Hương vị quê nhà ở nơi xa xứ

Chủ Nhật, 11/12/2005, 09:10

Mỗi khi ôn lại ký ức thời thơ ấu, bên mẹ thương yêu, được mẹ chăm lo từng cái ăn, cái mặc, những kỷ niệm về các bạn sinh viên, học sinh da đen, da trắng tuy khác màu da, nhưng rất gần gũi và quý trọng người thầy da vàng của họ thỉnh thoảng lại tái hiện trong ký ức tôi, khiến tôi không khỏi bồi hồi, xúc động.

Suốt tuổi thơ, tôi được thưởng thức nhiều món ăn do mẹ tôi tự tay chế biến, trong đó món bánh đúc lạc hoặc dừa thái mỏng đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng sâu đậm. Mẹ tôi nấu rất khéo, pha nước vôi rất vừa, và thêm một chút hàn the, bánh đúc được quấy nhuyễn, mẹ tôi đổ vào một cái mẹt, lót một lớp lá chuối đã rửa, lau sạch, dàn thật đều thành một cái bánh tròn, dày độ ba phân... lấy lồng bàn đậy lại rồi đem lên đặt ở bàn ăn khu hiên... đợi bánh nguội, rắn lại mới ăn. Mẹ tôi còn làm nước chấm cho bánh đúc: gạn nước tương trong màu vàng nâu sậm đậm rồi đổ ra bát thành một thứ nước chấm ngon ngọt của vị đỗ tương rang và nếp cái hoa vàng ủ mốc lên men màu hoa cau thơm phức, nồng nàn.

Khi bánh đã đông, nguội, vỏ ngoài hơi se rắn, dai khô nhưng trong ruột vẫn mềm, dẻo, ướt, mẹ tôi lấy dao cắt bánh dọc ngang phân thành những lát bánh vừa tay cầm hình thoi. Chị em chúng tôi quây quần quanh chiếc bánh, dùng tay cầm lát bánh lên chấm vào bát nước chấm thơm, ngọt, đưa vào miệng nhai kỹ... Bánh đúc vỏ hơi dai, ruột dẻo nhuyễn - tuy được nấu bằng những hạt tấm - nhưng vẫn có độ giòn, cứng của tấm, hơi nồng của mùi vôi - một hương vị đặc trưng của bánh đúc, cộng với mùi lạc, mùi dừa... Ăn bánh đúc kèm những quả sung nếp non, vài lát rau chuối tây non thái mỏng, dăm ngọn kinh giới hoặc tía tô… thì ôi chao, tôi nhớ suốt đời.

Tác giả bài viết (thứ 4 từ trái qua) cùng các sinh viên Trường Dự bị đại học (PUNIV) thủ đô Luanda, Ăngola năm 1988.
Vốn là một cậu ấm khảnh ăn, song tôi có thể ăn no bánh đúc do mẹ tôi nấu mà không chán! Điều này hẳn làm mẹ tôi thấy vui lòng lắm! Mẹ tôi và các chị tôi thường thích ăn bánh đúc chấm mắm tôm... Mắm tôm được đựng vào chiếc bát con, màu đỏ nhuyễn, vắt chanh vào khuấy đều, lập tức ngầu bọt trắng... bốc mùi thơm đặc biệt và có vị ngọt, đậm hấp dẫn... Nhưng riêng tôi, tôi không biết ăn mắm - vì sợ nó còn sống - mùi lại nặng... Thực ra đã có một vài lần tôi cũng thử chấm vào bát mắm tôm do mẹ tôi pha chế sạch sẽ, có màu đỏ hồng... thì cũng đã cảm thấy vị đậm đà của mắm, khi ăn, hương vị bốc lên mũi không có mùi nặng như ở ngoài mà có mùi thơm của giò lụa...

Từ món mắm tôm của ta, tôi lại nghĩ đến món trứng cá hồi muối của người châu Âu, một món khoái khẩu của họ, đắt tiền, trong khi đó tôi thì chịu, không thể đụng đũa. Một lần vào khoảng năm 1987 -1988, trên đường sang thủ đô Luanđa của Cộng hòa ăngôla dạy học, tại điểm dừng chân là khách sạn sân bay quốc tế Xêrêmét Chiêvơ của Matxcơva, trong một bữa ăn trưa, ngoài các món thông thường, suất ăn của tôi còn có một đĩa con trứng cá hồi muối dung lượng chỉ bằng một thìa canh. Đó là trứng cá hồi, mỗi trứng to bằng một hạt đu đủ, tròn, ở giữa màu xám, xung quanh trong trong, dính nhau trông gần như những hạt đu đủ chín...

