Khoan lấy sức dân

Thứ Ba, 03/01/2017, 11:08
Thêm lần nữa, đề án thu phí xe ô tô vào trung tâm TP HCM lại được đưa ra bàn thảo. Lần này, những người muốn thực hiện đề án ấy lại tiếp tục nhân danh nhằm giảm ùn tắc giao thông, xem đó là giải pháp để cải thiện vấn nạn giao thông đô thị.

Ngô tôi hiểu là nếu không có tiền thì chẳng làm được điều gì cả, nhưng nếu vạn sự đều xem tiền là một phương thức giải quyết thì mọi thứ sẽ ra sao.

1. Đề án thu phí xe ô tô lưu thông vào khu vực nội đô thành phố vốn không mới, năm 2010 mấy ổng trình một lần, cù cưa mãi rồi im lặng. Xong đến giờ là cuối năm 2016 mấy ổng trình thêm lần nữa. Thu phí như vậy ấy mà, kiểu qua trạm BOT vậy. Có điều khác là thu ở trung tâm thành phố thì không có rào chắn, cứ làm cái thẻ từ để mỗi lần vào đến vạch trung tâm thì chắc là kêu bíp phát rồi trừ tiền vào tài khoản ngân hàng thôi.

Mấy ổng nói là, thu phí vậy sẽ giúp giảm tải phương tiện giao thông vào nội đô. Ngô ở phố mười mấy, hai mươi năm rồi, toàn thấy vùng ven kẹt xe là nhiều chứ có mấy khi thấy trung tâm thành phố bị tắc đường đâu. 

Mà dạo này ngoài trung tâm đang xây dựng nhiều, nhất là cái công trình Metro nên đi lại hơi khó xíu. Chứ bình thường giờ tan tầm cũng có đông, nhưng bảo kẹt thì không biết kẹt hồi nào nữa. Hay là người ta ngồi phòng lạnh người ta thấy kẹt, còn Ngô tôi phơi mặt ra ngoài đường thì thấy không kẹt chăng.

Người sở hữu ô tô xứ mình, sướng thì chắc cũng có nắng không đến mặt mưa không đến đầu, nhưng nỗi tủi hổ thì cũng lắm. Cứ ba tuần mười ngày, sáu tháng một năm lại bị lôi lên bàn nghị luận để răn dạy đủ điều, để nghe đổ thừa đổ thãi đủ điều. 

Cứ tưởng dân sở hữu xe ô tô thì nhà quản lý sẽ cảm thấy vui vui một chút, hóa ra toàn nhầm. Cứ có chuyện lại lôi người sở hữu ô tô ra mắng, rồi đổ thừa lấy được. Mà để sở hữu một cái ô tô ở nước mình thì có dễ dàng gì đâu, đóng tám nghìn chín trăm ba mươi mấy vạn loại thuế, xong đến phí, xong đến cầu đường, kiểm định, rồi còn xăng dầu nhiên liệu, môi trường môi sinh đủ cả. 

Ra đến đường quốc lộ thì trạm thu phí bủa vây, thập diện mai phục đố ai mà thoát được. Đường sử dụng cũng đóng mà đường không sử dụng cũng đóng nốt, hệt mấy anh mấy chị gì đấy ở Nghệ An mang xe ô tô ra quốc lộ để phản ứng trạm thu phí ấy mà. 

Cái đau nhất chính là, câu chuyện trạm thu phí vốn chưa bao giờ minh bạch, truyền thông viết mấy trăm mấy nghìn bài phản ánh nhưng rồi cứ như nước đổ lá khoai, đâu lại vào đấy. Miếng bánh to quá, ai nói gì nói, mình ăn cứ ăn. Cắn được miếng to cho đẫy miệng, không cần nhai cứ nuốt trọn thì thích.

