Khi tiếng Việt đụng chạm tiếng Anh

Thứ Năm, 30/05/2019, 17:04
Giáo sư Cao Xuân Hạo trong một bài viết của mình có nói: “Một trong những cái tội lớn nhất của thực dân Pháp là nền giáo dục mà họ đã áp đặt cho dân ta”.

Cụ thể là, người Pháp dạy học sinh An Nam thứ ngữ pháp cổ lỗ sĩ từ thế kỷ 18. Và theo ông, môn ngữ pháp tiếng Việt thất bại hoàn toàn là bởi thứ được đem ra dạy là ngữ pháp tiếng Pháp, chả qua lấy thí dụ bằng tiếng Việt thôi.

Bài viết đăng năm 2000. Sau gần 20 năm, nếu còn sống, có lẽ giáo sư sẽ còn thấy tiếng Việt xa lạ hơn nữa. Nhưng lần này, “thủ phạm” là tiếng Anh. 

Mặc dù đối với tiếng Anh, đó là một vấn đề phức tạp hơn nhiều. Bởi người Anh không bắt ta học tiếng Anh nhưng tiếng Anh là môn học cấp thiết với mọi quốc gia. Hay nói như cố Thủ tướng Lý Quang Diệu khi ông chọn tiếng Anh là ngôn ngữ chung cho Singapore: “Tiếng Anh là chìa khóa để không bị tụt lại đằng sau”.

Nền kinh tế phát triển vượt trội của đảo quốc sư tử là bài học mẫu mực cho nhiều quốc gia láng giềng. Việt Nam là một trong số đó. Nhưng “không tụt lại đằng sau” không có nghĩa là vứt bỏ tất cả lại đằng sau.

Phạm Quỳnh từng nói: “Tiếng ta còn, nước ta còn”. Nhưng hiện nay, tiếng Việt đang bị tổn thương trầm trọng.

Sự thiệt thòi của tiếng Việt

Hồi tôi tham gia cuộc thi Văn học tuổi 20 của Nhà xuất bản Trẻ, trong số các tác phẩm lọt vào chung kết, có nhiều tác phẩm mà các trang phê bình nhận xét rằng, không mang chút gì màu sắc của Việt Nam, đôi khi đọc mà tưởng là văn học dịch.

Chúng đặt ra những bối cảnh mang đậm tính cosmopolitan - tức là chủ nghĩa thế giới, nơi mà, nếu một nhân vật trót có cái tên là Long hay Hoa, thì đột nhiên nó trở nên lạc quẻ. 

Sự xê dịch về thế giới quan văn chương của thế hệ những cây bút đương đại bắt nguồn từ một khung kiến văn rất khác, đã chuyển dịch từ Nguyễn Du, Đường thi, thơ Hán Nôm sang Orwells, Kafka, Nabokov.

Tiến trình hội nhập văn học là điều tất yếu và là điều phải có. Còn nhớ ở Nhật Bản, sau 250 năm bế quan tỏa cảng, khi mở cửa trở lại, các văn sĩ thời đó là Natsume Soseki hay Mori Ogai cũng đều đi học ở phương Tây, đến khi về nhà, họ chăm chỉ dịch văn chương nước ngoài sang tiếng Nhật, từ đó thúc đẩy một cuộc canh tân cho văn học Nhật Bản.

Văn học Việt Nam có lẽ cũng đang ở một giai đoạn tương tự. Năm 2018 là năm bùng nổ văn học dịch. Một nhà phê bình có viết vui rằng: “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua/ Sách vở hay ho khắp nước nhà/ Nam Bắc thi đua sòn sòn đẻ”

Tuy nhiên, nếu như những Natsume Soseki, Mori Ogai dù tò mò với cái ngoại lai nhưng vẫn thao thức mỹ cảm và cội tính Nhật Bản thì ở Việt nam, nhiều tác phẩm thay vì phát triển những chủ đề hiện đại bằng tấm áo tiếng Việt thì ngay đến cả sự trong sáng của tiếng Việt họ cũng không giữ nổi.

“Từ một chốn nào đó mà tôi không rõ cũng chẳng thể gọi tên đã bị nổ tung và vương vãi như trăm vạn cánh hoa hồng bị nhuộm trắng, như những mảnh của da”. Đây là trích trong một cuốn sách văn học đoạt giải Sách quốc gia năm 2016. 

Câu này được viết như một mệnh đề trong tiếng Anh, song, tiếng Việt không có cấu trúc câu như thế. Không phải cứ mở rộng biên giới ngôn ngữ là làm giàu tiếng Việt. Có những sự mở rộng khiến tiếng Việt trở nên thập cẩm.

