Ký ức Chernobyl

Thứ Hai, 15/05/2006, 08:00

Ngày 26/4/1986, Nhà máy điện nguyên tử Chernobyl (thuộc nước Cộng hoà Ucraina) đã bị nổ một trong bốn lò phản  ứng. Từ trục trặc sự cố, không chỉ một số nước thuộc Liên Xô cũ mà cả một số nước Đông Âu đều chung một thảm họa - nhiễm phóng xạ. Số lượng người chết ngay sau sự cố chỉ có vài chục người, nhưng chết dần cho đến tận bây giờ thì nhiều đến mức... chưa thống kê hết!

Mùa màng năm đó hầu như bỏ đi. Ra đường, những bước đi vội vàng như có ma đuổi. Những nơi vui chơi công cộng vắng hoe, vắng hoắt. Trên ôtô buýt, dưới tàu điện ngầm, những nụ cười, ánh mắt tươi vui ngày nào giờ đầy lo âu. Cả Kiev như phủ một màu tang.

Ngày 14/8/1985, tôi sang Moskva và được Phòng Quản lý lưu học sinh Việt Nam phân về học ngành Triết tại Trường Đại học Tổng hợp Kiev (Thủ đô Ucraina). Kiev là thành phố cổ kính nằm bên sông Dniev thơ mộng. Trên những ngọn đồi cao có nhiều nhà thờ cổ, tháp dát vàng lấp lánh, soi bóng xuống dòng sông. Nối đôi bờ Kiev là một nhịp cầu tình yêu được sơn đỏ dành cho những lứa đôi thích đi bộ và thưởng ngoạn.

Trường Đại học Tổng hợp gồm nhiều tòa nhà cổ được xây cất trên một ngọn đồi cao nhất nằm cách trung tâm thành phố một bến tàu điện ngầm. Đây là một trong những trường đại học danh tiếng của Liên Xô. Thiên nhiên, kiến trúc Kiev vốn dĩ đã hài hòa thơ mộng quá rồi. Tháng chín mùa thu về, Kiev đẹp đến nao lòng. Trước khi chưa sang Liên Xô, tôi được nghe kể về mùa thu nước Nga, đọc thơ Puskin về mùa thu, xem tranh Mùa thu vàng của danh họa Levitan. Giờ thì mùa thu đắm say tràn ngập trong lòng.

Trong ký túc xá sinh viên, ở cùng phòng với tôi là anh Valera. Anh học trên tôi hai lớp, anh sinh ra ở thành phố Chernobyl. Bố mẹ anh làm việc tại nhà ăn của Nhà máy điện nguyên tử Chernobyl. Sinh nhật Asana, em gái Valera đúng vào chủ nhật của mùa thu. Tôi theo anh về thăm nhà, sau hai giờ ôtô buýt là đến thành phố thân yêu của anh. Chernobyl cách Kiev 130km và cũng nằm bên bờ sông Dniev. Nhà máy điện nguyên tử này cung cấp một lượng điện rất lớn cho Ucraina. Thành phố chỉ có vài vạn dân, chủ yếu làm việc trong nhà máy điện. Bao bọc quanh thành phố là rừng thông và bạch dương ngút ngàn. Từ khu chung cư, nơi gia đình Valera đang sống chỉ đi vào 100m là đến rừng thông. Không khí trong lành và dễ chịu quá.

Rừng ở đây mọc trên vùng đất bằng phẳng chứ không trên núi cao, nhiều khe suối như rừng Việt Nam. Mùa thu, thông không hề rụng lá, dưới tán cây, nấm mọc rất nhiều. Tôi đã được vào rừng cùng đám bạn Asana đi hái nấm và biết được phần nào về cánh rừng của thành phố này. Chính vì vậy mà cách đây khoảng vài năm, trên Báo An ninh thế giới có đăng một bài dịch từ tạp chí của Trung Quốc kể rằng: Sinh thái ở Chernobyl đã thay đổi nhiều do phóng xạ, đã xuất hiện một loài chuột khổng lồ hung dữ, răng cắn thủng cả lốp xe ôtô khi các nhà khoa học đến đây nghiên cứu. Tôi đã liên lạc được với Valera, bây giờ anh sống ở Kiev và kết thân với vài người Việt ở lại bên đó. Anh kể, bố anh đã mất sau đó vài năm, mẹ anh sống với anh tại Kiev, bà cũng yếu vì tuổi tác cũng đã cao. Cô em gái Asana theo chồng về Kharkov. Anh nói với tôi rằng: Chuyện chuột khổng lồ ở Chernobyl là chuyện phiếm, làm gì có chuột to và dữ như thế. Nghe tin sắp tới tôi trở lại Kiev, Valera còn đùa tôi: Anh Lữ có dám liều một chuyến về thăm lại Chernobyl với Valera không? Anh cho biết: Đã có nhiều người dân trở về sống ở thành phố này, nhưng ở ngoài bán kính cách nhà máy vài kilômét, cuộc sống đang hồi sinh trở lại từng phần...

