Khủng hoảng thơ, một hội chứng toàn cầu?

Thứ Ba, 22/05/2012, 10:02
Đó đang là nỗi niềm không chỉ của riêng ai ở thập niên thứ hai của thế kỷ XXI này. Các cường quốc thơ truyền thống cũng không còn dám nhận mình là cường quốc thơ nữa (hơn nữa, thi ca về bản chất của nó hoàn toàn xa lạ với những sự vỗ ngực nhố nhăng).

Trong thời buổi làm ăn phát đạt tới chóng mặt của các ngôi sao nhạc rock, pop và những tình khúc nhạc nhẹ với ca từ lắm khi nghe phải rùng mình, dường như tiếng thơ đích thực, vốn dĩ đã trở nên quá thì thầm và sâu lắng trong một hai thập niên gần đây sau giai đoạn vang dội quảng trường trước và giữa các cuộc thế chiến của thế kỷ XX, lại càng thu mình hơn.

Có vẻ như đối với không ít thi sĩ trong thời hiện đại, ẩn mình trong những suy tư và rung động nội tại là một trong những bước lùi để trong tương lai có thể tạo nên hai bước tiến. Chính vì thế mà mặc dù số lượng những người làm thơ không hề suy giảm mà lại gia tăng nhưng rõ ràng là công chúng tới với thơ ở đại bộ phận các quốc gia trên thế giới trong những năm gần đây có xu hướng suy giảm.

Tại Nga, những đêm thơ sinh nhật (thường được tổ chức vào giữa mùa hè hàng năm) của một tên tuổi lớn và hấp dẫn với phong cách sáng tạo mang đậm nét truyền thống như Yevgueni Yevtushenko, trước thường xuyên đông kín người dự, nay cũng đã không còn sức thu hút như thế nữa. Chính nhà thơ Nga lớn này mới đây đã thổ lộ rằng, có những đêm thơ của ông  ở ngay tỉnh lẻ của nước Nga, những nơi vốn rất khát văn hóa thủ đô, cũng chỉ có khoảng nửa gian thính phòng là có khán giả.

Những đêm thơ của một tác giả theo xu hướng cách tân đậm đặc như Adrey Voznesensky cũng không còn gây sốc được như xưa nữa, dường như công chúng không còn mặn mà với những đổi mới hình thức tân kỳ trong sự kết hợp rối rắm giữa ngôn từ, hình họa và các cử chỉ dị thường nhưng ngày càng xa lạ với bản chất thơ. Các “trưởng lão” còn bị rơi vào tình trạng này, nói gì tới các nhà thơ trẻ và ít danh tiếng hơn các ông. Còn tại Mỹ, mặc dù hiện nay thơ vẫn là một “mặt trận” thu hút không ít tinh hoa trong làng viết, nhưng những dấu hiệu khủng hoảng kéo dài đang làm cho Lá cỏ của nền thơ Mỹ dường như bớt vẻ non tươi và bớt duyên hơn trong con mắt công chúng. Lý do dẫn tới hiện tượng này không chỉ có một.

Trước hết, như nhiều nhà nghiên cứu thơ Mỹ đã chỉ ra, đó là sự nghèo nàn cảm xúc trong câu thơ. Thực ra, đó là căn bệnh chung của nền thơ thế giới thời nay, nhưng ở Mỹ, đặc tính này lại được nâng lên thành tiêu chí. Không ai biết đích xác nguồn gốc của căn bệnh này. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, nó là hệ quả của sự bùng nổ thông tin, khi mà con người không còn kịp phản xạ với cơn bão các sự kiện nên độ nhạy cảm đối với thế giới xung quanh như thể bị tù đi. Và con người đành cố gắng vội vã dõi theo chuỗi hoa đăng những dấu hiệu hiện như trôi trên màn hình mà không còn có thể hiểu và cảm nhận một cách sâu sắc ý nghĩa của chúng nữa. Kết cục là nhà thơ chỉ ghi lại đơn thuần sự kiện chứ không bày tỏ được tác động của những sự kiện đối với con tim mình.  Lý do thứ hai nằm trong tâm lý của chính người Mỹ.