Sự xâm hại tiếng Việt không phải chuyện riêng của văn đàn. Nó ở khắp nơi. Thậm chí nhiều người xâm hại mà còn không biết mình xâm hại. 

Ví một bài báo trên Zing viết: “Trở về từ Asian Cup 2019, tuyển Việt Nam nhận được nhiều lời khen ngợi”. Câu này nghe qua có vẻ rất đúng nhưng đó là câu không thuần Việt. 

Trong cuốn Tiếng Việt, văn Việt, người Việt có nói, người Việt diễn đạt tuần tự sự việc đã xảy ra, người Việt nói “từ A trở về B”, còn “trở về từ A” là sự diễn đạt vay mượn từ tiếng Anh, tiếng Pháp.

Có lần, xem thông tin việc làm trên mạng, tôi tá hỏa khi thấy nghề “săn đầu người”. “Săn đầu người” vốn là dịch từ “headhunt” trong tiếng Anh, chỉ những người “săn” nhân sự cấp cao. Trong tiếng Anh, từ này dù cũng có một lịch sử man di nhưng từ rất lâu đã thêm ý nghĩa khác, chứ đùng một cái dùng trong tiếng Việt thì ghê rợn quá.

Mặc dù vậy, người ta vẫn hồn nhiên dùng ngữ pháp, từ vựng tiếng nước ngoài trong chính văn bản tiếng Việt nhưng nếu ai mà có ý kiến phản biện, chắc sẽ bị quy tội bắt bẻ.

Sự tan vỡ của ngôn ngữ trong thời đại nói tiếng Anh

Chuyện là, hồi Alexievich được trao giải Nobel, báo chí tiếng Anh đặt câu hỏi bà là ai. Một người được giải Nobel văn học mà không ai biết là ai, đó nhất định là vấn đề lớn. Mọi người chỉ quên mỗi một điều, tác phẩm của Alexievich hầu như không phổ biến ở các nước nói tiếng Anh nên các nhà báo và phê bình không biết bà là điều đương nhiên.

Trong khi, Alexievich được đọc rất nhiều ở Nga cùng các nước thuộc Liên Xô cũ. Điều đó dường như chẳng có ý nghĩa gì vì tiếng Nga hay tiếng Ukraina đâu phải ngôn ngữ chủ lưu, nên Alexievich không được coi là nổi tiếng ở tầm quốc tế. Chữ “quốc tế”, trong nhiều trường hợp, chỉ hàm nghĩa “khu vực nói tiếng Anh” mà thôi.

Ngay từ năm 1780, học giả John Adams đã dự đoán sự thống trị của tiếng Anh. Khi tiếng Anh trở thành điểm giao cắt, thông tin được lưu thông dễ dàng. Điều đó rất tốt. Nhưng sự phát triển đơn tuyến của ngôn ngữ này cũng gây ra một hệ quả tai hại, nó tạo một sự mất cân bằng mà dễ thấy nhất là trong văn học.

Có hai nhà văn đương đại nhiều đóng góp cho văn học Nhật, một là Haruki Murakami, hai là Minae Mizumura. Người thứ nhất, bạn đọc quốc tế ai cũng biết. Người thứ hai, chắc chỉ có người Nhật biết cô là ai. Người Nhật có lí do để “xuất khẩu” Murakami. 

Văn chương của ông đầy mùi bơ sữa. Các nhân vật của ông thành thạo nấu spaghetti, nghe Duran Duran, đọc Gatsby vĩ đại. Cách viết của ông trôi chảy theo logic tiếng Anh. 

Trong khí đó, văn chương Mizumura trú ẩn trong một lớp vỏ kén mà người ngoại quốc không thể xâm nhập. Nó bảo tồn vẻ đẹp chân xác của tiếng Nhật và như thế, dựng lên một lớp vách ngăn giữa tiếng Nhật và tiếng Anh, không cây cầu nào có thể bắc qua.

Sự nổi tiếng của Murakami đã tạo nên một hiệu ứng chưa từng có trong văn chương: những tác phẩm không có bối cảnh văn hóa. Ngay ở Việt Nam, có rất đông các nhà văn trẻ dẫn ra Murakami như nguồn cảm hứng. 

Nhưng nếu như Murakami vẫn còn neo vào lịch sử Nhật Bản như vụ khủng bố sarin, chiến dịch Mãn Châu thì các tác giả tập tành bắt chước ông lại chỉ bắt chước cái nỗi cô đơn vu vơ bảng lảng trong tác phẩm, đôi khi ghép tiếng Việt một cách sống sượng vào những chủ đề ngoại lai, thành ra chỉ tạo nên những màn cosplay Murakami khéo léo.