Song sự thật đã qua, sao mà nghiệt ngã và đau đớn. Không thể gì che giấu nổi và bù đắp được những mất mát mà nhiều dân tộc phải gánh chịu, trong đó với người Ucraina là một tổn thất vô cùng lớn ngay cả hiện tại và các thế hệ mai sau. Nhưng điều ngạc nhiên là, sự cố xảy ra vào ngày 26/4, mãi đến một tuần sau các phương tiện thông tin đại chúng của Liên Xô mới đưa tin. Tôi còn nhớ rõ Ngày Quốc tế Lao động 1/5, tại Trung tâm Triển lãm Thành tựu kinh tế quốc dân ở Kiev vẫn có hàng vạn người vào xem. Họ không hề biết gì về sự cố, bởi nếu đã công bố sự cố thì làm gì có chuyện tổ chức vui chơi cho cả hàng vạn người ở ngoài trời mà hứng bụi phóng xạ. Tôi đã dạo chơi trong đó một buổi chiều và tối về đã nằm vật xuống giường, khó thở, tức ngực, chân tay rã rời. Sáng 2/5, chúng tôi lên lớp, anh bạn Xixôcồ (người Nigeria) học cùng lớp thông báo về sự cố nhà máy điện nguyên tử. Nguồn tin anh có được là qua đài BBC và gia đình anh từ bên nhà gọi sang hỏi thăm tình hình. Tối 2/5, bản tin thời sự của Đài Truyền hình Liên Xô đưa tin sự cố và khuyến cáo nhân dân ở những khu vực bị nhiễm xạ hãy ít ra đường, không ăn những loại rau, củ, quả và sữa tươi vừa thu hoạch. Phòng ngủ, phòng làm việc đóng kín cửa để tránh gió lùa... Thời điểm đó, các bến xe, ga tàu, sân bay chật ních người tìm đường sơ tán. Các trường tiểu học, trung học kết thúc năm học sớm hơn thường lệ. Tại Trường Múa balê Kiev có tới 30 cháu người Việt đang theo học, mấy tháng hè các cháu được nhà trường đưa đi tránh bụi phóng xạ đến tận Tasken (cách Kiev gần 4.000 cây số). Cả Kiev có hàng nghìn sinh viên ngoại quốc, số đông họ đặt trước vé máy bay về nước nghỉ hè hoặc sang nước thứ ba. Những sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam đều nhận visa đến các thành phố khác, nơi có người thân đang học hoặc về nghỉ hè trong nước. Còn tôi, tôi xuống biển Krưm.--PageBreak--

