Người nữ trong văn chương Việt

Hỏi tên rằng giống đàn bà

Thứ Hai, 15/10/2018, 17:05
Như khúc ngoặt quan trọng, từ cuối thập niên 1990, văn đàn cùng lúc có sự trỗi dậy của các tác giả nữ mà cảm xúc và giọng điệu chủ đạo của họ là khát vọng giải phóng tính dục, quay về với tính nữ vĩnh cửu, chất vấn không ngừng các giá trị nam quyền từng được đặt định dài lâu. 

Chẳng còn đắn đo e dè, cái nhìn về thân thể người nữ, về chức phận làm mẹ làm vợ, về các ràng buộc đạo đức…., đã trực diện và đa tầng hơn rất nhiều. Trong diễn biến đó, người nữ của văn chương nghệ thuật giai đoạn này rất cần được hiểu là một hiện tượng văn hóa.

Tính nữ vĩnh cửu

Bài Tan vỡ trong tập Lối nhỏ (1988) của Dư Thị Hoàn đã kết thúc với những câu thơ mà không ít người giờ đây vẫn giật mình vì sự tỉnh táo, cương quyết, lời nhẹ như gió nhưng sắc như dao: “Tất cả rồi dễ qua đi, qua đi/ Chúng mình sẽ thành vợ thành chồng/ Nếu không có một lần/ Một lần như đêm nay/ Sau phút giây/ Êm đềm trên ghế đá/ Anh không cài lại khuy áo ngực cho em”

Cái khuy áo ngực, rõ ràng, là dấu chấm hết cho những ảo tưởng về người nữ hiền thục, nhẫn nhịn cam chịu thua thiệt. 

Thân thể, trong trường hợp này, đã lên tiếng và chờ đợi một sự đổi khác từ nam giới, từ toàn bộ trật tự nam quyền xa xưa vẫn coi thân thể đàn bà là thứ để mua vui, duy trì nòi giống và ấn định quan niệm tam tòng tứ đức. 

Những vượt thoát bắt đầu từ thân thể, từ chính nơi bị cầm tù trong các cấm kị, để đón nhận và thấu hiểu hoan lạc, khoái cảm: “Hỡi những người phụ nữ, hãy yêu và sống đến cùng như mình muốn/ Đừng mặc cảm giấu che!/ Nín đi! Bắt đầu cuộc sống không cần chịu đựng, chờ chiếu cố” (Yêu cùng Goerge Sand – Vi Thùy Linh). 

Táo bạo trong lời thúc giục và mê đắm, chân thực trong bộc lộ suy nghĩ, cảm thức về thân thể chính là phương thức biểu hiện khát khao giải phóng tính dục, phô bày vẻ đẹp tự nhiên và sự hòa hợp tình yêu viên mãn. 

Từ đó, như một tất yếu, ngôn ngữ văn chương, đặc biệt là thơ của Vi Thùy Linh, Ly Hoàng Ly hay Phan Huyền Thư và văn xuôi của Y Ban, Võ Thị Hảo, Nguyễn Thị Thu Huệ, Võ Thị Xuân Hà, Đỗ Hoàng Diệu…, trở nên đậm đặc lớp động từ mạnh, gợi nhắc sự trỗi dậy của mạch văn hóa phồn thực chảy bất tận trong cấu trúc xã hội thuần nông: làm kén, thụ mầm, thụ tinh, thụ tạo, bung ra, sinh sôi, nảy nở, nở bung, phục sinh, bừng mở, vén, tụt, khỏa thân, khóa chặt, truy hoan, dâng, vuốt, cong, rướn, nhập, đạp toang, cắn giập,… 

Mỗi văn bản không đơn thuần chỉ có câu chuyện hay cảm xúc, mà nói như lý thuyết gia nữ quyền Hélène Cixous, là một sự kết hợp giữa giống (sex) và văn bản (text), tạo ra mô hình “phụ nữ phải viết ra thể xác của mình” để phụ nữ có thể giành lấy vị thế khác hơn so với sự im lặng trước văn hóa nam quyền.

