Không muốn mắc nợ

Thứ Năm, 13/11/2014, 11:30

Là chuyện gió sớm mưa chiều, những khi rỗi rãi, những lúc nhàn hạ. Thích, thì đọc cho biết. Không thích, thì đọc cho vui. Bởi, đời sống là mấy chốc đâu. Vui được lúc nào thì vui, cười được khi nào thì cười. Bạn có đồng ý với quan điểm của tác giả hay không, là chuyện của cá nhân bạn. Văn minh là gì? Văn minh là biết cách tôn trọng: mỗi cá nhân khác nhau, luôn có những tư duy khác nhau.

Ngô không có nhu cầu xài tiền nhiều, chưa bao giờ Ngô có nhu cầu xài tiền cho cá nhân mình. Ngoại trừ, Ngô phải tiếp đãi bạn bè. Ngô không chi tiêu cho quần áo, Ngô lại càng không chi tiêu cho những nhu cầu ăn uống, trang sức, đồ hiệu hay điện thoại.

Ngô có một cái xe gắn máy cũ, một cái laptop cũ, một cái máy ghi âm cũ, một cái điện thoại cũ, một cái máy chụp ảnh cũ, vài cái quần jeans cũ, mấy cái áo thun cũ. Và duy nhất, một cái áo sơ-mi mới mặc được 3 lần.

Với Ngô, vậy là đủ đầy rồi. Ngô hoàn toàn không muốn có thêm bất kỳ vật dụng nào khác.

Vì sao vậy?

1. Bởi thu nhập của Ngô chỉ cố định bấy nhiêu một tháng thôi, khéo chi tiêu thì đủ, không khéo chi tiêu thì cố cho đủ. Làm người mà, mỗi người một phần số, mỗi người một phúc phận. Tự mình biết mình là đã may mắn lắm rồi.

Ngô nghĩ, bi kịch lớn nhất của một cá nhân là cứ loay hoay, thấy người ta có cái gì cũng phải làm cho kỳ bằng mới được. Giả như, thấy hàng xóm có cái nhà biệt thự hoành tráng quá, cũng phải vay mượn muôn hướng, để xây cái nhà y chang vậy. Giả như, thấy ông bạn ngày còn túi rỗng giày há mõm thời sinh viên, giờ đi chiếc Mercedes nhìn mê ly quá, vậy là cũng phải vay khắp nơi để sắm một cái xe tương tự để đi… Rõ ràng, tư duy kiểu này không ổn chút nào.

Người ta có điều kiện, người ta xây một khoảng sân rộng. Trên khoảng sân đó, người ta xây hồ bơi, người ta xây sân tennis, người ta làm hòn non bộ, người ta trồng cây tùng cây bách, người ta nuôi chim công chim trĩ…  Thậm chí, người ta tổ chức những buổi sexy show ngay bên cạnh hồ bơi để giải trí… là chuyện của cá nhân người ta.

Ngô nhìn thì thấy đời sống như vậy rất thú vị, rất đúng chất dân chơi. Nhưng mà, như Ngô vừa nói, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Tỷ phú có nếp của tỷ phú, đại gia có nếp của đại gia, nhà giàu có nếp của nhà giàu… Ngô không cố được. Dẫu, với uy tín của mình, với quan hệ của mình, biết đâu nếu may mắn Ngô vẫn có thể vay một khoản tiền tương đối để chơi cho quên trời quên đất. Nhưng, sau lúc quên trời quên đất đó sẽ như thế nào.

Đó là lúc Ngô phải oằn lưng ra trả nợ. Ngô trả nợ không xong, thì con trai của Ngô sẽ tiếp tục trả nợ. Con trai của Ngô tiếp tục trả nợ cũng không xong, thì cháu nội của Ngô lại vẫn kế thừa khoản nợ đó… Ôi, cứ như vậy hoài thì làm sao mà Ngô, lẫn con Ngô, cháu Ngô được hưởng cái phần vui vẻ trong đời sống này đây. Càng nghĩ, Ngô càng cảm thấy sợ mà không dám mạo phạm những nguyên tắc cá nhân do Ngô tự đề ra.

Minh họa: Hữu Khoa.

