Luận về nụ hôn

Thứ Hai, 24/08/2015, 01:31
Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể có ý kiến thống nhất về nguồn gốc của nụ hôn cũng như lịch sử ra đời của nó. Song một điều chắc chắn rằng, nụ hôn đã xuất hiện từ thời kỳ lịch sử rất xa xưa của loài người, là phương tiện để con người thể hiện những trạng thái tình cảm tích cực với nhau cũng như với thế giới xung quanh.

Cùng với sự phát triển văn minh của mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc, nụ hôn lại có thêm nhiều diện mạo mới, được thổi vào đó những đặc trưng văn hóa của từng đất nước cũng như của mỗi thời kỳ lịch sử. Từ các nghi lễ của tôn giáo, thi ca nghệ thuật cho tới đời sống hàng ngày, ở đâu ta cũng bắt gặp nụ hôn với muôn hình nghìn trạng cách biểu hiện khác nhau. Bài viết này, vì thế, xin được luận về những nụ hôn trong đời.

1. Theo Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học, NXB Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2010), “hôn” được định nghĩa là “ấp môi hoặc mũi vào để tỏ lòng yêu thương quý mến” (tr.597). Còn theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, hôn “còn gọi là hun, thơm, mi, là hành động mà một người dùng đôi môi của mình để chạm vào vật khác hoặc môi của người khác. Hôn thường là cử chỉ thể hiện tình cảm và hai đôi môi cùng hôn nhau là biểu tượng của tình yêu”.

Như vậy, động tác hôn có thể được thực hiện bằng môi hoặc mũi, có thể hướng vào bất cứ bộ phận cơ thể nào của người khác hoặc những sự vật trong thế giới khách quan nhằm thể hiện tình cảm của người hôn. Tuy nhiên, điển mẫu của nụ hôn cho đến nay, luôn được chúng ta ngầm hiểu là phải dùng môi và chủ yếu là của người dành cho người.

Vậy thì nụ hôn của người dành cho người, theo các nhà khoa học, có hai cách lí giải cơ bản về nguồn gốc. Một là, nó xuất phát từ kinh nghiệm mớm thức ăn cho nhau. Hai là, con người có khứu giác kém hơn con vật, nên hôn là cách con người tiếp xúc gần nhất để có thể cảm nhận mùi hương và đánh giá bạn tình. Có những nghiên cứu cho rằng nụ hôn lãng mạn có ở 90% các nền văn hóa trên thế giới, nhưng cũng có những nghiên cứu khác cho rằng, nụ hôn chỉ xuất hiện ở 46% trong số 168 nền văn hóa được nghiên cứu. Giới khoa học vẫn chưa thể khẳng định dứt khoát xem nụ hôn lãng mạn xuất phát trước tiên từ phương Đông hay phương Tây.

Nhiều sử gia cho rằng, ở thời điểm 1.000 năm trước Công nguyên, nụ hôn lãng mạn vẫn còn là điều mới mẻ với cả thế giới và Alexander Đại đế là người đã mang nụ hôn tới châu Âu. Còn với con mắt đương đại mà xét thì nụ hôn của người phương Tây xuất hiện một cách dễ dàng và tự do hơn của người phương Đông, đặc biệt với nụ hôn của hai đôi môi dành cho nhau. Sở dĩ có thể nói như vậy vì nếu đọc các sách lịch sử, văn hóa và thi ca của Việt Nam và Trung Quốc trong thời kỳ trung đại, ta sẽ vô cùng khó khăn để tìm thấy một câu nói về nụ hôn môi của tình yêu trai gái. Nhiều người Việt không ngần ngại khẳng định rằng, các cụ ta xưa vốn không biết hôn, nụ hôn môi chắc chắn đã đi theo văn hóa phương Tây và cụ thể là văn hóa Pháp đến xứ sở này.

Quả là, xem lại toàn bộ văn học sử của người Việt, chúng tôi thấy nụ hôn lãng mạn chỉ thực sự xuất hiện từ thời kỳ Thơ Mới (1932 - 1945) mà Xuân Diệu là một trong những người đưa nụ hôn vào thơ một cách nồng nàn mãnh liệt nhất: Nên lúc môi ta kề miệng thắm/ Trời ơi ta muốn uống hồn em (Vô biên); Hãy khăng khít những cặp môi gắn chặt/ Cho ta nghe đôi hàm ngọc của răng (Xa cách).

Minh họa: Lê Phương.