Những tác giả nữ liên tục xuất hiện, quả thật, đã làm phong phú thêm các mảnh ghép tính nữ. Một cách chủ ý, họ tự gọi tên và xác định, từ I am đàn bà, Người đàn bà có ma lực, Hồn trinh nữ, Góa phụ đen, Thiếu phụ chưa chồng, Tiểu thuyết đàn bà, cho đến Gánh đàn bà, Đàn bà ba mươi, Vũ điệu thân gầy, Người đàn bà miền núi… 

Có thể thấy những nỗ lực kiến tạo “đàn bà” ở đây đều tập trung coi tính nữ không phải là nhất thành bất biến, không hề sinh ra từ nhãn quan nam giới, mà là quá trình tự thân, tự cấu trúc nên bởi ý thức về giới. Ý thức này hoàn toàn muốn vươn tới bình đẳng, độc lập và vì thế, họ chống lại các bổn phận hay trách nhiệm mà xã hội vẫn thường gán cho họ. 

Những ẩn dụ về bi kịch hôn nhân, về nhu cầu tính dục bất khả hồi đáp, về tính cách nổi loạn bị trả giá…, đều truy vấn trực diện các thiết chế quan trọng như giáo dục, gia đình, tập tục, nữ quyền. Đó không chỉ là cách tác giả nữ tự đấu tranh với bản thân mình mà còn là những phản hồi, đề đạt rất sát sườn nhằm đánh động xã hội có chung tâm thế sẻ chia, thông hiểu.

Nhưng tính nữ vĩnh cửu, cuối cùng, vẫn đủ đầy nhất khi chạm đến “nữ quyền làm mẹ” (motherhood feminism), xác tín sự cá biệt và đặc thù giới. Những câu chuyện về thai nghén, sinh nở, đẻ khó, vô sinh, làm mẹ đơn thân, con ngoài giá thú…, tựa con lắc đơn dao động giữa hạnh phúc và khổ đau, đã tô đậm lớp nghĩa cao cả của phái yếu.

“Thèm chui rúc trong con”, “thèm cuộn tròn trong tã lót con”, “thèm tách sữa nóng chảy từ bầu vú”, như Lynh Bacardi diễn tả, gây ấn tượng vì cảm giác trọn vẹn đồng nhất mẹ - con. 

Nên rời khỏi bào thai mẹ, theo cái nhìn của Tạ Duy Anh trong Thiên thần sám hối, là vĩnh viễn rời xa không gian an toàn nhất, bắt đầu chuỗi ngày khó khăn của đời người. Ý niệm bào thai mẹ như khởi đầu của mọi sinh thể, hay đúng hơn là mẫu tính của mọi tính cách, càng được chuyển hóa khi đặt nó vào dân tộc tính. 

Mẫu thượng ngàn và Đội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh là hai tiểu thuyết khai thác sâu văn hóa và tín ngưỡng thờ Mẫu, và từ đó, coi thứ văn hóa này là căn nền vững chắc nhất trên mảnh đất kinh qua rất nhiều thiên tai địch họa. 

Những va chạm và tiếp biến văn hóa ngoại lai, vì thế, càng chứng thực đặc tính Mẫu của dân tộc Việt vốn được tiếng là bao dung, cởi mở, linh hoạt ứng xử nhưng cũng không giỏi tự phê phán, phản biện chính mình. 

Đối mặt thế giới ảo

Giữa thập niên đầu thế kỉ XXI, từ khóa “hot girl” hay “chân dài”, tạo ra bởi internet, đã lây lan một cách nhanh chóng những ảnh tượng mới về người nữ. 

Văn chương nghệ thuật lập tức trưng dụng chúng theo nhiều cách rất thời thượng, hoặc trắng phớ như Những cô gái chân dài (2004), ý tứ như Gái nhảy (2003), mủi lòng như Trái tim bé bỏng (2008) hoặc ỡm ờ như Hot boy nổi loạn và câu chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt (2011), hoặc trọn gói hợm hĩnh như Vòng eo 56 (2016)... 