Trong lịch sử phát triển mới hơn hai trăm năm của mình, người Mỹ luôn tự tin nghĩ rằng, ở đời ai cũng giống hệt ai và làm thơ không phải là độc quyền của riêng ai.  Với người Mỹ, ai thích viết thơ cũng được và ai viết thơ cũng có quyền đòi hỏi xã hội chú ý như ai. Sự mở rộng diện người viết luôn bất cập đối với chất lượng câu thơ vì quả thực, khả năng gieo vần điệu hay tung ra những tập hợp câu có xuống dòng liên tục hoàn toàn không phải là tiêu chí đủ để trở thành một thi sĩ.

Sáng tác thơ không thể là công việc đại chúng. Lý do thứ ba đang làm hại nền thơ Mỹ là thái độ tự mãn của nền văn minh Mỹ. Thói quen luôn ý thức rằng ta đang sống trong một quốc gia tốt hơn tất cả  thực ra rất có hại đối với trí tưởng tượng. Hơn thế, một khi cộng hưởng với thói quen đó lại là thái độ tự tin tới mức hợm hĩnh rằng  những ngày ta đang sống đẹp hơn bao giờ hết sẽ làm sâu sắc thêm căn bệnh tỉnh lẻ của tâm hồn.

Minh họa: Lê Phương.

Điều này làm nảy sinh quan niệm: “Lý thuyết của chúng ta hay ho hơn tất cả. Con chó đang sống của chúng ta hay hơn con sư tử đã chết. Trên thế giới chỉ có những vấn đề đang hiện hữu là có ý nghĩa. Còn những danh nhân cổ đại lỗi thời chỉ làm mất thêm không gian sinh tồn vốn đã còn lại quá ít của ta mà thôi”. Cái gọi là tư duy kiểu Mỹ như thế đang làm suy đồi nhiều lĩnh vực hoạt động trí tuệ, trong đó có thơ. Nó làm cho con người chỉ biết lo lắng tới chuyện sinh tồn về mặt vật chất mà đôi khi quên lãng tới việc lo lắng cho phần hồn vĩnh cửu của mình.

Tại Pháp, theo nhận định của hai nhà thơ Liliane Giraudon và Henri Deluy, trung tâm xung đột hiện nay giữa giới phê bình lại chính là bản thân khái niệm thơ: liệu còn chăng cái gì đó phân biệt “hình thức-thơ” với văn xuôi, và nếu như còn, thì liệu có đủ lâu dài chăng? Không ít người ở Pháp coi thơ hiện nay như một “xác chết đắt giá”, hy vọng vào một sự tái sinh tương lai của nó trong những hình thức chưa từng có nào đó. Tất nhiên, cũng còn những người đầy kỳ vọng vào thơ trong trạng thái truyền thống của nó; trong số những người này có hai ông bà nhà thơ Pháp nói trên. Họ đang ra sức đấu tranh cho sức sống của thơ bằng cách cố gắng làm thơ trở nên “tình cảm” và vẫn giữ được hình thức bên ngoài giản dị. Các chiến sĩ chống chủ nghĩa siêu thực đã đặt ra quá nhiều hạn chế đối với thơ mình.

Trong khi cố làm ý thơ trong sáng lại, thoát khỏi sự “ẩn dụ trùng điệp hiện thực” trong tác phẩm của các tiền bối vốn làm họ bực mình, họ lại rơi vào một trạng thái cực đoan khác. Không chỉ vần và những gì giống vần, mà hầu như tất cả các phương tiện thi ca đều bị vứt vào bãi thải lịch sử. Những cấm kị trở nên quá nhiều, thi ca cùng lắm chỉ còn lại những chỗ trống giữa các từ ngữ. Trong tình huống đó, mỗi người tự tìm khả năng riêng hành sự, nhưng luật định dù thế nào cũng là sự đơn giản, đôi khi gợi nhớ tới văn bản điện tín. Nhưng liệu phong cách điện tín đó có dễ hiểu không? - đó lại là một câu hỏi khác.

