Lại chuyện uống bia

Thứ Hai, 03/11/2014, 15:59

Là chuyện gió sớm mưa chiều, những khi rỗi rãi, những lúc nhàn hạ. Thích, thì đọc cho biết. Không thích, thì đọc cho vui. Bởi, đời sống là mấy chốc đâu. Vui được lúc nào thì vui, cười được khi nào thì cười. Bạn có đồng ý với quan điểm của tác giả hay không, là chuyện của cá nhân bạn. Văn minh là gì? Văn minh là biết cách tôn trọng: mỗi cá nhân khác nhau, luôn có những tư duy khác nhau.

Trên mục này, số trước, Ngô có viết bài “Đại nghịch vô đạo”. Hôm đó, gió mưa tơi bời, đường không bóng người, Ngô ngồi trên lầu cao, nhìn thấy một vùng trắng xóa. Tâm Ngô không tịnh, ý Ngô nổi sóng… nên câu chữ cũng không nhịp nhàng như thường nhật.

Ngô đọc sách xưa, thấy có viết về Tiên sinh Hoàng Tích Chu mắng quan Tổng trấn, mà quan Tổng trấn với Hoàng Tiên sinh có quan hệ họ hàng gần, cạch mặt nhau từ đó.

Ngô đọc sách nay, thấy có luận Khổng Minh ra chiêu để lừa Lưu Bị. Là Lưu Bị không may vớ Khổng Minh, còn Khổng Minh thì được Lưu Bị.

Tất nhiên, việc xét đoán là việc của người đọc. Còn cái tâm thế của người viết, như Ngô, thì xưa hay nay đều vẫn vậy, một khi còn đủ sức để cầm bút, tức là lúc Ngô còn muốn được phụng sự bạn đọc một cách đầy cần mẫn bằng những ý niệm của riêng mình.

Đáng tiếc, chốn văn chương cũng như chiến trường, gió tanh mưa máu. Ngựa sẩy chân thì tướng mạng vong, lưỡi giáo cùn thì binh lính ngã. Nên có lúc thất thố, nên có khi hở lưng, mong bạn đọc vô cùng lượng thứ.

Lấy cái tình mà xét, lấy cái nghĩa mà soi, bỏ qua cho Ngô. Như nhà thơ Tố Hữu đã viết “Ai nên khôn mà không dại đôi lần”. Được vậy, Ngô thập phần cảm tạ.

Còn hôm nay, Ngô muốn bàn một chuyện khác.

1. Dạo này, không biết do nguyên cớ gì mà cứ vài ba hôm, Ngô lại giật nẩy mình vì những dự thảo lẫn quy định liên quan đến bia. Bởi bấy lâu nay, Ngô vẫn thường nghĩ chuyện bia bọt nước mình vốn dĩ đang yên đang lành, năm thì mười họa có tẩn nhau, sáu tuần tám tháng có chuyện đáng tiếc. Nhưng, phàm đã là người đều vậy, mắt không liếc còn vong mạng, miệng không nói còn hại thân. Huống hồ khi đã cạn vò rốt bát.

Vậy mà, không hiểu nguyên cớ vì đâu, càng ngày càng có nhiều người nhắc đến chuyện bia hơn. Tất nhiên, khi Ngô sử dụng cụm từ “nhiều người”, đa phần Ngô đều muốn nhắc đến nhà quản lý. Với Ngô, tận ngày bé cho đến bây giờ, từ ngày chưa biết chữ cho đến lúc đọc sách, Ngô đều kính trọng những nhà quản lý. Vì Ngô nghĩ, họ là những cá nhân ưu việt. Phải là cá nhân ưu việt thì các quyết sách do họ đưa ra mới đủ tầm để khiến cho người dân ngày càng hạnh phúc, xã hội ngày càng văn minh.

Ngô không nghĩ rằng, một xã hội văn minh là một xã hội không có bia. Ngô lại càng không tư duy, một xã hội uống nhiều bia là một xã hội văn minh. Vấn đề chính theo Ngô là nhận thức là đám đông nghĩ về loại thức uống có cồn này như thế nào. Bởi đâu vô duyên vô cớ mà hằng năm các nước phương Tây lại rộn ràng tổ chức lễ hội bia đến vậy.

