Ký ức làng và những câu hát phường vải

Thứ Hai, 08/11/2004, 15:03

Trong ký ức tuổi thơ tôi, mỗi cánh đồng là một vùng đất mới lạ. Mỗi khóm tre, bụi chuối, đỉnh núi, trời sao đều có ma quỷ, thánh thần, sự linh thiêng. Ngôi làng là cả một vũ trụ bao la. Quan niệm ấy rồi cũng mất đi cùng với tuổi thơ. Nhưng bù lại, người lớn sẽ hiểu hơn cái thăm thẳm của hồn làng khi nghĩa địa là nơi vùi chôn những người mình đã  từng chung sống. Cái mất, cái còn của làng và của mình cứ quấn quýt đan xen, hư thực mờ ảo.

Tôi sinh ra giữa bốn bờ tre nguyên thủy. Cây tre già chặt đi làm nhà thì măng mới mọc lên. Tuổi thơ tôi bồng bềnh trên chiếc võng chõng. Mắt mở xanh màu dâu vườn, dâu bãi. Tai lắng còn nghe tiếng lách cách thoi đưa, tiếng xè xè của xe vải sợi. Nhưng không còn những đêm hát ví. Chỉ thấy mẹ tôi lúc nào cũng tất bật. Người bảo, nuôi lợn ăn nằm, nuôi tằm ăn đứng. Mẹ tôi xưa là người con gái đẹp của làng, có bằng Primaire (hết  bậc tiểu học dưới thời Pháp thuộc). Nhưng ông nội tôi lọt mắt và hỏi làm dâu chỉ vì mê điệu hái dâu.

Ông nội tôi làm lý trưởng. Nhưng bên trong, ông là đảng viên cộng sản, năm 1930-1931 từng giữ chức Bí thư Tổng uỷ. Những cuộc họp kín thường diễn ra ở nhà ông. Sau Xô Viết Nghệ Tĩnh, ông bị Pháp bắt. Ra tù, ông một mình một ngựa bạch ngao du sơn thủy, đi hát ví, hát đúm tận Nam Đàn, Nghi Xuân và có khi kéo bạn hát về nhà, cơm rượu hò hát mấy ngày liền. Thời ấy hát, sau này các cô tôi bảo, là Hát cho đổ quán xiêu đình/ Cho long lanh nước, cho rung rinh trời; Hát cho ngày rạng đông ra/ Mai về quan bỏ nhà pha cũng đành... Cấy hát, gặt hát, ngược nguồn xuôi bè hát, phường nón, phường vải hát. Nhàn rỗi, không phường gì nhưng có trăng thanh gió mát cũng hát. Mà nên một vùng dân ca xứ Nghệ đậm đà.

Khi tôi lớn, ông bà đã mất. Làng xóm đi vào hợp tác, có cái rộn rịp của sản xuất mới và bình dân học vụ, khẩu hiệu viết trên nong, trên mẹt treo đầy các ngõ. Nhưng những đêm hát ví thì đã đi vào quá vãng. Chỉ khi mẹ tôi đi vắng, không bị hối việc, có các cô về, cô cháu gợi chuyện, các cô mới hát cho nghe những câu ca ông tôi đã hát với bà này bà nọ ở làng nọ làng kia.

Trong làng có một người phụ nữ dệt lụa rất đẹp tên là Hạnh. Bà Hạnh trạc tuổi mẹ tôi, ngoài ba mươi một chút. Tất nhiên với bọn trẻ, không thể biết được tuổi người lớn, chỉ biết đấy là người lớn và xa cách với mình lắm lắm. Bà Hạnh chỉ ngồi khung cửi không bao giờ ra ruộng cho nên nước da rất trắng. Bà hay kể và hát cho bọn trẻ nghe. Có dạo, không buổi trưa nào mà tôi không đến ngồi ở bậu cửa bà Hạnh để nghe bà kể chuyện và hát.