Trở lại dự án thu phí khi xe ô tô lưu thông vào trung tâm, nói gần nói xa thì cứ thẳng thắn với nhau rằng, có chuyện thì mới phải điều khiển xe vào trung tâm chứ không có chuyện thì vào đấy làm gì. Nên ông chuyên gia bà chuyên gia nào bảo rằng việc thu phí sẽ khiến người điều khiển phương tiện giao thông cân nhắc lựa chọn tuyến đường để tránh mất tiền. Bảo vậy mà cũng xưng là chuyên gia thì Ngô chịu hẳn hai tiếng chuyên gia đầy phù phiếm ấy.

Minh họa: Lê Phương.

  1. Thế không lựa tuyến đường này do thu phí thì dồn xe vào tuyến đường khác, hỏi tuyến đường khác có ùn tắc hay không? Chuyên với chẳng gia, nói chuyện chẳng khác nào bắt cóc bỏ vào đĩa rồi gật gù, "Nó có nhảy đi thì cái đĩa này mới trống, còn nó nhảy sang cái đĩa nào thì kệ nó".

Giả như người đi làm ở khu trung tâm, gia đình có con em theo học ở trường đặt tại khu vực trung tâm thì cho dù có đóng phí vẫn phải điều khiển phương tiện giao thông vào tuyến đường đó thôi. Chứ không lẽ dừng xe ở bên ngoài khu vực được gọi là trung tâm để đi bộ vào à.

Thế nên, muốn tận thu thì cứ nói là tận thu, chứ toàn sử dụng uyển ngữ thế này thì buồn cười lắm lắm lận. Còn đề án do một ông công ty tư nhân đề xuất, kiến nghị; rồi chính công ty tư nhân này thực hiện luôn, chẳng khác nào chuyện lãnh đạo bắt tay với tư nhân để cùng trục lợi vậy.

2. Nhà quản lý mà nhìn đâu cũng nghĩ ra chuyện cấm đoán, tăng phí thì chắc chắn không phải là một nhà quản lý giỏi rồi. Nhà quản lý giỏi trước khi đưa ra dự án, đề xuất nào ảnh hưởng đến đời sống nhân dân đều phải khảo sát, cân nhắc, họp bàn rất kỹ. 

Chuyện ảnh hưởng đến đông đảo bộ phận nhân dân có phải là chuyện trà dư tửu hậu, chém gió đồn thổi đâu mà muốn làm gì thì làm, muốn đề xuất gì thì đề xuất. Mục tiêu lớn nhất của nhà quản lý vẫn là giải pháp làm sao để cho nhân dân đều đồng thuận hướng đến hiệu quả cao nhất của cái chung.

Thực hiện điều này có khó không? Dĩ nhiên là khó rồi, khó nên mới cần nhà quản lý. Khó nên người nắm vai trò quản lý luôn được thụ hưởng nhiều quyền lợi (Thậm chí, là quyền lực). Còn nếu làm nhà quản lý mà dễ thì ai làm mà không được. Ngô tôi tài hèn sức mọn nhưng nếu làm quản lý chỉ đơn giản là tăng phí, tăng thuế hay cấm đoán thì Ngô tôi dư sức làm, chẳng thua kém ai. 

Chống ùn tắc tại đô thị có mấy vấn đề chính mà mấy ông quản lý không tính đến, cứ chăm chăm nhìn vào túi tiền của nhân dân là giỏi. Đó chính là việc quy hoạch quá nhiều trung tâm thương mại, chung cư, cao ốc phức hợp ở ngay trung tâm thành phố thì lấy gì mà không tăng mật độ phương tiện lưu thông trên đường.

Tỷ như hiện tại các đô thị ở nước ta xem chung cư cao cấp chính là thần dược cứu nhân vật trong vấn đề nhà ở, an cư lạc nghiệp gì gì đấy. Không cần để ý đến quy hoạch, cứ nay doanh nghiệp này làm, mốt tập đoàn kia làm, rồi đua nhau chung cư cho người nhiều tiền, chung cư cho người vừa vừa tiền, chung cư cho người ít tiền. 

