Lũ rêu, quên, nào phủ lối gạch son

Thứ Sáu, 22/03/2013, 10:10
Tôi uể oải trở mình trong căn phòng nhỏ. Tiếng máy lạnh rì rì không làm dịu đi được cơn khó ngủ mà chỉ khiến đêm càng đêm hơn. Đã 4 giờ sáng. Trận bóng đá ở mãi trời Âu, qua màn hình TV nhức mắt đã làm tôi khó ngủ ư? Cũng có thể. Hay là còn vì điều gì khác nữa khiến tôi không thể nhắm mắt lại lúc này?

Thường thì những ám ảnh của ngày vẫn khiến người ta chậm lại bước chân vào giấc mộng mà đôi khi, vì lẽ chi chi đó, người ta vụt quên đi nỗi ám ảnh của ngày ấy. Và tôi chợt nhớ, còn một bức thư sớm nay nhận, tôi chưa trả lời. Một bức thư dài, của Thạch. Chưa bao giờ Thạch gửi tôi bức thư nào dài như thế, sâu như thế. Tôi còn nợ Thạch một câu trả lời.

Và tôi vùng dậy, chạy ngay đến bàn viết, để viết. Viết cho Thạch. Thạch không cần ở tôi một bức thư trả lời. Thạch cần điều khác từ tôi; bởi tôi như từ tâm; bởi tâm của Thạch và nhiều anh em khác nữa. “Anh đã viết về em; về anh Trí; anh Sa; về Đỗ Bảo mà em thấy tại sao anh lại chưa viết về chú Chấn. Chú ấy là thần tượng của tất cả; còn có thể nói là sư phụ của bọn em từ khi mới vào nghề. Thấy thương chú Chấn quá; thấy chú bị bất công và không được may mắn như nhiều thằng khốn trong cái chợ nhạc này”, Thạch đã viết những dòng như thế, buổi sáng.

Tôi biết đó là khi nó tỉnh táo, nó không viết từ trong cơn say rượu mà ra. Và tôi nhớ, cũng một ngày chưa xa, trên trang cá nhân của Trí, anh đã từng đặt ra câu hỏi rằng: “Ai là nhạc sỹ thần tượng của bạn? (Câu hỏi chỉ dành riêng cho các nhạc sỹ và chỉ những thần tượng là nhạc sỹ trong nước thôi nhé)”. Đức Trí thần tượng Phạm Duy và anh Quốc Dũng, còn Hoài Sa thì thần tượng chú Chấn.

Nhưng sâu thẳm trong lòng, Trí lúc nào cũng nhìn về chú Chấn như một tài hoa, nhiều kiến thức và cơ bản nhất, là một người tử tế… Thời buổi này, khi sự tử tế mỗi ngày mỗi hiếm, sự trá ngụy đạo đức mỗi ngày mỗi nhiều, tôi chợt hiểu, vì sao; nỗi nào; trong cơn dằn vặt rất sâu, Thạch lại muốn tôi phải viết về chú Chấn, một ước muốn mãnh liệt đến thế.

Thật ra, tôi gặp chú Chấn không nhiều nhưng mỗi lần gặp lại là một dịp được ngồi bên chú rất lâu. Tôi thích cái hồn hậu, dí dỏm, có nhiều phần nghịch ngợm đúng cái chất “nghịch ngầm” của “học trò quỷ” trong chú. Nhưng chú đã không còn sự linh hoạt đó như ngày xưa nữa. Hay nói đúng hơn, chú đã giấu nó lại cho riêng, chỉ khi gặp những anh em, bạn bè thật thân, chú mới trở lại với con người của chú.

Đôi mắt chú bây giờ buồn nhiều hơn; như co lại đến mức run rẩy vì sợ hãi. Tôi biết chú sợ điều gì ngoài kia và tôi sực nhớ đến những dòng mà Henry Miller trong cuốn The Time of the Assassins (Thời của những kẻ sát nhân) rằng “chúng ta, ngày mỗi ngày, dường như càng tiến sâu hơn vào lãnh địa của cái ác”.

Dường như những dòng đó bây giờ là dành cho chú, cho một lớp bè bạn như chú, những người đã từng tận hiến, phụng sự những nốt nhạc đến hết mình để rồi lại bị ám toán bởi chính bằng những nốt nhạc ấy, bởi chính những kẻ sát nhân trá ngụy đạo đức làm người. Buồn cho chú một phần thì buồn cho cả dòng chảy ngoài cuộc đời kia tới ngàn lần.

Dòng chảy ấy đang thiếu những tiếng nói “chuyên gia” đúng nghĩa, những tiếng nói của những con người có đủ tầm; đủ sức thuyết phục công luận trên những vấn đề chuyên môn của mình chỉ bằng đúng một câu nhận định. Thế nên, trong sự hỗn độn của rất rất nhiều giả hình, dòng chảy ấy đã hoảng loạn và tiếp sức thêm cho những ám khí mang hình nốt nhạc.

Để chú bây giờ ngồi lặng lẽ đó, không trách than gì, chỉ nói một câu “thời của mình qua rồi” trong sự xót lòng đến nhói từng phút giây của anh em chúng tôi mỗi khi nhắc đến chú. Nào có ai hiểu, chú vẫn viết đó thôi, những bản tình tuyệt đẹp, giữ riêng cho mình, như một chứng tích, như một khắc ghi lại có một thời; một đời người trong nhạc mà chú đã đi qua.