Xin trời hãy nắng khoan mưa.
Cho dâu xanh bãi, cho vưa lòng tằm
Khi mô cho đến tháng mười.
Đọi cơm khúc cá vừa cười vừa ăn...

Nhưng bà Hạnh hay hát những câu hát huê tình. Không hiểu sao, một đứa trẻ chưa sạch mũi như tôi hồi ấy lại mê:

- Đã thương thì thương cho chắc
Đã trục trặc thì trục trặc cho luôn
Đừng như con thỏ nọ nó đứng đầu truông
Khi vui giỡn bóng,
Khi buồn bỏ đi...

- Thương em răng được thì thương
Đừng trao gánh nặng trửa (giữa) đường tội em.

- Cầm vàng mà lội qua rào.
Vàng rơi không tiếc, tiếc bộ má đào của em...

Rồi bà kể, có anh đi hát phường vải, chẳng may đường trơn bị ngã. Các cô trong nhà cười ầm và hát vọng ra:

- Đến đây hò hát làm thân
Cúi đầu bái lạy trước sân làm gì?

Chàng trai là người thông minh, cũng chẳng vừa:

- Đất đâu có đất lạ lùng
Đứng thì chẳng chịu, nằm cùng thì cho!

Với cái anh bạo mồm như vậy, còn ai dại trêu làm gì?

Làng tôi là làng Đông Tây. Hình như xưa là người các nơi đổ về... Cả một vùng Can Lộc kẹp giữa Trà Sơn và Hồng Lĩnh, hầu như làng nào cũng nổi tiếng. Phía đông làng tôi là Trường Lưu, quê hương Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Hổ. Phía bắc là Song Lộc, quê của thám hoa Phan Kính. Phía tây bắc là Thường Nga, Thường Nga cửu thế cửu cung phi, chín đời hậu và phi để có một tên làng.

Làng tôi chỉ nổi tiếng với một câu: "Lộ Đông Tây bất khả hành". Vào mùa mưa lụt, đường trôi xuống ao, xuống ruộng, có chỗ bám được gốc tre, gốc duối, có chỗ đứng chôn chân trong bùn đến đầu gối không có người kéo, tự mình không rút khỏi. Chỗ lầy lội là chỗ điền địa tốt. Nghe nói xưa làng tôi chưa mở kho thóc, dân Đức Thọ chưa có gì để làm hàng sáo. Cụ nội tôi qua đời khi ông tôi còn nhỏ, người chị của ông khi lấy chồng đã mang theo không ít văn tự ruộng đất, tức mang theo không ít  cánh đồng sang làng bên.

Làng bên là làng Trung Hanh  và chồng của người mà tôi gọi là bà - bà o ấy, trở thành một địa chủ  mà dân mấy tỉnh miền Trung đến nay còn biết đến. Cụ Đề Trạch- một thuộc tướng của Nghĩa quân Phan Đình Phùng trong phong trào Cần Vương vẫn dựa vào nguồn lương thực làng tôi, thậm chí có lúc huy động thóc đổ ra đường cho khỏi lầy lội.

Nhưng đấy là chuyện xưa. Khi tôi lớn thì cả làng đã vào hợp tác. Được chừng dăm năm thì đói kém vô cùng. Không nói gì ăn sáng, bữa trưa giữa ngày mùa cũng phải ăn cơm độn khoai khô hoặc sắn. Có ngày chỉ vài củ khoai.

Khói súng truyền kỳ của quân Đề Trạch thuộc tướng của Phan Đình Phùng chưa tan thì khói bom Mỹ đã trùm lên làng năm tôi mười tuổi. Và đó là lúc, tiếng hò  tiếng hát lại vụt cất lên. Bây giờ, tôi không thể giải thích cho các con tôi hay các bạn động nghiệp trẻ vì sao mà làng lại có thể như thế. Hết lớp bộ đội này đến lớp bộ đội khác đến. Hội Phụ nữ xách cân đến từng nhà để cân lợn, cân gà cho bộ đội. Chỉ để ghi sổ và báo cáo thành tích chứ không có tiền. Hoạ hoằn, hợp tác cũng trích lúa ra để trả. Đàn ông, từ 16 - 17 tuổi và cả người đã có bốn con đều ra lính. Đàn bà bắt đầu học cày, hút thuốc lào và quần quật trên ruộng, đi dân công hỏa tuyến. Tôi thấy mẹ tôi và những người khác đều hầu như không ngủ. Vừa buổi tối trục lúa, chữa cháy, cứu thương, ba giờ sáng đã ra đồng. Người chết thì đem chôn. Không ít người dỡ nhà để bắc cầu cho xe vượt ngầm. Năm này qua năm khác...--PageBreak--