Người Việt thích uống bia (có cả rượu, nhưng vì Ngô đang nói về bia nên Ngô không nhắc đến rượu. Với lại, tùy người tùy khẩu vị). Cứ nhìn vào con số thống kê người Việt bỏ ra hàng tỷ USD mỗi năm thì đủ hiểu. Cứ nhìn vào con số có độ 300 nhà máy bia trên địa bàn cả nước thì đủ hiểu. Cứ nhìn thói quen rủ nhau đi uống bia thì đủ hiểu.

“Ê, cu!”. “Dạ”. “Anh đang buồn, đi uống bia với anh”. “Dạ”.

“Ê, cu!”. “Dạ”. “Anh đang vui, đi uống bia với anh”. “Dạ”.

“Ê, cu!”. “Dạ”. “Anh mới kiếm được việc làm, đi uống bia với anh”. “Dạ”.

“Ê, cu!”. “Dạ”. “Anh mới bị đuổi việc, đi uống bia với anh”. “Dạ”.

... Đủ thứ hỉ nộ ái ố liên quan đến đời sống đều được quy thành bia, từ hiếu, hỉ cho đến thôi nôi, giỗ chạp, tân gia, sinh nhật.

Thậm chí, “Ê, cu!”. “Dạ”. “Hôm nay rảnh quá, đi uống bia với anh”. “Dạ”.

Minh họa: Lê Phương.

2. Bia, đối với dân xứ mình (theo quan sát của Ngô) đã không còn là một nhu cầu nữa, mà nó đã biến thành thói quen. Mà đã là thói quen, thì cần thiết phải có cách hành xử và tiếp cận khác với những điều luật đang muốn được bổ sung vào đời sống từ những dự thảo.

Đầu tiên, họ nghĩ ra dự thảo cấm bán bia trên vỉa hè. Dân tình nháo nhào phản đối, ai đó bảo “Cái gì chứ? Cấm bán bia trên vỉa hè à. Có bị chập mạch không vậy? Đó là một nét đặc trưng của nước mình rồi, vỉa hè mà không có bia thì sẽ ra sao?”. “Cái gì chứ? Cấm bán bia trên vỉa hè à. Thần kinh à. Không bán bia trên vỉa hè thì loại ít tiền như anh sẽ uống bia ở đâu”…

Phải hết sức bình tĩnh, cấm bán bia trên vỉa hè là đúng rồi. Vì vỉa hè là dành cho người đi bộ, là mỹ quan đô thị, chứ vỉa hè không phải là nơi muốn bán thì bán, muốn ngồi uống thì ngồi uống, muốn làm gì thì cứ làm nấy. Thế nhưng, vì sao dự thảo này lại bị phản đối. Đơn giản thôi, vì họ hay lúc này lúc khác quá. Cô bán cóc, ổi, mía ngồi bán vỉa hè thì bị truy đuổi như phạm tội, còn quán cà phê hạng sang để quẳng xe khách tràn vỉa hè vẫn không sao. Chính từ sự mập mờ theo kiểu “Đừng dẹp vỉa hè của em, em đã gọi anh Hai rồi” tồn tại quá lâu, khiến bây giờ mà đụng đến vỉa hè là đám đông lại nhảy dựng cả lên.

Kế đến, họ lại nghĩ ra dự thảo không bán bia cho phụ nữ có thai hoặc cho con bú. Điều này, thì đúng quá rồi chứ còn gì nữa. Thế nhưng, có vẻ như họ đưa ra dự thảo này trong cơn ngái ngủ thì phải. Phụ nữ Việt đang mang thai có uống bia không(?). Ngày Ngô còn nhỏ, Ngô có nghe mấy cô hàng xóm kháo nhau, nếu mang thai uống một ít bia con sẽ trắng. Nếu không, tắm em bé bằng bia sẽ trắng. (Oài, hóa ra có thời chúng ta xem bia như là một liệu pháp y học). Ngô nghe thôi, chứ Ngô chưa chứng kiến phụ nữ uống bia lúc mang thai. Phụ nữ đang cho con bú Ngô lại càng chưa từng được thấy. Có điều, chuyện Ngô chưa chứng kiến, chưa nghe, chưa thấy trên đời này thì còn hàng tỷ thứ. Vậy thì tại sao lại phản ứng(?). Phản ứng là bởi cái dự thảo này nó tào lao quá đỗi. Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú không mua bia, nhưng bạn bè của phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú, rồi chồng của phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú mua bia về cho phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú uống thì sao(?!). Mà giả như, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú đi mua bia về cho chồng, họ hàng, bạn bè uống thì sao(?!). Không nhẽ, cứ đọc báo xem phim Tây thấy khuyến cáo “Không bán thuốc lá cho trẻ em dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai và đang cho con bú” riết rồi bị liệu, bị nhớ bài lai luôn.

