Loại vaccine nào cho thế giới?

Thứ Sáu, 26/03/2021, 14:29
Đã hơn 3 tháng kể từ khi những mũi tiêm vaccine COVID-19 đầu tiên được tiêm trên thế giới, mang đến niềm hy vọng. Tuy nhiên, đến lúc này, những liều vaccine ấy lại đang trở thành một trong những chủ đề gây tranh cãi nhiều nhất trong dòng chảy dư luận quốc tế.


Cuộc đua tiêm chủng

Vượt qua những lo ngại ban đầu về việc người dân sẽ từ chối tiêm vaccine, hầu hết các nước trên thế giới đều đã xây dựng chương trình tiêm chủng của mình để sớm hướng tới ngày mở cửa trở lại. Sự ủng hộ của người dân là lý do tiên quyết để chương trình tiêm chủng này thành công. Nhưng, ngay cả khi đã có được sự ủng hộ đó, mọi chuyện cũng không trở lên dễ dàng hơn chút nào. Bởi, một cuộc đua tiêm chủng thực sự đã diễn ra với rất nhiều hệ quả đầy áp lực.

Những quốc gia giàu có nhất dĩ nhiên là những nước thực thi chương trình tiêm chủng nhanh chóng nhất. Đến lúc này, ước tính 60% dân số Israel, 40% dân số Anh và khoảng 1/4 dân số Mỹ đã được tiêm vaccine COVID-19.

Tiến độ tiêm vaccine của những nước này đặc biệt nhanh so với thế giới, bởi họ cũng đang sở hữu những loại vaccine đầu tiên được đưa vào sử dụng rộng rãi. Như với Mỹ và Israel là vaccine của Pfizer-BioNTech và Moderna, còn Anh là vaccine AstraZeneca do Đại học Oxford nghiên cứu sản xuất. Tuy nhiên, không ít quốc gia khác vẫn còn đang chật vật với chương trình tiêm chủng của riêng mình.

EU sẵn sàng khơi mào cho một cuộc chiến vaccine với các đối tác của mình.

Các quốc gia EU nằm trong nhóm những nước đầu tiên triển khai chương trình vaccine đầy tham vọng nhưng lại đang tụt lại khá sâu so với các "bạn bè". Từng hy vọng sẽ đạt được 70% dân số tiêm chủng vào quý 2 năm nay, song đến giữa tháng 3 này, ước tính mới chỉ có 5,5% dân số EU được tiêm mũi vaccine đầu tiên. Tỷ lệ tiêm chủng thấp cũng tồn tại ở Canada hay Úc. Dĩ nhiên, những nước nghèo còn ít cơ hội có tên hơn trên “bản đồ tiêm chủng” vào lúc này.

Mới đây, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố: EU sẽ ngừng xuất khẩu vaccine COVID-19 sang Anh để giữ lại sử dụng cho mình. Lý do là bởi trong khi EU vẫn đều đặn thực hiện những hợp đồng xuất khẩu vaccine của mình cho các đối tác thì nước Anh - với loại vaccine chủ yếu là AstraZeneca - lại không hề có ý định hỗ trợ cho EU theo chiều ngược lại. Tỷ lệ tiêm chủng chênh lệch giữa Anh và EU đã tạo nên sức ép rất lớn đối với chính quyền của các nước châu Âu lục địa, đặc biệt là khi trong 2 tuần qua, dịch COVID-19 đang có dấu hiệu bùng phát lại ở Pháp và Đức, khiến lệnh hạn chế đi lại được tái áp đặt.

Khi số lượng là thành tích

Bởi số mũi tiêm vaccine đang được coi là thước đo đánh giá mức độ hoạt động hiệu quả của chính quyền, đương nhiên nó sẽ tác động rất lớn đến lá phiếu cử tri ở nhiều nước, nhất là Đức trong năm “siêu bầu cử” 2021. Vì vậy, dù đã từng nghi ngại vaccine của Anh thì nay Đức và Pháp cũng đã phải đưa loại vaccine này vào chương trình tiêm chủng đại trà của mình. Ngay EU còn đang giành giật vaccine như vậy, làm sao có thể nghĩ tới chuyện các nước không có năng lực sản xuất ở châu Á hay châu Phi được “nhận quà" vào lúc này?

Những tranh cãi về việc phân phối vaccine như hiện nay là điều đã được tiên liệu. Vì thế, một cơ chế kiểm soát toàn cầu đã được đề xuất. Theo đó, COVAX - chương trình phân phối vaccine của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã được lập ra để chia sẻ vaccine với những nước có thu nhập thấp và trung bình. Đồng thời, những tập đoàn sản xuất vaccine đã chủ động thực hiện sản xuất ở nhiều nơi trên thế giới để đáp ứng nhu cầu.

Tuy nhiên, dù sản xuất ở đâu, những nước chủ quản vẫn luôn có những quy định về việc ưu tiên sử dụng cho mình trước. Điển hình là Mỹ, từ hồi đầu tháng 12 năm ngoái, cựu Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh quy định nước này chỉ xuất khẩu vaccine khi đã đủ số lượng tiêm chủng cho người dân Mỹ. Điều này đã ngăn dòng vaccine sản xuất tại Mỹ đi ra nước ngoài. Nó giúp chính quyền đương nhiệm của ông Biden đang ghi điểm mạnh mẽ khi đẩy nhanh được quá trình tiêm chủng. Theo ước đoán, đến hết quý 2 năm nay, nước Mỹ sẽ hoàn thành cơ bản việc tiêm chủng trong nước, sau đó mới hướng tới cung cấp vaccine cho các đồng minh, đối tác và những nơi khác.

