Làm sao để dân tin

Thứ Sáu, 12/08/2016, 17:16
Tân Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có những phát biểu hết sức hợp lòng dân bởi đề cập đến nhiều vấn đề đang diễn ra trong cuộc sống. Trong đó có vấn đề, "đồng chí này con đồng chí nào?".

Thủ tướng thẳng thắn, "Bổ nhiệm cán bộ để tìm người tài chứ không phải người nhà". Muốn làm được điều này, theo Ngô cần thật sự có một quyết tâm mới, khí chất mới.

1. Ở các triều Lý, Trần, Lê vẫn có lệ thừa ấm, nghĩa là con của quan thì được bổ làm quan. Kéo dài đến triều Nguyễn, lệ này chuyển sang gọi là tập ấm, tùy theo quan phẩm của cha mà con được bổ nhiệm với chức quan to nhỏ khác nhau.

Có điều, để chống lại tình trạng gia đình trị tại địa phương, vua không cho phép các quan được thụ nhiệm tại địa phương để người thân có cơ hội cậy thế làm càn. Thậm chí, còn không cho phép quan lại lấy vợ là người địa phương để tránh chuyện gia đình vợ cậy con rể mà tác oai tác quái. Cái này, Ngô viết theo trí nhớ qua những thứ đã đọc, muốn tìm hiểu kỹ hơn có lẽ quý độc giả nên chịu khó lục tìm sách sử.

Ở chế độ phong kiến, suy cho cùng thì việc tập ấm cũng là một cách để ưu tiên nhằm phân chia quyền lực một cách hợp lý. Nghĩa là cho các quan thấy món lợi trước mắt, các quan sẽ thuần phục vua hơn. Còn lại, dân lãnh hết. Tất nhiên, có những triều đại được lòng dân, nhưng e chừng cũng chỉ là phiên phiến. Dẫu vậy, dân cam chịu cũng đã quen.

Có lẽ vì thế, nên tiến trình phát triển lịch sử khách quan đã không có chỗ cho chế độ phong kiến. Dân cần một Nhà nước thật sự, một Nhà nước được điều hành bằng những ràng buộc hiến pháp và người dân được bảo hộ bằng pháp luật, chứ không bằng ý chí, tư duy hay mong muốn của một cá nhân.

Quan trọng hơn, người ta không chấp nhận chuyện người này phải khấu đầu quỳ trước người kia, người kia ban một thiên lệnh là tru di tam tộc rồi cả cửu tộc người này. Chuyện vua bại hoại, quan không còn luân thường đạo lý và người dân cứ chịu đựng cho đến lúc cùng đường bật lại vốn đã nhiều, Ngô không nhắc nữa. Ngô mạn phép lạm bàn chuyện hiện tại mà thôi.

Hiện thực đang diễn ra, là Ngô nói hiện thực đang diễn ra đã được báo chí đề cập thôi, Ngô không nhắc đến những điều Ngô biết, đã chứng minh quyền lực song hành cùng sự thụ hưởng xa hoa. Đến một ông quan bé mọn như Trịnh Xuân Thanh, thời chưa làm quan đã có kẻ chi đến hơn 550 triệu đồng cho thân phụ tổ chức sinh nhật thì chắc không cần phải mường tượng cao hơn làm gì.

Đến một kẻ không quan không dân như Phạm Công Danh đã có thể gây thất thoát đến hơn 9 nghìn tỷ thì không biết phải nói làm sao. Mà đâu chỉ có mỗi Trịnh Xuân Thanh, đâu chỉ có mỗi Phạm Công Danh.

Minh họa: Lê Phương.

Như mấy lâu Ngô có viết, "Dân biết cả đấy", thật ra thì đúng là dân biết cả đấy. Thế nên, dân mới có câu, "Tại đen thôi, chứ đỏ thì qua tất". Đỏ không phải là vận đỏ, đỏ có hàm ý, anh này đỡ cho, anh kia giấu cho. Chứ nếu chỉ trông chờ vào vận khí thì có thứ vận khí nào lại ủng hộ bọn sâu dân mọt nước, phá hoại tiền đồ của dân tộc bao giờ.