Có lẽ, trong khi lảng tránh những gì thực sự khiến người Pháp cảm thấy nhàm chán, Henri Deluy, khác với nhiều nhà thơ, vẫn bám lấy cơ cấu nhịp điệu của thơ, thậm chí đôi khi còn sử dụng cả những ẩn dụ. Vài năm trước đây, trong bài trả lời phỏng vấn tạp chí Zhava, ông khoanh lãnh địa tìm tòi của mình như sau: “Không có thơ thiếu tính trữ tình. Và hiện nay hầu như không có thơ hay mà lại không đóng cương vào cảm xúc trữ tình. Bởi lẽ, bất cứ từ nào cũng là sự thổ lộ nhưng lại không có gì tồi tệ hơn sự thổ lộ. Ngôn ngữ thơ - đó không phải là ngôn ngữ trong ngôn ngữ, đó không phải là ngôn ngữ khác. Đó không phải là kết quả của sự chiếm lĩnh của nhà thơ đối với “công cụ” của mình. Tất cả đều có chung một ngôn ngữ - co giãn, mềm dẻo và đồng thời lại đặt ra một số hạn chế nhất định. Bài thơ - đó là khúc lượn đặc biệt của ngôn ngữ chung của chúng ta” (trích theo tạp chí Văn học nước ngoài Nga).

Trong bối cảnh hiện nay, liệu các nhà thơ có nên buồn vì lượng sách phát hành của mình không nhiều? Đại đa số các tập thơ ở Việt Nam hiện nay đều chỉ được phát hành số lượng trên dưới 1.000 bản. Những đêm thơ theo đúng nghĩa thực sự của nó lại là chuyện rất hiếm hoi ở ngay chính thủ đô Hà Nội...

Tuy nhiên, không phải vì thế mà các nhà thơ tuyệt vọng. Nữ sĩ Ba Lan từng được giải thưởng Nobel về văn học năm 1996 Wislawa Szymborska (1923-2012) từng nói rất thấm thía về đêm thơ chỉ có 5 khán giả của mình nhưng một khán giả nhờ thơ mà đã mơ ngay trên ghế thấy bà vợ đã quá cố của mình. Thi sĩ Nga Andrei Voznesensky (1933-2010) đã kiêu hãnh thốt lên về tính ưu việt của đội ngũ các nhà thơ: “Ta ít lắm, ta có lẽ chỉ có 4 người, nhưng dẫu sao ta vẫn là đa số...”.

Còn theo hai nhà thơ Pháp đã nói ở trên, trong các thời đại mới thì những người đọc thơ bao giờ cũng ít. Loại trừ thời như lúc quân phát xít chiếm đóng, khi mà bằng thơ có thể nói được điều không thể biểu hiện bằng cách nào khác .Và cũng không phải sự từ bỏ hình thức truyền thống của các nhà thơ đã đẩy công chúng ra xa họ. Nếu nhớ lại là, bản in Ác hoa của Baudelaire  lần đầu - đó là vào năm 1857 - đến cuối thế kỷ XIX vẫn còn nằm trên giá bán sách. Nhà thơ lừng danh nhất nửa cuối thế kỷ XIX, Verlaine, đã từng bán các tuyển tập của mình với số lượng không vượt quá hai nghìn bản.

Cho tới năm 1947, trong các hiệu sách Pháp vẫn còn thấy bán cuốn Thành phố đau buồn, một trong những tác phẩm hay nhất của Paul Eluard, xuất bản từ cuối những năm 20 chỉ với số lượng 1.500 bản. Khi đổ lỗi vắng công chúng cho nhà thơ - dường như nếu ít độc giả, thì có nghĩa là nhà thơ tồi, viết quá phức tạp đối với quần chúng!- thì đó là cách đặt vấn đề ngụy tạo.

Tại Pháp hiện nay vẫn có những nhà thơ hoàn toàn dễ hiểu. Như chính Jacques Roubeau chẳng hạn.... Nhưng không một tác phẩm nào của ông này (kể cả tiểu thuyết, kịch và sách dịch) vượt qua được giới hạn 3 nghìn bản. Không nên đặt ra câu hỏi về độc giả trước nhà thơ, mà phải đặt ra trước xã hội, và các nhà thơ đang làm việc của mình. Họ viết. Hay hay dở, nhưng mà họ viết. Chỉ riêng việc này thôi đã là tín hiệu tốt lành đối với xã hội. Và cũng chỉ cần có việc này là cuối cùng thể nào thơ cũng sẽ vượt qua được trạng thái khủng hoảng toàn cầu của nó

Xử Nữ
.
.