Không là thiên tài, thì làm thế nào?

Thứ Hai, 25/01/2010, 10:00

Khi Newton nhìn quả táo rụng, một linh cảm nghệ sĩ hay là một linh cảm khoa học, không biết nữa, chợt đến, và đó là khởi đầu cụ thể cho thuyết Vạn vật hấp dẫn.

Khi thấy mình nổi lên trong bồn tắm, Archimedes quên cả mặc quần áo, chạy ra đường và kêu lớn "Eereca!" (Thấy rồi!), và từ đó, lý thuyết về lực đẩy của nước ra đời. Đó là một linh cảm nghệ sĩ hay là một linh cảm khoa học, không biết nữa.

Nhưng nếu Newton và Archimedes, hàng ngày, hàng giờ, không đau đáu bởi hai câu hỏi: "Vì sao táo chỉ rụng về đất?" và "Vì sao thuyền lại nổi được?", thì làm sao có thể có lý thuyết về lực hấp dẫn và lực đẩy của nước.

Đó là những ví dụ - bài học sơ đẳng, cổ xưa về sự sáng tạo và kích thích sáng tạo, mà bất cứ một sinh viên vật lý nào cũng biết.

Khi người ta luôn đau đáu về một việc lớn, thì chỉ một duyên cớ cực nhỏ, có khi cũng trở thành ngòi làm nổ tung cả khối nổ.

Đấy là trường hợp của các thiên tài. Rõ rồi, Newton và Archimedes hiển nhiên là các thiên tài. Và, còn nhiều người khác nữa.

Thế người thường như chúng ta, thì liệu có "khối nổ" nào trong người không, để phải cần đến cái "ngòi nổ" kia?

Theo tôi, có đấy, miễn là ta phải dẹp bỏ sự tự ti, để có thể coi "Thiên tài là hàng xóm nhà mình" (Chữ của họa sĩ kiêm nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân) chứ không phải là con ngáo ộp. Tất nhiên, chớ vì thế mà mắc bệnh "Vĩ cuồng".

Không là thiên tài, ta đành phải "đau đáu" nhiều hơn để tích mãi cho trong người có một "khối nổ", rồi lại phải chăm chú nhiều hơn để gặp được một duyên cớ, gặp được một "ngòi nổ" hiếm hoi, mà nếu là thiên tài, có thể "nhìn đâu cũng thấy".

Hôm trước, vợ con đi vắng cả, ba tầng nhà trống không, gió lạnh về, tết thì sắp đến, ngồi trong thư phòng, chợt nhìn thấy lại cuốn "Phạm Tiến Duật toàn tập", ngẫm sự đời, nhớ anh Duật, tôi viết trong 10 phút: Thơ thì xong việc rồi - Người không còn ở nữa - Tết này trên trời cao - Có nhiều "đèn" với "lửa"? Rừng Lào ít ai sang - Trường Sơn thành đại lộ - Nữ thanh niên xung phong - Chùa quê, ngồi gõ mõ. Cam thảo đường Thuốc Bắc - Vẫn bay hương thơm lừng - Bây giờ nhiều bệnh lạ - Bắt, bốc hoài chưa xong. Những vùng rừng không dân - Lại càng không ai ở - Đô thị hóa rầm rầm - Người bỏ rừng xuống phố. Những đội xe không kính - Chỉ còn trong thơ thôi - Ừ, chỉ thơ thôi nhỉ - Là chạy trong lòng người? Người, đời chẳng tày gang - Cũng chẳng mong gì nữa - Ảnh đã lên ban thờ - Thơ trên bàn lính cũ. (Tết, viếng Phạm Tiến Duật).

Nếu không có 5 tháng làm chủ biên cuốn "Phạm Tiến Duật toàn tập", nếu nhà không vắng thế, gió không lạnh thế, chắc tôi cũng không có bài thơ viếng anh ấy, người mà tôi vừa kính, vừa yêu, vừa giận.

