Lan man đêm

Chủ Nhật, 21/08/2016, 08:12
Ngày mùa ở làng dù là đêm tháng Mười nhuốm lạnh thì người nhà quê vẫn vào khuya muộn. Có khi mười một giờ còn vọng tiếng dọn dẹp lịch kịch, tiếng nói cười râm ran.

Dù vậy đi chăng nữa, cái đồng hồ sinh học trong lũ gà trống chả bao giờ chịu đơn sai lệch lạc, cũng chả vị tình người vừa trải một ngày lao động cật lực, đương lúc ngon giấc, kệ, cứ đúng giờ mà đĩnh đạc vươn cổ gáy chuyển canh, gáy gọi mặt trời. Ngẫm ngợi càng thêm nể ông Tạo hóa vô chừng. 

Chẳng hay ông đã làm thế nào, cách thức ra sao mà từ thuở khai thiên lập địa, sinh hạ muôn loài, rồi đặt cho mỗi loài một vị trí, chức năng để từ đấy đời đời kiếp kiếp chả cần phải bàn định điều chỉnh thêm bớt gì nữa và cũng chả biết cái cơ chế phanh hãm, kiểm tra giám sát của ông mặt mũi nó ra sao mà tịnh không loài giống nào dám sống đơn sai dù tí tị nghĩa vụ thiên mệnh đã được phó thác. 

Như cái anh gà trống cồ trẻ trung sung sức trong chuồng nhà tôi đêm này đây bỗng thức dậy, đập đập đôi cánh mấy cái chắc nịch, rồi tí tởn ra mặt với nhiệm vụ trời ơi đất hỡi cao giọng gáy rộn vang lên một chặp. 

Ở giường nhà ngoài, mẹ già bị động giấc, bà chép miệng mắng: "Rõ là đồ dỗi hơi!". Tôi nhìn đồng hồ chiếc kim chỉ lệch số ba giờ đêm có đôi phút. Công bằng mà nói cái "đồ dỗi hơi" đó lại thêm lần thi hành nhiệm vụ quá ư xuất sắc, đáng kính nể bởi độ cực kỳ chuẩn xác trong phép cầm giữ nhịp thời gian ngàn năm, mặc mọi nóng lạnh, đói no của gia cảnh riêng  mình. 

Tuổi chưa lấy gì làm cao nhưng vào những đêm chuyển mùa hay có điều bận lòng thì cái não bộ ngót nghét ngũ tuần của tôi bắt đầu thấm thía nỗi đêm dài. Có khi đang đêm bật dậy đem trà, rượu ra uống một mình mà nhẩn nha ngẫm ngợi sự đời, lẽ trời đất, nhìn vào cái thăm thẳm thời gian rồi hoan hỉ, rồi u uẩn. 

Quẩy con. Ảnh: Lại Diễn Đàn.

Luật tự nhiên vô tình lắm, nghiêm khắc lắm lại cũng rất công bằng, hữu lý. Tôi hay mường tượng về đời sống các loài cây loài vật và thường ao ước được sống gần hơn với chốn hồn nhiên này.

Mấy năm trước nhà tôi có một con chó lông màu vàng, to cao chắc khỏe. Trông nó rất có dáng, có thế. Ai thấy cũng phải khen. Đó là con chó cái và nó đã để lại trong tôi một ấn tượng, một kinh ngạc lớn về khả năng sinh nở và tình mẫu tử mà tôi dám đoan chắc rằng không tìm đâu hình ảnh minh chứng thuyết phục hơn. Lần ấy con chó sinh con. Cuộc sinh nở kéo dài từ lúc nhọ nhem tối hôm trước đến tận tảng sáng ngày sau. 

Cách sinh nở của nó cho hay sự sắp đặt tuyệt vời của ông Tạo hóa đã ban cho loài vật giống cái này một năng lực làm mẹ - bà mụ khác thường. Nó sinh được chín con và cứ sinh được con con nào là con mẹ lại liếm láp hết rớt dãi, cả đám phân mà con con ị ra, rồi lấy chân vần nâng đứa con bé xíu, yếu bấy nhẹ đưa vào lòng ủ ấm sau đó mới lại tiếp tục đẻ đứa con khác. Đẻ tới đứa thứ bẩy thứ tám thì con chó mẹ xem ra mệt nhọc lắm, nó cứ thở dốc từng hồi. Mẹ tôi đưa cháo trứng gà vào tận miệng, nó cũng chỉ liếm láp tí đỉnh. 

Đã có lúc mẹ tôi lo lắng kêu, không khéo nó chết mất! Nhưng cuối cùng con chó mẹ vượt cạn thành công với những thao tác, cách sinh nở chăm bẵm "cắt rốn" cho đàn con vô cùng thuần thục và đắm đuối. 

Đàn chó chín con đã ra đời, mẹ tròn con vuông. Thật là một kỳ tích! Chỉ một mình con chó mẹ trong đơn độc, mệt nhọc, đau đớn, không hề biết đến ý niệm tương lai, cũng chẳng màng chi điều lợi ích, kiểu "gìa cậy con". 

Đúng là không mùi vị tương lai, lợi ích tí ti gì ở đây cả. Con chó cái ấy, ông Tạo hóa chỉ cho nó duy nhất cái bản năng làm mẹ và khả năng tự hy sinh vô điều kiện. Quả là không có gì cao sang và thiêng liêng bì được cái bản năng: Tình Mẫu Tử!

Tôi nghĩ con người ta, bất cứ ai trong đời một lần được mục sở thị cảnh sinh nở, cách thể hiện tình mẫu tử của loài chó thì không thể không xúc động, giật mình mà ngẫm ngợi thêm cho tư cách làm cái anh con người của mình. Ông Tạo hóa thêm một lần nữa lại ghi điểm tuyệt đối về bản quyền sáng tạo vô song!...

