Khúc Tết

Thứ Sáu, 01/02/2019, 17:31
Mùa xuân 1975. Từ trước Tết nhiều cơ quan đơn vị ở Hà Nội đã ở trong tư thế sẵn sàng lên đường về Nam. Không khí Tết năm ấy có gì chuyển động âm thầm mà mạnh mẽ.


1. MÙA XUÂN ĐẦU TIÊN

Mùa xuân, như đã hẹn với thời gian, lại đang nhẹ bước quay về... Như một vòng quay vĩnh cửu, đến rồi đi, không biết có ai chờ ai nhớ, xuân cứ trẻ trung như thế, cứ từng trải như thế. Chỉ có con người, "mỗi tuổi đuổi xuân đi"...

Trong một đời người ta nhớ được bao nhiêu mùa xuân?

Mùa xuân đầu tiên tôi có mặt trên đời, năm ấy Hà Nội rét đậm. Tháng Chạp mưa phùn gió bấc, những con phố ẩm ướt những cây bàng như muốn mọc rêu trên cành khẳng khiu trong chiều đông xám ngoét. Bỗng một sáng kia chồi nhu nhú lên báo hiệu hơi ấm mùa xuân đã về. Rồi chỉ tuần sau lộc non xanh mướt, những cây bàng lột bỏ vẻ già nua hom hem, như chàng trai dậy thì còn vụng về nhưng tràn đầy sức sống.

Mỗi sáng đưa tôi đến nhà trẻ ở phố Phan Chu Trinh má không còn phải cuốn chặt tôi trong tấm chăn dày luôn âm ẩm hơi mưa nữa, tôi đã có thể khua bàn tay xinh xinh trong gió, đôi mắt tròn xoe nhìn đường phố ngỡ ngàng...

Xuân ấy, gia đình tôi vui hơn vì sự có mặt của cô con gái út là tôi. Xuân ấy, sau bốn năm tập kết ra Bắc, lần đầu trong nhà có một cành đào Tết... Ba má tôi đành phải quen cảnh "ngày Bắc đêm Nam" vì đường về quê đã trở nên xa thăm thẳm...

"Cầm lá thiếp này lòng hướng vô Nam...". Lời hứa "hai năm trở về" mãi nghẹn ngào day dứt...

***

Mùa xuân 1973. Mỹ buộc phải chấm dứt ném bom miền Bắc. Sau nhiều năm sơ tán liên miên, xuân năm ấy tôi được về Hà Nội.

Hà Nội vừa trải qua mười hai ngày đêm kinh hoàng tan nát vì bom Mỹ, tôi trở về nhà nhưng không phải nhà của mình. Những ngày máy bay B52 ném bom như "rải thảm" má tôi vẫn làm việc ở Hà Nội. 

Sau mỗi đêm rền tiếng bom sáng sớm bà lại từ cơ quan chạy về khu tập thể xem cửa nẻo đồ đạc nhà mình, nhà hàng xóm... rồi lại tất tả đi làm. 

Sáng bữa đó khi bà về đến đầu ngõ thì đội tự vệ ngăn lại: "Khu tập thể của cô bị sập hết nhà rồi, may không chết ai, nhưng mảnh bom nhiều lắm... chúng cháu đang dọn, trưa cô hãy về nhé". Má tôi đạp xe đi còn nghe các anh chị nói với theo "đồ đạc hư hỏng chúng cháu cũng dọn lại gọn gàng rồi cô ạ".

Thế là xuân ấy gia đình tôi ở nhờ trong một căn phòng nhỏ ở một khu tập thể khác của cơ quan ba tôi. Căn phòng trong một dãy nhà cấp 4 được ngăn bằng tấm cót mỏng bị mọt ăn thủng lỗ chỗ, bên kia là nơi ở của một nghệ nhân chuyên làm đạo cụ sân khấu, ngổn ngang vật liệu giấy bìa, keo dán lẫn đồ giả kẹo bánh, trái cây trông y như thật. 

Đêm giao thừa mấy người đàn ông Nam bộ vẫn thói quen ngồi xếp bằng trên manh chiếu trải dưới đất, cùng nhau uống ly rượu, ăn khoanh bánh tét mà năm nào má tôi cũng gói... lại tràn trề hy vọng. Mười chín năm rồi, bao giờ trở lại Sài Gòn?

"Gửi lời chim yêu thương tới miền Nam quê hương, nhắn rằng ta ngày đêm mong nhớ...". Gần hai mươi năm không nguôi niềm hy vọng...

