Khi ngã lòng, cái gì giúp bạn đứng lên, đó là văn hóa!

Chủ Nhật, 30/09/2018, 10:39
Theo dõi công cuộc chống tham nhũng, chỉnh đốn Đảng trong hơn 2 năm qua, tôi có để ý đến một nhóm tương đối đặc biệt: đó là các cựu quan chức có tuổi đời khá trẻ (khoảng trên 40, thậm chí là chỉ trên 30), phạm lỗi chưa đủ để cấu thành tội phạm và chỉ bị mất chức, mất việc. 


Có lần, nhân sự kiện một lãnh đạo cấp tỉnh thuộc nhóm kể trên bị mất chức, tôi có hỏi một người anh, là một kiến trúc sư nổi tiếng: “Không biết mất chức rồi thì anh ta sẽ làm gì hằng ngày nhỉ, liệu còn động lực nào để phấn đấu hay để sửa sai?”.

Một số giả thiết đã được đưa ra:

+ Đánh golf: Cũng có thể lắm, làm quan chức thì ai chả biết đánh golf. Nhưng giờ đánh với ai mới là vấn đề, chả nhẽ đánh một mình?

+ Ôn ngoại ngữ để đi học nước ngoài: Cũng là một phương án. Thế hệ quan chức trẻ tuổi 7X, 8X, khá nhiều người được học hành bài bản và việc họ tìm cách đi học lại, học thêm là điều không phải là không có khả năng.

+ Sưu tầm chuyên nghiệp một món gì đó (tranh/tem...): Việc này, nhiều người đã có thói quen ngay khi còn đương chức. Có khi việc mất chức lại là cơ hội để họ chuyển sang làm nghề sưu tầm chuyên nghiệp chăng?

+ Ra nước ngoài đầu tư kinh doanh gì đó: Hoàn toàn có khả năng, họ vẫn có tiền mà.

Sau một hồi thảo luận, anh bạn kiến trúc sư của tôi kết luận những lúc biến cố, khúc ngoặt cuộc đời thế này, nói chung làm được gì, có vượt qua được không phụ thuộc rất nhiều vào “văn hóa” của con người.

Anh lấy ví dụ về nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Trần Đăng Tuấn. Anh nói: “Nếu không có văn hóa cao, anh Tuấn chắc khó gây dựng phong trào từ thiện "Cơm có thịt”". 

Khi về, lên mạng, đọc được bài thơ này của bác Tuấn, tôi mới thấy anh bạn kiến trúc sư của mình nói đúng:

CÓ MỘT NGÀY 

(Trần Đăng Tuấn)

Có một ngày
Rời chậu cảnh, cây ra ngoài đất bãi
Đất cằn hơn và bãi rộng hơn
Có một ngày
Không vui sướng cũng không ngần ngại
Tôi rẽ vào ngả đời
Gập ghềnh hơn mà thanh thản hơn!
Tết này có ai cho rượu ngoại?
Càng thấu tình men lá rượu ngô trong
Xuân này thôi họp hành lễ lạt
Cha dắt con đi chơi non biếc nắng hồng
Giờ như bao chú cô bác khác
Cha loay hoay tìm việc để nuôi con
Chút gian khó CỦA đời cha sẽ nếm
Để gần hơn bao thân phận mất còn!

Ngẫm lại với chính chuyện cá nhân thì nhận định của anh bạn kiến trúc sư cũng đúng nốt. 

Hơn 10 năm trước, khi còn là sinh viên ngành vật lý tại đại học ở Paris; đã có lúc, tôi rơi vào trạng thái “mất phương hướng” vì biết là mình không yêu ngành mình học, trong khi chưa biết sẽ chọn lối đi nào tiếp theo cho cuộc đời mình. Và trong những ngày tháng bơ vơ đó, cái giúp tôi vượt qua cũng có liên quan đến văn hóa.