Không biết đã có nhà văn hóa nào ở Việt Nam lên án chuyện đó chưa? Nếu có, chắc cũng sẽ rơi vào cảnh huống như Minae Mizumura. Bà viết cuốn Sự tan vỡ của ngôn ngữ trong thời đại nói tiếng Anh và rồi chịu tiếng là người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan.

Vì xây tháp Babel, con người bị Chúa trừng phạt bằng cách trở nên bất đồng ngôn ngữ. Nhưng với sự thống trị của tiếng Anh, chúng ta đã tự làm giảm nhẹ hình phạt của mình.

Sự thiệt thòi của tiếng Anh

Từng là một học sinh chuyên Anh của trường THPT Chuyên ngoại ngữ - một trong những ngôi trường danh tiếng về đào tạo tiếng Anh ở Việt Nam, thậm chí hiện tại kiếm sống nhờ việc viết tiếng Anh, tôi tin rằng thành thạo tiếng Anh là một lợi thế. Ít ra thì bạn có cơ may một ngày nào đó đọc được Ulysses - một kiệt tác được coi là bất khả dịch.

Nhưng từ quan sát của mình, việc giáo dục tiếng Anh ngày nay gần như không còn để dẫn lối người học vào một cung điện văn hóa giàu có của nhân loại. Ngay trong lớp cấp 3 của mình ngày xưa, mang tiếng là chuyên Anh nhưng chẳng ai dạy chúng tôi về Hamlet, Đồi gió hú hay Robinson Crusoe. Tất cả những gì học sinh được nhồi quanh quẩn ở các dạng bài ôn thi đại học: điền từ vào chỗ trống, viết lại câu, chia động từ.

Ngay cả những bài thi như IELTS, TOEFL cũng không khác hơn. Một khi đã học để thi thì cũng chỉ có chừng ấy dạng bài. Chẳng ai dại gì dạy học sinh cách đọc hiểu và thưởng thức giá trị ngôn từ trong một tác phẩm Anh ngữ, mà chạy đua dạy chúng cách đọc “skim and scan” - đọc lướt, đọc ý, để làm bài thi cho hiệu quả. Cứ than rằng học sinh lười đọc nhưng cách giáo dục của ta có khuyến khích ai đọc tử tế đâu.

Có nhiều người thậm chí nhân danh tiếng Anh chuẩn để đi ngược lại tiến trình phát triển của chính tiếng Anh. Các lớp học phát âm chuẩn Anh-Anh, Anh-Mỹ nhiều nhan nhản. Dạy cũng được nếu như họ không xây dựng nội dung quảng cáo với thái độ thượng đẳng, đánh vào tâm lí “sính ngoại” của học viên.

Như lần một anh giáo viên cậy mình là người bản địa, lên mạng xỉa xói cách phát âm tiếng Anh của người Việt, vậy mà người Việt lại hưởng ứng. Họ không để ý là sự quốc tế hóa tiếng Anh đã làm phun trào những dòng chảy tiếng Anh thiểu số: Singlish (tiếng Anh-Sing), Spanglish (tiếng Anh-Tây Ban Nha), Chinglish (tiếng Anh-Hoa).

Mà chính ở nước Mỹ, quê hương anh giáo viên đó chứ đâu xa, mỗi vùng một cách phát âm khác. Đại văn hào John Steinbeck từng kể chuyện cô con gái ông sau một thời gian sống ở Austin, đã hỏi cha mình có cây bút (pen) không nhưng lại phát âm thành có cây kim (pin) không.

Ban nhạc The Beatles vĩ đại những năm 60 cũng gây sốt vì nói tiếng Anh vùng Merseyside “nhà quê” thay vì giọng hoàng gia như các nghệ sĩ đương thời. Người ta coi đó là bước ngoặt để chúng ta hiểu đúng về sự đa dạng của tiếng Anh.

Thế mới thấy, tâm lí sính ngoại đâu chỉ làm hỏng tiếng Việt, nó làm hỏng luôn tiếng Anh nữa.

Đoạn đầu cuốn Sanshiro của Soseki, có nhân vật nói: “Những người nước ngoài thật đẹp, phải không?”. Câu ấy hàm ẩn sự sính ngoại của một cậu thanh niên mới lên thành phố. Mà thường, người ta chỉ sính ngoại khi bấp bênh với danh tính của chính mình. Và một dân tộc sinh ngoại là một dân tộc mà dân tộc tính đang chơi vơi.

Hiền Trang
.
.