Làm gì, khi ở nhà?

Thứ Tư, 08/04/2020, 21:41
Hôm nay, tôi mạnh dạn gửi tới báo một ý kiến riêng của mình, liên quan đến việc rất nhiều người hiện nay đã ở nhà, hạn chế ra đường để tránh dịch COVID-19. Tất cả chúng ta đều biết là thời gian này, nhiều công ty, doanh nghiệp chuyển sang hoạt động theo hình thức Online.

Kính gửi Báo ANTG Giữa tháng - Cuối tháng!

Tôi là độc giả trung thành của tờ báo, và cũng là độc giả trung thành của chuyên trang này. Qua một thời gian theo dõi, tôi thấy có rất nhiều những ý kiến nhức nhối, thú vị được người đọc báo nêu ra, và có rất nhiều các phương án "gỡ rối" bất ngờ được tờ báo giải đáp ở chuyên trang này.

Hôm nay, tôi mạnh dạn gửi tới báo một ý kiến riêng của mình, liên quan đến việc rất nhiều người hiện nay đã ở nhà, hạn chế ra đường để tránh dịch COVID-19. Tất cả chúng ta đều biết là thời gian này, nhiều công ty, doanh nghiệp chuyển sang hoạt động theo hình thức Online.

Có những người thực hiện những công việc chẳng đặng đừng, bắt buộc phải tới cơ quan công sở thì thời gian ở cơ quan, công sở cũng được giảm thiểu một cách tối đa. Có nghĩa là thời gian sống, sinh hoạt, làm việc ở trong ngôi nhà mình bỗng nhiều hơn một cách bất thường. Nhiều bạn bè tôi bảo, ở trong nhà suốt thấy cuồng chân, cuồng tay.

Mọi khi buổi sáng ra quán uống tách cà phê quen rồi, lên công sở họp hành, nói chuyện với nhau quen rồi, giờ đùng một cái, tất cả thay đổi 180 độ. Có những người bạn của tôi tâm sự rất chân thành rằng bây giờ ở nhà, sau khi thực hiện xong các công việc online thì họ chỉ còn biết gọi điện thoại nói chuyện với nhau cho đỡ nhớ.

Nghe tất cả những tâm sự đó, trong tôi chợt nảy lên một câu hỏi không biết là có "buồn cười" hay không, nếu các anh chị ở tờ báo cho là "buồn cười" thì tôi thành tâm xin lỗi, nhưng với cá nhân tôi, nó là một câu hỏi cần được giải đáp: Hình như chúng ta đã đánh mất đi những kỹ năng ở nhà?

Nói một cách khác, khi thời gian ở nhà nhiều quá, chúng ta tự thấy mình thừa thãi, vô dụng, trong một không gian chật chội, dễ làm cuồng chân tay. Theo các anh/chị ở tờ báo, đây có phải là một vấn đề cần phải cùng nhau suy nghĩ và giải quyết vào lúc này hay không? Nếu có, rất mong nhận được hồi âm của các anh/chị. Xin chân thành cảm ơn!

Nguyễn Thị Hoa (Hà Nội)

Kính gửi độc giả Nguyễn Thị Hoa!

Độc giả nói rằng không biết câu hỏi của mình có "buồn cười" không. Chúng tôi xin trả lời ngay, nó không "buồn cười" chút nào. Nó là một câu hỏi rất giản dị, rất thực tế và rất cần thiết vào lúc này, trong bối cảnh mà để chống dịch COVID-19, toàn xã hội đang có xu thế ở nhà nhiều hơn là ra đường hoặc đến nơi làm việc. Mà chúng ta chưa quen với việc bất thình lình lại phải ở trong bốn bức tường nhiều đến thế.

Đương nhiên là ở trong bốn bức tường thì chúng ta vẫn có thể giao tiếp với nhau qua điện thoại như những gì mà độc giả kể về những người bạn của mình, hoặc qua những hình thức giao tiếp khác thông qua Internet cùng các thiết bị công nghệ hiện đại.

Nhưng nói gì thì nói, kiểu giao tiếp ấy có tính chất khác xa so với kiểu giao tiếp mặt đối mặt mà chúng ta vốn thực hiện hàng ngày ở cơ quan, công sở hay trong các quán cà phê. Thế nên, việc chúng ta thấy ngột ngạt, thấy khó chịu, và nói như độc giả là thấy "cuồng chân cuồng tay" cũng là điều hoàn toàn thực tế. Vậy thì rốt cuộc chúng ta phải xử lý khoảng thời gian ở nhà quá nhiều này như thế nào?

Thưa độc giả, thật ra mỗi người trưởng thành chúng ta rồi sẽ tự điều chỉnh và tự biết phải làm gì để phù hợp nhất với mình. Mỗi chúng ta là một thực thể - một thế giới, với những cấu trúc tinh thần khác nhau, do vậy cũng sẽ có những cách xử lý tình huống khác nhau. Ở đây, chúng tôi chỉ mạo muội đưa ra một vài phương án giải quyết tình huống mà chúng tôi thấy nhiều người đã và đang áp dụng để độc giả tham khảo.

Thứ nhất, hãy dành thời gian cho những đứa con của mình. Hằng ngày rất nhiều người chúng ta tắm mình trong công việc, và chính vì thế chúng ta không có nhiều thời gian cho những đứa con. Rất nhiều người nói rằng, khi họ có một chút thời gian rảnh thì đấy là khi con cái mình phải đi học thêm, và vì vậy quãng thời gian ở bên con, chơi với con, nói chuyện, tìm hiểu, khám phá thế giới tâm hồn của những đứa con thật sự không nhiều. Nhưng trong quãng thời gian này, những đứa con của chúng ta đang nghỉ học, ở nhà.