Số là ở thư viện quận 13 Paris gần khu phố Tàu có một gian phòng có 2 tủ sách/truyện tiếng Việt rất hay. Tức là toàn thứ “văn hóa” mà suốt cả chục năm trước đó, một sinh viên ngành tự nhiên như tôi chả bao giờ quan tâm. 

Ảnh: L.G.

Thế là để quên đi nỗi buồn trên giảng đường, tôi cứ lên thư viện quận 13 mượn sách về đọc. Chỉ tiêu mỗi lần được mượn 6 cuốn, đọc hết, tôi lại mang lên đổi 6 cuốn khác đến khi hết sạch 2 tủ sách thì thôi.

Khi đó tôi cũng không ngờ, việc miệt mài đọc sách này đã giúp tôi trở thành người có văn hóa hơn. Ví dụ như trước đó, tôi chỉ biết Phùng Quán là một nhà văn với một tác phẩm duy nhất là Tuổi thơ dữ dội

Nhờ đọc sách, tôi còn biết được Phùng Quán còn là nhà thơ với câu thơ nổi tiếng: “Có những phút ngã lòng/ Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy”. Nói không ngoa, với tôi, lúc ngã lòng, tôi đã vịn “văn hóa” trong những cuốn sách ở thư viện quận 13 mà đứng dậy.

Một nhà văn lớn, cách đây chừng 10 năm, có viết một bài về văn hóa rất hay. Đại ý là trong thời buổi này, nếu kinh tế là cái chân ga thì văn hóa sẽ là cái chân phanh (để hãm “ô tô” khỏi phi nhanh quá mà... rơi xuống vực). 

Nhận thức hiện nay cho tôi đưa đến một kết luận là chân phanh không những giúp ô tô khỏi rơi xuống vực mà còn giúp tài xế bẻ lái theo một hướng khác một cách nhẹ nhàng hơn, bền vững hơn. Tóm lại là “văn hóa” là cái giúp con người ta “giảm xóc” và “điều hướng”.

Hồi còn bé, tôi rất hay nghe thấy cụm từ “học văn hóa”. Chả hiểu sao mấy năm gần đây ít người nói đến cụm từ này. Những từ phổ biến ngày nay hơn là “học kiến thức”, “học kỹ năng”. 

Hoặc gần đây nhất, nhiều trường đại học trong cả nước (như Đại học Fulbright hay Đại học Việt Nhật) đưa ra một triết lý đào tạo có tên gọi “giáo dục khai phóng”, trong đó, sinh viên sẽ phải học một số môn “khai phóng” như triết học, văn học, ngôn ngữ học..., tức là các môn trang bị cho người học kiến thức toàn diện trước khi bước chân vào lĩnh vực chuyên sâu nào đó.

Từ “giáo dục khai phóng” ở nước ta hiện nay có vẻ “thời thượng” hơn vì nó trùng với một từ đã phổ biến ở phương Tây hàng trăm năm nay, đó là “liberal art education”. Là người nghiên cứu giáo dục, tôi thường xuyên tiếp xúc với từ này, nhưng thú thực, tôi vẫn thích từ “học văn hóa” hơn vì nó giản dị, dễ gần, dễ hiểu. 

Thậm chí, “học văn hóa” là gì có khi cũng chả cần phải hiểu, phải định nghĩa. Cứ khi nào bạn “ngã lòng”, cái gì giúp bạn đứng lên được, đó là văn hóa.

Nhưng để có được "cái gì" ấy, tôi nghĩ, con người ta cần một quá trình tích lũy, và cái ý thức tích lũy ấy, cái quá trình tích lũy ấy, bản thân nó cũng là "văn hóa". Nếu không có nó, mỗi khi vấp ngã trong cuộc chiến cuộc đời, bất luận là cuộc chiến quyền lực, cuộc chiến tài sản hay cuộc chiến danh vọng, bạn sẽ không bao giờ có cơ hội đứng lên!

Phạm Hiệp
.
.