Lại nhớ, ngày ra Côn Đảo, theo yêu cầu của tôi, Giám đốc Bảo tàng Côn Đảo đưa riêng tôi đi xem các khám tù, và cứ ở mỗi một "loại hình" phòng giam, cô ấy lại nhốt tôi  vào đó 10 phút, "như thật", xem sao. Về nhà, muốn viết về Côn Đảo mà suốt ba tháng, tắc tị! Cho đến một hôm, cũng cả nhà đi vắng, nằm nghĩ rồi ngủ quên trên sập lúc nào không hay, chợt bên tai văng vẳng lời ai: "Họ là những lá cờ, được cắt ra từ những tấm vải, mà lịch sử đã chọn để may cờ chiến". Bật tỉnh, tôi cũng bật cười - bật khóc luôn, vì chính miệng tôi đang lắp bắp câu ấy, cho tai tôi nghe! Thế là ngồi vào bàn và bài thơ dài về Côn Đảo ra đời nhanh chóng. Phần ba: "Những lá cờ", được viết đầu tiên và những câu đầu là: Họ - là những lá cờ - được cắt ra  - từ những tấm vải - mà  - lịch sử đã chọn - để - may cờ chiến. Không phải thứ vải - thơm phức nước hoa - được giặt là phẳng phiu - dùng - may thời trang êm ái bây giờ…

Thơ viết xong, chưa in, tôi bọc một bản thảo photocopy vào nilon, gửi ra Bảo tàng Côn Đảo tặng cô giám đốc, vì sợ khi chuyển bằng tàu biển, nước biển có thể làm hỏng nó.

Mấy tháng sau, Bí thư Huyện ủy Côn Đảo gặp tôi ở Hà Nội. Anh ấy bảo, khi Huyện ủy Côn Đảo đang họp, thì Bảo tàng đưa bản thảo của tôi sang. Đọc phần này, các anh đều khóc và nhất trí mời tôi ra Côn Đảo ở ba tháng, tại nhà khách Huyện ủy, bên rừng cấm Quốc gia. Thế mà rồi lại đau đáu vì bao việc khác, đến giờ tôi vẫn chưa trở lại nơi ấy được!

Lại một dịp, 11h đêm, có khách lạ bấm chuông ngoài cổng. Khách lạ vừa thấp, vừa đen, vừa rụt rè, chỉ đôi mắt là sáng và răng thì trắng. Anh ta xin vào nhà nói chuyện. "Nhà tôi không tiếp người mà tôi không biết" - tôi bảo. Anh ta nói: "Có cái trại viết ca khúc cho 1.000 năm Thăng Long ở Đại Lải. Chưa gặp được anh, tôi đã trót đăng ký một ca khúc, lời của anh còn nhạc của tôi. Anh cố viết cho tôi phần lời". Tôi bảo: "Xưa nay, tôi chưa hề làm thơ theo đơn đặt hàng. Tôi không phải là người làm thơ chuyên nghiệp". Thế là cuộc nói chuyện bất thành vì tôi không mở cổng.

Một tuần sau, lại 11h đêm, lại chuông reo, lại vẫn người khách ấy. Chỉ khác là, lần này anh ta mang theo một chiếc guitar thùng. Tôi ra, nhưng cũng không mở cổng. Anh ta trỏ vào mặt tôi, bảo: "Ngạo mạn nó vừa vừa chứ! Đấy không viết thì đây viết lấy. Đây cũng phổ nhạc xong rồi. Hôm nay đây đến hát cho đấy nghe". Tôi bật cười, mở cổng. Vào nhà, anh ta vừa gảy đàn vừa hát một… câu khẩu hiệu! Tôi lẳng lặng mở cổng tiễn khách. Anh ta vứt đàn xuống đất và nói: "Ngứa tai hả? Ngứa tai thì viết đi!". Vì tự ái, tôi nói mà không cần nghĩ: "6h sáng mai, đến lấy lời".

