Lần này thôi, em nhé!

Thứ Tư, 13/03/2013, 15:00

Xuân còn đang vương hương, anh không muốn nói điều khó nghe.
Tết còn đang chậm rãi đi, anh không muốn nói câu khiến em cáu gắt. Thế nhưng, đời sống không chiều ý anh, người không cảm thông cho anh.

Em biết không, khi anh đọc bài báo ấy của em, thú thật là anh đã muốn lồng lên tìm gặp em, chỉ để hỏi em một câu rất cũ: “Có nhất thiết phải làm báo kiểu đó không?”.

Anh không biết nữa, em ạ. Chắc là do thói quen, nên mọi người vẫn đánh đồng em là đồng nghiệp của anh. Ít ra, danh xưng là như vậy.

Anh viết, nhân danh tinh thần đồng nghiệp với nhau, em nhé!

Em biết không, chọn nghề báo, tức là em đã chọn một công việc rất nặng nhọc, em ạ. Ông tổng biên tập ấn phẩm nào đó ở Thái Lan, nói câu nghe chối lắm, nhưng lại cực đúng về nghề: “Nhà báo phải có cái mũi thính như khuyển”. Là phải thính như khuyển, chứ không phải thính như heo, như bò, như trâu, như voi… Phải là thính như khuyển, suốt ngày hếch mũi lên ngửi khắp bốn phương tám hướng, năm châu bốn biển để tìm đề tài hay. Phải thính như khuyển, để xú uế hay hương thơm gì mình đều có thể nhận biết.

Nghề báo, là một nghề lao tâm khổ tứ, ráo mồ hôi là hết tiền ngay. Đương nhiên, ngoại trừ những tay trục lợi từ nghề báo. Mà em biết rồi đó, đàng hoàng như anh và em, mình không bàn về những tay này, nhé em.

Anh cũng như em, vừa hếch mũi như khuyển để đánh hơi, lại vừa lao động quần quật. Tính chuyên nghiệp của một nhà báo, được định giá thông qua từng bài viết. Nhà báo thì hay stress, chữ nghĩa lại dễ khiến cá tính nảy sinh những cơn bốc đồng buồn chán. Thế nhưng, báo in đến giờ phải lên khuôn chuyển đi nhà in. Báo mạng đến giờ phải có bài mới.

Vậy đó, có bao giờ bạn đọc quan tâm đến chúng ta đâu. Bạn đọc không cần biết tâm trạng của chúng ta như thế nào. Bạn đọc không đoái hoài, những vướng víu khác của đời sống cá nhân lẫn gia đình mà chúng ta đang gặp phải. Bạn đọc chỉ cần biết, đến sạp phải có ấn phẩm đó. Vào trang báo mạng phải có những chuyên mục đó. Và nếu chúng ta viết dở, viết tồi, viết bịa, viết tháu… bạn đọc sẽ rời xa chúng ta.

Áp lực đối với nhà báo ghê gớm lắm. Vừa dứt bài viết này, đã loay hoay với bài viết khác. Anh chưa thấy đồng nghiệp nào ngưng viết độ 3 tháng mà có thể viết lại được. Thoát khỏi cái guồng quay cuống cuồng của công việc, em phải vô cùng khó khăn để trở lại với cái guồng quay đó. Chúng ta phải ép tư duy làm việc liên tục, liên tục đến lúc chúng ta kiệt sức. Chúng ta không còn cách giải quyết nào khác là phải tự chấp nhận sự kiệt sức ấy – một mình, và tự bơm đầy năng lượng lại cho chúng ta – một mình. Không ai giúp chúng ta trong những hoàn cảnh ấy.

Minh họa Lê Phương.

Bọn kém tắm không thấy chúng ta làm việc. Bọn kém tắm chỉ mường tượng đến số tiền nhuận bút mà chúng ta được lãnh, sau đó phán: “Bọn viết báo giàu lắm”. Bọn kém tắm không hiểu được rằng, nhiều lúc chúng ta viết là vì trách nhiệm và sự yêu thương mà chúng ta dành cho cơ quan. Nhuận bút khi ấy bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Bọn kém tắm không biết chúng ta rón rén bật công tắc điện, vì sợ vợ dậy con thức, làm việc lúc 3 giờ sáng. Bọn kém tắm cũng không biết, dày đặc một năm, gần như chúng ta không có những khoảng thời gian để nghỉ ngơi. Chúng ta chỉ làm việc, viết, làm việc và viết.