Chúng ta cũng thường xuyên ở nhà, làm việc từ xa. Vậy thì đây chính là một cơ hội tốt để chúng ta khám phá ra những điều gì đó mà ngày thường có thể chúng ta chưa có đủ thời gian/cơ hội/và tâm huyết để khám phá từ chính những đứa con mình? Và trong quá trình khám phá những đứa con của mình, rất có thể chúng ta cũng khám phá ra chính mình. Một lần, đứa con 3 tuổi của tôi nhìn thấy tôi đang cạo râu, với hình ảnh kem cạo râu đầy mắt.

Thế là nó thốt lên: Bố đang tô màu! Bố đang tô màu. Chính cái khoảnh khắc ấy tôi như chợt khám phá ra chính tôi, với những gợi ý về những cách định nghĩa khác cho những sự vật/hiện tượng trong đời sống này. Trong tâm trí của một người lớn, bị cầm tù bởi tư duy logic của một người lớn, tôi chỉ thấy rằng hành động bôi kem cạo râu lên mặt là để cạo râu và chấm hết.

Nhưng khi con tôi thốt lên: "Tô màu/Tô màu" thì tôi hiểu rằng trong rất nhiều những trường hợp khác của đời sống, mình luôn phải có những lối suy nghĩ khác, giàu có hơn, phong phú hơn và nhiều cảm hứng hơn. Kể lại câu chuyện nhỏ của mình, tôi muốn nói với độc giả rằng: hoá ra chơi với con mình sẽ thấy chính những đứa con trong những trường hợp nào đó lại "dạy" mình những bài học - những ý tưởng - những chân lý bất ngờ.

Thứ hai, hãy dành thời gian đọc sách. Trong quãng thời gian bình thường mọi khi, rất nhiều người trong chúng ta thường bảo: "tôi quá bận, không có thời gian đọc sách". Hoặc giả chúng ta chỉ đọc những cuốn sách để phục vụ công việc chuyên môn, trong một chuyên ngành hẹp nào đó của mình. Vậy thì bây giờ, khi công việc giảm tải, thời gian ở nhà nhiều hơn, tại sao chúng ta không dành thời gian để đọc thêm những cuốn sách mới, từ đó làm mới tư duy, đầu óc, tâm hồn mình?

Trong trường hợp chúng ta chưa bao giờ có thói quen đọc sách thì quãng thời gian này cũng là một cơ hội để chúng ta rèn luyện kỹ năng đọc, tìm hiểu phương pháp đọc, xây dựng những cơ sở, chương trình đọc. Quãng thời gian rảnh rỗi ở nhà chính là quãng thời gian bổ ích để chúng ta xây dựng những kỹ năng mới, những thói quen mới, có ích cho cuộc sống của mình.

Độc giả kể với chúng tôi về chuyện rất nhiều người bạn của mình chỉ biết giết thời gian bằng cách gọi điện thoại, nói chuyện với nhau. Thật ra bản thân việc nói chuyện với nhau cũng cần thiết, nhưng nếu chúng ta thu hẹp thời gian nói chuyện xuống khoảng 1/2, 1/3, để dành thời gian trang bị những kỹ năng mới là điều hết sức cần thiết trong bối cảnh này.

Thứ ba, hãy sống chậm và ngẫm nghĩ về các hệ giá trị của đời sống. Thưa độc giả, chúng ta vẫn nói với nhau rằng bây giờ chúng ta sống nhanh quá, sống gấp quá, sống tốc độ quá. Chúng ta phải lao trên đường, lao vào những giao thương, lao vào những công việc mà đôi lúc khiến chúng ta cũng chẳng còn thời gian để thở.

Khi không còn thời gian để thở thì cũng chẳng còn thời gian để ngẫm nghĩ. Vậy thì chính thời gian ở nhà vì đại dịch COVID-19 này lại là một cơ hội để chúng ta sống chậm và ngẫm nghĩ. Quãng thời gian này, khi sống chậm hơn và ngẫm nghĩ nhiều hơn, chúng ta cần thiết phải trở về với những câu hỏi mang tính bản thể của loài người: Chúng ta đang tồn tại hay đang sống? Chúng ta sống để làm gì? Chúng ta sống cho ai? Cái hành trình lao đầu vào kiếm tiền với mục tiêu "giàu nữa - giàu thêm nữa - giàu hơn nữa" rốt cuộc sẽ đưa chúng ta đi về đâu?

Thưa độc giả, đại dịch COVID-19 hay bất cứ đại dịch nào khác cũng là điều không ai mong muốn. Chúng ta cầu mong đại dịch sớm qua, và quy trình sống thường nhật của chúng ta sẽ trở lại. Nhưng cũng chính từ quãng thời gian ở nhà vì đại dịch, khi phải sống chậm lại và đối diện với nhiều giá trị nội tâm của mình hơn rất có thể lại giúp chúng ta chợt nhận ra những giá trị bổ ích nào đó mà ngày thường chúng ta không thể nào nhận ra.

Đấy là quan điểm riêng của chúng tôi, hy vọng cũng mang đến một giá trị tham khảo nào đó cho độc giả. Xin chân thành cảm ơn những tình cảm mà độc giả dành cho chuyên trang này cũng như cho tờ báo của chúng tôi!

Vương Trọng Tín
.
.