Bởi hiểu quá rõ quyền lực mang lại những điều mà người khác nằm mơ cũng không tưởng tượng ra được, nên ai cũng mong muốn thu vén thật nhiều thứ quyền năng này. Bước ra đường xe đón người đưa, một chữ ký có thể thay đổi vận mệnh của kẻ này hay kẻ khác, liếc mắt cười có người hân hoan, cau mặt có người thắc thỏm.

Có nhiều vị lắm tiền không cần đến tiền nữa, nhưng cần cái không khí được trọng vọng săn đón ấy. Nó như một thứ nghiện, mà chưa chắc đã kém ma túy hay bàn đèn đâu. Đó là cảm giác đầy khoái lạc khi được người khác xun xoe nịnh hót, được người khác hoảng sợ, được người khác xem như minh quân minh chủ.

Vạn thứ mà khoái cảm ấy mang lại đều phục vụ cho chính cá nhân người nắm giữ quyền lực, chứ không phải là phục vụ cho công việc mà người đó được tin tưởng giao phó.

Thế nên, hiểu được cơn khoái cảm này, họ đều muốn con họ, cháu họ, anh chị em của họ, người thân của họ cũng có cơ hội như họ. Họ không cần tiền nữa, cái họ cần còn cao hơn tiền, còn ghê gớm hơn tiền. Cái họ cần chính là để người khác sợ họ. Họ quên mất rằng, họ được giao quyền lực để làm nhiệm vụ chăm lo cho nhân dân chứ không phải để thụ hưởng cho cá nhân. Thế nhưng, họ bất chấp.

Họ hình thành nên một ê-kip của họ sau khi đã vun vén cho người thân ấm vị, những người mà họ tin tưởng, những người mà họ cho rằng là đàn em đệ tử, con nhang điếu đóm của họ.

Họ phải sắp xếp như vậy để nếu họ có về hưu thì gọi điện thoại vẫn còn uy quyền, người thân của họ vẫn được đảm bảo. Cái họ cần là như vậy, chứ họ quan tâm gì đến năng lực hay tài đức. Họ đề bạt theo lối ban phát, ra ơn.

Thế nên mới có chuyện lái xe cũng được đề bạt làm lãnh đạo hay cậu oắt con vừa tốt nghiệp đại học đã ghế trên ngồi tót sỗ sàng để thoải mái gây lỗ xong lại leo lên một cái ghế cao hơn, một chỗ ngồi kiếm ăn béo bở hơn.

2. Báo chí đang ầm ĩ câu chuyện của ông Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Định. Ông này đang bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng tiến hành kiểm tra vì có nhiều biểu hiện rất kỳ lạ.

Ông này đầu tiên khai là Tiến sĩ, sau tự nguyện khai xuống thành Thạc sĩ. Sở dĩ phải khai xuống vì cái bằng Tiến sĩ của ổng theo hệ bán du học bị Bộ Giáo dục và Đào tạo không công nhận vì trường đại học cấp bằng này lòi đuôi là một trung tâm tào lao.

Không những vậy, ổng học tiến sĩ theo dạng một tháng ra Hà Nội 4 ngày để "du học tại chỗ"; hết 2 năm rồi thêm 10 ngày ở Philippines có người phiên dịch mà ổng ngốn hết 386 triệu đồng tiền do Tỉnh ủy chi trả. Ngô chịu cái bằng của ông này hẳn, mà hiển nhiên không phải chỉ mỗi cái bằng của ông này có vấn đề đâu. Đen thôi, chứ đỏ thì quên đi.

Ổng đề bạt oằn tà là ngoằn một phát từ chị ruột, em ruột, vợ, em vợ phút chốc đều trở thành lãnh đạo của các Phòng, Sở trực thuộc UBND tỉnh Bình Định. Không biết khi đề bạt ổng có nghĩ gì ngoài chuyện có quyền là có tất cả hay không. Nhưng cái cách mà ổng bất chấp để đề bạt người thân thì đến trẻ con cũng hiểu ổng đang làm vì dân vì nước hay vì cá nhân của ổng.

