Hớt tóc rồi cà phê

Thứ Bảy, 04/03/2017, 17:05
Ông thi sĩ Nguyễn Bắc Sơn là dân chơi khí phách ngang tàng, hôm ổng viết “Một ngày nhàn rỗi” trong đó có đoạn rất phong trần: "Buổi sáng mang tiền đi hớt tóc/ Vô tình ngang một quán cà phê/ Giang hồ hảo hán dăm thằng bạn/ Mải mê tán dóc chẳng cho về/ Về đâu, đâu cũng là đâu đó/ Đâu cũng đìu hiu đất Hán Hồ/ Hớt tóc cạo râu là chuyện nhỏ/ Ba nghìn thế giới cũng chưa to".

Ông thi sĩ Nguyễn Bắc Sơn cầm tiền đi hớt tóc, thì ông thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên cũng nhét tiền vào quán uống cà phê. Có điều ông Nguyễn Bắc Sơn rủng rỉnh dân chơi bao nhiêu thì ông Nguyễn Tất Nhiên buồn buồn bấy nhiêu.

"Tình cũng khó theo thời cơm áo khó/ Nên mới yêu, mà cư xử rất vợ chồng/ Rất thiệt tình khi lựa quán bình dân/ Khi nói thẳng: "Anh gọi cà phê đen bởi hụt tiền uống cà phê đá"" (Hai hàng me ở đường Gia Long).

1. Dông dài hầu chuyện tưng tửng nhớ thương vậy thôi chứ cũng không có ý sâu xa gì, chỉ là đôi lúc ngang qua trường đại học cũ, nhớ váng vất một khung trời da diết đắm say đã tắt lịm. Với lại lần nào đi cắt tóc cũng nhớ thơ ông Nguyễn Bắc Sơn, lần nào ngồi cà phê bình dân cũng vang vang thơ ông Nguyễn Tất Nhiên. Ông nào cũng tài hoa, ông nào cũng thương một trời lận đận. Vui vui buồn buồn, chẳng biết làm sao.

Suy cho cùng trong một kiếp con người thì điều gì là quan trọng nhất? Tình thiệt làm sao có thể trả lời được, bởi mình là mình còn thiên hạ là thiên hạ.

Như khi mình hai mươi tuổi, điều quan trọng nhất trong cuộc đời là không được để mất cô gái ấy, cô gái khiến mình đẫm trong mưa suốt một đêm dài dưới giàn hoa giấy đỏ rụng tả tơi. Cô gái khiến mình đợi chờ xa xăm nơi này nơi khác, vậy mà cuối cùng cô gái cũng lấy chồng. Những tưởng mình đã có thể nổ tung lồng ngực, có biết đâu lâu rồi đời mình cũng qua.

Như khi mình ba mươi tuổi, chỉ mong hai con không bệnh, chỉ mong nửa khuya thức dậy sờ trán con thấy mát lạnh, chỉ mong sớm đi làm hôn lên đôi má con, chiều về nhà con vỗ tay reo mừng.

Như khi mình già thêm xíu nữa, chỉ mong ba má bình an, chỉ mong má đừng mất ngủ, chỉ mong cái lưng của ba thôi nhức, chỉ mong còn nhìn thấy ba thấy má trong căn nhà quen thuộc.

Những mơ ước ấy nhỏ nhoi như khi đi hớt tóc, như khi uống cà phê thôi. Bởi trong cõi nhân gian không thể hiểu này, được làm điều mình thích, còn đủ sức để chiều chuộng những nỗi bình thường ấy đã là hạnh phúc lắm rồi. Kiểu như, trẻ con thì thích siêu nhân, người lớn thì thích giai nhân vậy.

2. Mình về quê, đi bộ lang thang lên tiệm hớt tóc cũ, cái tiệm hớt tóc mình hay hớt hồi phổ thông, chớm mắt mà gần hai mươi năm rồi. Anh thợ hớt tóc tên Tèo, trắng bóc, thanh niên nhà quê theo nghề hớt tóc lúc nào trông cũng hơi đỏm dáng.