Tôi xa hẳn làng vào giữa những năm ác liệt đó, ở tuổi thiếu niên. Và đến tuổi bốn lăm mới lại trở về. Bà Hạnh và nhiều người đã chết. Cả làng bây giờ không còn khung cửi và gốc dâu nào nữa. Mẹ tôi lụi hụi với tuổi bảy mươi, nửa hồn héo hắt ở Quảng Trị, nơi anh tôi ngã xuống; nửa hồn nhớ cháu nhớ con ở tám phương, chín hướng mà không dễ tìm thăm.

Rõ ràng, trong mắt người đứng tuổi và nhiều lịch dịch như tôi, ngôi làng quê trở nên nhỏ bé. Dĩ nhiên, đi đêm  không còn sợ ma. Gặp hiện tượng gì, lý trí cũng tìm cách giải thích. Thế mà ngày xưa, mỗi cánh đồng là một vùng đất mới lạ. Trong mỗi khóm tre, bụi chuối, đỉnh núi, trời sao đều có ma quỷ, thánh thần, sự linh thiêng. Ngôi làng là cả một bao la vũ trụ,  bao la nhân thế. Người ta đã mất đi quan niệm  ấy cùng với  tuổi thơ. Nhưng bù lại, người lớn sẽ hiểu hơn cái thăm thẳm của hồn làng khi nghĩa địa là nơi vùi chôn những người mình đã  từng chung sống. Cái mất, cái còn của làng và của mình cứ quấn quýt đan xen, hư thực mờ ảo. Nhiều khi cái trước mắt là xa, cái xa thì gần, bồn chồn, rạo rực...

Lịch sử hiện đại đất nước, không biết bao thăng trầm, biến động, bao nỗi đau thương phải trời xanh kia may chi mới hiểu. Đó là bên trong. Bên ngoài, mẹ tôi là một người sôi sục hoạt động xã hội, làm cán bộ xã từ năm 1945, đến lúc nghỉ hưu, mới nghỉ mấy năm gần đây. Đã có lúc Người được điều lên huyện, lên tỉnh. Nhưng chồng thoát ly, một nách bảy con, Người đã hy sinh vì chúng tôi hết thảy. Một nách bảy con vào những năm đói kém ác liệt nhất của lịch sử, sự nuôi dạy của Người đối với chúng tôi không thể đủ đầy. Nhưng có sự bày dạy lặp đi lặp lại, đọng với chúng tôi qua thanh lọc thời gian, đó là lòng quý trọng, yêu thương con người. Làm người cái quý nhất là sự thật thà và trọng nghĩa khí. "Khôn ngoan kẻo lọ thật thà". Không chỉ hát ru, ngày thường, Người vẫn dạy chúng tôi bằng những câu lục bát: Có vàng vàng chẳng hay phô/ Có con con nói trầm trồ mẹ nghe, Muốn cho tình nghĩa lâu dài/ Đừng coi của trọng hơn người mà hư...

Tôi hỏi Người về hát phường vải. Người bảo: "Đi mà hỏi o Thắng". O Thắng là người cô thứ năm, bẩm sinh thông minh và ông tôi chỉ cho đi học đến biết đọc biết viết nhưng có trí nhớ lạ lùng. Vào những năm chiến tranh, quê tôi rộ lên phong trào hò - hát đối đáp giữa làng này với làng khác, giữa làng với bộ  đội, cô luôn được mời làm "cố vấn" để đặt lời. Mẹ tôi gặp lần nào cũng đuổi về, nhưng rồi đêm nào cô cũng băng đồng túm tụm với bọn trẻ.