2. Bấy lâu, Ngô có nghe tiền nhân đúc kết về sự khốn khó nhất của đời người, như sau: “Thứ nhất, vợ dại trong nhà/ Thứ hai nhà dột, thứ ba nợ đòi”. Ở một vài dị bản sẽ là “thứ ba rựa cùn”. Nhưng Ngô cho rằng, rựa cùn thì cũng khó chịu đó, thì cũng bực bội đó, nhưng rựa cùn so với vợ dại hay nhà dột thì không thể bằng được, lại càng không đủ éo le để so sánh với nợ đòi.

Mắc nợ khổ lắm, Ngô nói thiệt. Sống trên đời này, không có gì khổ hơn mắc nợ cả. Xưa giờ mọi người cứ hay bảo, nợ tiền là cái nợ có thể trả, chứ nợ ân tình là nợ vay mãi muôn đời. Chính xác rồi, ân tình thì chỉ có báo đáp chứ làm sao có trả vay. Nhưng, nợ tiền thì có thể trả không(?).

Ngô ví dụ. Ngô đi ăn sáng, ăn xong Ngô có kêu kèm thêm một ly cà phê. Xong. Ngô hốt hoảng phát hiện mình quên mang theo ví. (Thật ra, Ngô đã từng bị như vậy). Không còn cách nào khác, Ngô phải xin nợ buổi ăn hôm đó trong thoáng chốc, rồi Ngô về nhà mang tiền ra trả. Ngô gọi, đây là cái nợ có thể không khiến mình lấn cấn. Bởi, khoản nợ này rất nhỏ so với khả năng của Ngô. Quan trọng hơn, khoản nợ này hiện hữu trong tình huống bất khả kháng, Ngô không còn cách chọn lựa. Tất nhiên, là quán quen. Chứ là quán lạ thì họ sẽ không cho Ngô nợ thoải mái vậy rồi, Ngô bắt buộc phải bỏ lại vật dụng nào đó của Ngô nếu muốn rời khỏi quán. Như một dạng cầm tin.

Đó chỉ là câu chuyện vặt vãnh thôi, đó cũng chỉ là món nợ vặt vãnh thôi. Nhưng, do đặc tính cố hữu, Ngô rất lo chuyện thiếu nợ được lần một sẽ thiếu nợ lần hai. Mượn nợ được lần một, sẽ mượn nợ được lần hai. Ngô lại càng không có cái tầm như điển tích “Mẹ Mạnh Tử dạy con”. Chỉ là, Ngô hay soạn ra những nguyên tắc cho riêng Ngô thôi.

Hồi đó, Ngô có dư một khoản tiền. Ngô rất muốn mua chiếc xe gắn máy hiệu A. Tuy nhiên, khoản tiền dư của Ngô không đủ, nếu muốn mua Ngô phải vay của bạn bè. Bạn bè Ngô rất hào phóng với Ngô. Mấy lần Ngô soạn tin nhắn điện thoại có nội dung vay tiền bạn, rồi Ngô lại xóa. Cuối cùng, Ngô mua chiếc xe gắn máy hiệu B. Mua xong, còn ít tiền thừa, Ngô mời bạn bè đi ăn gọi là “rửa xe”.

Vậy đi, cho nó thoải mái. Đi xe hiệu A thì chắc chắn đẹp hơn hiệu B, chắc chắn oai hơn xe hiệu B một chút, nhưng mà tâm cứ áy náy, rồi đầu phải suy tính “Tháng này tiết kiệm đầu này, dè sẻn đầu kia để trả tiền cho bạn” thì cũng mất hết cái khí chất của một gã vừa có tiền mua xe gắn máy ngay.

Tất nhiên là Ngô vẫn biết, bạn bè yêu thương nhau, cá nhân yêu thương nhau, đồng nghiệp yêu thương nhau, thì phải chia sẻ khó khăn cùng nhau. Không tự dưng mà có câu, “Giàu vì bạn, sang vì vợ”.

Thế nhưng, Ngô lại nghĩ, mình khó khăn, bạn bè giúp đỡ thì bạn đã làm đúng đạo lý rồi. Vậy mà, mình lại mang sự giúp đỡ của bạn bè để tiêu xài phung phí, để giấu diếm làm của riêng, để ăn chơi trác táng, để nuôi mỹ nữ, để hầu giai nhân, để ngay cả lúc không cần vẫn tiêu… tức là mình đã không trọn đạo với bạn. Mà phàm là người, người trọn đạo với ta, ta không trọn đạo với người thì coi làm sao cho đặng.