Hỏi, dạo này còn làm nhà báo không? Đáp, vẫn còn, không viết báo nữa không biết làm gì khác. Tiếp lời, ừ, làm nhà báo sướng quá, muốn đi đâu thì đi, quen biết rộng không phải cực như làm rẫy. Cười cười, cũng không biết trả lời sao. Mỗi người mỗi phận, mỗi nghề mỗi cực.

Giả như mình thấy anh Tèo hớt tóc, vừa hớt tóc vừa lẩm nhẩm nhạc sến theo tiếng hát phát ra từ cái máy CD cũ. Mình nghĩ đó là an lành, cắt xong tóc một người tính luôn cạo mặt, lấy ráy tai được ba mươi nghìn, nhét ba mươi nghìn vào túi ngồi trên ghế ngóng ra đường chờ khách khác, điều này cũng hay hay mà, không phải nghĩ gì, không phải bận tâm gì, cũng không nhất thiết phải quan tâm điều gì đang xảy ra xung quanh mình, thông tin nào đang nóng, thông tin nào đang được quan tâm.

Mỗi ngày hớt vài người, được hơn trăm ngàn, đưa cho vợ chẵn một trăm còn mấy mươi nghìn nhét túi tiêu vặt. Hoặc cà phê, hoặc uống rượu hoặc mua thuốc lá hút. Ngày cứ ngày quẩn quanh, ngày cứ ngày trôi qua, thinh lặng mà sống, thinh lặng mà tan biến, chẳng suy tính quá nhiều, chẳng ước mơ quá nhiều. Biết đủ có phải là hạnh phúc không. Ừ, thì nghe mấy người đọc đạo thiền cho rằng biết đủ là hạnh phúc. Còn khi nào là đủ lúc nào là thiếu thì ai mà biết được.

Chuyện, thấy em không khác xưa gì nha, vẫn trẻ măng. Đáp, cũng chớm già rồi anh, trên đầu tóc đã bạc nhiều. Lúc nói câu này, sực nhớ mấy câu thơ của ông thi sĩ Du Tử Lê vô cùng: "Người vẫn thế gánh đời tôi thua thiệt/ Mắt vẫn buồn như suốt dạo tôi đi/ Tóc đương xanh nhưng lòng đã bạc nhiều/ Chân bé nhỏ đi trong sầu bão lớn" (Thơ cho một người họ Huỳnh)

Chuyện, hay nhuộm đen không, lâu rồi mới gặp anh nhuộm cho miễn phí. Đùa, nhuộm rồi có bạc lại không anh? Trả lời, có chứ, nhuộm rồi lại bạc, chứ có loại thuốc nào nhuộm mà đen hoài đâu. Cười, vậy thôi nhuộm làm gì, mắc công ra. Tưởng nhuộm một lần đen vĩnh viễn còn tính lại, chứ nhuộm lại bạc thì nhuộm làm gì. Gắt, nhà báo nói chuyện giống thằng mát dây quá. Lại cười.

Kể, thấy anh hớt tóc vậy thôi chứ anh hơi dân chơi đó, anh thích là anh đóng cửa quán đi chơi với bạn gái mấy ngày mới về. Đùa, giỡn hoài anh, rồi chị ở nhà thì sao? Khẳng định, thì ở nhà đợi mình về rồi tức chứ làm gì được mình. Hồi anh đi lần đâu, lo ghê lắm. Sợ anh bị ăn cướp giết mất xác, báo công an xã luôn mà. Đến khi thấy anh về, mừng quá quên hỏi anh đi đâu luôn.

Mấy ngày sau nhớ ra vặn anh, anh nói anh đi chơi với bạn, giận anh mấy ngày rồi lại thôi. Bây giờ anh đi hoài cũng quen quen rồi, tức thôi chứ làm gì được anh. Có lần ép anh quá anh nói, tui vậy đó bà không sống được thì li dị. Mình nói vậy thôi, chứ nghĩ lại thì cũng thương, gặp phải thằng chồng như mình cũng bi kịch. Chắc là hắn cũng tức nha, mà tại thương mình thì chịu thôi.