Tình yêu thương ở loài vật cũng lắm sự lạ lùng. Những giống chim như chim phượng hoàng, hồng hạc, bồ câu, yến, họa mi... là những loài được lưu danh thiên cổ về lòng chung thủy. 

Tỷ như, chim phượng hoàng là giống chỉ đậu và làm tổ trên loại cây lớn, trên núi cao và lỡ cặp đôi có con mất trước thì con còn lại chỉ còn biết mỗi việc đỗ dịt trên cành cao mà kêu gọi bạn tình, không ăn uống gì cho đến chết mới thôi. 

Còn loài chim yến, khi mất bạn tình thì cách hiến sinh mới ghê gớm làm sao, chúng tự treo ngược mình cho đến chết. Tính nghĩa khí của loài họa mi lại là câu chuyện thú vị riêng. Họa mi là loại chim hay chọi nhau nếu giữa chúng có sự xâm phạm vùng cư trú thì những trận huyết chiến là không tránh khỏi. 

Và trong một cuộc đấu còn bất phân thắng bại, thường phải đấu lại. Địa điểm, giờ giấc diễn ra luôn được đảm bảo chính xác. Dù vậy khi một con gặp chuyện buồn, mất bạn tình, thì nó không màng việc tỷ thí nữa, chỉ còn biết hót lên những tiếng bi thương. Và tất nhiên con chim đối thủ kia thấu cảm được tình cảnh ấy, nó sẽ lặng lẽ rút lui...

Còn như loài vật sống ở dưới nước, có loài cá chuối cũng được thành ngữ xưng tụng. Cá chuối là vật rất khó câu nhử, chúng chỉ trở nên sơ hở, có thể lừa bắt khi đang nuôi con, quyết tử vì đàn con còn gọi là cái tổ rồng rồng của chúng. Câu ca ngợi khen mà loài người phải nghiêng mình viết: "Cá chuối đắm đuối vì con", là vì lẽ ấy.

Con người cũng là một giống loài do ông Tạo hóa sinh ra. Chả hiểu ông dụng con người với thiên mệnh sâu xa bí nhiệm thế nào mà đã ban tặng cho khá nhiều phẩm chất trí tuệ và lại được sở hữu riêng cái khoảng không siêu hình mang tên là không gian tâm linh, tâm thức, vô thức.

Để từ đấy con người cầm cái tri thức trời cho ấy mà ham chơi, mà đặt bày cách thức, đùa cợt điều thiện ác, thành ra chìm đắm, thành ra trượt dài, thành ra lưu lạc. Và rồi tới một đận trải nghiệm nào đó con người mới giật mình, lại hì hụi đau đớn hờ gọi chính cái chân thân mình xem nó đang ở đâu trong mênh mang dâu bể. 

Và thường là gã chịu bất lực mà tru lên nỗi đau rất sinh vật rằng, bao ngàn năm qua rồi gã vẫn không sao tìm được mình, gã hẳn còn phải dài dài chịu mang cái bản án số kiếp vong thân, lưu lạc! 

Bởi vậy nên trong những ngày nhân thế này đây, hạng người mang lấy cái phần sống tinh thần cứu rỗi, cái mảnh tâm hồn bị vết thương nhân bản còn phải sống với tâm thế như một thứ nghiệp báo tha nhân, vong bản, "thiếu quê hương"! 

Vì thế, trở về với thiên nhiên, luật tự nhiên, với cái chân thân thuần nhất của mình vẫn là giấc mộng lớn mà người đời còn triền miên khắc khoải, ước ao sao ở lần sống này gắng mà tìm lại được...

Loài cây cỏ và loài vật thì vẫn còn y đây đời sống thuở nguyên sơ nguyên sinh. Chúng sống theo trật tự tự nhiên mùa màng, một vận động không ngừng nghỉ mà vẫn như trong cõi tĩnh tại vĩnh hằng. 

Tôi cứ mường tượng trong cõi thiên nhiên, hồn nhiên cây và vật kia, ở một đoạn sống nào đó sẽ ngõ hầu cho tôi cơ hội tìm gặp lại được cái gì đó quý lắm, thiêng lắm trong mình đã bị phủ khuất đi hoặc đã mất đi tự lâu lắm rồi, dường tận ký ức ông bà tiên tổ cơ. 

Bây giờ đây, trong khuya khoắt này, cây ngoài vườn lá vẫn xao xác rụng cho một mùa thu nữa sắp đi qua và chú gà trống cồ đang gáy vang vang kia, tất cả đều thể hiện sự chuyển dịch thời gian vô cùng tinh vi, chính xác. 

Lại thầm nghĩ chú gà trống cứ vô ý, vô tứ mà nắm quyền vận động thời gian, khiến tôi, giờ này đây đang là gã - con người bé ti cục ta cục tác thức ngủ theo tiếng gọi ông chủ đích thực của dòng thời gian ngàn năm - gà trống nọ.

Ôi chao, cứ xem đời sống của cỏ cây, muông thú với những nét hồn nhiên, nguyên khôi vĩnh hằng trong phép đối đãi với thiên nhiên, với chức phận thiên mệnh, với tình yêu giống loài ở chúng và cũng đã hằng đời nguồn tình cảm tươi mát trong lành vô ngần đó đã neo đậu vào lương tri, gây cho con người bao nhiêu niềm cảm khái!..

Khoảng gần đôi tiếng đồng hồ nữa, với hai lần chú trống cồ gáy nữa thì mặt trời thức dậy. Người làng quê lại quang gánh ra đồng... 

Đỗ Trọng Khơi
.
.