Tôi đã nhiều lần ngồi nghe chú kể chuyện đời mình, những câu chuyện vụn, ở nhiều thời điểm vụn nhưng khi ghép lại nó lại thành hình một đường chạy dài như một lối đi rõ rệt đấy mà mờ ảo nhiều lúc; bàng bạc đó mà mồn một đôi khi.

Đó có thể là những tháng ngày Mậu Thân 1968, khi chú còn học ở Trường Quốc gia âm nhạc Huế, câu chuyện về chú, về một cô bạn học cùng khoa piano với chú và cái chết ở tuổi 17, câu chuyện về nỗi thất vọng; đau đớn đến tột cùng của ông giáo sư âm nhạc người Đức khi chứng kiến cô học trò yêu của mình ra đi và ngay lập tức ông lên máy bay trở vô Sài Gòn để quay về Đức, vĩnh viễn không trở lại Việt Nam, nơi ám ảnh xương da vẫn còn nguyên đó.

Tôi đã rùng mình khi nghe chú kể lại chuyện buồn của thời đi học ấy, và bật nghĩ trong đầu rằng một ngày nào đó tôi sẽ viết nó thành một kịch bản phim, lấy tựa đề Bản giao hưởng chết sớm, đúng như cái bản giao hưởng về Việt Nam mà ông thầy người Đức của chú đã viết, nhưng chưa một lần trình diễn và sẽ không bao giờ được trình diễn nữa.

Phải chăng, cuộc đời con người ta, như cuộc đời chú Chấn, nhiều khi bị ám sát đầy ẩn ức, không thể thổn thức, không một tiếng nấc trong khi thực tế mình vẫn còn tồn tại đó, vô hình, vô hồn. Quên. Lãng…

Nhưng tôi và anh em xung quanh có thể nào quên như thế. Chúng tôi vẫn còn nhớ câu chuyện chú kể về anh Bảo Phúc, giọng chú lúc ấy như chùng hẳn lại: “Mình đặt bàn thờ Phúc ở nhà. Anh có thờ em bao giờ đâu? Nhưng mình đặt đó vì mình vẫn nghĩ Phúc nó còn sống đó. Đôi khi, mình lên ngủ ở cái phòng thờ đó, nhìn nó, như thể hai anh em vẫn còn đang trò chuyện”.

Chúng tôi đã không khóc khi nghe chú nói thế nhưng thực tế là không thể khóc được nổi nữa. Chúng tôi không muốn chú thấy hình của những dòng nước mắt ấy khác đi, và hơn tất cả, chúng tôi muốn được nghe chú Chấn cười đùa tếu táo, đó mới đúng là chú Chấn của tất cả, chú Chấn thực nhất, chân nhất và vẹn nhất.

Đã biết bao nhiêu lớp nhạc sỹ trẻ sau này (mà thật ra không còn trẻ nữa) đã từng được chú dẫn dắt vào nghề từ khi mới đi những bước đầu tiên, y như anh Sa dẫn dắt thằng Hoàng, thằng Hữu hôm nay đó thôi. Chú như con đường lót những lớp gạch son cho bọn trẻ đặt chân lên, hồn hậu, đam mê và cũng tận hiến phụng sự từng nốt nhạc. Rồi một ngày kia, tất cả nhận thấy đâu đó có loài rêu xanh đã phủ đầy lên lối gạch son ấy, phủ lên như muốn khuất lấp đi; muốn xoá sạch đi màu gạch son trên đó.

Với loài rêu ấy, màu gạch son được coi là đã cũ và chúng muốn màu xanh rêu của chúng lên ngôi. Nhưng chúng tôi không bao giờ thấy đó là màu gạch son cũ kỹ. Vẫn là màu gạch của chú Chấn những năm xưa, 1968; những năm đã qua, một-chín-chín-mấy; những năm mà chú tạo cảm hứng cho một lớp trẻ hăm hở bước vào con đường của những ô kẻ; những khóa Sol; những khoá Fa; những dấu lặng nằm nghiêng; những đường sổ trường canh nằm dọc; những nốt tròn lay láy; những nốt móc đơn- móc kép vụng về…

Con đường ấy lũ trẻ chưa từng hình dung chúng sẽ đặt chân lên mà chúng chỉ dám đứng xa chiêm ngưỡng như một thú vui của ham mê mà thôi. Nhưng rồi chú, và lớp người của chú, không lời thôi, đã cho chúng biết đó là đường đi của đời; của nghề; của nghiệp; của mưu sinh đấy nhưng cũng là của công danh đấy.

Con đường đó, chúng tôi gọi là con đường lót lớp gạch son, mà hôm nay, chúng tôi vẫn cố nhìn từng viên gạch cũ, là chú, là bạn bè chú: là Bảo Chấn; là Bảo Phúc; là Quốc Dũng… để thận trọng đặt chân lên mà đi tiếp, đi mải miết bất chấp ngoài kia, nhiều người ào lên những chỗ lũ rêu cố phủ lấp con đường mà không biết rằng đường rêu trơn, không chỗ níu tay, nhiều khi, trượt ngã...

Hà Quang Minh
.
.