* * *

Mùa xuân 1975. Từ trước Tết nhiều cơ quan đơn vị ở Hà Nội đã ở trong tư thế sẵn sàng lên đường về Nam. Không khí Tết năm ấy có gì chuyển động âm thầm mà mạnh mẽ. Ai cũng linh cảm, cũng chờ đợi điều gì đó rất lớn lao...

Tháng Ba rồi tháng Tư, tình hình chuyển biến quá nhanh, ba má tôi được lệnh lên đường gấp. Rồi trưa ngày 30 tháng 4 cả nước vỡ òa niềm vui hòa bình, mọi người trong khu tập thể ào vào nhà tôi chia vui, từ nay tôi sẽ được về quê, điều mà suốt tuổi ấu thơ tôi luôn mơ ước. Hà Nội hôm ấy người đổ ra đường đông vui hơn Tết, mọi người luôn miệng chào nhau "hòa bình rồi", "thống nhất rồi"...

Ngày đầu tháng Năm 1975, không biết vì sao ngoại tôi nghe tin má tôi đã về nhưng còn đang bị "cấm trại", bà lọ mọ từ Cao Lãnh lên Sài Gòn đi tìm đứa con gái đã xa cách 21 năm. 

Tìm được đến cơ quan má tôi, ngoại năn nỉ: mấy ông cho tui nhìn con tui chút thôi, hơn hai mươi năm rồi tui không biết nó sống chết ra sao... Và những ngày đó nước mắt của bà ngoại, của má, của dì của cậu lại rơi khi gặp lại, như bao lần tuôn rơi trong những năm dài xa cách bặt tin.

"Xa bao nhiêu năm nay mới gặp nhau, vui sao nước mắt lại trào"... Mùa Xuân thống nhất đầu tiên tràn ngập nụ cười và nước mắt. Khắp mọi miền gia đình nào cũng mong ngày đoàn tụ chờ người sum họp, "Từ đây người biết thương người, từ đây người biết yêu người..." là đạo lý của dân tộc, là phương thức hữu hiệu nhất để hàn gắn những vết thương chiến tranh.

***

Những mùa xuân tiếp theo trôi qua rất nhanh, tưởng như ngày hòa bình mới chỉ hôm qua. Thời hậu chiến của cả nước bắt đầu từ những khốn khó vì cơ chế, vì "đóng cửa" với bên ngoài và cả vì trong nước còn chưa "mở lòng" với nhau… 

Thời gian nối tiếp thời gian, mỗi mùa xuân về đất trời lại tươi mới. Xin yêu thương đến vơi hận thù của mùa xuân đầu tiên cũng là ước nguyện muôn đời trên một đất nước mà lịch sử phải trải qua hàng chục cuộc chiến tranh và vừa vượt qua gần trăm năm tàn khốc.

"Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
Mùa bình thường mùa vui nay đã về
Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên…"

Trong cuộc đời mỗi người chúng ta còn nhớ được mấy mùa xuân…

NGUYỄN THỊ HẬU

* Lời các bài hát Tình trong lá thiếp của Phan Huỳnh Điểu, Bài ca hy vọng của Văn Ký, Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh của Xuân Hồng, Mùa xuân đầu tiên của Văn Cao và Mùa xuân đầu tiên của Tuấn Khanh.

2. NHỮNG CÁI TẾT QUA

Má tôi vẫn hay kể lại rằng, có cái Tết trong nhà chỉ còn vỏn vẹn mười ba nghìn đồng. Nhà bốn má con năm ấy không có Tết, nhưng tấm lòng những người giúp má lúc khó khăn ấy, không một lần má quên.

Tôi nhớ hình như năm đó tôi 6 tuổi, mặc cái áo nhung, túi áo có thêu một bông hoa hồng nhỏ. Chiếc áo nhung là kết quả của sự năn nỉ ỉ ôi hết lời vào chiều 30 mà bà bán hàng mủi lòng bán thiếu cho má. Tôi nô nức đầy một túi vài ba pháo tép và dăm cái kẹo vặt. Tung tăng chạy từ đầu xóm đến cuối xóm nhặt mót xác pháo cùng tụi nhóc hàng xóm, tay cầm que hương châm xong rồi bịt tai cho đỡ sợ. 

Tôi mặc chiếc áo nhung ấy lâu quá, sau này má phải vá lại. Bạn bè trêu bảo sao mày không có áo mới à? Tôi ngoác miệng cười giải thích rằng mỗi một miếng vá độn thế này là một huy chương, cuối năm tao ngoan má tao mới thưởng đấy.