Nhớ lại, những ngày tháng năm, tháng sáu của năm đó mệt mỏi, buồn bã biết chừng nào. Hàng ngày chúng tôi phải đến trường đều đặn vì sắp vào mùa thi cuối năm. Trên đường từ trường trở về nhà, tranh thủ ghé qua cửa hàng thực phẩm để mua đồ ăn. Cứ mỗi lần như thế lại mua số lượng lớn để đỡ phải đi ra ngoài nhiều lần. Trong cửa hàng thực phẩm vẫn có bán rau, củ, quả tươi từ vùng xa chuyển đến, nhưng ai cũng ngại mua. Các loại hoa quả đóng hộp như cà chua, dưa chuột, mận, lê... đến thịt hộp, cá hộp bán rất chạy. Các nhà khoa học môi trường khuyến cáo mọi người phải uống nhiều trà xanh, trà đen và cả rượu vang đỏ để "rửa" trôi một phần phóng xạ trong người. Thời đó, qua các chương trình từ thiện, các loại trà Việt Nam như trà Ba Đình, trà Kim Anh được chuyển sang Liên Xô và bán nhiều trong các cửa hàng với giá rẻ như cho. Bữa ăn hàng ngày của chúng tôi cũng trở nên đơn điệu, kham khổ, ăn đồ hộp mãi cũng ngán. Phụ nữ không thích uống trà, uống rượu cũng phải gắng uống. Anh bạn Trần Ngọc Anh (bây giờ về nước giảng dạy ở Học viện Hành chính quốc gia) kiên quyết không ăn rau tươi, mồm miệng cứ rộp lên, da xanh mét. Mấy vị trong nhóm tôi thì cho rằng: Ăn thêm tý rau quả, uống thêm ly sữa tươi tất nhiên là tăng độ nhiễm xạ trong người. Biết vậy, nhưng mình chưa thể chết ngay được. Còn không ăn rau quả tý nào, thiếu hụt vitamin C không khéo lại sinh bệnh nan y!

Thời đó, đã có những thiết bị điện tử cầm tay chỉ cần gí vào cổ là hiển thị chỉ số phóng xạ có trong người. Thiết bị nhạy cảm lắm. Bước ra khỏi nhà đo, chiều về nhà đo lại, chỉ số lại nhích lên! Mùa hè nghiệt ngã năm đó qua đi, chúng tôi lại trở về Kiev sống chung với phóng xạ cho đến khi kết thúc sáu năm học.

Trong thời gian học, nhiều cặp sinh viên người Ucraina, người nước ngoài lấy nhau, họ sinh con tỷ lệ dị tật đã xuất hiện. Trong các bệnh viện phụ sản ở Kiev, tỷ lệ trẻ sơ sinh bị dị tật bẩm sinh cũng đã tăng lên so với các năm trước. Chúng tôi lo ngại cho số phận của mình. Sau khi tốt nghiệp, tôi và một số sinh viên Việt Nam được nhận vào làm việc trong Quỹ Từ thiện quốc tế Chernobyl. Tôi làm việc ở đó 2 năm rồi mới về nước lấy vợ, với ý nghĩ muộn một chút nhưng để chất phóng xạ giảm bớt không ảnh hưởng đến con cái sau này. Cưới vợ, cái thai trong vợ lớn lên, nỗi lo trong tôi cũng từng ngày lớn theo. Vợ tôi biết về sự cố Chernobyl nhưng không nghĩ đến mức trầm trọng như tôi đã biết. Tôi không kể, không giải thích gì thêm, vì sợ vợ lo lắng ảnh hưởng tới bào thai. Chín tháng trời vợ mang thai, thời gian đối với tôi sao mà dài đến thế. Tôi khắc khoải một điều: Liệu con tôi sinh ra có được vuông tròn? Rồi một đêm tháng bẩy năm 1994 tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, một hài nhi vợ tôi sinh ra đủ chân tay, mắt mũi nguyên lành, đã cất tiếng khóc chào đời. Tôi ngửa mặt lên trời mà... sung sướng. Năm năm sau, vợ mang thai cháu thứ hai, trong lòng tôi lại canh cánh nỗi lo cũ.

Bây giờ cả hai con gái của tôi đều khỏe mạnh, xinh xắn và là học sinh xuất sắc nhiều năm liền của Hà Nội. Còn tôi, tóc đã bạc đi quá nửa. Đám bạn bè cùng trang lứa thời đó, đứa về nước, đứa ở lại nhưng hàng năm chúng tôi vẫn gặp nhau một đôi lần. Với đàn ông đứa nào tóc cũng bạc sớm, tỷ lệ trong các gia đình sinh con gái rất cao. Chén rượu đoàn viên trong những lần gặp mặt như thế, chúng tôi vẫn nói đùa nhau là do nhiễm xạ Chernobyl.

Một sự cố quả thật là bất khả kháng. Chúng tôi chia sẻ, cảm thông với nhân dân Ucraina, những con người nhân hậu, hiền hoà và mến khách. Một đất nước đáng yêu, đáng trân trọng; nơi một phần đời trẻ trung của tôi đã từng gắn bó
Nguyễn Thế Lữ
.
.