Nghe nói món này là món quý hiếm, Tây rất thích, tôi xúc mấy hạt đưa vào miệng ăn thử... chưa kịp nhai thì xực lên mũi mùi tanh của dầu cá, làm tôi...sợ. Tôi nhai vội mấy miếng bánh mì, cố nuốt xuống cho hết mùi tanh lợ... Sau đó, không thể tiếp tục ăn được bất cứ một thứ gì nữa, đĩa trứng cá đó tôi đã “kính biếu” cho một cặp vợ chồng người Achentina ngồi bàn gần kề và được họ cảm ơn rối rít. Đúng là khẩu vị của mỗi người, mỗi dân tộc có những nét khá đặc biệt, khó có thể giải thích được!

Lại nói đến món bánh đúc tấm của mẹ tôi. Sau này khi sang châu Phi dạy học vào những năm 1986 - 1989, tôi lại được thưởng thức một món “bánh đúc” vốn là món ăn hàng ngày của người dân châu Phi, mà thực lòng tôi rất có cảm tình. Sự thể như sau. Tôi thi đỗ kỳ thi tuyển chuyên gia châu Phi và được chọn cử sang Luanđa để dạy bộ môn tâm lý học tại Trường Dự bị đại học (Pré-Universita’rio gọi tắt là PUNIV).

Trong một buổi dạy về Tâm lý học cá nhân, tôi có liên hệ giúp cho lớp học vui, sinh động về sở thích mỗi dân tộc. Tôi nói: “ở Việt Nam chúng tôi, một trong những tập quán, thị hiếu về ăn uống, là phải có cơm (aroz) nấu từ gạo, một sản phẩm của nền canh tác lúa nước. Trong bất cứ bữa liên hoan, cỗ bàn nào, dẫu có đủ thứ bánh, như bánh chưng, xôi đỗ… chủ nhà vẫn phải có một nồi cơm cho khách; mọi người, dù nem công chả phượng vẫn phải có vài thìa cơm chan canh thì mới kết thúc trọn vẹn được bữa ăn. Do đó, cơm đối với chúng tôi là món ăn dân tộc thường ngày không thể thiếu. Thế, ở Ăngôla, món ăn đó là món ăn gì?”.

 “Fuiz, fuiz, professor!” (Món fuizơ.. thưa giáo sư!) - Cả lớp đồng thanh trả lời tôi một cách thích thú. “Thế Fuiz là gì vậy? Nấu như thế nào?”. Tôi hỏi - “Manioca, milho!” (Sắn, ngô) - Cả lớp lại đồng thanh! Rồi lớp trưởng, một Vụ trưởng ở Bộ Giáo dục tên là Coócnenhô rất thân thiết với chuyên gia giáo dục chúng tôi, thạo tiếng Pháp vì hoạt động ở Côngô, đứng lên giải thích một thôi một hồi bằng tiếng Pháp (vì vốn tiếng Bồ Đào Nha của thầy còn có hạn) về chất liệu, cách chế biến ra món “fuiz” món ăn dân tộc của người dân Ăngôla: sắn củ nhổ về, ngâm nước độ vài ba ngày cho hết đắng, lúc bắt đầu chua thì vớt ra, bóc vỏ, phơi qua cho ráo, cho vào cối giã, rây bột mịn, cho vào nồi to nổi lửa quấy liên tục cho đến khi chín, múc đổ ra đĩa to, thành từng bánh để nguội. Khi ăn dùng dao cắt thành từng miếng để ăn. Thức ăn là nước chấm làm từ lạc, cá, thịt bò, thịt gà hầm... Fuiz ngô cũng làm tương tự. Tôi nghe và đoán: “Có vẻ giống món bánh đúc của ta rồi”. Tuy nhiên, để khỏi mất thì giờ, tôi gật đầu nói: “Tôi hiểu rồi! Thôi nhé! Ta tiếp tục bài học!”. Rồi giảng tiếp bài. Tuy nhiên, từ đó, lớp học vẫn phát ra những tiếng rì rầm, khúc khích cho đến hết giờ!

Thế rồi, chiều thứ bảy tuần đó, tôi đang ngồi đọc sách trong căn hộ riêng cùng với chuyên gia Cuba thì có tiếng gõ cửa. Tôi ra mở cửa phòng thì thấy lố nhố bốn, năm nam nữ thanh niên da đen. Mấy người tay xách cặp lồng… Thấy tôi, họ đồng thanh lên tiếng chào. Tôi cũng chào đáp lại. Sau khi chủ khách an tọa, nhìn kỹ, tôi mới nhận ra đó là các sinh viên ở lớp tôi dạy môn Tâm lý học cá nhân... hôm nọ. Nhưng khi ấy tôi không nghĩ tới câu chuyện đó nữa, mà chỉ cho rằng họ đến để hỏi bài, những phần không hiểu như mọi khi. Tôi sốt sắng pha trà búp Thái, bày mấy chiếc bánh bích quy ra đĩa, mang cả lọ đường kính để bên - mời anh chị em uống thử. Sau khi mời họ ăn bánh, uống trà, tôi bèn hỏi: “Thế nào, bài có chỗ nào khó phải giảng lại, hỏi đi?”. Cả bọn cười ồ lên: “Không, thầy ơi, chúng tôi đem fuiz đến cho thầy ăn thử đó”, rồi mấy cô gái da đen, xinh xắn, khỏe mạnh, săm sắn nhấc các ô cặp lồng ra, bày lên bàn một đĩa hình bầu dục to, trên có một chiếc bánh cũng hình bầu dục da căng, bột trắng đục, một bát xì dầu - nước chấm làm bằng củ lạc... và một đĩa trên bày một cục màu nâu tròn to, tôi không hiểu là thịt gì... “Thầy ăn thử fuiz đi! Fuiz sắn đấy!”.