Tất nhiên, những trò đề bạt này sẽ được đóng cái mác là "đúng quy trình". Chẳng biết ông nào đẻ ra cụm từ này tuyệt vời đến vậy. Bởi Ngô tin rằng, không có cụm từ nào gây ức chế đến thế. Cụm từ này là minh chứng rõ nhất cho thói quen coi thường dư luận, coi thường lòng dân.

Ngô hiểu rằng, làm lãnh đạo trăm việc khó, trong đó khó nhất là lắc đầu từ chối. Điều này không chỉ khó cho lãnh đạo mà khó cho ngay cả người bình thường.

Nắm giữ một vị trí nói có người nghe, đe có người sợ, nợ có người trả, mà không giúp mối quan hệ này một chút, không nâng đỡ mối quan hệ kia một chút thì cũng kỳ. Giúp người quen còn giúp được, vậy thì mắc mớ gì mà không giúp cho người thân. Rồi còn những câu chuyện đề bạt liên quan đến cái quen miệng gọi là, "suất ngoại giao".

Kiểu như cái đơn xin tha thiết mang cậu ấm của ngài Bộ trưởng về làm lãnh đạo của một tập đoàn vậy. Trước đây, cũng có một cô chiêu được đề bạt làm lãnh đạo một tập đoàn xây dựng mặc dù cô chiêu tốt nghiệp ngành xã hội. Cái này, nhiều vô kể.

Nhiều đến mức mà cứ thấy người trẻ được đề bạt, đám đông lập tức hồ nghi bật ra câu hỏi, "Đây là hậu duệ của vị nào?". Mà thực tế chứng minh đầy ra đấy. Hồ nghi này hoàn toàn có cơ sở xét về mặt sự thật. Giám đốc sở là con của bí thư, phó giám đốc thì con của chủ tịch, đại loại vậy. Không hề khác câu chuyện bạn bè thân thiết hỏi nhau khi chúc mừng thăng tiến, "Mày chạy vị trí đó bao nhiêu?".

Thiển cận Ngô nghĩ, mầm mống hủy diệt niềm tin của nhân dân chính là từ đây. Mầm mống hậu họa cũng chính là từ đây, mầm mống của những thoái hóa biến chất cũng là từ đây. Ấy chính là một số cá nhân được Đảng, Nhà nước, Chính phủ phân công nhiệm vụ lại tự cho mình cái quyền sử dụng quyền lực, cương vị theo mục đích cá nhân.

Từ xưa đã vậy, nay cũng vậy. Bất chấp thời gian càng trôi qua thì càng có cơ hội để thanh lọc những điều chưa đúng, sự hạn chế. Chứ thời gian càng trôi qua lại càng trì trệ, càng tệ hại hơn nữa thì còn gì để hy vọng.

3. Thế nên, Ngô nghĩ sau phát biểu minh chứng cho sự quyết tâm, liêm chính, công minh của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhất định phải có những biện pháp, hành động để xác tín điều này.

Việc cần làm ngay chính là rà soát những vị trí người thân của các quan chức lãnh đạo để đánh giá lại năng lực, Ngô đang nói về năng lực, Ngô không nói về quy trình. Xét năng lực có khó không, chắc chắn là không khó.

Vì người đứng đầu các sở, ban, ngành bắt buộc phải có kiến thức về chuyên môn. Thêm nữa, còn là thái độ phục vụ và sự hài lòng của doanh nghiệp khi có vấn đề cần phải tiếp xúc với các sở, ban, ngành đó.

Quan trọng hơn, cần có một điển hình trong công tác xử lý. Phải có điển hình thì dân mới tin, mới hy vọng vào câu chuyện lời nói luôn đi đôi với hành động. Đúng như lời của Thủ tướng, "Đã bắn chỉ thiên quá nhiều".

Đây là lúc cần phải bắn trúng đối tượng vì sự nghiệp chung, mục tiêu phát triển chung. Phải quyết tâm như khi nhằm thẳng quân thù mà bắn.

Ngô Nguyệt Hữu
.
.