Hỏi, vậy sao không tém bớt bạn gái qua một bên đi, chứ để chị buồn vậy thì mình cũng đâu có vui. Trả lời, thì anh cũng tính mấy lần rồi, nhưng nhiều lúc người cứ như mình không là mình, lại đi. Anh hớt cho em kiểu ạc-ma-ni này hơi bị đẹp luôn. Tiếng kéo lách cách.

Hớt xong đưa năm mươi nghìn, bảo là thôi khỏi thối. Ngạc nhiên, thôi để thối lại mười nghìn, chứ boa gì nhiều vậy. Trả lời, thôi coi như mỗi lần hớt tóc cho em thì em cho cháu hai bịch snack đi. Cười, dân Sài Gòn thoải mái quá ta.

Mình cũng cười.

3. Về đến nhà, thằng bạn cũ bên kia đường thấy băng qua gõ cửa, nói chuyện vài câu rủ, hai thằng mình cà phê đi. Ừ, ngồi một lát rồi tao làm tiếp cũng được.

Quán có cây trứng cá lòa xòa, ông chủ quán có hai cô con gái, ngày mình đi học còn bé xíu xiu, nay thì thiếu nữ cả, xinh nhiều. Chú uống như cũ hả? Ừ, như cũ. Còn chú, cho chú chai nước ngọt. Hét lên, một cà phê đá không đường, một nước ngọt. Dứt lời, đi vào bên trong.

Hỏi, bạn dạo này ra sao. Bạn văng tục, mới đi buôn lá hồi dịp tết lỗ mấy chục triệu chán muốn chết. Hỏi, buôn lá gì mà lỗ nhiều vậy. Đáp, thì buôn lá chuối, lá dong cho người ta gói bánh đó. Mua mão ba sào lá chuối của người ta hết một trăm năm mươi triệu, mượn tiền của ông bà già. Mà người ta nuôi heo rồi xả ra phía sau cho chuối lớn, lá tốt lắm. Có điều mỗi lần cắt phải mang giầy, phân ngập đến mắt cá chân. Cắt cả mùa tết bán được có một trăm triệu, xem như lỗ năm mươi triệu với công của mấy anh em, ông già chửi ghê lắm.

An ủi, thôi coi như có kinh nghiệm. Trả lời, ừ thì coi như có kinh nghiệm thôi. Mới năm đầu tiên nên mình định giá sai, chứ cuối năm nay là ngon chắc luôn.

Hỏi, hai đứa nhóc sao rồi? Đáp, thì ở bên nhà nội, hai vợ chồng thì ở trong rẫy. Vợ vẫn làm công nhân, tăng ca hết cỡ tháng được hơn năm triệu. Còn tao thì bốc hàng cho người ta vậy thôi.

Có đỡ không? Không đỡ cũng phải đỡ thôi, chứ bây giờ biết là làm sao. Ừ, thì bây giờ biết là làm sao, không đỡ cũng phải đỡ thôi.

Mỗi kiện hàng bốc từ kho lên xe tải được định giá 700 đồng, có kiện 10kg, có kiện 20kg, có kiện 30kg. Xoài thì 30kg/kiện, chôm chôm thì 20kg/kiện, nhãn thì 10kg/kiện.

Vậy ngày được nhiêu tiền? Tùy thôi, như sáng giờ được gần bốn chục ngàn rồi. Bốc xong, đợi vợ đi làm về rồi chở nhau vô rẫy hả? Không, nay chắc mình tao vô thôi, cho nó ở nhà ông bà già vì nay nó tăng ca đến khuya lận.

Tính nhắc vài câu chuyện cũ, nghĩ sao lại thôi, hai thằng ngồi ngó ra đường, xe tải chạy ngang quốc lộ sầm sập, chẳng biết buồn hay vui nữa.

Buổi chiều cũng sắp tắt rồi, hôm nay đã cuối tháng Giêng, trên trời không có trăng!

Ngô Kinh Luân
.
.