Năm đến mười năm nữa (chắc không lâu đến vậy đâu), những thị dân sẽ được chứng kiến cảnh trèo lên vai nhau cũng không có đường lưu thông ở những khu vực như vậy. 

Nguyên lý rất cơ bản, tất cả đều đổ ra đường cùng lúc thì chỗ nào có dân số cao hơn sẽ ùn tắc nhiều hơn, mà có chỗ nào dân số cao hơn những chung cư san sát nhau đâu. Kiểu như chạy xe qua một ngôi trường giờ tan tầm, lúc nào không khó điều khiển xe ở tuyến đường có học sinh vừa tan học.

Việc phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là đường sá tại các đô thị lớn nói chung và TP HCM nói riêng là việc rất khó trong thời điểm này. Thời điểm mà ngân sách địa phương được giữ lại đều bị cắt giảm, thắt lưng buộc bụng cùng Chính phủ vượt khó. Hơn nữa, mỗi mét vuông đất ở đô thị bây giờ đi liền với khúc ruột của người sở hữu, chuyện thương thuyết thương thảo gần như là không thể.

Thế nên, câu chuyện giảm ùn tắc không có cách nào khác là nâng cấp các phương tiện giao thông công cộng. Giải pháp này tưởng dễ nhưng lại rất khó, cứ nhìn Thủ đô Hà Nội chi đến 55 triệu USD, kèm thêm giải pháp cấm xe máy, cấm xe taxi ở một số tuyến nhằm ưu tiên đường cho xe buýt nhanh lưu thông là thấy ấy mà. 

Đã tốn một đống tiền cộng với sự ưu tiên lưu thông nhưng chỉ nhanh hơn xe buýt thường từ 5 đến 10 phút. Nội cái chuyện các phương tiện tham gia giao thông khác lưu thông cùng đường với xe buýt thì đủ để nhanh rồi, cần gì tốn thêm nhiều tiền đến vậy. Thế nhưng, chuyện này vẫn xảy ra, chuyện đến mức ấy vẫn xảy ra thì Ngô tôi chịu hẳn rồi.

Nhìn vào đây mới thấy tính minh bạch luôn là rào cản rất lớn trong mọi giải pháp nhằm có thể tháo gỡ vướng mắc. Nếu như giải quyết được bài toán minh bạch, phương tiện công cộng đích xác là nền tảng để giải quyết vấn đề giao thông đô thị. Phải làm sao đó để người dân an tâm sử dụng phương tiện giao thông công cộng, người dân thấy được tính hiệu quả và tiện dụng của loại hình giao thông này. 

Kiểu như xem phim, thấy trẻ con nước ngoài tự đi xe buýt đến trường và về nhà vậy, giảm tải được bao nhiêu phương tiện tham gia lưu thông trên đường. Phải minh chứng cho người dân thấy tính hiệu quả, tiện ích thì người ta mới sử dụng loại hình dịch vụ ấy chứ. 

Đằng này xe buýt thì cứ phóng ẩu trên đường, còn người dân thì vẫn cứ phương tiện cá nhân mà sử dụng. Không có thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng thì lấy đâu ra chuyện nề nếp giao thông đặc trưng của đô thị.

Thêm vào đó là điều chỉnh lại giờ giấc đến công sở, trường học của những người sống tại đô thị. Sự điều chỉnh giờ giấc này sẽ là rất khó, nhưng khó cũng phải làm. Ban đầu còn bỡ ngỡ nhưng sau sẽ quen dần đi, quan trọng là sự quyết tâm thực hiện thôi.

3. Bài toán giao thông đô thị phải được giải dựa trên những điều kiện cơ bản của đô thị, chứ không chỉ chăm chăm chuyện tận thu phí với không tận thu phí. Còn nếu vẫn cố moi tiền trong túi dân thì đó là chuyện khác rồi, liên quan gì đến giao thông đâu.

Nhưng gì thì gì, nhà quản lý phải có tâm niệm khoan sức dân để còn có cơ may cho hy vọng nảy sinh nữa.

Ngô Nguyệt Hữu
.
.