6h sáng hôm sau, anh ta đến và tôi đã không thất hứa. Bài thơ "Thăng Long" tôi viết suốt đêm hôm ấy, giờ đã là lời của hai giao hưởng - hợp xướng và bốn, năm ca khúc ngắn khác. Bài thơ như sau: Có một Thăng Long huyền thoại - Rồng lên từ phía sông Hồng - Có một Thăng Long áo mỏng - Gió đùa quanh tấm lưng ong. Có một Thăng Long sát Thát - Tinh kỳ rợp Đông Bộ Đầu - Có một Thăng Long thơm ngát - Mặt hoa nồng nàn đêm sâu. Có một Thăng Long Nguyễn Trãi - Chong đèn viết sách bình Ngô - Có một Thăng Long mềm mại - Tựa vai ta, bước bên hồ. Có một Thăng Long Lê Lợi - Giặc tan, trả lại gươm thần - Có một Thăng Long mắt sẫm - Môi cười như đóa hoa xuân. Có một Thăng Long Nguyễn Huệ - Ngựa phi trong sắc hoa đào - Có một Thăng Long e lệ - Mắt nào góc phố tìm nhau. Có một Thăng Long xa lắm - Lối xưa, xe ngựa, hồn thu -  Có một Thăng Long đang thở - Bên ta, từng phút từng giờ. Có một Thăng Long Hoàng Diệu - Treo mình tử chiến giữ thành - Có một Thăng Long chung thủy - Chờ nhau mấy cuộc chiến tranh. Có một Thăng Long cờ đỏ - Bay quanh tóc bạc Bác Hồ - Có một Thăng Long bé nhỏ - Không bao giờ thôi mộng mơ. Có một Thăng Long bốc cháy - Đưa tiễn Trung đoàn Thủ đô - Có một Thăng Long hờn dỗi - Bên thềm, mắt ướt như mưa. Có một Thăng Long mũ lưới - Bộ đội vào năm cửa ô - Có một Thăng Long dẫn cưới - Bằng cả một đoàn xích lô. Có một Thăng Long lẫm liệt - Pháo đài bay rụng mặt hồ - Có một Thăng Long răng trắng - Cắn vào quả sấu đầu thu. Có một Thăng Long bỏ ngỏ - Giặc vào không còn đường ra - Có một Thăng Long gót đỏ - Tóc dài bên liễu thiết tha. Có một Thăng Long thương nhớ - Người đi mở cõi mơ về - Có một Thăng Long thon thả - Khép hờ vạt áo ngoài kia.

Từ đó, tôi và chàng "khách không mời" kia chơi với nhau và tôi còn viết cho anh ấy vài ca từ nữa, không hay bằng trước, có lẽ vì tôi không còn "khối nổ" nào trong người và anh ấy cũng không nghĩ ra cái "ngòi nổ" nào hay hơn chăng? Anh ấy chính là nhạc sĩ Văn Thành, trước ở Đoàn Ca múa Phòng không - Không quân, bây giờ đã về Hội Nhạc sĩ thì phải.

Lại đến lúc Phan Cẩm Thượng thấy tôi bỏ việc, bảo tôi viết hàng tháng cho tạp chí của anh ấy, về bất cứ bài thơ nào tôi thích. Thế là chưa kịp nghỉ ngày nào, tôi dịch "Tương tiến tửu" của Lý Bạch. Rồi từ đó, tôi xong ba cuốn Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị trong hai năm. Bây giờ lại xong gần một nửa cuốn "Bách gia Đường thi" gần 2.000 trang nữa. Tôi còn rất nhiều ví dụ như vậy.

Ngồi nghĩ lại, thấy tích thuốc là việc của mỗi người, nhưng để kích nổ khối thuốc ấy, thì cần có bè bạn, có ngoại cảnh tác động vào. Nam Cao cũng bảo, vợ con nhăn nhó, mè nheo cả ngày, văn hứng trôi tuột đâu mất! Bè bạn, anh em không động viên, kích thích, "thuốc nổ" cũng dễ nằm im, nhất là với những người mải chơi như đám thi sĩ không thiên tài chúng tôi.

Thì đấy, nếu Hồng Thanh Quang không bảo viết, và "viết gì tùy anh", chắc gì tôi đã ngồi vào bàn

Đỗ Trung Lai
.
.