Sau 1945, nụ hôn còn xuất hiện ở nhiều bài thơ khác của Xuân Diệu mà nổi tiếng nhất là bài Biển. Có nhà phê bình không ngần ngại khẳng định rằng, đây xứng đáng được coi là nụ hôn dài nhất trong lịch sử thi ca Việt: Anh xin làm sóng biếc/ Hôn mãi cát vàng em/ Hôn thật khẽ thật êm/ Hôn êm đềm mãi mãi/ Đã hôn rồi hôn lại/ Cho đến mãi muôn đời/ Để tan cả đất trời/ Vẫn chưa thôi dào dạt/ Cũng có khi ào ạt/ Như nghiến nát bờ em/ Là lúc triều yêu mến/ Tràn ngập cả ngày đêm.

Nhiều ca khúc nổi tiếng của Việt Nam có hình ảnh nụ hôn, trong đó, ấn tượng sâu sắc khôn nguôi về nụ hôn thuở ban đầu dường như khắc sâu mãi trong cuộc đời mỗi con người: Làm sao quên nụ hôn ban đầu/ Những đêm trắng bước trong màn mưa (Nhớ gấp ngàn lần hơn - Nhạc và lời: Trần Lê Quỳnh); Ta nhìn nhau, tia mắt trao một nụ hôn ban đầu (Căn nhà màu tím - Nhạc và lời: Hoài Linh); Trái tim như muốn ngừng đập khi anh hôn em (...) Trao đôi bờ môi lần đầu tiên (Dấu yêu tình đầu - Nhạc và lời: Phương Thảo - Ngọc Lễ).

Và như đã nói ở phần trên, nội hàm và ngoại diên của nụ hôn không chỉ nằm ở tình yêu đôi lứa, lịch sử thơ Việt còn cho chúng ta thấy những nụ hôn đặc biệt khác, đó là nụ hôn của tình yêu quê hương xứ sở, nụ hôn của niềm lạc quan, yêu thương con người và tin ở ngày mai: Kìa bóng Bác đang hôn lên hòn đất/ Lắng nghe trong màu hồng hình đất nước phôi thai (Người đi tìm hình của nước - Chế Lan Viên); Mặt trời đến mỗi ngày như khách lạ/ Gặp mỗi mặt người đều muốn ghé môi hôn (Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng - Chế Lan Viên).

Dĩ nhiên cũng có cả những nụ hôn của nỗi buồn, của sự li biệt. Bản tình ca nhạc Pháp nổi tiếng Viens m’ embrasser của danh ca Julio Iglesias thu âm năm 1981 được nhạc sĩ Phạm Duy đặt lời Việt dưới tựa đề Lại gần hôn em có những câu: Anh ơi nhớ nhé/ Hãy cố khơi lên trong ta từng ngày qua bao đắm đuối/ Hãy cứ như ta đang yêu như duyên tình còn yên vui/ Hãy đến hôn em lần cuối bên em rồi thôi.

2. Trong văn hóa của nhiều quốc gia hiện nay, nụ hôn đã trở thành một nghi thức giao tiếp không thể thiếu. Nhiều nguyên thủ khi gặp mặt trong những công vụ ngoại giao sẽ dùng nụ hôn má bằng cách chạm má mình vào hai bên má đối trọng, có thể kèm một tiếng hôn gió nhẹ vừa phải thoảng qua tai khách. Với người Việt thì hôn má thường là nụ hôn của người lớn tuổi trong mối quan hệ với trẻ em, nụ hôn ấy còn có thể gọi là “thơm”. Trong bài hát nổi tiếng Em mơ gặp Bác Hồ (Xuân Giao) có câu: Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ/ Râu Bác dài tóc Bác bạc phơ/ Em âu yếm hôn đôi má Bác. Người Pháp thì nổi tiếng với nụ hôn vào cổ tay hoặc mu bàn tay của quý ông dành cho những quý bà.

Lịch sử ngoại giao thế giới năm 2003 dành nhiều lời khen cho nụ hôn tay nhã nhặn, sang trọng và phong độ của Tổng thống Pháp J. Chirac trước nữ thủ tướng New Zealand Clack và đệ nhất phu nhân Mỹ Laura Bush. Người phương Tây còn có nụ hôn lên trán, được gọi là nụ hôn của mẹ hoặc nụ hôn bạn bè, thường được coi là cử chỉ âu yếm của người lớn tuổi tặng cho người nhỏ tuổi. Trong nghi lễ tôn giáo, ta còn bắt gặp nụ hôn bàn chân chúa Jesu trong Lễ Phục sinh, thể hiện sự suy tôn thánh giá và cũng được coi là cách để chuyển tình yêu đối với Chúa sang tình yêu với tha nhân.

