Gia Long Kỷ Mão niên” (năm 1819), “Đinh Sửu thu nguyệt cốc đán” (Đinh Sửu ngày tốt năm 1817) và “Tuế thứ Tân Hợi mạnh hạ” (tháng 4 năm Tân Hợi 1851)… hết sức có giá trị cho thế hệ hậu sinh những công trình nghiên cứu và tìm hiểu về sự phát triển, văn hóa của người Việt xưa.
Khu mộ của quan đại thần dược chôn cất hoành tráng với hoa văn rất tinh xảo. Ảnh Quỳnh Trân. |
Chờ một công viên văn hóa mộ táng, kiến trúc cổ
Được sự giúp đỡ nhiệt tình của chị Nguyễn Thị Đăng Kha, chuyên viên Trung tâm Bảo tồn di tích (Sở VH-TT TP HCM), chúng tôi đã có nguyên một ngày khám phá Khu di tích mộ cổ Gò Quéo (Q.2).
Thật đau lòng, hầu như các ngôi mộ cổ ở đây đều đang xuống cấp đổ nát và hoang tàn. Toàn bộ phần đá ong của hai ngôi mộ song táng tuyệt đẹp vừa khai quật ở Q.2 đang được… đổ chất đống mặc cho mưa nắng chẳng biết khi nào phục dựng. Do mặt đất trũng, thấp, lại bị nước xói mòn nên một số mộ cổ lộ rõ phần móng dưới mặt đất, các kết cấu nứt nẻ, bong tróc, vòng tường nghiêng ngửa có thể đổ bất cứ lúc nào, chưa kể cây cổ thụ còn mọc cả ngay trên quần thể khu mộ, cỏ dại thì tràn lan. Nhiều ngôi mộ xây cất từ giữa thế kỷ 19 chỉ còn nấm đất sơ sài, bên cạnh là những bát nhang nằm chỏng chơ, lạnh lẽo…
Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Kim Quân - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích TP HCM vô cùng lo lắng: “Hiện nay, trong quá trình xây dựng nhà ở, san lấp mặt bằng nhiều ngôi mộ cổ, có giá trị về lịch sử ở TP HCM đang bị hư hỏng, che lấp hoặc bị phá hủy khá nhiều. Nếu không kịp thời khai quật, cho phục dựng lại trong một khu công viên mộ táng chung để xếp hạng, trùng tu, nghiên cứu và tham quan… thì sẽ hết sức uổng phí. Sau này rất khó tìm lại…”.
Theo khảo sát gần đây của Trường Đại học KHXH&NV TP HCM và Sở Văn hóa – Thể thao TP HCM, hiện TP HCM có khoảng 115 ngôi mộ cổ tập trung chủ yếu ở Q.2, Q.9, Q Phú Nhuận, Q.Gò Vấp, chưa kể nhiều khu mộ cổ vẫn còn nằm rải rác tại Q.4, Q.7, Q.8, Q.10, Q.12, Q Bình Tân, H Bình Chánh, Cần Giờ… chưa được khám phá.
Một số khu mộ cổ đổ nát, hoang tàn theo thời gian. Ảnh: Quỳnh Trân. |
Chủ nhân của các ngôi mộ cổ phần lớn thuộc tầng lớp khá giả, có vị trí quan trọng trong xã hội ngày xưa nên mộ có qui mô khá hoành tráng, như ngôi mộ ở ấp Thượng, xã Tân Thông Hội (H.Củ Chi) diện tích khuôn viên lên tới 132m2 nên cần có mặt bằng nghĩa trang rộng rãi để phục dựng. Trong khi đó, khu mộ cổ Gò Quéo (P.Bình Trưng Đông, Q.2) đã hơn 200 năm, trải qua bao mưa nắng thời gian như “chiếc áo cũ” trở nên quá chật chội, không còn phù hợp.
Mặc dù cách đây 2 năm, Sở VH-TT TP HCM có văn bản gửi UBND TP HCM xin đầu tư “công viên Văn hóa, mộ táng” với qui mô 5 hecta nhằm giữ gìn và kết nối với phát triển kinh tế xã hội, tổ chức trưng bày, giới thiệu cho các nhà khoa học và sinh viên nghiên cứu, đồng thời phục vụ khách tham quan, du lịch...
Tuy nhiên, vừa qua địa điểm bố trí “công viên” mộ cổ với qui mô 2 hecta tại huyện Củ Chi (là nơi an táng cán bộ, lão thành cách mạng…) nằm trong nghĩa trang chính sách thành phố là quá nhỏ và chưa phù hợp nên Sở VH-TT vẫn đang kiến nghị UBND TP HCM tiếp tục xem xét, bố trí một vị trí khác, rộng rãi hơn nằm ở khu vực Q. 9, Q.2, gần khu nghĩa địa Gò Quéo càng tốt để sớm có điều kiện trùng tu, bảo tồn loại hình di sản văn hóa – kiến trúc mộ cổ hết sức độc đáo của người xưa, thay thế khu mộ đã hơn 200 tuổi đang bị xuống cấp nghiêm trọng.
Đa số mộ cổ hiện nay ở TP HCM là của người Việt? “Cho đến nay khảo cổ học vẫn chưa ghi nhận được khu mộ cổ nào có niên đại trước thế kỷ 17 trên vùng đất Nam Bộ Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng. Hình thức xây cất kiến trúc mộ mới chỉ được ghi nhận từ sau thế kỷ 17 - 18 khi người Việt vào khai phá vùng đất này. Trước đó nhiều nguồn tư liệu liên ngành cho biết các nhóm tộc người khai phá vùng đất Nam Bộ kể từ khi văn hóa Óc Eo lụi tàn gắn với những tín ngưỡng và nghi thức táng tục: hỏa táng, thủy táng, điểu táng… không thực hiện chôn cất và xây cất kiến trúc mộ. Vì thế, bên cạnh một số loại hình mộ của người Việt gốc Hoa theo chân các chúa Nguyễn và thời Nguyễn khai phá vùng đất phương Nam thì đa số kiến trúc mộ cổ hiện còn ở TP HCM là của người Việt…”. |