Nhưng “hot girl” đã dần mờ trong kho từ vựng của truyền thông ưa chú mục cơ thể người nữ. “Gái phượt” mới là nóng hổi. Cùng với sự bùng nổ của loại sách kĩ năng dạy nấu ăn, dạy con, chăm chồng, làm dâu xứ người, các tác phẩm du kí với nhân vật nữ trải nghiệm đã chính thức đặt người nữ vào thế công dân toàn cầu, năng động, giỏi giang, tinh tế và dũng cảm. 

Du kí, mà bản chất là ghi chép về các chuyến đi, vô tình trở thành diễn ngôn mới của “gái phượt”, của những khẩu hiệu nói lên can đảm và ý chí, bao gồm cả liều lĩnh và bất cần, từ Xách ba lô lên và đi, Quá trẻ để chết, Chân đi không mỏi, Đường về nhà, Yếm đào lẳng lơ đến Tôi là một con lừa, Một mình ở châu Âu, Con đường Hồi giáo… 

Người nữ trong du kí gần đây, thiết nghĩ, kích thích sự tò mò từ phía độc giả rằng thân gái dặm trường sẽ phải xoay sở, ứng phó ra sao trước bất trắc. 

Thực chất, thay vì muốn “đổi phận làm trai”, người nữ đã tự mình kiến tạo hình ảnh phiêu lưu, chinh phục và khám phá vốn dĩ gắn chặt với nam giới, từ đó tạo lập cái tôi đa và xuyên văn hóa. Thái độ khước từ yên ổn, vươn tới một tinh thần phi thường trong đời thường, ít nhiều cho họ quyền được tuyên ngôn và khẳng định.

Sau du kí sẽ là thể loại nào? Ở Việt Nam, theo tôi, đó là tự truyện. Và những tự truyện đáng kể gần đây như Yêu và sống, Để gió cuốn đi, Đằng sau những nụ cười, Vàng Anh và phượng hoàng,… một lần nữa, là của tác giả nữ và về người nữ. 

Tự sự tự mình này, với tôi, cho cảm giác cân bằng nhất định về hình ảnh người nữ sau sự mạnh tay ở du kí và sự phóng tay đuổi theo thị trường của điện ảnh hay âm nhạc.

Đúng là nhờ sự phát triển của công nghệ in ấn, xuất bản, đặc biệt là mạng xã hội, nhận thức và hành động của người nữ đã thay đổi liên tục. Phụ nữ xuất hiện ngày càng đông và có ảnh hưởng nhất định trong không gian mạng. Và họ có thể tranh luận, biểu thị quan điểm, chính kiến trước rất nhiều vấn đề của xã hội và của giới mình.

Những tương tác tức thời của họ với dòng văn học ngôn tình (tác giả Tào Đình là ví dụ), với phim truyền hình nhiều tập (điển hình gần đây là phim Sống chung với mẹ chồng hoặc phim truyện Em chưa 18, Cô Ba Sài Gòn), với ca khúc (Em gái mưa chẳng hạn),... dường như quyết định rất lớn đến kiểu người nữ trong các loại hình nghệ thuật. Đó có thể là đa sầu đa cảm, mơ mộng, hoài cổ nhưng cũng có thể là nhí nhố, nhạt nhẽo, nổi loạn hoặc chịu thương chịu khó. 

Những cuốn sách bán chạy, những bộ phim hút khách, hay các ca khúc đình đám không thể không tính đến lá phiếu, gu thẩm mĩ của khán giả nữ, của những bình luận từ các “hội chị em” nhan nhản trên mạng xã hội. 

Hiện tượng này, có thể nói, là một biểu hiện của nữ quyền trong thế giới ảo (cyberfeminism), giải thích vì sao trong không gian mạng, tiếng nói của phụ nữ dễ dàng đạt được uy quyền hơn trong thực tế. 

Tuy nhiên, theo tôi, nếu nghệ thuật chiểu theo tiếng nói này, và lấy thước đo ủng hộ của nữ giới làm mục tiêu sáng tạo, thì không chỉ cách xa nữ quyền trên thực tế thêm một bước, mà rất có thể, còn lâm vào những sai lệch trong hình tượng người nữ vốn đã bị diễn giải, mô tả phiến diện rất nhiều.

Mai Anh Tuấn
.
.