Với lại, mượn nợ cực lắm. Cái này, Ngô nói thiệt. Giả như, Ngô mượn nợ bạn một đống tiền. Xưa, trước khi chưa mượn nợ, Ngô với bạn ngồi ngang hàng. Bạn nói sai, có khi Ngô cáu mà cãi. Bây giờ, Ngô vay nợ bạn rồi, bạn có nói sai, Ngô cũng phải hùa mà cười theo, chứ không nhẽ Ngô bật lại. Bật lại, không may bạn hỏi, “Chừng nào trả tiền tao mày?”, Ngô biết trả lời làm sao.

Vậy đó, khi trở thành một con nợ, thì vô hình trung mình đã tự tước đi một vài đặc quyền của chính mình rồi. Huống hồ, không phải điển tích chưa từng ghi, không phải thánh nhân chưa từng kể, những câu chuyện do mượn nợ mà phải bán vợ cấn con, âu sầu thảm thiết vô biên.

Thêm nữa là, Ngô chưa thấy người đàn ông nào có trách nhiệm với gia đình lại đi mượn tiền hết lần này đến lần khác cả. Ừ, thì do không may, mượn lần đầu làm ăn thất bại đành phải mượn thêm để hy vọng gây lại cơ nghiệp. Đến lần thứ hai vẫn không may, thôi du di cho thêm lần thứ ba. Rồi cả lần thứ ba cũng không may, kéo theo lần thứ năm, lần thứ sáu, lần thứ bảy… thì thú thiệt là Ngô không biết phải gọi người đàn ông chuyên đi vay nợ này là gì nữa(?!). Đó là chưa kể chuyện, vay nợ cứ vay nợ, nói cười oang oang cứ nói cười oang oang.

Mà, những bạn đọc đáng kính và kiến văn uyên bác của Ngô cho Ngô hỏi, “Thể loại vay nợ xong cười nói oang oang cứ như vừa ghi chiến công thì nên dùng danh xưng như thế nào cho tương xứng, nhỉ?”.

3. Xin là xin, cho là cho, còn mượn là mượn. Đơn giản hơn, xin thì nhớ ơn, cho thì tùy theo trường hợp mà nhận lãnh, còn mượn là phải trả.

Có điều, Ngô thấy chuyện này rất lạ. Nhiều cá nhân cầm tiền trong tay, thì bất chấp đó là tiền vay nợ nhưng vẫn vui mừng và chi xài như tiền trúng số vậy. Đây là tâm lý rất thông thường nhưng lại hết sức nguy hiểm của rất nhiều người. Cầm tiền thì thấy tiền thôi, chứ tuyệt nhiên không thấy được những khó khăn trong tương lai, khi mà phải oằn lưng ra trả nợ. Lại nữa, không trả được nợ lại phải vác mặt xin đi khất nợ, đi xin thương lượng để trả lãi trước khi trả gốc… Thật là, khốn nhục vô cùng.

Đó là Ngô chưa nghĩ đến chuyện Ngô có nhắc phía trên, mình trả không được nợ thì đến thế hệ con cháu mình phải tiếp tục thay mình trả.

Mình sinh ra trong đời này, mình có con có cháu, mình không lo lắng cho con cháu mình được vẹn toàn như con cháu của thiên hạ, tự phải lấy làm xấu hổ chứ. Có đâu, lại còn gây nợ để con cháu mình gánh. Con cháu mình có chi xài đâu, con cháu mình có làm gì nên nỗi đâu.

Quan trọng hơn, rất ít con cháu trót không may sống trong cảnh túng thiếu mà có đủ điều kiện để phát triển, để tiến xa hơn, để thuận tiện hơn trong chuyện tu dưỡng, học hành, công việc.

Ngô càng viết, Ngô càng uất, Ngô càng đau, Ngô càng buồn… Vì Ngô biết rằng, chỉ có ít những cá nhân như Ngô là không muốn mắc nợ thôi. Còn lại, quá nhiều cá nhân khác vẫn lấy nợ như là một sự vinh thân.

Đời cha ăn mặn, đời con khát nước. Nhẽ đời, là vậy rồi mà!.

Ôi, Ngô biết phải làm sao

Ngô Nguyệt Hữu
.
.