O Thắng kể: Hát phường vải thường hát tự nhiên, ai thích gì hát nấy. Có khi mấy chị em hát với nhau. Lâu lâu mới có đám hát, nghe tiếng nhau mà có những anh nho (nho sinh), thầy ký đến hát thì  lúc đó, hát có lớp lang như hát dạo, hát chào, hát mời, hát hỏi, hát đố, hát xe duyên, hát tiễn hẹn.

Rồi cô hát, câu hát chào:
Đến đây đông thật là đông
Chào bên nam thì mất lòng bên nữ.
Chào quân tử thì sợ dạ thuyền quyên
Em chào chung một tiếng kẻo chào riêng bạn cười...

Câu hát xe duyên:

Thiếp thương chàng, đừng cho ai biết
Chàng thương thiếp đừng để cho ai hay.
Rồi ra miệng thế lắt lay
Cực chàng chín rượi (rưỡi), khổ thiếp đây mười phần.

"Hay rứa lạo nạ!" Hay ! Tôi đáp. O bỗng bật cười rồi dụi dụi mắt. Những gì của o trong tiếng cười, trong giọt nước mắt vừa ứa? Tôi đã nghe nhiều Xuân Năm, Hồng Năm, Lệ Thanh hát những câu hát này. Nhưng bây giờ với câu hát là những giọt nước mắt trên má răn reo của người cô luống  tuổi. Ngoài kia, lúa mùa vừa chín. Những quả khế non lích rích dưới chân chim, thảng hoặc những lá vàng rụng từng chiếc khẽ khàng phủ lên đám rêu xanh trên sân đất. O lại hát:

(Chơ) Anh đến giàn hoa thì hoa đạ (đã) nở.
Anh đến bến đò thì đò đạ sang sông
Anh đến tìm em thì em đạ lấy chồng
Em yêu anh như rứa, hỏi có mặn nồng lấy chi...
(Chơ) Anh đến giàn hoa, hoa đến thì thì hoa phải nở.
Anh đến bến đò, đò đầy thì đò phải sang sông
Đến duyên em, cha mẹ  gả thì em phải lấy chồng
Dừ (giờ) trách nhau chi lắm nựa (nữa) để cực lòng nhau thêm...

Ôi những chuyến đò! Đò đầy thì đò phải sang sông... Những chuyến đò chở ai về hạnh phúc và chở ai về oan trái? Rồi chuyến đò thời gian chở những đời người đi đâu mà mải miết? Giấc mộng kê  vàng, thế sự  du du... Nhưng thôi, vận vào mà chi cái nỗi buồn thiên cổ!

Làng tôi giờ ngày một khác xưa. Người học hành đỗ đạt, có chức tước thì không về làng nữa. Những người biết làm ăn cũng định cư ở trong Nam, ngoài Bắc. Tôi mừng bây giờ làng đã no đủ, xe đạp, xe máy dập dìu. Điện sáng suốt ngày đêm. Tivi nhiều. Nhiều cả những trận đá banh. Nhưng những cái xưa tôi theo tìm trong hoài niệm thì dường như đã ít. Cái tôi tìm có phải là giá trị văn hóa, là cái đẹp chăng? Tôi tin vào điều ấy vì cái gì làm người ta hoài niệm, chắc là cái đẹp. Tôi lo lắng cho làng ư? Thế cũng vô lý, vì tôi cần làng, làng có cần một ai cụ thể đâu. Chính trên cánh đồng cày xới khi gieo hạt giống, người nông dân sẽ gieo cho mình, cho đời sau những hạt mầm văn hóa. Tôi tin chắc như vậy. Nhưng tôi vẫn thương cho những câu hát của mình

Nguyễn Sỹ Đại
.
.