Vậy mà, người ta lại xếp nghề của anh em mình tồi tệ cũng như nghề chăn bò. Mấy đồng nghiệp khác cáu lắm vì so sánh này. Còn anh lại nghĩ, những người chăn bò không cáu thì thôi, mắc mớ gì chúng ta phải cáu, em nhỉ?

Thế nhưng, em biết không. Điều đó không có nghĩa là bạ cái gì chúng ta cũng viết, em ạ.

Anh biết em về quê đón Tết, em lên lại Thủ đô Hà Nội để bắt đầu quay cuồng với công việc. Anh biết, tâm thế của nhà báo luôn ở trong trạng thái sẵn sàng để tác nghiệp. Anh cũng biết, tác nghiệp đôi lúc bởi máu nghề chứ không phải vì này kia kia nọ. Tuy nhiên, cách tác nghiệp của em lần này rất quái.

Trên chuyến xe của em, có cô gái nhiều khả năng là bị rối loạn tiêu hóa nên không kiểm soát được hành vi. Mà những chuyến xe đò ở nước mình, không phải xe nào cũng có toilet trên xe. Em biết mà, trẻ con không kiểm soát được hành vi khi rối loạn tiêu hóa, còn biết mắc cỡ huống hồ là người đã trưởng thành, lại là phụ nữ.

Bài học đạo đức mà chúng ta được học từ thuở xa lắc xa lơ, gặp người già thì chào, gặp người khó khăn thì giúp đỡ. Tiếc rằng, trong khoảnh khắc máu nghề trỗi lên, em đã quên mất bài học đó.

Em thản nhiên viết miêu tả lại cảm giác khó chịu của hành khách trên xe. Em thản nhiên chìa điện thoại ghi lại cảnh cô ấy vạ vật trong nỗi hổ hẹn ngay vệ cỏ bên đường. Anh biết, bài viết của em có nhiều chi tiết bịa. Không sao, em có quyền chọn cho mình một quan điểm làm báo riêng. Với lại, ở nước mình hiện tại, có những ấn phẩm báo chí chỉ thích bài bịa đặt.

Anh không hiểu tại sao, em không đủ dũng cảm để yêu cầu tài xế ghé vào một điểm đỗ nào đó để cô gái ấy có cơ hội giải quyết những khó khăn của riêng mình. Anh cũng không hiểu sao, em lại có thể viết miêu tả cận cảnh “cách thức thực hiện hành vi” rất đáng thương của cô gái đó.

Có rất nhiều câu hỏi anh không thể giải đáp được. Anh chỉ nghĩ rằng, nếu cô gái đó là em, tâm trạng của em sẽ như thế nào? Nếu chị của em, em gái của em, người thân của em… lâm vào tình cảnh dở khóc dở cười đó, xong lại bị tay nào rình rập ghi hình viết báo, em đọc xong em cảm thấy ra sao? Vậy mà, em lại nỡ lòng nào gieo rắc thêm thị phi vào hoàn cảnh khốn cùng đến tội nghiệp ấy của một cá nhân.

Mà cô gái ấy có làm gì xấu xa không em? Hoàn toàn là không. Cô gái ấy có hành động gì khiến chúng ta lên án không em? Hiển nhiên là không. Cô gái ấy có phải là người mà toàn xã hội đang lên án kiểu cái tay sát thủ bé con không em? Tuyệt đối là không.

Vậy thì tại sao, em lại kiệm một lần mở lòng giúp đỡ cô ấy. Phụ nữ luôn cần được chở che và bao bọc, phụ nữ hay cô đơn và yếu đuối… Em không giúp họ vượt qua cảm giác đó thì thôi, em còn đi bêu riếu họ làm gì, hả em?