Tôi tò mò lấy dao ăn, xắn một miếng fuiz mỏng đặt lên một đĩa ăn, cắt một miếng thịt đen đen, rồi đưa bánh lên miệng nhai, nuốt dè dặt... Hương vị bánh đúc tấm mẹ tôi nấu cùng những cảm giác ngày xưa bỗng trở lại với tôi. Tôi cảm thấy vô cùng thích thú, ăn ngon lành một lúc hết non nửa đĩa bánh. Món nước chấm làm bằng lạc của họ cũng chẳng khác món xì dầu của ta. Thấy tôi ăn bánh ngon lành, cả bọn tỏ ra vô cùng phấn khởi hỏi: “Thầy thấy thế nào? Có ngon không?”. Tôi vội đáp: “Ngon lắm, tôi thích ăn lắm vì nó giống món bánh đúc mà mẹ tôi vẫn nấu cho tôi ăn... Mềm và dễ tiêu lắm!”. Như gãi đúng chỗ ngứa, cả bọn vỗ tay vang, ồ lên: “Đúng rồi! Thầy nói đúng, món này ăn rất dễ tiêu vì mềm, không sợ đau dạ dày! Dân tôi ăn, người khỏe mạnh nên ngày nào cũng ăn đó thầy ạ!”.

Đang đà vui, phấn khởi vì thấy tôi ăn ngon lành món Fuiz mà họ đem đến, một sinh viên nam hỏi tôi: “Thầy thấy món thịt kia thế nào ạ?”. Tôi do ngần ngại món thịt lạ, chỉ nếm gọi là, cũng thấy có vị đậm đà nhưng mùi thì hơi khó chịu... “Cũng ngon, nhưng là thịt gì đấy?” - Tôi hỏi. “Cá nước ngọt đó thầy ạ! Không phải thịt bò, thịt lợn đâu”. Tôi chợt nghĩ: “Cá sông hồ thì nước mình vô khối, quý hóa gì, sao lại đem đãi thầy, đem thịt bò đến có hơn không?”. Anh sinh viên da đen có lẽ đọc được ý nghĩ của tôi nói tiếp: “Cá này phải nhập từ Côngô sang đó thầy, ngon và đắt lắm, chỉ bên đó mới có. Họ phơi khô đem sang, nước chúng tôi chỉ có cá biển, còn sông thì không có con sông nào lớn, nên không có cá đâu! Nhà giàu mới dám ăn Fuiz với cá này đấy thầy ạ!”. Đến đây, tôi mới hiểu ra tấm lòng và sự trân trọng của họ đối với tôi, người thầy giáo da vàng thân mến của họ.

Buổi tiếp khách kết thúc trong không khí vui vẻ, chan hòa, thầy trò thích thú, phấn khởi với món fuiz, món ăn dân tộc của bạn. Tiễn khách ra về tôi nói: “Cám ơn các bạn đã cho tôi ăn thử để biết món ăn dân tộc, món ăn quý của các bạn. Tôi có thể ở mãi Ăngôla với các bạn vì thực sự thích món fuiz!”. “Thầy nhớ nhé hãy cứ ở đây với đất nước chúng tôi nhé!” - Cả bọn giao hẹn với tôi khi chia tay.

Thế nhưng, sau ba năm dạy học ở đây, mặc dầu phía bạn tha thiết giữ, Bộ Giáo dục ta cử tiếp, tôi đã một mực dùng vé “đi phép” để về nước, không trở lại với các bạn da đen đáng quý và đang rất cần tôi, vì bệnh tật một phần, phần vì tuổi đã không còn trẻ trung, xa nhà lâu rất nhớ gia đình. Bây giờ, mỗi khi ôn lại ký ức thời thơ ấu, bên mẹ thương yêu, được mẹ chăm lo từng cái ăn, cái mặc, những kỷ niệm về các bạn sinh viên, học sinh da đen, da trắng tuy khác màu da, nhưng rất gần gũi và quý trọng người thầy da vàng của họ thỉnh thoảng lại tái hiện trong ký ức tôi, khiến tôi không khỏi bồi hồi, xúc động

Lương Vĩnh Khang
.
.