Quy định tương tự của Chính phủ Anh cũng đã giúp cho họ đẩy nhanh lộ trình tiêm chủng của mình. Trong khi tự sản xuất được vaccine AstraZeneca ở trong nước, Anh còn nhập thêm số lượng lớn vaccine Pfizer-BioNTech từ EU để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, từ đó tạo nên sự chênh lệch rất lớn về tỷ lệ tiêm chủng giữa hai bờ eo biển Manche.

Bối cảnh này đã dẫn đến những hệ quả tệ hại, như trường hợp Ý đã chặn lại 250 nghìn liều vaccine gửi cho Úc, hay chuyện một loạt nước EU khác tính đến khả năng tự nhập các loại vaccine khác cho riêng mình, qua đó gián tiếp phá vỡ chương trình chung của cả khối. Còn các quốc gia có thu nhập thấp hơn thì chỉ nhận được số vaccine nhỏ giọt, khó có thể đủ để tạo nên hiệu ứng tích cực. Dĩ nhiên, vấn đề sẽ còn phức tạp hơn nhiều trong thời gian tới, khi các nước châu Á cũng đang chuẩn bị tiến hành những chương trình tiêm chủng của mình.

Chất lượng vẫn là dấu hỏi

Khi Pháp, Đức cùng Ireland, Na Uy, Đan Mạch và Hà Lan tạm thời đình chỉ việc sử dụng vaccine AstraZeneca của Oxford, đó có thể không chỉ đơn thuần là quyết định của sự thận trọng. Bởi thực tế, với cả chục triệu liều vaccine AstraZeneca đã được tiêm, cũng mới chỉ ghi nhận 37 ca biến chứng liên quan đến đông máu trên toàn châu Âu - tính đến ngày 8-3. Tức là về mặt khoa học, số ca biến chứng được ghi nhận hoàn toàn nằm trong ngưỡng an toàn cho phép đối với một loại vaccine. Ngay cả khi Cơ quan Thuốc châu Âu (EMA) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã lên tiếng bảo vệ loại vaccine ấy, nó vẫn không thể xóa bỏ tâm lý nghi ngại của người dân nhiều nước.

Cuộc chiến vaccine của các nước giàu có nguy cơ kéo lùi nỗ lực chống dịch bệnh toàn cầu.

Bên cạnh đó, AstraZeneca đang là loại vaccine được sử dụng rộng rãi trong chương trình COVAX vào thời điểm này. Giá cả phải chăng, điều kiện bảo quản không quá phức tạp lại có hiệu quả tốt với những biến thể mới, AstraZeneca nhanh chóng trở thành sự lựa chọn của nhiều quốc gia châu Á mới bắt đầu tiêm chủng thời gian gần đây như Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan và cả Việt Nam nữa. Nên, phải chăng, việc "dìm hàng" loại vaccine của Anh là một thứ đòn bẩy cần thiết dành cho những nhà sản xuất vaccine khác?

Thực tế, việc chê vaccine của các nước khác vào thị trường của mình đã diễn ra từ lâu. EMA đã từng gọi vaccine Sputnik-V của Nga như là một "trò chơi sinh tử". Điều này đã ngăn việc Áo ký hợp đồng với đối tác Nga để mua vaccine cho mình. Các loại vaccine của Trung Quốc cũng đón nhận nhiều chỉ trích từ phương Tây vì không công bố đầy đủ dữ liệu. Người ta nhắc lại những bê bối vaccine của nước này trong quá khứ, đồng thời gợi lại những câu chuyện liên quan đến việc phân phối khẩu trang kém chất lượng vào năm ngoái.

Dĩ nhiên, Trung Quốc trong nỗ lực thúc đẩy “ngoại giao vaccine” của mình đã đáp trả mạnh mẽ bằng nhiều bài viết chỉ trích vaccine của phương Tây - đặc biệt là Mỹ - vì đắt đỏ và khó bảo quản. Họ nhấn mạnh rằng vaccine của mình rẻ và "thân thiện hơn" đối với toàn thế giới, bằng cả những màn chào hàng mạnh mẽ tới các nước nghèo ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latin, thậm chí chính tại châu Âu.

Mới chỉ hơn 3 tháng kể từ ngày những mũi tiêm vaccine đầu tiên được thực hiện trên thế giới nhưng tốc độ tiêm chủng đã được đẩy lên đến mức chóng mặt. Ước tính đã có 400 triệu liều vaccine được sản xuất và chuyển đến người nhận. Tuy nhiên, để đạt được trạng thái miễn dịch cộng đồng thực thụ trên toàn cầu, ít nhất 4 tỷ liều vaccine cần phải được tiêm. Một số nước đi trước đã tiên phong trong nỗ lực mở cửa trở lại. 

Chỉ có điều, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo cũng như sự “ích kỷ” của từng quốc gia một lần nữa phát lộ trong bối cảnh hiện tại, để tạo nên những vấn đề mới. Và đó là căn bệnh chung mà không loại vaccine nào có thể chữa được.

Tử Uyên
.
.