Bài viết mà em tác nghiệp trong hoàn cảnh đó, chúng ta vẫn thường hay gọi là bài khai bút, sau khi được in trên trang báo mạng nơi em đang làm việc bị đám đông ném đá tơi tả. Đám đông cáu đến mức, viết hàng loạt bài “tẩn” lại em. Mà không chỉ em bị tẩn, bị ném đá… cả cơ quan của em cũng bị xỉa xói không tiếc lời. Đến mức, lãnh đạo cơ quan của em phải vội vã cho lột bài báo ấy xuống.

Bài viết khai bút của em, thay vì là điềm báo cho sự tươi mới trong năm, thì lại trở thành một tai họa. Một tì vết hoàn toàn không đáng có trong nghề nghiệp mà em đang theo đuổi.

Giá mà em tỉnh táo một chút thôi, em giúp đỡ cô gái theo cách như anh đã khuyên ở phần trên. Sau đó, em viết về sự vô cảm của những người đi trên xe khách trước hoàn cảnh của cô gái ấy, thì bài báo của em đã có tác động tốt về mặt xã hội.

Bạn đọc bây giờ am tường hơn chúng ta tưởng rất nhiều, em ạ. Bạn đọc đã ngán đến tận cổ những trò giật gân, câu khách, nhảm nhí, xàm xí…mà rất nhiều các ấn phẩm từ báo giấy đến báo mạng cung cúc phục vụ rồi. Anh vẫn tin, đời sống báo chí có lúc này lúc khác, nhưng những ấn phẩm báo chí đàng hoàng vẫn có chỗ đứng nhất định trong lòng bạn đọc.

Đã qua cái thời, những bài viết thuộc dạng hạnh tai lạc họa, hân hoan trước thảm cảnh của người khác, viết những bài với giọng điệu vô cảm, dửng dưng một cách tởm lợm.

Dẫu có muốn hay không, thì em là dân trong nghề, em thừa sức biết những nhà quản lý đã bắt đầu bất lực trong việc ngăn chặn sự hoành hành bá đạo của nhiều ấn phẩm báo chí trong giai đoạn hiện tại. Làm gì có cái gọi là, không được bôi đen xã hội, vi phạm thuần phong mỹ tục, nghiêm cấm khai thác các vụ án tình tiền tù tội… Em ra sạp báo mà xem, không ít những bài báo “thật” mà không “đúng” dưới ngòi bút của những người theo nghề viết.

Vì vậy, mỗi cá nhân người cầm bút, phải tự ý thức điều này thôi, em nhỉ. Một nhà báo tử tế, sẽ chuyển tải những thông tin tử tế. Những thông tin tử tế, góp phần giúp bạn đọc có cảm quan tử tế hơn.

Có bạn đọc nói với anh như vậy, anh thề với em là anh không bịa hay đánh giá cao bản thân của anh. Bạn đọc nói với anh, những bài báo về thân phận mà họ đọc thấy, giúp họ biết quan tâm đến người khác hơn, giúp họ biết yêu thương và mở lòng với mọi người hơn.

Thật ra, bạn đọc đã giúp anh rất nhiều trước khi anh đặt bút viết gì đó. Dễ dãi giúp chúng ta có thêm ít tiền nhuận bút, nhưng tác hại của một bài báo dễ dãi thì nguy hiểm vô cùng. Em nhớ nhà văn Vũ Hạnh có truyện ngắn Bút máu hay không? Em tìm lại truyện ngắn ấy mà đọc, như một cách răn mình, em nhé!

Con đường của em còn dài, thôi thì anh xem đây là một tai nạn nghề nghiệp. Một tai nạn cần thiết để nhắc nhớ em cẩn trọng hơn về sau. Mà không chỉ riêng em nên nhìn lại mình sau tai nạn nghề nghiệp này, rất nhiều nhà báo mạng lẫn báo không mạng khác cũng cần nghiêm túc rút ra điều gì đấy. Nhìn người mà ngẫm đến ta chứ, đúng không em?

Chỉ lần này thôi, duy nhất chỉ lần này thôi, nhé em!

Ngô Nguyệt Hữu
.
.