Tôi là đứa trẻ ngoan. Sau này manh áo vẫn nằm dưới đáy tủ, nhắc tôi đã từng có ngày nhà mình vất vả đến thế, câu nói dối của má khi tôi hỏi sao không có áo mới. Hẳn má cũng rất đau lòng.

Bà ngoại tôi đón cái Tết cuối cùng trong trạm xá, khi ấy bà không nói được gì, mắt nhìn trân trối. Bà tôi chọn cách kết thúc cuộc đời bằng thuốc rầy, loại thuốc diệt rầy nâu phá hoại lúa mà ở quê tôi nhà ai cũng có. 

Tôi còn nhớ rõ khi trước đó mấy ngày, khi nhà nhà bận rộn cúng tất niên, có một bà to béo đi cùng với rất nhiều thanh niên khác, ai cũng rất to béo, họ đến nhà ngoại đòi nợ, họ chửi bới và đập phá. Hàng xóm tò mò đến xem rất đông. Ngoại tôi bỏ đi trong một đêm khuya với chai thuốc rầy ấy, bà uống hết nửa chai. Khi người ta tìm thấy ngoại, hơi thở bà yếu ớt, thoi thóp. 

Có lúc tỉnh, bà nhận ra ba chị em tôi đứng cạnh má cùng các cậu dì. Ai cũng khóc. Tôi chạy ra sân, giữa những táng xoài rậm rạp, cao vút. Tôi ngồi một góc như vậy cho đến khi bà mất, mọi người toả ra đi tìm tôi. Tết năm ấy nhà có tang chẳng đi được đâu.

Cũng có cái Tết tôi ngồi lặng lẽ quan sát nội tôi đốt hương trầm thơm lừng. Mùi khói hương toả ra dìu dịu, nhè nhẹ, đung đưa toả khắp nhà. Dáng nội bé tí, hồi đó tôi hay thắc mắc chưa thấy một người già nào lại có cái dáng khác lạ như nội. Nội đi xiêng xiêng, hông nội vẹo qua một bên, tạo ra hình dáng như một dấu ngã di động. 

Má tôi kể là do nội ngày trước phải bồng bế cháu, nội hay bế một bên hông. Chị gái tôi day dứt hoá ra trong cái bóng thời gian của nội, nguyên nhân có của chị em tôi. Má cười cười giải thích, nội về đây sống với má thì chúng tôi đều đã qua tuổi ẵm bồng, xưa nội sống với vợ chồng chú, bế bồng sáu đứa trẻ nhà chú. 

Nhà nội tôi xưa không thừa nhận má là dâu, cũng không thừa nhận cháu. Ngày ba tôi bỏ nhà đi với má, má bị nội và các cô tôi đánh mắng, má tôi chỉ cam chịu. Rồi ngày ba tôi bỏ má để đi theo người phụ nữ khác, má cũng lặng im cam chịu, một mình nuôi chị em tôi. 

Những câu chuyện buồn như vậy trong trí nhớ non nớt tôi ngày ấy là câu chuyện có phân rõ tuyến nhân vật, ai là người tốt, ai là phù thuỷ… Tôi bắt đầu biết thương ghét, biết thù hằn.

Năm ngoái, ở nhà đêm 30 Tết, má đốt hương trầm, đun lá bưởi để tẩy trần. Trên bàn thờ là di ảnh nội, trong bức chân dung nội vẫn bé tí, mặt nghiêm nghiêm nhìn xuống nhà. 

Một năm đã bình thản trôi qua như thế, hương trầm thoang thoảng, hương lá bưởi nhè nhẹ, vương vít. Đó là khi tôi trầm lặng để nhớ lại những gì đã qua, mọi thứ như thoáng chốc nhắc tôi thời gian thật sự như bóng câu qua cửa. Một tôi bé tí, mặt mày ngơ ngác với bánh pháo chào một tôi trưởng thành, thèm khát mọi thứ chậm chạp lại để khỏi luyến lưu.

Nhìn ra sân, cây hoa cúc co mình lại trong sương sớm. Bao nhiêu xô bồ chợt tan biến hết, chỉ còn lại những thênh thang đáng yêu hiếm hoi như phép biến hình kỳ diệu trong cổ tích, mà chúng ta là lũ trẻ luôn thòm thèm đợi.

Rồi tự nhiên muốn bé lại như bụi cỏ nép ven đường.

Bùi Nhị Kiều
.
.