Cũng trong lịch sử đạo Thiên Chúa, có một nụ hôn khác nổi tiếng đến mức trở thành điển tích, đó là nụ hôn phản bội của Giuđa - môn đồ thứ 12 của chúa Jesu. Kinh Thánh viết rằng Giuđa đã chỉ cho đám người đi bắt Jesu một dấu hiệu: “Tôi hôn ai thì chính là người đó”. Sau khi Giuđa ôm hôn Jesu thì binh lính đã ập vào bắt Ngài đi và Giuđa nhận được 30 đồng bạc…

Trong lịch sử điện ảnh thế giới, có những nụ hôn trở thành kinh điển, lưu mãi trong ký ức của khán giả bao thế hệ. Trước hết phải kể đến nụ hôn đam mê, đầy khao khát và mãnh liệt của nàng Scarlett (Vivien Leigh) và chàng lãng tử Rhett Butler (Clark Gable) trong bộ phim Cuốn theo chiều gió (Gone with the wind) năm 1939. Tiếp sau đó nửa thế kỷ, một nụ hôn ly biệt và đầy tiếc nuối giữa hai thế giới người và ma trong bộ phim Ghost (Oan hồn, 1990) đã lấy đi bao nước mắt của người xem. Hai diễn viên Demi Moore và Patrick Swayze đã có màn diễn xuất tuyệt vời, thắp sáng một khát vọng vĩnh cửu tình yêu xóa nhòa mọi ranh giới sự sống và cái chết.

Có thể kể đến những nụ hôn khác nữa như nụ hôn của nàng Rose và chàng Jack trên mũi tàu trong bộ phim Titanic (1997), nụ hôn ngược đẹp nhất thế kỷ trong Spider Man (Người nhện, 2002), v.v... Nghệ thuật nhiếp ảnh cũng lưu lại những nụ hôn lịch sử, tiêu biểu là bức ảnh Nụ hôn tiễn biệt chiến tranh của nhiếp ảnh gia Alfred Eisenstaedt chụp một người lính thủy thủ hôn một nữ y tá tại quảng trường Thời đại ở New York vào ngày phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh (14/8/1945). Và không thể không nhắc đến nụ hôn của Thái tử Charles và Công nương Diana tại cung điện Buckingham năm 1981, đánh dấu cuộc hôn nhân đầu tiên của hoàng tử Anh với một tiểu thư quý tộc trong suốt 300 năm.

Tiếp theo là ảnh nụ hôn của thợ mỏ Chile Osman Araya ngày 13/10/2010 dành cho vợ khi anh vừa lên khỏi mặt đất sau 69 ngày mắc kẹt dưới hầm sâu và ảnh nụ hôn cho chú sư tử bị liệt bốn chân mang tên Ariel của bác sĩ thú y người Brazil Livia Pereira ngày 13/7/2011. Tất cả 4 bức ảnh vừa nhắc đến ở trên đều được tuần báo NewYork Times cho vào danh sách xếp hạng những nụ hôn lịch sử nổi tiếng thế giới.

Trong nghệ thuật hội họa và điêu khắc, còn phải kể đến những tác phẩm kinh điển với đề tài nụ hôn như bức tranh Nụ hôn của danh họa người Áo Gustav Klimt, bức tranh Nụ hôn của danh họa - nghệ sĩ thị giác người Italia Francesco Hayez, hai bức tượng Nụ hônMùa xuân vĩnh cửu của danh họa Pháp August Rodin...

Tóm lại, con người đã tạo ra nụ hôn như một giá trị văn hóa, một giá trị tinh thần và chắc chắn nó sẽ còn sống mãi để truyền tải những thông điệp về yêu thương. Xin được khép lại bài viết bằng những câu hát nổi tiếng từ ca khúc Mùa xuân bên cửa sổ (nhạc: Xuân Hồng, thơ: Song Hảo) - một cuộc hôn phối tuyệt vời giữa thơ và nhạc trong sự ca tụng nụ hôn của cõi người: Ôi hạnh phúc đâu chỉ có cơm ngon và áo đẹp/ Mùa xuân đâu chỉ có hoa thơm và nắng hồng/ Cuộc đời còn có cả những nụ hôn...

Trầm Ngư
.
.