Khuôn mặt của bố

Thứ Sáu, 07/02/2020, 12:39
Nhiều năm trước, tôi gặp một cô gái trẻ bị tai nạn giao thông trong phòng cấp cứu Bệnh viện Việt Đức. Quần áo nhuộm đỏ máu và những vết bùn bẩn nằm trên băng ca trải drap trắng, mắt nhìn lên trần vô hồn.

Nhóm nhân viên y tế cả nam lẫn nữ bắt tay vào việc, anh bác sĩ cầm kéo nói với cô gái rằng anh sẽ phải cắt bỏ quần áo của cô để tìm vết thương trên cơ thể. Theo phản xạ nào đó, cô gái co tay giữ chặt vạt áo. Một người đi ra kéo ông bố đứng cửa phòng cấp cứu đi vào trong, ông nắm tay cô gái bảo, con để bác sĩ cứu con, yên tâm có bố ở đây.

Ông đứng cạnh cầm tay cô con gái của mình đang đau đớn, hở hang. Có lẽ gánh nặng cảm xúc khiến ông ấy vụng về hơn và cả khóc nữa. Phần thân thể nào kiểm tra xong ông hấp tấp kéo drap che cho con. Tôi đã từng nhìn thấy nhiều hơn một lần cái cách cư xử ấy, của những  người cha dành cho con trong bệnh viện, khi còn nằm nhiều tháng trên giường bệnh hồi nhỏ. Một nỗi khốn khổ, câm lặng, đơn độc, nỗi đau nặng như cả một chuyến hàng, hoặc bị tra tấn những câu hỏi đại khái như con tôi sẽ qua được hoạn nạn này như thế nào?

Những ông bố dễ hy sinh bản thân hơn cho các con gái, họ thể hiện lòng tận tụy của người cha qua công việc vất vả. Tình yêu đó là trách nhiệm hay một món nợ, khó định nghĩa. Con gái luôn là những cô bé nhỏ xíu trong vòng tay của bố. Nước mắt cha dành cho con gái chắc chắn mặn đắng hơn so với những người đàn bà đi qua đời họ.

Tôi đã dự nhiều đám cưới, được chứng kiến hầu hết các ông bố vô tình biến thành những diễn viên vụng về trên sân khấu, líu ríu cùng mỹ từ sáo rỗng do MC xúi bẩy ông bố nâng ly chúc phúc cùng quan khách, cảm ơn hai họ theo đúng kịch bản.

Họ bị tước đoạt đi giây phút chia tay con gái. Mẹ cô dâu nào cũng vậy, bản năng khóc như mưa, bởi họ mang phận đàn bà và biết rằng, chỉ sau đêm nay con đã là con người khác, nỗi lo lắng mơ hồ lẫn trải nghiệm của phụ nữ biết con gái sắp chính thức bước chân xuống biển đời.

Bạn tôi lấy vợ, bố cô dâu cựu lính Quảng Trị người đầy vết đạn, định mệnh chọn ông là người duy nhất sống sót trở về của cả đại đội năm 1972 trong đống đổ nát rồi lặng lẽ làm bao việc cho đời. Nhưng ngày cưới con gái, ông đứng lặng khi xe dâu đưa con đi, khóc như mưa.

Tôi chơi thân một bạn nữ từ phổ thông, chồng có học lẫn có tiếng thành đạt giỏi giang và họ có với nhau 3 con gái, đều sinh mổ. Hôm rồi gặp lại bạn, bạn đang mang bầu đứa thứ 4 ở tuổi 40, cô đi siêu âm về rồi hẹn gặp tôi ở nhà cũ, đến thì bạn đang ôm bố khóc như đứa trẻ bởi được biết đứa thứ 4 trong bụng là con trai. Giới tính đứa trẻ cứu vãn cuộc hôn nhân của bạn bởi sức ép từ mẹ chồng.

Tôi hỏi "Lại đẻ mổ tiếp à, hết sức cẩn thận nhé". Cô ấy trấn an, yên tâm, chắc không chết được đâu. Chỉ khi đó bố cô ấy mới đưa tay lên chấm chỗ ướt bên khóe mắt.

Những hoạn nạn của con gái nếu không may gặp phải trong đời có lẽ luôn đè nặng lên người cha hơn ai hết, xót xa và đôi khi còn cảm thấy bất lực. Yêu một thằng không tử tế, va vấp,  sa ngã chuyện đời hoặc vì lý do nào đó hình ảnh thân thể tràn lan trên mạng dưới hàng vạn con mắt xa lạ.

Và có thể, tối mấy hôm, ở đâu đó, có một người cha nữ ca sĩ nổi tiếng bất đắc dĩ trên mạng cũng đang đau xót cho đứa con gái của mình. Liệu cô gái có bước qua được hoạn nạn này? Bởi trong tay người cha, không có tấm drap nào giống như cô gái trong bệnh viện, vì mọi thứ đang diễn ra ồn ào thớ lợ trên mạng xã hội.

Hoàng Minh Trí
.
.