Lại tiếp nữa, là dự thảo bắt buộc các nơi bán bia phải đảm bảo nhiệt độ không được quá 30 độ C. Thêm nữa, là chủ quán bia phải khám sức khỏe ít nhất một lần một năm. Đến đây, thì Ngô ngất hẳn. Bất chấp trước đó, Ngô đã ngất rất nhiều lần vì dự thảo cấm uống rượu bia sau 22 giờ.

Ngô thật sự không hiểu được trong lúc chúng ta có quá nhiều thứ đang chờ phải giải quyết từ trái cây biến đổi gen, nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm nghiêm trọng, thương lái Trung Quốc tận thu các nguồn nguyên liệu, vấn đề buôn lậu… Có quá nhiều thứ đang chờ các nhà quản lý giải quyết, các nhà quản lý không giải quyết mà lại cứ chăm chăm vào những dự thảo vô bổ và rất phản cảm này.

Ngô rất nghi ngờ mấy nhà quản lý vừa đi uống bia vừa đưa ra dự thảo hay sao ấy(?). Toàn dự thảo liên quan đến bia, toàn dự thảo sặc mùi bia, toàn dự thảo theo kiểu người say rượu kiến nghị bãi bỏ quy định đo nồng độ cồn vậy.

3.Ngô nói điều này, chắc mấy nhà quản lý không vui đâu, nhưng đến nước này thì Ngô buộc phải nói. Mọi thứ bây giờ đã thay đổi nhiều lắm rồi, đặc biệt là với Internet. Người dân đã có cơ hội tiếp cận và trao đổi thông tin, cũng như bày tỏ quan điểm của mình. Và người dân rất dễ tạo nên được một cơn sóng thần thông tin trước một dự thảo hay quy định trái khoáy nào đó.

Thế nên, các nhà quản lý dẫu muốn hay không thì cũng buộc phải thay đổi tư duy ra dự thảo trước khi quyết định. Vẫn biết, dự thảo chỉ là thứ dự trù, thứ chưa được thông qua. Khoảng cách để từ dự thảo đi vào đời sống là rất xa. Tuy nhiên, cứ đưa ra dự thảo theo lối “Nhà cháy lại lo sửa chuồng gà” như vậy thì niềm tin của người dân sẽ ngày càng cạn kiệt. Mà các nhà quản lý rất thông minh, các nhà quản lý đều biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu như người dân đã mất niềm tin.

Sẵn tiện, cho Ngô nói nốt. Không chỉ mỗi nhà quản lý đưa ra dự thảo đâu, mà mấy nhà quản lý đưa ra phát ngôn cũng cần phải cân nhắc, suy tính, uốn lưỡi trước khi nói. Ngày trước nói lộn thì xin nói lại, chứ bây giờ nói lộn thì bị túm lấy câu nói rồi bị mang ra bình phẩm ngay.

Không đùa được trong thời đại Internet này đâu. Ngô nói thiệt à, như nhà quản lý gì vừa bảo “Người thất nghiệp có thể chạy xe ôm, có thể gánh rau ra chợ hoặc ra chợ người ngồi đấy”, hay nhà quản lý khác thì “Qua báo cáo thì tôi thấy tình hình tham nhũng tương đối ổn định, tăng giảm không đáng kể”, thêm nữa thì “Táo, lê để 9 tháng không hỏng là bình thường”…

Chán lắm, nhà quản lý mà tư duy kiểu này thì chán lắm. Bọn trẻ nó bảo, đó là tư duy của người say rượu

Ngô Nguyệt Hữu
.
.